Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải thích và chứng minh câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thuơng nhau cùng”

Thứ năm - 21/07/2016 06:42
Tình thương yêu đùm bọc nhau của nhân dán ta được thể hiện qua một số tục ngữ, ca dao. Một trong những nội dung chủ yếu của ca dao là lối sống giàu tình nặng nghĩa của dân tộc ta.
Chính tình thương yêu đùm bọc của người trong mỗi nước trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, ông cha ta đã dùng hình ảnh ví von rất gần gũi để khuyên nhủ con cháu:
 
“Nhiễu điều phú lấy giá gương
 Người trong một nước phải thương nhau cùng”
 
Ta hãy tìm hiểu ý nghĩa câu ca dao trên để thấy được sự biểu hiện của tình đồng bào ruột thịt của cha ông ta.
 
Nhiễu điểu là tấm nhiễu đỏ, là một loại hàng tơ mềm mịn màu đỏ rất sang quý. Chiếc gương soi bằng đồng sáng loáng được đỡ bởi giá gương. Giá gương là vật dụng bằng gỗ được chạm khắc công phu để đỡ lấy gương soi, vừa là vật trang trí trong nhà. Đó là vật dụng trong phòng trang điểm của những tiểu thư khuê các ngày xưa. Nhiễu điều và giá gương hai vật ấy nếu để riêng rẽ không có gì đặc sắc mà trái lại, tấm nhiễu cũng bỏ phí, giá gương lại bị bụi phủ mờ, dễ bị hư hỏng, hoen ố. Tấm nhiễu đỏ phủ lên giá gương sẽ tôn lên vẻ sang quý của gương. Ngược lại, chiếc gương sáng cũng làm tăng vẻ rực rỡ của tấm nhiễu điều. Nhiễu tránh cho gương khỏi bị bụi phủ mờ. Gương sáng được lồng trong tấm nhiễu điều rực rỡ sẽ ánh lên sắc màu trang trọng biết bao. Đó là vẻ đẹp hài hòa, rất ưa nhìn, là vẻ đẹp của sự bảo bọc và tình thương yêu.
 
Từ hình ảnh của nhiễu điều phủ giá gương, câu ca dao ngụ một lời khuyên: người trong một nước phải thương yêu, đoàn kết với nhau. Lòng thương yêu đùm bọc, tình đoàn kết đồng bào ruột thịt sẽ tạo nên cuộc sống an vui cho cộng đồng, bảo vệ được nền độc lập cho dân tộc.
 
Về mặt tình cảm, người trong một nước có chung một nguồn gốc lịch sử, cùng chung những giờ phút tự hào vinh quang cũng như cùng chia sẻ những hoạn nạn trong những ngày đen tối của đất nước. Chung lịch sử còn có nghĩa là chung cả tổ tiên, chung một tiếng nói, một phong tục, tập quán, một điều kiện sống, một bầu không khí thương yêu với biết bao gắn bó, biết bao kỉ niệm. Người trong một nước Việt Nam sẽ đau xót biết bao nếu như đồng bào mình bị ngoại bang coi thường khinh rẻ, bị lấn lướt hoặc đối xử bất công. Ngược lại, nếu đồng bào ta được quý mến trọng vọng, ta cũng vui lây, cũng cảm thấy tự hào.
 
Lời khuyên về nghĩa đồng bào, tình đoàn kết nói trên mang những giá trị tình cảm, đạo đức to lớn. Trong cuộc đời thường: Mọi người phải đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau
khi gặp cơ nhỡ, hoạn nạn:
 
Lá lành đùm lá rách.
 
Trong đời sống hàng ngày, sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau những lúc ngặt nghèo, giỗ chạp, dựng nhà, cưới xin, tang lễ... đầy nghĩa tình đã trở thành một nét văn hoá của dân tộc ta.
 
Vì xuất phát từ cùng nguồn cội tổ tiên, người trong một nước cần chung lưng đấu cật để xây dựng và phát triển đời sống cộng đồng.
 
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
 
Trong công cuộc giữ nước: Mỗi người đều có thể tạo cho mình một tài sản, một ngôi nhà. Nhưng mọi người đều có cùng tài sản chung, ngôi nhà chung, đó là đất nước, là dân tộc. Khi tài sản chung ấy mất đi thì không tài sản riêng nào có thề tồn tại được.
 
Từ hình ảnh gợi cảm ví von đặc sắc đó, nhân dân ta muốn giữ mãi truyền thống nhân đạo cao quý: phải thương nhau cùng. Lí do yêu thương thật cảm động và đơn giản vì là người trong một nước.
 
Người trong một nước vốn có quan hệ gắn bó chặt chẽ để tồn tại và phát triển. Chúng ta là một tập thể lớn gồm nhiều ngành nghề, ngành nghề này trao đổi với ngành nghề khác để sinh sống. Khu vực này trao đổi với khu vực khác về nhiều lãnh vực. Ý thức rõ mối quan hệ đó, ta phải duy trì và phát triển xã hội. Đất nước ta đang phát triển, ta càng phải thương yêu nhau, đồng tâm hiệp lực để đấu tranh với thiên tai, lũ lụt hàng năm. Những tấm lòng lá lành đùm là rách được thực hiện trong những lúc thiên tai, hoạn nạn thật là một tấm nhiễu điểu thần kì tạo nên tình yêu thương, đoàn kết dân tộc.
 
Cho nên công cuộc bảo vệ đất nước không thể do một người hay một nhóm người làm nổi. Lịch sử mấy ngàn năm giữ nước của cha ông ta là một biểu hiện sinh động về bài học đoàn kế dân tộc để giữ nước.
 
Từ chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Vương Quyền, ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân đời Trần, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn tập hợp nhân dân bốn cõi một nhà đến đoàn quân áo vải Tây Sơn quét sạch mấy mươi vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, tất cả đều do sức mạnh đoàn kết muôn người như một của dân tộc ta.
 
Từ khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã chủ trương:
 
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
 Thành công, thành công, đại thành công.
 
Từ ngày đất nước thống nhất hòa bình, toàn dân cùng nhau xây dựng một đất nước hòa bình, phát triển. Cho nên nhân dân ta đã đạt từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
 
Bài học đã đi vào ca dao là bài học được đúc kết bằng tâm huyết của nhân dân ta từ lâu đời, có giá trị thực tiễn to lớn. Nghĩa đồng bào, tình đoàn kết chứa đựng trong câu ca dao trên là bài học lớn nhất của dân tộc qua mấy ngàn năm lịch sử giữ nước và dựng nước mà chúng ta cần luôn luôn tâm niệm.
 
Là một công dân trẻ tuổi của một dân tộc có truyền thống nhân ái tốt đẹp, em vô cùng tự hào đã được sinh ra và lớn lên từ nguồn yêu thương ấy. Em nguyện sẽ giữ mãi tình cảm đồng bào ruột thịt, sẽ mãi mãi sống trong truyền thống nhân ái của dân tộc.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây