Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ: Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư

Chủ nhật - 31/12/2017 10:03
Về thời nhà Lí (1009 - 1225), Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt. Sau chiến thắng sông Cầu - Như Nguyệt (1076), nền độc lập của Tổ quốc ta được củng cố, ý thức dân tộc phát triển mạnh mẽ. Việc học hành được mở mang, Kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển khá phồn thịnh. Đạo Phật trở thành quốc giáo. Việc xây chùa, đúc chuông, tạc tượng, in kinh Phật diễn ra sôi nổi khắp nơi. Nhiều vị Thiền sư được triều đình trọng vọng. Họ là những con người lỗi lạc, đức trọng, tài cao, giỏi thơ văn, tên tuổi sáng ngời sử sách.
Trong số đó, Mãn Giác Thiền sư (1052 - 1096) là một vị cao tăng mang tâm hồn thi sĩ tuyệt đẹp. Bài “Có bệnh bảo mọi người” (Cáo tật thị chúng) được vị Thiền sư đọc cho các đệ tử nghe khi ông lâm bệnh trọng, trước lúc qua đời. Vốn là một bài kệ (kinh kệ) hàm chứa triết lí đạo Phật cao sâu, nhưng lại tươi mát, gợi cảm, đầy thi vị. Nguyên tác bằng chữ Hán, đây là bản dịch thơ:
 
“Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai”
(Ngô Tất Tố dịch)
 
Bài kệ - thơ đã nói lên quy luật của sự sống và thiên nhiên, biểu lộ tâm thế của nhà sư trước quy luật sinh, tử ở cõi nhân gian, cái tịch diệt và cái vĩnh hằng trong vũ trụ.
 
“Có bệnh bảo mọi người” gồm 6 câu, cứ 2 câu kết thành một liên đăng đối, hài hoà để lại nhiều ấn tượng thú vị.
 
Hai câu đầu nói lên sự tuần hoàn của 4 mùa, tiêu biểu là sự chuyển vần của mùa xuân. Mỗi độ xuân về, trăm hoa nở (bách hoa khai) đua sắc khoe hương.
 
Hình ảnh “trăm hoa cười” tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, cho vẻ đẹp của cây cổ thiên nhiên và mùa xuân. Nhựa sống mùa xuân, hương sắc mùa xuân... còn gì đẹp hơn? Và khi mùa xuân đi qua, ngày tháng sẽ trôi nhanh theo mùa hạ, chuyển sang mùa thu rồi đến mùa đông, chẳng bao lâu lại trở về mùa xuân... cỏ cây, hoa lá, tạo vật cũng biến đổi, sinh trưởng hay phai tàn theo 4 mùa, năm tháng. Khi mùa xuân trôi qua, “trăm hoa rụng” (bách hoa lạc) theo quy luật của tự nhiên. Hai câu thơ mang màu sắc triết lí, khái quát quy luật tồn tại của thiên nhiên và sự vận động của thời gian. Mùa xuân cũng như sự sống thiên nhiên chuyển biến bất tận: “xuân qua” rồi “xuân tới”, “hoa nở” rồi “hoa tàn” ... Mùa xuân là vĩnh hằng. Cỏ cây, trăm hoa cũng như vạn vật, con người đều bị chi phối theo quy luật khắc nghiệt của tự nhiên:
 
“Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười”
 
Bước đi của mùa xuân “qua... tới”, cũng như trăm hoa “rụng... nở”, một lối nói đầy cảm xúc, làm cho câu kệ vốn khô khan đã trở thành câu thơ đẹp và hay. Qua đó, ta thấy tâm hồn vị Thiền sư quả là đẹp!
 
Hai câu tiếp theo, Mãn Giác nói về chuyện người, chuyện đời. Trong cõi nhân sinh, vạn vật biến diễn không ngừng, vận động theo năm tháng “Trước mắt việc đi mãi...”. Cũng như con người, có sinh tất có tử, lúc khoẻ mạnh ắt có lúc ốm đau, bệnh tật, có tuổi hoa niên trẻ tráng tất cái già sẽ đến. Quy luật cuộc sống là như thế, vốn thế! Vị cao tăng đang nằm trên giường bệnh, đọc bài kệ này cho các đệ tử nghe. Ông muốn nhắc nhở họ với tất cả sự thanh thản: Ông đã về già, đang “có bệnh”, nhất định sẽ “tịch” (chết). Đó là lẽ thường tình, có gì đáng sợ, đáng lo. Ý tưởng và triết lí của câu kệ cao siêu vô cùng. Hãy biết yêu cuộc đời với sự thanh thản - hãy làm chủ cuộc sống:
 
“Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi”.
 
Bài kệ được khép lại bằng hai câu tuyệt cú, xưa nay được truyền tụng như một vần thơ đẹp trong bài cổ thi:
 
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước, một cành mai).
 
Hai tiếng “mạc vị” (đừng tưởng) như một lời nhắc khẽ, thấm thìa. Câu thơ cấu trúc liên hoàn, tương phản: “hoa rụng hết”“một cành mai” nở ra. Hình ảnh “nhất chi mai” (một cành mai) là một thi liệu ta thường bắt gặp trong thơ cổ. “Đối ngạn: nhất chi mai”, (Bên suối: một nhành mai) - Hồ Chí Minh... nhành mai tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khiết, thanh cao, lộng lẫy của thiên nhiên và con người. Trong bài thơ này, cành mai nở hoa buổi xuân tàn là một hoán dụ nghệ thuật, nhà thơ lấy nó để nói về mình, chỉ về mình, biểu lộ một quan niệm nhân sinh của vị chân tu: vạn vật sinh ra, tồn tại rồi mất đi, có sinh, trưởng, lão, bệnh, tử... nhưng nhà tu hành chân chính, đắc đạo có thể vượt ra khỏi vòng sinh tử, ngoài quy luật tự nhiên như cành mai nở hoa buổi xuân tàn, khi trăm hoa đã rụng hết! Vậy thì ta (Thiền sư Mãn Giác) đang “có bệnh” là chuyện thường tình, theo quy luật của tự nhiên có gì đáng băn khoăn? “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Truyện Kiều). Ngoài triết lí sâu xa của đạo Phật, được cụ thể hóa và hình tượng hóa qua hình ảnh “nhất chi mai”, câu thơ còn ẩn chứa một ý nghĩa đẹp: nhà sư rất lạc quan yêu đời. Với ông, thì thiên nhiên hữu sắc hữu hương, tràn đầy sức sống, tươi mát trẻ trung, cuộc sống không ngừng vươn lên mạnh mẽ theo dòng chảy thời gian.
 
Bài kệ “Cáo tật thị chúng” thể hiện một cốt cách, một quan niệm sống đẹp của vị Thiền sư đức trọng tài cao. Tư tưởng Phật giáo hoà quyện với chất thơ, tầm cao sâu triết lí đạo Phật được trang phục bằng lời thơ đẹp, giàu hình tượng và cảm xúc.
 
Bài kệ đã trở thành bài cổ thi, đã đi suốt hành trình một thiên niên kỉ. Đọc bài “Cáo tật thị chúng”, ta trân trọng tinh thần yêu đời, yêu sự sống của vị Thiền sư, chúng ta yêu thêm vẻ đẹp trắng muốt của cành mai nở hoa buổi xuân tàn. Dư vị của bài thơ như một lời nhắc khẽ: hãy làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời và biết làm chủ bản thân mình, để yêu đời, yêu sống, để lao động và học tập say mê.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây