Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến (Bài số 2)

Thứ bảy - 25/06/2016 04:16
Căn gốc trong nền văn hóa Việt Nam là chữ "tình" vì thế nên Văn học Việt Nam rất phong phú về đời sống, tâm hồn, tình cảm. Những quan hệ chằng chịt của người với nhau có nhiều cung bậc rất tế nhị. Điều này rất đúng trong Văn học dân gian nhưng lại là một khoảng trống trong Văn học viết Trung Đại.
Khóc Dương Khuê là bài thơ hiếm hoi khóc mất bạn. Đó là những giọt nước mắt của người già khóc nhau thống thiết và vô cùng chân thành.
 
Dương Khuê đậu cử nhân cùng khoa với Nguvễn Khuyến. Ông là bạn rất thân với Tam Nguyên Yên Đổ. Sau đậu tiến sĩ Dương Khuê làm Tham tá nha kinh lược Bắc kì rồi làm tổng tiếng về để tài hành lạc cuối thế kỷ XIX. Ông ít tuổi hơn nhưng lại mất trước Nguyễn Khuyến bảy năm. Bài thơ khóc bạn được: viết bằng chữ Hán rồi sau đó Nguyễn Khuyến tự dịch ra chữ Nôm.
 
Hai câu đầu cho thấy cái tin bạn mất đối với Nguyễn Khuyến là quá đột ngột.
 
"Thôi” là một từ thường đi kèm động từ "đi thôi", "ăn thôi", "ngủ thôi"...dùng để chỉ một việc có thể khởi đầu và cũng có thể kết thúc. Câu thơ nếu diễn đạt theo cách nói thông thường thì sẽ là: "Bác Dương đã thôi rồi" bởi vì từ đã trong tiếng Việt luôn đứng trước động từ để chỉ thời quá khứ. Như vậy, "thôi đã thôi rồi"chứa đựng một lời than, một sự bàng hoàng và một sự ngậm ngùi. Nó xác định điều đã xảy ra. Hai từ thôi mở đầu câu thơ có nét nghía rất khác nhau "Thôi đã" như một thán từ mà ta đã gặp trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. "ôi thôi thôi", "Thôi rồi" thì lại là một thực từ, một động từ nói tránh một sự kiện mà nhà thơ không dám tin: Bác Dương đã chết rồi. Bác Dương mất, Nguyễn Khuyến vừa không tin, vừa coi đó như một sự khởi đầu nhưng đồng thời lại coi là sự kết thúc không cứu vãn. Ngay lập tức nhà thơ đã nhìn "Nước mây", "Trời đất", "Vũ trụ" đổi khác.
 
"Nước mây man mác" và vì thế mà: "ngậm ngùi lòng ta". Đây là tâm cảnh.Nỗi đau thương chi phối mọi cảnh vật. Câu thơ gợi nhớ đến màu tang tóc của câu mười tám bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: "Đoái sông Cần Giuộc cỏ câymấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ".
 
Đoạn thơ tiếp theo, Nguyễn Khuyến đã nhắc lại, ôn lại những kỷ niệm của hàng chục năm khăng khít với bạn mình.
 
Kỷ niệm đầu tiên là hai người cùng thi đậu, cùng đăng khoa đó là kỷ niệm của hàng chục năm khăng khít với bạn mình.
 
"Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau"
 
Kể từ thuở đó, tôi bác vẫn sớm hôm cùng nhau, sớm thì có hôm, tôi thì có bác, cùng thì có nhau. Ba cặp từ khăng khít, như tình bạn thưở nào, ràng rịt bên nhau, luôn mới mẻ. Tấm lòng son dành cho nhau từ thuở đó: "Kính yêu từ trước đến sau". Trước là thủy, sau là chung. Tình bạn ấy vẫn duy trì được sự kính yêu thủy chung. "Kính" là thái độ tôn trọng, bởi vì cả lý trí lẫn con tim chấp nhận nhau.
 
Vậy mà, theo Nguyễn Khuyến đang còn yếu tố thứ ba nữa để dựng nên thế chân vạc cho tình bạn ấy. Nguyễn Khuyến gọi đó là cái duyên của trời đất se lại cho mình người bạn chí thân. "Duyên" là khái niệm dân gian nói đến quan hệ lứa đôi trai gái. Nguyễn Khuyến lại cho rằng tình trai của mình khác đâu duyên trời.
 
Tiếp theo là những tâm sự riêng tư thầm kín rất đáng nhớ: ca hai đã từng : "đủng đỉnh gót tiên" đi vào thiên nhiên như hai con người thoát tục tiêu dao: "Cùng có lúc chơi nơi dặm khách. Tiếng suối nghe róc rách chân đèo
 
Ngay cả kỷ niệm "hành lạc" Nguyễn Khuyến cũng không quên:
 
"Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang".
 
Nguyễn Khuyến vốn là nhà nho rất nghiêm cẩn, mực thước. Trường hợp này ông lại ca ngợi sự buông thả rất con người. Có lẽ ông tán đồng quan niệm sống hành lạc của bạn mình chăng? Cả hai đã từng là Tiên, đã từng phàm tục, và đã từng gắn bó với tư cách là những trí thức có tài năng:
 
"Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
 Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang"
 
Không những là chia nhau rượu ngọt. Từ "nhắp" cho thấy đây không phải là nhửng kẻ đệ tử của Lưu Linh mà họ đang đưa cái "bầu xuân" phơi phới vào lòng mình. Hai tâm hồn thi sĩ ấy còn hợp nhau biết bao trong chuyện văn thơ, chuyện "đông bích, điển phần".
 
Kỷ niệm gần nhất cũng là số câu thơ được nói đến nhiều nhất. Tình bạn đã ngoặt sang một hướng khác và bị ảnh hưởng bởi thời thế. Nguyễn Khuyến gọi đó là buổi dương cửu. Ông cho rằng "hoạn nạn" không chỉ giáng xuống mình mà là:
 
"Buổi dương cửu cũng nhau hoạn nạn"
 
Làm sao mà trách trời được, và làm sao mà trách nhau được, khi mỗi người quyết định tự chọn cho mình một hướng đi? Nguyễn Khuyến cáo quan về quê. Dương khuê ở lại về hình thức là ôm chân thực dân và lũ vua quan bán nước. Nguyễn Khuyến đã hiểu thực chất việc ở lại ấy của bạn mình. Thực ra, phận đấu thăng vì miếng cơm manh áo, vì chữ hiếu với mẹ già mà Dương khuê phải ở lại. Đây là một các thanh minh để cảm thông với bạn.
 
Đoạn cuối có mười dòng nhưng căn cứ vào dấu chấm câu và nội dung thông báo trọn vẹn thì có ba câu. Câu một nói về việc mất bạn là mất người cùng ẩm tửu. Câu hai nói về việc mất bạn tâm giao khiến cho hứng thú viết thơ, hứng thú gảy đàn và cả hứng thú chờ bạn đến chơi cũng không còn.
 
Mất bạn coi như mất tất cả niềm vui cuộc đời. Vì vậy, câu thứ ba là những tiếng khóc thống thiết có sự trách móc dỗi hờn. So với những câu thơ phía trên thì đoạn thơ cuối có sự ngắt nhịp tương đối ổn định. Thế nhưng chính những cung bậc nước mắt, chính những tiếng thổn thức từ trái tim đau đã khiến cho nhịp thơ thay đổi. Ta như gặp nỗi đau quặn thắt, những tiếng nức nở, những suy ngâm thổn thức, những dư vị đắng cay cô kết lại. Có thể đọc đoạn sau đây để thấy điều đó.
 
"Giường kia treo cũng hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương".
 
Hai dòng lục bát:
 
"Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua".
 
Mấy câu thơ dày đặc những từ "không". Nếu kể thêm dòng tiếp theo ta có 6/3 dòng thơ lặp lại từ "không" này. Nói đúng ra chỉ vì câu ”không có bạn hiền" mà nó dẫn tới năm cái "không" tiếp theo. Không có bạn mọi cái đã trở thành hư vô, không có giá trị gì nữa. "Rượu ngon, chén quỳnh tương" là chỉ danh riêng để đãi bạn. Nhưng nếu không có bạn thì rượu đã không còn ngon được nữa.
 
