Bài thơ đã mang đến cho người đọc một cảm giác dễ chịu, khoan khoái, nó mở ra một không gian thoáng đãng qua hình ảnh “chiều mộng hòa thơ” và “nhánh duyên”. Trong các chiều mộng mơ, có lẽ thi nhân sẽ say sưa, đã chếch choáng trước cảnh nên thơ của đất trời, cho nên cảm xúc cứ theo đà ấy mà trào dâng, để tâm hồn rung lên những ý thơ tuyệt diệu hòa vào cái buổi chiều mộng mơ ấy. Chính nó cái hòa thơ trong một buổi chiều để từ cảnh mà sinh tình, cái tình bao la lại trùm lên cảnh trong cái duyên gắn bó với hồn người với cây cỏ mây trời. Thiên nhiên trời đất được mở ra không nhanh, không vội vàng mà lan tỏa từ từ nhẹ nhàng, nó đến với người đọc từ cái say của thi sĩ. Không say sao lại có cái chiều mộng hòa thơ?
Đoạn đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên hài hòa có màu sắc có âm thanh, có cảnh có tình. Đất trời mùa thu! Đó là màu xanh ngọc lấp ló sau những vòm me xanh ngắt, là tiếng líu ríu lách tách của một sức sống đang vươn lên phơi phới của một cặp chim chuyền. Và mùa thu là tiếng đàn bay bổng lâng lâng trong không gian mùa thu êm dịu. Trong cái bát ngát của màu xanh, có một tiếng chim lao xao trong tiếng đàn ngân nga trải dài quả là hình ảnh vô cùng lãng mạn, nó đẹp trong cái vẻ êm ả, bình yên bởi cảnh động trong những âm thanh dìu dịu.
Người ta bảo mùa thu buồn lắm, nhưng cảnh trong bài thơ không cảnh lúc nào bởi nó có những âm thanh huyền dịu, đang chen nhẹ nhàng vào giao hòa trong gió mây, bay qua những vòm me xanh, thổi tan vào bầu trời xanh như ngọc. Chính cách miêu tả cụ thể sinh động này mà ta mới hiểu được cái chiều mộng ở trên kia, mới thấy được làm sao mới có bài thơ hòa trong chiều mơ, làm sao lại có một nhánh duyên yêu kiều bí ẩn đến như vậy.
Thơ viết về thiên nhiên, về vũ trụ đất trời không phải là hiếm. Vì thế để nó sống và tồn tại không phải là điều dễ dàng. Và có lẽ, cái chất sống của bài thơ này không chỉ là cái cảnh vật cụ thể, sinh động của chiều thu như ở trên mà còn là cái say của lòng thi sĩ với đất trời cởi mở giao hòa, sự hòa quyện giữa linh hồn và cảnh vật. Nếu ở đoạn văn cảnh được miêu tả ở chiều sâu, ở sự cụ thể chính xác, thì ở các đoạn tiếp theo cảnh được mở ra theo chiều rộng, cảnh vật bay lên lâng lâng tạo cho người đọc một cảm giác bất ngờ, sau chuyển sang cảm giác thoải mái dễ chịu trước cái không gian bao la vô tận vô cùng. Nhà thơ đã đem đến cho người đọc một sự tiếp nhận thanh thoát không gò bó chút nào. Từ bầu trời xanh ngọc, từ vòm lá me bay với tiếng đàn êm dịu, ý thơ bỗng vút lên bay cao bay xa, nơi đó là:
Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Cảnh vật ở đây rõ ràng không còn cụ thể mà dưới con mắt nhìn say sưa của nhà thơ, tất cả lâng lâng đều như nhớ lại, có cái gì vừa vời vợi xa xôi, lại vừa làm quen gần gũi. Dường như nhà thơ đã thu vào tầm mắt cả vũ trụ bao la, dường như tất cả những lá bay theo cảnh hoang trong các buổi nắng trở chiều.
Xiêu xiêu là gì? Lả lả là gì? Không ai hay chỉ biết nó gợi hình gợi âm sắc lắm. Người ta nghe thấy những gì thoang thoảng lao xao trong gió, người ta thấy cái la đà, phất phơ chếch choáng trong những cành hoang. Tất cả đều là cảnh đấy nhưng sao mà trong mà êm, nhẹ đến nỗi cảnh muốn bay lên trong không trung, như muốn tan ra loãng vào mây gió. Như thế mới thấy được cái đẹp của tiết trời sang thu: dịu dàng và thanh thoát cái đẹp đã cuốn hút thi nhân, đã làm say lòng người để cho mọi vật dưới con mắt nhà thơ trở nên lung linh, cảnh đấy mà như tan ra trở thành vô hình. Như thế mới thấy thế nào là: “Lần đầu rung động nỗi thương yêu”. Lâu nay ta cứ thấy có “anh” có “em” là nghĩ ngay đến tình yêu trai gái. Trong bài này, Xuân Diệu cũng nhắc đến nhiều lần: “Em bước điềm nhiên không vướng chân - Anh đi lững thững chẳng theo gần”; “anh với em như một cặp vần” hay là “lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Nhưng xin những người thâm thơ hãy hiểu thoáng hơn, cởi mở hơn để cho cảnh cho tình đẹp với vẻ đẹp tự nhiên của nó. Cảnh đẹp thế này làm sao nhà thơ không thể gọi bằng em? Chính cái “Em bước điềm nhiên không vướng chân - Anh đi lững thững chẳng theo gần” càng khẳng định cái say của thi nhân là có thực, càng làm cho cảnh đẹp hơn lên. Em là em, là cả đất trời, là vũ trụ bao la kia muôn màu muôn vẻ dưới chiều thu! Anh là kẻ đang khao khát, đang đi tìm cái nhựa sống ở đời. Vô tâm thôi nhưng cái huyền dịu, cái mộng mơ của em đã níu kéo hồn anh, đã đến trong con mắt của anh tự nhiên, bình thản, tâm hồn thi sĩ đã đến đúng cái nơi con tim khao khát kiếm tìm. Vì thế mà “Anh với em như một cặp vần”, vì thế mà giữa người với cảnh không còn giới hạn khoảng cách mà đã hòa vào nhau như một, tình và cảnh giao hòa tha thiết,
Cái hay cái tinh tế của bài thơ là Xuân Diệu đã phát hiện được cái hơi thở của sự “chuyển mùa” thu đến. Nhà thơ nghe được hơi muôn loài. Bài thơ diễn tả được niềm giao cảm đầy tinh tế và hứng khởi của nhà thơ với cuộc với thiên nhiên vũ trụ, đất trời. Sao nhà thơ lại có thể nhìn thấy ở đám mây cái dáng bay gấp gấp, sao nhìn thấy ở con cò một đôi cánh phân vân. Rõ ràng cái “gấp gấp” và “phân vân” kia là tâm trạng ở bên trong của sự vật, cái ở bên trong bí ẩn tiềm tàng mà nhà thơ vẫn cảm và nói lên quả là thơ tuyệt diệu lắm.
