Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Ông đồ già, cô gái xuân và tết cổ truyền.

Thứ năm - 21/07/2016 07:35
Không phải một câu chuyện gì ly kì cả. Chỉ là ngày Tết cổ truyền, ta có truyền thống chơi thơ Tết, câu đối Tết. cho nên tôi muốn được cùng các bạn đọc nói chuyện về mấy bài thơ Tết để gây hương vị đầu xuân thế thôi.
Bài thơ thứ nhất là một bài thơ được đông đảo độc giả ưa thích nhất suốt nửa thế kỉ này, bây giờ nhiều người vẫn nhớ: bài ông đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên:
 
Mỗi năm hoa đào nở
 Lại thấy ông đồ già
 Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
 
Thật là vui! Thật là đẹp! Màu thắm của hoa đào, mà tươi của giấy đỏ, màu đen nhánh của mực tàu và mái tóc trắng của ông đồ; những màu sắc hài hòa sống động. Chỉ nguyên cái quang cảnh này đã là một bức tranh Tết lộng lẫy, ngoạn mục. Vì vậy:
 
Bao nhiêu người thuê viết
 Tắm tắc ngợi khen tài
 Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
 
Trí tuệ và tài hoa của dân tộc phô bày, không cần phải khảo sát đâu xa, ngay trên đường phố. Người viết - ông đồ có biệt tài văn chương. Người khách bình thường thuê viết cũng tỏ ra có trình độ văn hóa. Ngày Tết, trang trí nhà bằng văn chương hay, chữ viết đẹp... có óc thẩm mỹ tao nhã như vậy, dân tộc ta quả là xứng đáng với thành ngữ: bốn nghìn năm văn hiến. Thế nhưng:
 
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
 Mực đọng trong nghiên sầu...
 
Như vậy đó! Cái văn minh do đế quốc thực dân chở bằng tàu chiến, bằng đại bác, súng trường và lưỡi lê nhập khẩu vào nước ta đã tấn công, tàn phá, càn quét nền văn hóa dân tộc. Lớp “người tân tiến” dần dần ăn Tết cổ truyền bằng sâm banh, sô-cô-la, kẹo đơ-ra-giê, xì gà gộc và chúc nhau “nu-ven-lăng “hêp-py-niu-ja”... và ôm nhau "tăng gô”, “van sờ” để tỏ ra văn minh, tiến bộ "mô đéc"... hơn ông cha. Theo câu đối, thơ viết trên giấy đỏ hàng mã lên tường... ôi chao nhà quê, pơ-rô-vanh-xi-an quá. Vì thế nên “mỗi năm” mỗi vắng - người thuê viết nay đâu?
 
Không ai thuê viết nữa, “giấy đỏ buồn không thắm - mực đọng trong nghiên sầu”. Giấy đỏ phơi nắng ngày nọ, qua ngày kia tất nhiên phai màu, mực không được sử dụng tất nhiên khô đọng, đó là cái gì người ta trông thấy. Nhưng cái vô hình, không trông thấy bằng mắt, mà cảm nhận thấy - rõ ràng hơn, sâu sắc hơn và đắng cay hơn - là sự tiêu vong văn hóa, tinh hoa của dân tộc. Nỗi buồn của giấy mực thật là não nề:
 
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
 
Văn hóa là sản phẩm, là thành quả của lao động qua các thời đại - chúng ta nói văn hóa với đúng nghĩa của từ, tức là những gì có giá trị nhân bản, chứ không phải là những thứ phản văn hóa mà nhiều người gọi lầm là văn hóa - tự nó không mai một, chỉ có con người lãng quên nó thôi, ông đồ - một biểu trưng của văn hóa cổ truyền - "Vẫn ngồi đấy" nhưng người qua đường không ai lưu ý đến! Đến với ông đồ chỉ có lá vàng rơi và mưa bụi bay nghĩa là nỗi u buồn quạnh hiu, lạnh lẽo...Và cuối cùng là.
 
Năm nay hoa đào nở
 Không thấy ông đồ xưa
 Những người muôn năm cũ
 Hồn ở đâu bây giờ?
 
Là con người thì ai rồi cũng già, cũng chết, "những người muôn năm cũ" tất nhiên thành người quá khứ. Nhưng cái gì không chết, sống mãi là cái hồn - tức là truyền thống là tinh thần dân tộc. "Hồn ở đâu bây giờ?", đó là câu hỏi biểu thị sự ngơ ngác, hoang mang, nhớ tiếc, xót xa của những tấm lòng yêu nước, khi bàng hoàng thấy mình lạc lõng, bơ vơ, mất phương hướng; trong tình trạng xã hội vong bản.
 
Tôi vừa phạm vào một điều kiêng kị của truyền thống. Tết không được nói chuyện buồn xúi quẩy cả năm. Xin cáo lỗi và chuyển câu chuyện vui với bài thơ Rằm tháng giêng của thi sĩ Hồ Dzếnh.
 
Thành ngữ có câu: "Đi lễ quanh năm, không bằng ngày rằm tháng giêng". Bời vì rằm tháng giêng đi lễ chùa thì vui lắm, dư âm ngày Tết còn vảng văng. Dường như ba ngày tết đi qua mau quá, người ta còn tiếc ngày vui ngắn chẳng tày gang cho nên cung đàn tuyệt diệu sắp tàn âm thanh cuối cùng, bỗng nhiên lại ngân nga lên một lần nữa: ấy là rằm tháng giêng.
 
Rất dễ hiểu, những người muốn kéo dài ngày vui thêm là các em nhỏ và thanh niên. Họ mượn cớ rằm tháng giêng đi lễ chùa theo tục lệ (chứ chưa hẳn là tín ngưỡng, mộ đạo):
 
Ngày xưa còn nhỏ... ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang
 Lòng vui quần áo xênh xang
Tay cầm hương nến đỉnh vàng mới mua.
 
Em nhỏ thật ngộ nghĩnh. Nhung dù sao em cũng chỉ là nhân vật phụ. Bây giờ nhân vật chính mới xuất hiện:
 
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên
Lòng thành lễ vật đầu niên
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!
 
Gớm ghê cho sự tinh quái của hai chàng trai trẻ. Cửa chùa không đóng với bất cứ ai, ai cũng được vào lễ. Người đi lễ thì đông, chờ đợi biết đến bao giờ, nhiều người cùng vào khấn một lượt là thường, ai khấn khứa cầu xin Đức Phật nghìn mắt nghìn tay biết tất cả và ban phúc cho tất cả. Có điều là hai chàng lại khấn một cách quái ác. Khán hộ cô gái: “Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng”.
 
Thế nhưng, khấn thế nào là quyền của người ta, trước bàn thờ Phật là chỗ trang nghiêm, phản đối người ta, phê bình người ta sao được. Vả lại hai chàng đã bố trí đứng hai bên thì còn làm sao rút lui được? Cô gái chỉ còn cách đứng im chịu trận:
 
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi.
 
Vừa thẹn vừa tức, cô phụng phịu suýt khóc và khi được tự do rồi thì vùng vằng xa lánh hai chàng "quỷ" ấy cho thoát nạn, chút nữa bỏ quên em trong đám đông.
 
Tuy nhiên thẹn, giận mà cũng... thích:
 
Tam quan ngoài mái chị ngồi
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn
Quẻ thần, thánh mách mà không
Số nàng chồng đắt mà con cũng nhiều!
 
Thì ra lời khấn của hai chàng đã được thần thánh chứng giám, thiêng thật là thiêng! (Hay là trái tim của cô gái, mà ngày xuân gợi nhắc tinh yêu, chứng giám, tùy ý muốn nghĩ đàng nào cũng được cả): “Số nàng chồng đắt mà con cũng nhiều!”. Cái phụng phịu má hồng, cái vùng vằng ban nãy té ra chỉ là màu mè điệu bộ. Cái lúc này mới là đích thật: "Chị cười luôn luôn, Cười quá đi chứ, số như thế là toại nguyện, mãn ý hết nói! (Với lúc ấy, còn với ngày nay thì chỉ tốt có một nửa: chồng đắt, còn con cũng nhiều không nên).
 
Chuyện ấy đã thuộc về dĩ vãng: cô gái nay đã lên bà và cậu em hồi ấy đã thành người lớn:
 
Chị tôi nay đã xế chiều
 Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
Hàng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn
 Chỉ thấy hơi vắng trong hồn
ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ
 Chân đi đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở vè
 
Bài thơ kết thúc bằng một nỗi buồn dịu nhẹ như một chút khói lam chiều. Ngoái nhìn lại tuổi thơ, tuổi trẻ qua đi như nước chảy xuôi không khi nào trở tại, như người bạn cũ một lần chia tay là xa mãi mãi, trong lòng nảy sinh mối hoài cảm đó là thường tình, cái hồn nhiên, cái bồng bột phải nhường chỗ cho sự chín chắn, nghiêm trang "sống là như vậy".
 
Đáng nói chăng là trong xã hội cũ những ước mơ chân thành, những hoài bão cao đẹp của tuổi xuân cử bị thực tế làm cho héo úa, tàn rụng dần như cành đào sau Tết.
 
 Khiến cho người ta khi hồi tưởng lại cái thuở ban đầu thì vừa nhớ tiếc, vừa ngao ngán, vừa thương mình, vừa cười mình và sống chỉ để thấy hạnh phúc, niềm vui thưa dần, vắng dần như những khách thuê viết câu đối của ông đồ già tội nghiệp bên trên.
 
Nhân loại cố gắng phấn đấu tạo lập một xã hội mới trong đó ước mơ, tuổi xuân là nụ xanh chồi biếc, là con suối trong đầu nguồn và hành động thiết thực có hiệu quả cụ thể là hoa thơm, trái ngọt, là sông dài, biển rộng. Hoặc nói một cách khác ước mơ là bản phác thảo, là bản dự báo mà hành động là công trình thực hiện. Nghĩa là từ ước mơ đến thực tiễn chỉ là một quá trình liên tục, không phải cái này phủ định cái kia. Hạnh phúc thuộc về con người.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây