Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nói về mối quan hệ giữa môi trường sống và cá nhân con người, tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Hãy bình luận và nêu suy nghĩ của em về câu tục ngữ trên.

Thứ năm - 27/10/2016 04:58
Ông cha ta từ bao đời nay đã tích luỹ những kinh nghiệm tinh hoa từ cuộc sống thành ca dao, tục ngữ. Không bị cuốn theo dòng chảy bất tận của thời gian, những lời khuyên quý báu đó mãi mãi trường tồn, cho con cháu đời sau học tập, noi gương. Trong số những câu tục ngữ, ca dao nói về mối quan hệ giữa môi trường sống và con người, người ta vẫn nhắc nhiều đến câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Câu tục ngữ khuyên chúng ta hãy tiếp cận với cái tốt, lánh xa cái xấu.
Để có thể hiểu sâu sắc lời khuyên thấm thía đó, trước hết, ta phải hiểu nghĩa của câu tục ngữ. Đèn phát ánh sáng lung linh, dưới đèn vạn vật đều sáng lên rực rỡ. Ngược lại, mực thì bẩn thỉu, đen đúa. Dường như đen là một đặc tính không thể thiếu của mực, một trang giấy nếu bị mực dây vào sẽ không còn giữ được màu trắng tinh khôi nữa. Ông cha ta mượn hai tính chất hiển nhiên này của mực và đèn để nói cái tốt, xấu ở đời. Xã hội rối ren, ranh giới giữa cái hay và cái dở nhiều khi mong manh, mờ nhạt. Chỉnh vì vậy, tác động của môi trường sống với con người vô cùng to lớn. Thực chất, câu tục ngữ không phải nói về mực với đèn mà luận bàn về cách đối nhân xử thế, phân biệt tốt - xấu trên đời. Tự bảo vệ mình trước điều xấu xa, học hỏi điều hay, cái đẹp là lời khuyên thấm thìa, sâu xa, ẩn chứa chân lí cuộc sống trong câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
 
Vượt qua thời gian và không gian, câu tục ngữ ngày càng được khẳng định, trở thành một chân lí. Trong kho tàng văn hoá dân gian phong phú, cũng có một số câu tương tự như: “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”. Những câu tục ngữ ấy nêu rõ ảnh hưởng của môi trường đối với con người. Từ lúc nằm trong nôi, ta đã lớn lên với lời ru của mẹ. Lúc đó, gia đình tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách của đứa trẻ. Gia đình có hạnh phúc, êm ấm, vợ chồng hoà thuận, anh chị em yêu thương nhau thì đứa trẻ mới có thể lớn lên trong tình thương, sự giáo dục tốt để trở thành một con người tốt. Khi lớn lên, đến tuổi trưởng thành thì với sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè, ta có thể tiếp thu được nhiều kiến thức, học hỏi được nhiều điều bổ ích. Sau này, khi phải bôn ba với sóng gió cuộc đời, gia đình và bạn bè sẽ là chỗ dựa vững chắc nhất để ta vững bước trong cuộc đời.
 
Môi trường tốt giúp con người tốt lên được năm phần thì môi trường xấu hủy hoại con người mười phần. Cha mẹ hay cãi cọ, gia đình không hạnh phúc sẽ gây cho con cảm giác cô đơn. Bạn bè xấu lôi cuốn, dụ dỗ, con người ta sẽ sa vào những thói hư, tật xấu. Thực tế cuộc sống đã cho thấy, để tiếp thu và hình thành nên những thói quen tốt khó hơn rất nhiều việc tiếp thu những thói quen xấu. Không biết bao nhiêu người đã sống trong buông thả để rồi phạm pháp. Thế mới biết tác động của môi trường lớn đến nhường nào.

Câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” rất có giá trị đối với tương quan xã hội. Thời xưa, quan lại lộng quyền, gian tham, đời sống nhân dân đói khổ nên cái xấu dễ nảy sinh. Thời nay, có nhiều tệ nạn xã hội phát sinh, gây tác hại to lớn đối với loài người. Tóm lại, thời xưa hay thời nay thi cái xấu vẫn tồn tại, lôi kéo con người. Vì thế chúng ta cần phải tránh xa cái xấu. Hơn thế nữa, cần phải tiếp cận những điều hay, những người tốt để học hỏi, tu dưỡng, rèn giũa bản thân, chăm đọc sách, báo để mở mang kiến thức về mọi mặt đời sống. Câu tục ngữ quả là có ý nghĩa lớn lao. Nếu người dân Việt Nam ai ai cũng làm theo lời khuyên sâu sắc đó thì đất nước ta sẽ ngày một đi lên, chuyển mình thành một cường quốc mạnh, có thể sánh vai với bạn bè năm châu bốn biển.
 
Tuy câu tục ngữ được đúc kết từ ngàn xưa nhưng vẫn có mặt hạn chế. Chưa chắc gần mực đã đen và gần đèn đã rạng. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nghị lực, ý thức và nhân cách của con người chứ không chỉ phụ thuộc vào việc tránh cái xấu, gần cái tốt. Nếu con người có quyết tâm không lây nhiễm điều xấu thì dù có phải ở gần những người xấu cũng chẳng bị ảnh hưởng gì nhiều. Những người có quyết tâm như vậy là “bông sen thơm ngát” “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Câu tục ngữ còn có một thiếu sót nữa, đó là mọi người có thể không cần phải tránh xa mà lại nên ở bên, giúp đỡ những người xấu, để họ trở lại với con đường lương thiện, trong sạch. Tuy cũng có nhiều điểm chưa hợp lí nhưng nhìn chung, câu tục ngữ vẫn là một lời khuyên quý báu cho chúng ta.
 
Xã hội bây giờ có nhiều mặt xấu, mặt tiêu cực. Là học sinh của Thủ đô, là thế hệ tương lai của đất nước, tôi cảm thấy lo lắng trước thực trạng này. Đất nước sau chiến tranh đang ở giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên cái xấu dễ nảy sinh. Các tệ nạn lan rộng trong phạm vi cả nước vì lối sống vô trách nhiệm, buông thả của một số người. Ma tuý, cờ bạc, rượu chè và mới đây là thuốc “lắc” ở vũ trường tạo thành một cơn lốc, kéo theo những con người thiếu ý chí, nghị lực, thiếu hiểu biết vào vòng xoáy bất tận của những văn hoá phẩm đồi trụy, của các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc,... Trong xã hội ngày nay, có không ít thanh niên quen đua đòi, sĩ diện. Thật đáng tiếc! Họ là tương lai của đất nước mà tại sống vô trách nhiệm với chính bản thân mình như thế thì không những làm ảnh hưởng đến bản thân và gia đình mà còn làm mất ổn định xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
 
Tôi hiểu mình phải cố gắng học tập, trở thành mội con người tốt, giúp ích cho xã hội. Ngoài ra, cần phải giúp đỡ những người bạn xấu trở lại con đường chân chính. Hiện nay, Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Nhưng kết quả thu được vẫn không mấy khả quan. Vậy đấy, pháp luật chỉ ngăn chặn được một phần, phần còn lại phụ thuộc vào ý thức của mỗi con người. Vì thế, để trở thành một người tốt, có trí thức, giúp ích được cho gia đình và xã hội thì phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng nhân cách và vốn hiểu biết để sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.
 
Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là lời khuyên sâu sắc đối với chúng ta. Cảnh giác, lánh xa cái xấu; tiếp cận và học hỏi cái tốt là yếu tố hàng đầu trong việc rèn luyện để trở thành người tốt. Ngoài ra, nêu lí do nào đó ta bị đặt trong môi trường xấu thì phải giữ vững bản lĩnh, giữ vững những phẩm chất tốt đẹp của mình để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây