Nguyễn Khuyến (1835-1909), người Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Lục Nam, xuất thân từ một nhà nho nghèo, học giỏi và có chí lớn. Người đời gọi ông là "Tam nguyên Yên Đổ", bởi ông đỗ đầu ba kì thi. Nguyễn Khuyến cũng làm quan dưới triều Nguyễn. Ông có tinh thần yêu nước, có chí giúp đời, nhưng bất lực trước thời cuộc, hơn nữa không cam tâm làm tay sai cho giặc Pháp nên ông cáo quan về quê sống cuộc đời dạy học thanh bạch.
Nguyễn Khuyến để lại 800 bài thơ Nôm và thơ chữ Hán, vài chục câu đối. Ông nổi tiếng với ba bài thơ thu, những bài thơ viết về vợ con, tình bạn. Khóc Dương Khuê vốn được ông viết bằng chữ Hán (Vãn đồng niên Văn Đình tiến sĩ Dương thượng thư) sau chính Nguyễn Khuyến dịch ra thơ Nôm gồm 38 câu song thất lục bát.
Bài thơ viết về Dương Khuê, bạn đồng khoa, đồng thời là bạn tri âm, tri kỉ của Nguyễn Khuyến (Dương Khuê sinh năm 1839, mất năm 1902, quê ở làng Vân Đình, tổng Phương Đình, tỉnh Hà Đông, nay là huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Tây.Ông là đại quan của triều Nguyễn, đồng thời là nhà thơ để lại một số bài thơ hát nói tuyệt tác.
Có lẽ, trong văn học, một bài thơ khóc bạn vừa cảm động chân thành lại vừa giàu giá trị nghệ thuật như Khóc Dương Khuê không phải là nhiều.
Câu thơ mở đầu:
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Chữ "thôi" lặp lại hai lần với nhịp “giật cục" như những tiếng nấc, tiếng nấc bật lên từ một cảm giác bàng hoàng, choáng váng khi quá đột ngột nghe tin dữ về bạn.
Để rồi đến câu thứ hai:
Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta
Người còn sống như ngẩng đầu nhìn trời mây vô tận, để tìm bạn, tìm một chỗ bấu víu, nhưng vũ trụ chỉ còn lại một không gian mênh mông, trống vắng, đành phải quay về ngậm ngùi với nỗi cô đơn "một mình mình biết, một mình mình hay". Âm điệu câu thơ xuôi trôi như một tiếng thở dài của con người đang nén nỗi đau mất bạn.
Nhưng chính lúc này, hình ảnh về người bạn, bỗng ở đâu ào ạt hiện về. Từ câu thứ ba đến câu 15, liên tiếp 13 câu thơ, muôn ngàn hình ảnh về những kỉ niệm giữa "tôi" với "bác" đồng hiện trong một cuộn phim dài. Hàng loạt từ ngữ chỉ thời gian được lặp lại: trong khi, có lúc, có khi cho thấy giữa "tôi" và "bác" tồn tại một thời gian tình bạn. Thời gian ấy từ khi bắt đầu như mối duyên định trước: Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời. Và từ đây, tình bằng hữu trở thành thước đo của thời gian: Có lúc chơi nơi dặm khách/ Có khi tầng gác cheo leo / có lúc rượu ngon/ có khi bàn soạn câu văn,... Thời gian không chỉ chảy
một cách vô hồn, vô nghĩa, thời gian được tạo lập bởi những niềm vui bất cửu của tình bạn. Tình bạn có biết bao sắc màu, biết bao vẻ đẹp: trong sáng và thanh cao như thiên nhiên, tiếng suối nghe róc rách lưng đèo; rộn ràng sôi động không khí thưởng thức nghệ thuật, thú vui con hát lựa chiều cầm xoang; mê ngây ngất chén quỳnh tương âm ấp bầu xuân; và thâm trầm trí tuệ biết đông bích điểm phần trước sau.
