Cùng với rất nhiều nhà thơ khác đương thời, Huy Cận luôn mang trong tâm tư của mình nỗi sầu của cả một thế hệ:
Màu năm tháng cũng ngậm ngùi thế nhỉ?
Nhưng, đó là nỗi sầu nhân gian, nỗi sầu như từ “vạn kỉ” chảy về. Tràng giang tiêu biểu cho phong trào cách thơ anh là vậy. Nỗi lòng của tác giả trong Tràng giang man mác, bâng khuâng toàn vũ trụ để đi đến cái cuối cùng, cái cốt lõi là nỗi buồn “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
Tràng giang là một bài thơ đẹp. Nó đẹp trước hết bởi nỗi buồn. Thường thường, đẹp và buồn như hai người tâm giao, nhất là đối với các thi sĩ thơ mới:
Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp,
Nỗi lòng ấy không thể đem ra mà đong, mà đếm. Nỗi lòng ấy cứ lớp lớp vỗ vào nhau, trào lên nhau ngày càng nặng trĩu. Cái nặng của lòng người lại được gợn lên bằng sóng nước dập dềnh bao la nên càng hụt hẫng, chơi vơi hơn. Nỗi buồn làm cho thi nhân cảm thấy cô độc quá:
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Dường như cái có thật ấy bỗng trở nên mờ ảo, hư vô. Có cái gì đó hiện thân của sự cằn cỗi, héo hon và hiện thân của một Huy Cận đang cô độc đến rợn người... Đó là nỗi buồn trống trải, bơ vơ. Đã có lúc hồn của thi nhân lay lắt trong ngọn gió “đìu hiu”, trong cái không gian tĩnh lặng đến tuyệt đối, một âm thanh buồn cũng không thể gợi lên. Đã có lúc hồn của thi nhân như tan ra, trải ra trên sông nước dập dềnh và tràn vào vũ trụ bao la với “sông dài, trời rộng”, với “nắng xuống trời lên”... Mọi cảnh vật đối với nhà thơ đều mênh mang quá, còn bản thân ông lại chỉ là một “bến cô liêu”. Cái hữu hạn bỗng nhỏ nhoi trước cái vô hạn và càng như thế lại càng buồn hơn. Đã có lúc Huy Cận dường như bơ vơ đi tìm nơi nương náu để đỡ trống trải, nhưng mà chỉ thấy “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng - Mênh mông không một chuyến đò ngang”, sắc màu “bờ xanh”, “bãi vàng” không sưởi ấm được con người cô độc, mà càng làm cho hồn của thi nhân thêm buồn. Nồi buồn ấy bao trùm toàn bài thơ, làm nên vẻ đẹp của tác phẩm. Nhưng đến khổ cuối, nỗi buồn đó như được vỡ ra, như được lí giải. Điều quan trọng là Huy Cận tìm được nguyên cớ khiến cho tạo vật thấm đượm nỗi buồn:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Và như thế, bài thơ lại càng trở nên đẹp hơn ở cái tình của thi nhân. Trong khi một số nhà thơ khác có phần còn đang “say”, đang “điên”, đang trong chốn “điêu tàn” hay mê mải với tình yêu, thì Huy Cận lại đau vì phải xa mái nhà xưa. Cũng là nỗi buồn riêng tư, nhưng cái riêng tư của thi nhân rộng lớn quá, nhân ái quá và cao cả quá. Thôi Hiệu xưa kia nhớ nhà trong buổi chiều tà, khói sóng. Thì nay, Huy Cận thương nhà khi không có cả cái cớ để mà buồn thương, để mà gợi nhớ!
Ta nhận thấy trong cái hùng vĩ của thiên nhiên “lớp lớp mây cao đùn núi bạc”, trong cái nhà nhỏ nhoi yếu ớt của một sinh vật sống. “nghiêng bóng nhỏ cánh chiều sa” và trong cái “dờn dợn” của nước non... có mang một tâm sự u uẩn, nặng trìu. Phải chăng đó là tâm sự “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, là niềm khao khát được sống trong sự giao cảm giữa con người với con người, con người với dân tộc, với đất nước của chính nhà thơ.
Có thể nói chính cái nỗi buồn cao cả ấy đã làm nên nội dung tình cảm của bài thơ làm nên vẻ đẹp riêng tư của Tràng giang. Mặt khác, phải thấy rằng, Huy Cận là một nhà thơ trẻ (lúc bấy giờ) đầy tài năng. Tràng giang biểu hiện sinh động cho nghệ thuật thơ ca Huy Cận,
Đọc Tràng giang, ta thấy bài thơ có những hình ảnh rất độc đáo và sinh động. Đó là hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Những ngôn từ vương vãi ở đâu đó được nhà thơ nối lại thành một câu thơ giản dị gần gũi có sức khêu gợi sâu xa: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Chỉ có “củi khô” mới nói lên được những gì nhà thơ muốn nói. Ngoài nỗi buồn ra, ta còn cảm nhận được cả nỗi đau đời còn chắt lại. Và như thế, với riêng thơ ca, cũng đủ in đậm một nỗi lòng trong bao nhiêu nỗi lòng, của bao nhiêu nhà thơ khác. Bài thơ còn có rất nhiều hình ảnh đẹp và buồn. Đó là hình ảnh của một “Tràng giang” mênh mang sóng nước, một cồn nhỏ hắt hiu, một màu xanh, một màu xanh lặng lẽ của cây lá. Và hình ảnh cuối cùng, như trĩu xuống vì lòng thi nhân cũng đã quá mặng với đất trời rồi:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Đó là một hình ảnh kì vĩ quá cả sức tưởng tượng làm cho ta có cảm giác như một hình hoang đường. Mây không gợi sự nhẹ nhàng mà gợi sự u uất. Bên cái hùng vĩ ấy, cánh chim bỗng trở nên bé nhỏ hơn, yếu đuối non nớt hơn. Một cánh chim chiều cũng đủ để làm nên nỗi buồn. Nhưng cánh chim ấy lại như chao xuống vì sức nặng của hoàng hôn nhịp nhàng trong buổi chiều tà bóng xế. Ta có cảm giác như cánh chim nhỏ nhoi lắm, lại vừa rộng lớn lắm, còn đủ sức để cõng cả bóng chiều, nâng đỡ cả đám mây cao núi bạc cho dù, có một lúc nào đó chới với giữa không gian. Có lẽ đây là hình ảnh quen thuộc trong thơ Đường, nhưng sao ở đây nó lại mới đến thế, lạ và đẹp đến thế?
Có thể nói trong Tràng giang, Huy Cận đã làm công việc cao cả của một người nghệ sĩ, đó là “sự giày vò ngôn từ”. Ngôn ngữ trong Tràng giang không đơn điệu mà sinh động cô đọng với các điệp từ “điệp điệp”, “song song”, “đìu hiu”, “chót vót”, “lặng lẽ”, “lớp lớp”, “dợn dợn”, đôi khi từ ngữ trong Tràng giang được sử dụng rất đắt không thể thay thế được.
Tràng giang có niêm luật chặt chẽ như một bài thơ Đường luật. Vì thế đọc lên, ta có cảm giác như giọng thơ hoài cổ, chắc, khỏe và cũng chất đầy nỗi bâng khuâng nhớ mong, chất đầy tâm sự thầm kín.
Đọc Tràng giang, cái đọng lại cuối cùng, ấy là tư thế của con người - một thi nhân trước vũ trụ. Tư thế ấy thật đẹp, thật lớn lao biết bao. Nỗi buồn đã không làm cho con người trở nên yếu đuối, nhỏ nhoi. Con người ở đây vừa kiêu hãnh, vừa buồn thương. Để cảm nhận, thu hút cả thiên nhiên dưới tầm mắt của mình, nhà thơ phải đứng từ rất cao, rất xa mới thấy “Sóng gợn tràng giang”, mới thấy một làng xa, mới thấy “nắng xuống chiều lên”, “bờ xanh tiếp bãi vàng”, “mây cao đùn núi bạc”... Nhà thơ đã dựng lên một không gian ba chiều rộng lớn, mênh mông, sâu thẳm và cao vời vợi. Trùm lên không gian ấy là sự tĩnh lặng đến gần như là tuyệt đối, duy chỉ có tiếng lòng nhà thơ đang thầm gợi trong xa xăm một dáng hình Tổ quốc.
Khó có thể nói hết được cái giới hạn cuối cùng của nỗi lòng trong Tràng giang, cũng như khó có thể nói hết vẻ đẹp tận cùng của nó. Nội dung tình cảm và nghệ thuật điêu luyện trong Tràng Giang đã làm nên phong cách riêng Huy Cận - một điều rất cần thiết đối với người nghệ sĩ.
Vẻ đẹp của bài thơ Tràng giang đã làm nên sức sống mãnh liệt của nó. Tràng giang vẫn là một dòng chảy bất tận trong văn mạch dân tộc suốt hơn nửa thế kỉ qua và có lẽ còn chảy mãi mãi đến tận sau này. Tràng giang tồn tại trong văn chương bằng vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của một sự sáng tạo nghệ thuật và một cái “tâm” bao la, cao cả của người nghệ sĩ.