Ta bắt gặp một cách tả mới, một cách nhìn mới: nhà thơ không chỉ là bút pháp chân thực cụ thể sinh động, không chỉ ta theo chiều rộng của không gian bao la thoáng đãng mà nhà thơ còn miêu tả cái hồn của đất trời, của cỏ cây hoa lá. Nhà thơ đã đi sâu vào bên trong tâm tình của sự vật. Cái đẹp của đất trời, cái hứng khởi say sưa của thi nhân khiến cho dưới con mắt của nhà thơ, tất cả đều tràn đầy sức sống, tất cả như đang cựa quậy, chuyển hóa, tất cả đều trong mình cái cảm giác lâng lâng của chiều thu:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng dang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
Vì thế mà có một áng mây bay vội vã, có một con cò còn dang cánh phân vân; vì thế mà trời rộng thêm ra bởi đôi cánh vẫy vùng của một con chim tự do trong trời đất và một bông hoa bỗng thấm lạnh chiều sương.
Cảnh đẹp như thế sao ta chẳng gọi là em?
Cảnh đến người, nhà thơ tìm đến cảnh bằng sự tự nguyện, nhất thành và say sưa dưới một đôi mắt khách quan nên nào phải “băng nhân gạ tỏ niềm” mà “Lòng anh vẫn cưới lòng em”. “Cưới” ở đây là sự gặp gỡ, sự hòa quyện, mối giao hòa giữa cảnh và tình, giữa lòng người với cuộc đời, với vũ trụ bao la. “Anh cưới em” bởi trái tim yêu đời của anh đã tìm thấy em, đó là cái hẹp của cuộc sống, ở đây cái tình yêu đất trời, cuộc đời, cỏ cây hoa lá của nhà thơ cũng giống như tình yêu trai gái: Nó cũng tha thiết, mặn nồng, cũng say và đầy ngưỡng mộ. “Lòng anh thôi đã cưới lòng em” bởi vì nhà thơ đã nghe được hơi thở của đất trời, của muôn hoa sắc lá, bởi nhà thơ nghe được sự chuyển mùa, sự giao cảm ở bên trong linh hồn cây cỏ. Thế mới thấy cái duyên của mùa thu như thế nào, thế mới thấy đưọc cái duyên của tác giả, sâu sắc hơn, ta đọc được cái duyên giữa người với cảnh, với vũ trụ, giữa con người với con người, những cái duyên yêu kiều đã làm nên một bài Thơ duyên tuyệt diệu. Ta bảo ta chán thơ thiên nhiên, đất trời bởi nó không còn đề tài mới lạ, nó trở thành quen thuộc và quen thuộc và muôn thuở của mỗi nhà văn nhưng nếu ta biết tìm từ trong cái quen thuộc ấy: cái sâu xa của hồn thơ, cái gởi gắm của hồn thi sĩ thì sẽ thấy thú vị và chẳng chán chút nào. Thơ duyên là bức tranh mùa thu với vẻ đẹp thoáng đãng êm dịu, vẻ đẹp lâng lâng bay bổng. Bài thơ viết về mối quan hệ, mối giao cảm của nhà thơ với đất trời với cuộc đời nhưng nó đã tựu trung được cách miêu tả thiên nhiên; cũng là những cảnh được miêu tả theo chiều sâu cụ thể tỉ mỉ sinh động, cảnh được miêu tả theo chiều mở rộng của không gian mang hơi thu lãng đãng và cảnh được tả bằng sự phát hiện và lột tả ở bên trong linh hồn. Chính điều đó đã gợi sự tiếp nhận thoải mái thánh thoát ở người đọc; đã làm nên cái duyên của bài thơ. Ơi Xuân Diệu một hôm nào đó đã thốt lên rằng:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Thì hôm nay đã hòa mình vào cuộc sống, không thể đối lập cái tôi của mình với cuộc sống, với người đời và thế giới. Hôm nay nhà thơ đã khẳng định mình: Khát khao giao cảm với đời, yêu cuộc sống với vũ trụ bao la, Với “con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu - lả lả cành hoang nắng trở chiều” để đến bây giờ “Lòng anh thôi đã cưới lòng em”.