Bài thơ nhắc đến hàng loạt kỉ niệm. Thời điểm khác nhau, không gian thay đổi, với biết bao sự việc, nhưng có một điều cố định: ở đâu, lúc nào, việc "tôi bác bác tôi" và cũng luôn hiện diện song đôi như hình với bóng: tôi bác cùng nhau; lúc vui: rượu ngon cùng nhấp; lúc buồn: cùng nhau hoạn nạn; cho đến tuổi : Bác già tôi cũng già rồi.
Đó là những kỉ niệm cũ, và đây là kỉ niệm về lần gặp gỡ gần đây:
Trước ba năm gặp bác một lần
Cầm tay hỏi hết xa gần
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can
Người ở lại cảm thấy như có gì không hợp lí, rất khó tin:
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Không thể tin được nên trong lòng người bạn cô đơn những câu hỏi dồn dập cất lên:
....Làm sao bác vội về ngay?
... Sao vội vàng đã mãi lên tiên?
Người ta "sinh có hạn tử bất kì", ai cũng biết thế, ông nghè Tam Nguyên Yên Đổ lại càng biết thế, nhưng tình bạn tri âm tri kỉ thì không cấn biết. Sự ra đi quá đột ngột của người bạn đã từng gắn bó với mình bao năm tháng đã làm cho cụ già Nguyễn Khuyến cũng hờn dỗi như trẻ nhỏ. Cụ đưa ra những "lí lẽ" để dỗi bạn: tôi hơn tuổi bác! tôi... đau trước bác / tôi cũng chán đời như Bác, người ra đi trước phải là tôi, thế mà bạn phải vội vàng ra đi, bỏ tôi ở lại.
Một cảm giác hụt hẫng trống vắng bỗng ngập tràn bởi hàng loại chữ không xuất hiện liên tiếp:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Nghĩ đến rượu, đến thơ, rồi đến đàn (Đàn kia...) toàn những vị thuốc giải sầu hữu hiệu cổ kim của tao nhân mặc khách, giờ đây bỗng trở nên bất lực, bởi nỗi buồn này, nỗi cô đơn này, sự mất mát này quá lớn. Mọi thứ trở thành vô nghĩa, khi trên đời này không còn bạn.
Câu thơ: Viết đưa ai, ai biết mà đưa, thật giản dị, nhưng đọc lớn biết bao xúc động. Rồi hai điển tích được lồng rất khéo:
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
gợi về những tình bạn bất hủ: Trần Phồn dành riêng cho người bạn thân là Từ Trĩ một chiếc giường khi bạn đến mới nằm, bạn về lại treo lên; Bá Nha chơi đàn giỏi và chỉ có một người bạn là Tử Kì mới nghe là hiểu được tiếng đàn của ông, khi bạn mất, Bá Nha đập đàn vứt bỏ vì cho lằng trên đời này chẳng còn kẻ tri âm. Và khi không còn người tri âm tri kỉ thì chỉ còn trên đời này một kẻ bơ vơ cô đơn lẻ bóng. Bởi vậy không phải là tếng đàn mà chính lòng người đang ngẩn ngơ trống vắng, đắm chìm trong niềm tiếc nuối.
Trong cái thế giới đa dạng và bận rộn này, hơn hết mọi thứ trên đời là tình cảm giữa con người và con người. Và cái đẹp đẽ, giàu ý nghĩa nhất của tình người lại là tình bằng hữu. Bởi lẽ, tình cha con, tình vợ chồng, tình thầy trò, tình đồng chí... xét cho cùng nếu không có vị mặn mòi của tình bạn, tất cả chỉ còn là những liên kết thiếu hẳn hơi ấm của con người
Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến không phải chỉ là tiếng khóc mà còn cho ta thấy rõ ý nghĩa to lớn của tình bạn.
Hạnh phúc biết bao khi trên đời này ta được sống trong vòng tay của bè bạn. Và cũng bất hạnh biết bao khi trên nấm mồ của ai đó không có bạn hữu khóc thương.