"Rượu ngon" đâu phải là loại rượu đi mua một cách dễ dàng. Đâu phải là loại rượu có thể dùng tiền để mà mua? uống rượu với tri kỷ, tri âm thì giá trị tinh thần mới chính là hương vị của rượu. Dòng thơ ngắt nhịp 2/2 thường tạo giọng kể trầm buồn nhưng ở đây điệp từ "không" vang lên, dằn mạnh tạo nên một nỗi đau nhức nhối con tim. Người xưa những lúc đau buồn nhớ người tri kỷ thường độc âm để quên lãng. Ở đây không uống rượu được, kỉ niệm cứ ùn về, nỗi đau trở nên lắng đọng, kết tủa nhức nhối.
 
Nguyễn Khuyến đã gọi bạn mình là bạn hiền. Niềm kính mến vẫn là thái độ trước sau của Tam Nguyên Yên Đỗ và Dương Khuê. "Bạn hiền" là người bạn có tẩm kích tài năng và nhân cách hơn mình. Nó là tương tri và còn hơn thế nữa!
 
Người xưa viết thơ là để đồng điệu tìm bạn tâm giao. Hiểu thơ nhau là để cảm kích được cái tâm của nhau.
 
Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đã từng rất tri âm ngay từ thưở còn đi học. Giờ đây, câu thơ đã nghĩ chỉ cần vài giọt mực viết lên giấy là xong. Thế nhưng, phải đắn đo và rồi không viết nữa. Bởi "viết đưa ai, ai biết mà đưa"
 
Nhân vật ai thứ nhất là người trao thơ, nhân vật ai thứ hai là nhân vật thưởng thức thơ. Hai nhân vật ai là một Dương khuê đấy thôi! Vần iết trong tiếng Việt thường biểu thị những sự tiếc nuối. Sự vật thường lóe lên rồi tắt lịm ngay. ý nghĩ viết tắt bởi nhận ra rằng hoạt động làm thơ của mình là vô mục đích. Hai dòng thơ tiếp theo.
 
"Giường kia treo cũng hững hờ
 Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn"
 
Cách ngắt nhịp rất lạ 3 / 3 và 3 / 5.
 
Sự ngắt nhịp ấy cho ta thấy giường và đàn là chủ ngữ, là sự vật có linh hồn. Như vậy, việc mất Dương khuê đã khiến cho sự vật cũng đau theo lòng chủ. Cái giường treo luôn dành chờ bạn tự nó hững hờ rời rã không muốn tiếp ai.
 
Cái đàn kia tự gảy lên thành tiếng không tìm được sự đồng điệu tri âm cho nên nó ngẩn ngơ, nó lắng sâu để lại nỗi cô đơn, nỗi vô duyên của mình...
 
Đàn ấy, giường ấy, dù là điển tích, từ chương nhưng thực ra chính là Nguyễn Khuyến đấy thôi.
 
Đọc lại đoạn thơ, nghe vọng trong những dòng thơ ây rất chân thành, tiếng nấc từ gan ruột. Nếu câu lục là lời kể lể, thì câu bát trào lên như những đợt sóng của tâm can đầy bấn loạn.
 
 Ta thử đọc lời kể:
 
"Rượu ngon / không có / bạn hiền"
 
Thế nhưng khi đọc dòng bát ngữ âm câu thơ đã vỡ ra:
 
"Không mua // không phải // không tiền //
Khô... ông... mua...a"
 
Hai dòng thất tiếp theo cũng là lời khóc òa theo nước mắt như vậy khi đọc ta phải dằn mạnh ở tiếng thứ ba và thứ hai tiếng cuối phải trầm xuống, nhòa đi!
 
"Câu thơ nghĩ // đắn đo // không viết
 Viết đưa ai // ai biết // ma... à... đư... ưa"
 
Có lẽ phải nghe cho được cái hồn của đoạn thơ, ta mới thấy tiếng khóc chân thành đầy nước mắt của ông già Nguyễn Khuyến mất bạn - mất cái giá trị tinh thần lớn nhất còn lại của đời mình.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây