Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bình luận câu tục ngữ: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".

Thứ năm - 16/02/2017 22:12
Nói về tác động của môi trường, hoàn cảnh đối với sự hình thành nhân cách con người nhân dân ta từ xưa đã có câu tục ngữ: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".
Trước tiên, câu tục ngữ đem lại một hình ảnh cụ thể, dễ hiểu về mối quan hệ giữa các sự vật. “Mực” là chất nước màu đen dùng để chấm bút vào mà viết chữ Hán. Tính chất đen của mực là hiển nhiên. Người ta nói “trời tối đen như mực”. Khi dùng để làm một bằng chứng văn tự tương phản với màu trắng, thì người ta nói “mực đen, giấy trắng”, rõ ràng, không chối cãi được. Mực xanh, mực đỏ, mực tím là những thứ có sau, còn mực ban đầu là màu đen. Do đó cái gì gần mực đều có thể bị dây đen. Như trên vừa nói mực đen gần với tối, do vậy, về “gần mực thì đen” cũng có nghĩa là gần chỗ tối tăm cũng có thể chịu ảnh hưởng của tôi tăm. Trái lại, “đèn” là phương tiện chiếu sáng, tất nhiên gần đèn thì rạng (tức sáng). Do tính chất chiếu sáng, “đèn” gắn với các tính chất tốt đẹp như quang minh chính đại, sáng sủa, trong sạch, lương tâm trong sáng. Sự đôi lập của “mực” “đèn” cũng làm nổi bật lên sự đối lập giữa đen và sáng, bóng tối và ánh sáng.
 
Nhưng hình ảnh trong câu tục ngữ không nhằm nói chuyện mực và đèn, mà nói tói ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh xấu và tốt ở đời. Đây mới chính là nội dung chính của câu tục ngữ. Thật vậy, trong khi kết giao với chúng bạn, nếu chơi với những bạn không có tư cách đứng đắn: nói dối, lười biếng, hỗn láo với người lớn tuổi, tham ăn, tục uống... người thiếu niên có nguy cơ  tiêm nhiễm thói xấu cua các bạn ấy. Lúc đầu không xem các thói xấu ấy là sai trái, chướng tai gai mắt, lâu dần, sẽ coi là bình thường, thậm chí phụ họa, tham gia vào các việc xấu. Có trường hợp, do giao du với chúng bạn không tốt mà bị vạ lây. Người đời vốn khinh bỉ những hạng người không đứng đắn, thấy ai chơi với chúng, người ta đều xem là một giuộc. Như thế, dù ta không làm gì xấu cũng vẫn mang tiếng xấu. Phương ngôn ta nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nghĩa là trâu đi với trâu, ngựa đi với ngựa, loại nào tụ họp theo loại ấy. Phương ngôn Pháp cũng nói: “cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh là người như thế nào”. Rõ ràng vế thứ nhất của câu tục ngữ đã đưa ra một nhận định đúng đắn, khái quát, một quy luật khách quan, đồng thời cũng là một lời nhắc nhở thấm thía về một môi nguy hiểm đang chờ đợi những ai dễ dãi chơi bời với những người không tốt.
 
Vế thứ hai của câu tục ngữ, vừa nói lên một sự thực, vừa là một lời khuyên tốt lành. Hãy tìm nơi đứng đắn mà đến, hãy tìm bạn tốt mà chơi. Người học trò nếu tìm được thầy giỏi, chắc chắn sẽ học tập thông minh, mau chóng thành tài. Nếu học trò ở vào một tập thể có phong trào thi đua khá, em ấy sẽ làm được nhiều việc tốt cho nhà trường, xã hội và bản thân, giao du với người tốt ta sẽ học được đức tính tốt như thẳng thắn, khiêm nhường, vị tha, cao thượng.
 
Tuy nhiên trong cuộc sống rộng lớn các quy luật hiện tượng cũng không tác động một chiểu. Mối quan hệ con người và hoàn cảnh vừa do hoàn cảnh tác động, nhưng cũng do con người quyết định. Nhân dân ta có câu ca dao ca ngợi phẩm chất trong trắng của hoa sen:
 
“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoặc “Cây ngay không sợ chết đứng”. Bao nhiêu chiến sĩ của ta hoạt động lâu năm trong môi trường của quân địch chứa đầy tội ác sa đọa, mà vẫn giữ được phẩm chất trong sáng của người cách mạng, chẳng hạn như ông Vũ Ngọc Nhạ, từng làm cố vấn cho Nguyễn Văn Thiệu trước đây. Mặt khác, khi giao du với những người tốt, có người chỉ mong “Thấy người sang bắt quàng làm họ”, để khoe mẽ với đời nhằm nâng cao uy tín của mình, để tìm đường leo cao trên bậc thang danh vọng, thỏa mãn cá nhân. Đó cũng là một hiện tượng rất nên cảnh giác.
 
Câu tục ngữ nói trên có một ý nghĩa khái quát rộng lớn. Ta không thể nói được là trong xã hội ta ngày nay chỉ có “đèn” mà không có “mực”. Trong công cuộc mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế thị trường, cuộc sống có được thêm nhiều cái hay, nhưng cũng có không ít cái dở. .Chính vì vậy, câu tục ngữ kia vẫn còn có nhiều tác dụng giáo dục và cảnh tỉnh cho con người. Xét một mặt khác câu tục ngữ chỉ cho biết một quy luật, một lời khuyên, nhưng không chỉ rõ cái gì là “mực”, cái gì là “đèn”, ở đời có khi cái “đèn” bị xem là “mực”, còn cái “mực” thì lại được xem là “đèn”. Chẳng hạn, có khi một người toàn tâm toàn ý vì khoa học, vì người khác, hi sinh nhường nhịn hết quyền lợi cá nhân thì bị xem là “hâm”, là “lẩm cẩm”, có kẻ ăn chơi phung phí tiền của nhân dân thì lại được xem là biết sống, “sống sang trọng”. Thật là chua chát. Do vậy, muốn thực hiện lời khuyên trong câu tục ngữ con người phải phát huy tính tích cực chủ quan, phát huy trí tuệ nhận thức, để nhận được rõ đầu là “đèn” đâu là “mực”.
 
Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” thật là một câu tục ngữ hay, có ý nghĩa phổ biến đối với mọi người và mọi thời. Muốn phát huy tác dụng tốt của nó con người phải sáng suốt, tinh tường, đừng nhầm “đèn” với "mực", hoặc “mực” với “đèn”.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây