Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nói về việc tu dương ý chí, ca dao ta có câu: "Ai ơi giữ chí cho bền, Dù ai thay móng đổi nền mặc ai". Hãy bình luận câu ca dao ấy

Thứ tư - 15/02/2017 06:01
Trong cuộc sống của mỗi người, ai muốn thành đạt trong sự nghiệp của mình thì chẳng những phải có chí, mà còn phải giữ chí cho bền. Nhân dân ta từ xưa đã có câu ca dao khuyên nhủ như sau:
Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.

 
Đó là một lời khuyên sâu sắc và giàu ý nghĩa.
 
Thật vậy, trong cuộc đời mỗi người, nếu ai chỉ làm những việc giản đơn như ăn cơm, uống nước, đi chợ, đi tắm, đi ngủ... thì không cần phải có chí. Nhưng nếu muốn làm nên sự nghiệp, muốn học tập thành tài để có đóng góp nhiều hơn cho đất nước và xã hội, như trở thành một nhà khoa học, một vị chỉ huy quân đội, một nhà văn, một giáo viên có uy tín, một diễn viên có tài, một nhà doanh nghiệp giàu có, một danh thủ thể thao, một người làm vườn nổi tiếng, một người mẫu có giá... thì người ta phải có chí và giữ chí cho bền.
 
Cái chí được nói ở đây là chí hướng, lí tưởng, ước mơ, hoài bão, mục đích cuộc sống của con người. Con người muốn cho đời mình sống có ý nghĩa, có giá trị thì phải có chí hướng, lí tưởng. Lí tưởng, chí hướng càng lớn, càng xa thì nghị lực phải lớn, ý chí phải bền. Do vậy, vấn đề chí bền trước hết đặt ra cho những ai muốn cuộc đời có nhiều ý nghĩa.
 
Vì sao mà người có hoài bão thì chí phải bền? Trước hết, hoài bão là những ước mơ lớn. Chẳng hạn, muốn làm một nhà khoa học thì phải chiếm lĩnh các tri thức khoa học tiên tiến trong một lĩnh vực cụ thể, phải biết vận dụng để giải quyết có hiệu quả những nhu cầu của sản xuất hay học tập, chữa bệnh... được mọi người thừa nhận, đưa vào ứng dụng. Đó là một quá trình lâu dài, gian khổ đòi hỏi phải có nhiều cô gắng vượt bậc, mà không phải ai cũng có thể chịu đựng mọi thử thách của công việc. Chỉ người có chí thì mới có thể vượt qua.
 
Một ví dụ đơn giản hơn, một người muốn có trình độ tốt nghiệp đại học để có thể làm việc trong một cương vị nào đó, thì người đó phải tốt nghiệp phổ thông cơ sở, thi vào và tốt nghiệp phổ thông trung học, rồi mới thi vào đại học và học tập theo một ngành mình lựa chọn. Đó là một quá trình lâu dài và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có thể có những biến đổi về khả năng kinh tế trong gia đình, có thể có những nghề khác hấp dẫn mà không cần học vấn cao, người nhà để nghị thôi học, bạn bè khuyên ngăn, và rất có thể người ấy rẽ ngang lối khác. Như vậy bản thân mọi hoài bão ước mơ đều đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc, trước hết là vượt lên chính mình.
 
Thứ hai, tại sao lại nảy sinh vấn đề “Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai?” Đó là vì các nguyên nhân, hoàn cảnh bên ngoài có tác động rất lớn đến tâm lí người có ước mơ, hoài bão. Chẳng hạn, bạn bè cùng chí hướng đừng bỏ học, chạy theo hướng khác để cầu lợi nhanh hơn. Những khó khăn, vấp váp trên con đường sự nghiệp cũng dễ làm ta nản lòng. Bạn xấu gièm pha đố kị. Những tác động khách quan ấy dễ làm lung lay ý chí, giảm bớt quyết tâm, mài mòn nghị lực. Nhưng đó cũng là những thử thách sức bền của ý chí, đòi hỏi người có ý chí phải tự vươn lên sự mềm yếu của chính mình.
 
Người xưa thường cổ vũ cho người có nghị lực. Tục ngữ nói “Sóng cả không ngã tay chèo”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Còn nước, còn tát”, “Có cứng mới đứng đầu gió”... Chỉ có nghị lực, niềm tin mới giúp người có hoài bão vượt qua khó khăn, đi tới thành đạt. Bác Hồ cũng từng khuyên thanh niên:
 
Không có việc gi khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí củng làm nên.
 
Như vậy, lời khuyên giữ chí cho bền, chống mọi dao động, nghiêng ngả trên con đường thực hiện là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.
 
Tuy nhiên, lòi khuyên ấy chỉ thực sự hữu hiệu khi hoài bão, lí tưởng ấy là cao thượng và tốt đẹp. Bởi vì có tính chất tốt đẹp đó thì lúc đầu dù có người “thay hướng, đổi nền” song rút cuộc sẽ được mọi người đồng tình, giúp đỡ, nên công việc sẽ thuận lợi. Nếu chí hướng thiếu sáng suốt, không hợp lí, bao nhiêu người can ngăn mình vẫn không thay đổi, thì lúc đó không phải là bền chí mà là cố chấp, bảo thủ. Chẳng hạn, mình không có tài làm diễn viên điện ảnh, mà cứ cố làm nghề diễn viên, hoặc không có khả năng làm thơ mà cứ cố trở thành nhà thơ, thì lúc đó, chẳng những mình không thành đạt, mà còn lãng phí những ngày tháng tươi đẹp của cuộc đời, chuốc lấy sự khổ tâm cho bản thân. Hoặc như ai đó không có tài kinh doanh mà vẫn cứ mở cửa hàng thì rất dễ phá sản.
 
Như vậy, lời khuyên giữ chí cho bền là một lời khuyên tốt đẹp, nhưng có điều kiện. Một là chí hướng của mình phải chính đáng, đáp ứng yêu cầu của gia đình và xã hội, hai là chí hưởng đó phù hợp với năng lực, năng khiếu của mình. Một chí hướng không phù hợp yêu cầu khách quan, không phù hợp với năng lực chủ quan, thì đó là cái chí hướng ảo tưởng, hão huyền. Trường hợp đó, dù có chí cũng khó được thành đạt.
 
Nói như vậy cũng không có nghĩa là chỉ nên có chí hướng khi mọi điều kiện khách quan và chủ quan đã có đầy đủ. Cô Pađula là một người mẫu thời trang được yêu mến của nước Anh. Nhìn dáng điệu biểu diễn linh hoạt, đáng yêu không ai ngờ cô là một người bẩm sinh câm và điếc. Cô đã phấn đâu hết mình để làm cho bản thân vượt lên khỏi thân phận một người tàn tật. ở Việt Nam anh Nguyễn Ngọc Kí bị teo hai tay, anh phải tập dùng chân mà viết, kết quả anh đã tốt nghiệp đại học, biết viết văn. Nhà văn Nga Nicôlai Ôxtơrôpxki cũng vậy, ông bị liệt và bị mù, nhưng đã tập viết văn và trở thành nhà văn nổi tiếng.
 
Tóm lại, “Ai ơi giữ chí cho bền”...là câu ca dao nâng đỡ con người, nó cổ vũ con người giữ vững ý chí phấn đấu một khi đã có hoài bão tốt đẹp.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây