Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo

Thứ bảy - 25/05/2024 10:03
Thanh Thảo là nhà thơ với những nỗi suy tư, trăn trở về nhiều vấn đề xã hội.

Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo - Bài làm 1

Thanh Thảo là nhà thơ với những nỗi suy tư, trăn trở về nhiều vấn đề xã hội. Thơ ông được biết đến là giàu chất suy tư, triết lí. “Đàn ghi-ta của Lor-ca” là một trong những tác phẩm tiêu biểu, có thể coi là tác phẩm để đời trong sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Thanh Thảo.

Tác phẩm “Đàn ghi ta của Lor-ca” được sáng tác vào năm 1979, là sự kết tinh từ niềm thương xót vô hạn cũng như sự cảm phục, trân trọng và ngưỡng mộ của tác giả dành cho Lor-ca. Bài thơ nhanh chóng gây được tiếng vang lớn trong nền văn học Việt Nam nhờ nội dung mang đậm tính nhân văn và hình thức nghệ thuật thơ hết sức sáng tạo, mới mẻ. Với nhan đề này, tác giả Thanh Thảo ngầm khẳng định “Đàn ghi ta của Lor-ca” là biểu tượng cho những cách tân, đổi mới nghệ thuật của người nghệ sĩ thiên tài Lor-ca. Qua đây, người đọc có thể thấy được nhan đề cũng đã hé mở hình tượng nghệ thuật trung tâm của bài thơ. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh Lor-ca xuất hiện cùng với tiếng đàn bọt nước:

“những tiếng đàn bọt nước
Tây ban Nha áo choàng đỏ gắt”


Tiếng đàn không chỉ gợi ra sự nghiệp nghệ thuật mang nhiều giá trị của Lor-ca mà còn mang tiếng lòng của người nghệ sĩ, gửi gắm lại cho các thế hệ sau này. Hình ảnh “bọt nước” là một hình ảnh hết sức đặc sắc, tượng trưng cho cái đẹp lung linh, gợi sự tồn tại mong manh, tan biến vào mênh mông,.. Một câu thơ nhưng mang tới hai hình ảnh biểu tượng trái nhau, nó vừa gợi ra vẻ đẹp, nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, vừa cho thấy số phận đầy bi kịch của người nghệ sĩ Lor-ca.

Câu thơ tiếp theo gợi nhắc đến quê hương của người nghệ sĩ Lor-ca, hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” mang nhiều nét nghĩa khác nhau.Trước hết về nghĩa thực, nó gợi ra phông nền văn hóa của đất nước Tây Ban Nha với các trận đấu bò tót đẫm máu. Nếu như câu thơ đầu gợi ra vẻ đẹp bi kịch cùng với sinh mệnh ngắn ngủi của người nghệ sĩ, thì câu thơ sâu đã làm tái hiện lên trong tâm tưởng của người đọc sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Âm thanh tiếng đàn “li la li la vang” vọng trong không gian để đưa người đọc đến với hành trình vươn tới lý tưởng của người nghệ sĩ ấy:

“đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”


Hành trình vươn đến lí tưởng là hành trình chẳng chút dễ dàng, hết sức gian nan, chất chứa cả sự cô đơn, tưởng như vô tận. Hành trình tuy có nhiều khó khăn, nhưng đó là hành trình đẹp đẽ. “Vầng trăng” vốn là biểu tượng nghệ thuật, điều đó cho thấy cái mà Lorca hướng đến không phải cuộc sống xa hoa hưởng lạc, mà là tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt chỉ dành cho nghệ thuật. Chẳng đi sâu vào từng tiểu tiết cuộc đời Lorca, Thanh Thảo đã nhấn đậm ngòi bút vào cái chết bi tráng của chàng. Bốn câu thơ tiếp là sự đối lập giữa sự sống và cái chết:

“Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ”


Điệu hát nghêu ngao là một nét đặc trưng của Tây Ba Nha, trong không gian phóng khoáng, tự do, Lorca hiện lên tuyệt đẹp .Trái ngược lại đó ở phía bên kia lại là hiện thực kinh hoàng, là cái chết đẫm máu của người nghệ sĩ tài hoa. Tác giả sử dụng cụm từ “bỗng kinh hoàng” cho thấy sự hốt hoảng, không thể tin rằng Lorca đã bị cái xấu, cái tàn ác hãm hại bằng giọng thơ căm phẫn, thương xót đến tận cùng. Hình ảnh người nghệ sĩ Lorca đáng thương được miêu tả trong thời kỳ chế độ phát xít tàn bạo, độc đoán. Sự hi sinh của lorca không phải là sự thất bại, mà kẻ thất bại chính là chế độ phát xít cùng bè lũ của chúng. Bởi chúng chỉ có thể hủy diệt được phần thân xác của Lor-ca nhưng không thể hủy diệt được sức sống của anh. Điệp khúc tiếng ghi ta vang lên liên hồi nhưng mỗi âm điệu lại mang ý nghĩa riêng biệt của nó: Tiếng ghi ta nâu- bầu trời cô gái ấy: Tiếng ghi ta tấu lên khúc ca về tình yêu của Lor-ca dành cho quê hương, nghệ thuật, con người, lý tưởng…; Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/ Tiếng guitar tròn bọt nước vỡ tan: Tiếng ghi ta tấu lên khúc ca về vẻ đẹp cũng như nỗi đau của Lorca. Điệp khúc “tiếng ghi ta”, đều đặn vang lên 4 lần trong nhịp thở dồn dập, gửi gắm những tình cảm, tâm sự, nỗi niềm chất chứa của Lor-ca.

Mười ba câu thơ cuối cùng là những lời thơ thể hiện suy tư của tác giả về cuộc đời, sự nghiệp và sự ra đi của Lor-ca. Tiếng đàn chính là tượng trưng cho nghệ thuật, là biểu tượng cho lý tưởng đấu tranh vì điều tốt đẹp nhất của cố nghệ sĩ Lor-ca. Do vậy, không ai nỡ “chôn cất tiếng đàn”, tiếng đàn ấy còn được so sánh như “cỏ mọc hoang” để gợi tả sức sống mạnh mẽ, sức lan tỏa mãnh liệt, bất diệt, không gì có thể ngăn cản nổi. Dù Lorca không còn trên thế gian nhưng tiếng đàn của ông còn mãi với hậu thế, bất diệt với thời gian. Cũng chính bởi vậy vầng trăng biểu tượng của cái đẹp, dù bị chôn vùi ở nơi tối tăm, lạnh lẽo như đáy giếng cũng vẫn lóe lên ánh sáng lý tưởng nghệ thuật chói lóa.

Đàn ghi ta của Lorca là một bài thơ ấn tượng của nhà thơ Thanh Thảo. Trong bài thơ ấy, chúng ta thấy được người nghệ sĩ anh hùng, hi sinh bản thân để được nói lên tiếng lòng trước sự bạo tàn của chủ nghĩa phát xít. Bài thơ không chỉ đẹp ở nội dung truyền tải mà cái cách Thanh Thảo sử dụng các biện pháp nghệ thuật cũng là một điểm sáng trong tác phẩm này. 
 

Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo - Bài làm 2

Thanh Thảo là nhà thơ có tiếng nói riêng, phong cách nghệ thuật riêng thể hiện cái tôi cá nhân ấn tượng trong nền văn học Việt Nam. Những sáng tác của ông đem đến cái nhìn mới mẻ cho thơ ca hiện đại. Bài thơ “Đàn ghi-tar của Lor ca” trích “Khối vuông rubich” đã để lại sức chứa lớn trong lòng người đọc về hình tượng nhân vật Lorca – người nghệ sĩ vĩ đại của xứ sở Tây Ban Nha.

Lorca là cái tên quen thuộc đối với đất nước Tây Ban Nha, vì anh là biểu tượng của tự do, cho sự đấu tranh đòi hòa bình, đòi một cuộc sống bình yên cho nhân dân. Mặc dù bị sát hại nhưng Lorca mãi là biểu tượng mà nhân dân Tây Ban Nha tôn thờ.

Thanh Thảo đã mượn lời của người nghệ sĩ này làm lời đề từ cho bài thơ của mình có ẩn ý muốn gợi mở ra chiều dài thời gian và chiều sâu của không gian về người nghệ sĩ tài hoa này. Cả cuộc đời cống hiến, chiến đấu nhưng cuối cùng Lor ca lại chết thảm dưới chế độ phát xít tàn bạo.

Với thể thơ tự do, không viết hoa đầu dòng, Thanh Thảo đã khiến người đọc tò mò về cách viết giàu sức gợi như thế này.

Những tiếng đàn bọt nước
Táy Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li la li la li la li la
Đi lang thang về miền đơn độc
Với vầng trăng chuếnh choáng
Trên yên ngựa mỏi mòn


Nhịp thơ nhẹ nhàng, dàn trải nhưng giàu sức gợi, sức tả khiến người đọc mường tượng đến đất nước xinh đẹp Tây Ban Nha với tiếng đàn ghi tar đắm say, những trận đấu bò tót hài hùng, những mảnh đất thảo nguyên mênh mông, lãng mạn. Tuy nhiên cụm từ “tiếng đàn bọt nước” dường như gợi lên sự mờ ảo, biến đổi khó lường, có thể vỡ tan ra bất cứ lúc nào không hay. Có một dự báo nào đó chẳng lành, đầy bất an ở dâu thơ này.

Tây Ban Nha là mảnh đất của những trận đấu bò tót độc đáo, đầy ấn tượng nhưng trong thơ Thanh Thảo, nó có còn giữ nguyên ý nghĩa đó nữa không. Chiến trường đấu bò tót có lẽ đã trở thành chiến trường chính trị ác liệt, nhiều đấu tranh, nhiều bon chen. Màu đỏ của áo choàng đã biến thành "đỏ gắt" phải chăng chính là chế độ độc quyền của chủ nghĩa phát xít đang hoành hành trên đất nước này. Hình ảnh Lor ca trở nên nhỏ nhoi, mệt mỏi trong cuộc chiến nhiều bấp bênh này. Tiếng đàn vẫn cứ cất lên “li la li la li la li la” và người nghệ sĩ đó “lang thang”, “chuếnh choáng”, “mỏi mòn” với những gì đang diễn ra. Cuộc chiến giữa nghệ sĩ chân chính với chế độ độc tài trở nên căng thẳng hơn. Người chiến sĩ đơn độc ấy trở nên lẻ loi, cô độc, không một ai có thể biên cạnh.

Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du


Những hình ảnh thơ gây ấn tượng mạnh, cứa sâu vào lòng người sự chua xót trước hình ảnh người nghệ sĩ tài ba nhưng bất hạnh. Dân tộc Tây Ban Nha “kinh hoàng” sững sốt khi hình ảnh Lorca bị điệu về bãi bắn một cách trắng trợn, đầy man rợ như vậy. Sự thật phũ phàng do chế độ phát xít mang lại đã khiến cho mọi người thất bất an. Từ “bỗng” ở đầu khổ thơ thứ hai chính là sự ngạc nhiên trước hình ảnh bi thương của nghệ sĩ Lorca.

Mặc dù bị “điệu” về bãi bắn một cách đầy đau đớn như vậy nhưng Lorca vẫn giữ được sự bình thản, dám chấp nhận của bản thân bằng phong thái “chàng đi như người mộng du”. Đây là trạng thái tâm hồn không nhận thức được, tâm hồn và thể xác dường như tách lìa khỏi nhau. Đó là một phong thái rất đáng trân trọng, rất đáng nâng niu và ngưỡng mộ.

Ở những khổ thơ tiếp, nỗi tiếc thương cho cuộc đời nhiều chua xót ấy:
Tiếng ghi ta nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
Tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy


“Tiếng ghi ta” được lặp đi lặp lại như dồn nén cảm xúc trong lòng người, hay là tiếng căm phẫn đầy xót xa. Tiếng đàn ghi ta gắn liền với những thứ bình dị, với thiên nhiên ấm áp, với một cô gái, với bầu trời màu xanh tươi mới. Có lẽ đó là những thứ mà con người Tây Ban Nha muốn vươn tới, muốn giành dược. Nhưng tiếng ghi ta rơi “vỡ” thành “bọt nước” đã như khẳng định thêm hiện thực đau lòng ấy. Những đường khối, đường nét hiện rõ lên trang viết, cứa thêm vào lòng người cảm xúc nghẹn ngào, đau đớn. Một tiếng “Vỡ” cất lên đã tố cáo chế độ độc tài của phát xít, sự căm phẫn và muốn bóp nghẹt của những người đang chịu sự áp bức. Nỗi đau ấy tạo thành dòng máu chảy âm ỉ trong tim tê tái.

Thanh Thảo với sự tài hoa của mình đã làm sống dậy một không gian sống đầy bất tử:
Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng


Người đọc nên hiểu ý nghĩa của câu thơ thứ nhất như thế nào, có lẽ không một ai có thể “chôn cất tiếng đàn” của Lorca được, bởi vì nó như “cỏ mọc hoang” tràn lan, khiến cho người ta mê mải và đắm say, không thể buông lơi ra được. Cái Lorca để lại cho người đời chính là âm nhạc, chính là sự cao quý của tâm hồn, của những hi sinh và cống hiến. Phép so sánh trong câu thơ đã khiến cho Lorca trở thành một biểu tượng vĩ đại nhất.

Tiếng đàn của Lorca trở nên bất tử, một vẻ đẹp còn ý nghĩa cho đến những ngày sau. Ở khổ thơ cuối, xuất hiện thêm chiêm nghiệm, suy nghĩ của Thanh Thảo về nghệ thuật và cuộc đời cũng như sự giải thoát:

Đường chỉ tay đã đứt
Dòng sông rộng vô cùng
Lor ca bơi sang ngang
Trên chiếc ghita màu bạc
Chàng ném lá bùa cô gái Digan
Vào xoáy nước
Chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt.


Khi "đường chỉ tay đã hết” thì coi như sinh mệnh của mình đã chấm dứt. Lorca đã lường trước được cái chết, ý thức được những điều mà mình làm rũ bỏ hiện thực, rũ bỏ cuộc sống nhiều đau thương để rơi vào “lặng yên bất chợt”. Có lẽ đây chính là sự giải thoát mà Lorca đã chọn cho mình, cũng như sự giải thoát khỏi chế độ phát xít độc tài.

Như vậy “Đàn ghi tar của Lorca” thực sự là bài thơ giàu sức ám ảnh khi tái hiện lại cuộc đời bi tráng của người nghệ sĩ Tây Ban Nha dành cho nghệ thuật, cho cuộc đời, cho sự bình yên của đất nước.
 

Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo - Bài làm 3

Thanh Thảo là nhà thơ có phong cách nghệ thuật riêng, cá tính riêng để lại nhiều tác phẩm gây ấn tượng trong nền văn học Việt Nam. Những sáng tác của ông mang đến một cái nhìn mới cho thơ ca hiện đại. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” là tác phẩm đã để lại một sức chứa lớn trong lòng người đọc về hình tượng nhân vật Lor-ca – cố nghệ sĩ người Tây Ban Nha.

Nhà thơ Thanh Thảo đã mượn tiếng lòng người nghệ sĩ Lorca  làm lời cho bài thơ của mình với ẩn ý bộc lộ chiều sâu không gian và chiều dài thời gian  về người nghệ sĩ tài hoa này. Cả cuộc đời cống hiến cho chiến đấu nhưng cuối cùng Lorca đã chết một cách bi thảm dưới chế độ phát xít tàn bạo. Bài thơ có lối diễn đạt tự do, không viết hoa đầu dòng tạo nên một sự liền mạch như một dòng chảy của cảm xúc vô tận. Sự tài hoa của tác giả còn làm người đọc  liên tưởng bài thơ như một bản nhạc ngân vang với âm thanh tiếng đàn "li-la" mênh mang chắp cánh đưa người nghệ sĩ bay vút lên trên hết tất cả bạo tàn và chết chóc

“Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li la li la li la li la
Đi lang thang về miền đơn độc
Với vầng trăng chuếnh choáng
Trên yên ngựa mỏi mòn”


Nhịp thơ lan tỏa nhẹ nhàng, gợi và tả khiến đất nước Tây Ban Nha tươi đẹp hiện lên trước mắt người đọc với tiếng đàn ghi ta say đắm, những trận đấu bò hào hùng, những cánh đồng cỏ bao la, lãng mạn. Tây Ban Nha nổi tiếng với những trận đấu bò độc đáo và ấn tượng, nhưng trong thơ Thanh Thảo liệu nó có còn giữ nguyên ý nghĩa đó? Đấu trường bò tót cùng với bao cuộc đấu đá, xung đột đã dần được coi như là một chiến trường chính trị đẫm máu. Màu áo choàng của kiếm sĩ "đỏ gắt" lên là màu của chiến thắng hay là màu độc quyền của nền chính trị độc tài thân phát xít đang xâm chiếm và thiêu đốt tự do dân chủ. Người kiếm sĩ ấy dù thế nào vẫn đơn côi, lẻ loi ngay cả trong cuộc chiến đầy khốc liệt giữa khát vọng dân chủ của nhân dân nói chung, với nền chính trị độc tài tàn ác nói riêng:

“Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du”


Trong thơ Thanh Thảo Lorca hiện lên với dáng điệu "chuếnh choáng" và "đường chỉ tay đã đứt" phát súng của bọn phát xít đã khiến chàng nghệ sĩ du ca Lorca phải dở dang hành trình khát vọng của bản thân. Dường như tác giả không tin vào mắt mình, đã phải sững sờ thốt lên rằng “Bỗng kinh hoàng”. Chính hình ảnh ấy đã khắc sâu nỗi đau trong lòng người Tây Ba Nha trước cảnh người nghệ sĩ tài hoa Lorca bị bắn một cách trắng trợn. Thanh Thảo đã sử dụng nghệ thuật đối lập, sự đối lập giữa niềm tin tình yêu và lạc quan khát vọng "hát nghêu ngao" với cái chết phẫn uất đẫm máu "áo choàng bê bết đỏ". Một người kiếm sĩ với phong thái hiên ngang, bình tĩnh, tự tin đi vào chiến trường, “ anh đi như người mộng du”  dù bị “bắt trộm” vào nơi chiến trường bắn một cách đau đớn.

Những hình ảnh thơ có tính gợi tả mạnh mẽ, khắc sâu nỗi chua xót tiếc thương của con người trước hình ảnh người nghệ sĩ tài hoa nhưng bất hạnh. Người dân “khiếp vía” khi hình ảnh Lorca bị đưa ra trường bắn một cách trắng trợn và dã man như vậy. Dù bị “bắt trộm” vào trường bắn một cách đau đớn như vậy, nhưng Lorca dường như vẫn giữ được bình tĩnh, phong cách “đi như người mộng du”. Đây là một trạng thái khi tâm trí và cơ thể dường như tách biệt. Đó là một thái độ rất tôn trọng và ngưỡng mộ. Ở những khổ thơ tiếp theo, người đọc càng cảm thấy tiếc cho cuộc sống cay đắng đó

“Tiếng ghita nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghita lá xanh biết mấy
Tiếng guitar tròn bọt nước vỡ tan
Tiếng ghita ròng ròng máu chảy”


“Tiếng đàn” được lặp lại như thể hiện cảm xúc bị kìm nén trong lòng bao lâu nay. Tiếng đàn gắn liền với những điều bình dị, với thiên nhiên ấm áp, với bầu trời trong xanh. Nhưng tiếng đàn rơi xuống “vỡ” thành “bọt” như khẳng định hiện thực đau lòng ấy. Tác giả đã khéo léo sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác mang đến sự linh hoạt khi miêu tả tiếng đàn. Màu nâu xuất hiện trầm lặng, suy tư đến lạ thường. Giây phút chàng đã ngước nhìn lên bầu trời xanh tha thiết "bầu trời cô gái ấy" , một bầu trời của khát vọng bầu trời yêu thương hiện ra trước mắt người đọc nhưng đối lập là màu xanh của "tiếng ghi ta lá xanh biết mấy". Với tài năng tài ba của mình, Thanh Thảo đã làm sống lại một không gian sống bất tử:

“Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng”


Người đọc dễ dàng hiểu được ý nghĩa của các câu thơ đầu tiên như thế nào, có lẽ không ai có thể “vùi dập tiếng đàn” của Lorca, như một thứ “cỏ dại” làm say đắm lòng người. Cùng với đó là  hình ảnh so sánh trong đoạn thơ làm nên tính biểu tượng lớn nhất của Lorca.Tiếng hát của Lorca trở nên bất hủ, một vẻ đẹp còn nguyên ý nghĩa đến tận nhiều ngày sau. Khổ thơ cuối cùng thể hiện những suy tư, trăn trở của tác giả về nghệ thuật, cuộc đời và sự giải thoát.

“Đường chỉ tay đã đứt
Dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
Trên chiếc ghita màu bạc
Chàng ném lá bùa cô gái Digan
Vào xoáy nước
Chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt.”


Khi "đường chỉ tay đã hết” thì cũng là lúc sinh mệnh của mình đã chấm dứt. Lorca đã lường trước được cái chết, ý thức được những điều mà mình làm để rũ bỏ thực tại, rũ bỏ cuộc sống chỉ toàn đau thương để rơi vào “lặng yên bất chợt”. Đây chính có lẽ chính  là sự giải thoát mà Lorca đã chọn cho mình, sự giải thoát khỏi chế độ phát xít độc tài.

Như vậy, “Đàn ghi ta của Lorca” thực sự là một thi phẩm đầy ám ảnh khi đã tái hiện thành công cuộc đời đầy bi kịch của người nghệ sĩ Tây Ban Nha vì nghệ thuật, vì cuộc sống và vì hòa bình của đất nước.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây