Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nghị luận xã hội về hậu quả của lối sống ăn bám

Thứ bảy - 18/05/2024 10:25
"Ăn bám" là từ để ám chỉ những người sống nhờ vào lao động của người khác, có khả năng lao động nhưng lại không chịu làm việc và tự mình chăm sóc bản thân.

 Nghị luận xã hội về hậu quả của lối sống ăn bám - Bài làm 1

"Ăn bám" là từ để ám chỉ những người sống nhờ vào lao động của người khác, có khả năng lao động nhưng lại không chịu làm việc và tự mình chăm sóc bản thân. Đây là thói quen xấu và là vấn đề vô cùng nhức nhối trong xã hội hiện đại ngày nay. Thói quen ỷ lại, dựa vào người khác và thiếu đi tính độc lập, tự chủ cần có của một người dần trở thành một điều hiển nhiên trong mắt của các bạn trẻ. Và đây là những gì mà tất cả chúng ta cần phải khắc phục.

Biểu hiện của một người có lối sống ăn bám chính là không chịu tự mình lao động, làm việc, kiếm tiền, không có kế hoạch, mục tiêu cho cuộc đời của mình, luôn luôn phụ thuộc vào người khác. Họ sử dụng thành quả và công sức lao động của người khác cho mục đích vui chơi, sinh hoạt cá nhân của mình, tiêu dùng tài sản của người khác mà không hề cảm thấy ngại ngùng hay tự ti về điều đó. 

Ngày nay, vấn đề giới trẻ chỉ muốn tận hưởng một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi nhưng lại luôn tránh né công việc, đùn đẩy trách nhiệm, khó khăn đang ngày càng trở nên phổ biến. Có một sự khác biệt ở những bạn trẻ Việt Nam so với một số quốc gia trên thế giới, đó chính là việc "tự lập khi đủ 18 tuổi". Không khó để bắt gặp những hình ảnh sinh viên, các bạn trẻ Việt Nam hàng ngày thoải mái thảnh thơi vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi trong khi đó cha mẹ đều đã lớn tuổi hàng ngày vẫn phải quan tâm, chăm sóc, chuẩn bị từng bữa cơm hàng ngày cho con của mình. Trong một số trường hợp, khi được người lớn trong nhà nhờ làm công việc gì đó hoặc bạn bè, cấp trên tại công ty yêu cầu xử lý công việc, các bạn trẻ đã liên tục né tránh hoặc đùn đẩy công việc đó cho người khác, thậm chí thẳng thừng nói với cha mẹ "thôi con không làm đâu", "thôi con ngại lắm" hoặc "thôi con đang chơi game"... để có thể thoái thác công việc. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các bạn trẻ ngày nay lựa chọn lối sống như vậy?

Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến giới trẻ hình thành lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác bắt nguồn từ truyền thống đùm bọc lẫn nhau trong gia đình. Mục đích của truyền thống này không hề xấu, với mong muốn có thể gắn kết mọi người trong gia đình và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên một số bạn trẻ đã dần hiểu sai ý nghĩa của nó, lợi dụng tình cảm của người nhà và ỷ lại vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng của họ mà không tham gia học tập, làm việc. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến hiện tượng như trên là do trong thời điểm hiện nay, hoạt động xin việc trở nên rất khó khăn, khoảng cách giữa thu nhập thực tế so với mức chi tiêu sinh hoạt trong xã hội ngày nay ngày một lớn, áp lực công việc cao... Chính những điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ dần nản chí và dần ỷ lại vào những người xung quanh khi nhận thấy mọi người có thể đùm bọc mình. Bên cạnh đó, có một số bạn trẻ có tâm lý muốn được hưởng thụ mà không phải bỏ ra công sức, vì vậy mà dần hình thành suy nghĩ mong muốn người khác bao bọc, chăm sóc cho mình mà không muốn tự bản thân làm điều đó.

Tuy nhiên, bất kể là vì lý do gì thì lối sống này cũng không được ủng hộ bởi nó đem đến rất nhiều tác hại cho các cá nhân đang ở trong tình trạng này, cho cộng đồng và xã hội. Trước hết, đối với những người đang sống theo lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, lối sống này sẽ khiến họ mất đi khả năng tự chủ của bản thân, không có chính kiến và luôn nghe theo ý kiến, sự sắp đặt của người khác. Lối sống này không chỉ hạn chế khả năng phát triển, khả năng tự lập của con người mà còn khiến con người trở nên thụ động, giảm chức năng tư duy của não bộ và trở thành gánh nặng của những người xung quanh, đặc biệt là gia đình. Lâu dần sẽ hình thành nên những thói xấu khác như khó chịu khi không nhận được sự trợ giúp, bao bọc của người khác và coi đó là điều đương nhiên. Khi gặp phải khó khăn sẽ không thể tự xử lý, khi mất đi chỗ dựa sẽ không đủ khả năng để tự lo cho bản thân, không muốn lao động để kiếm tiền và hình thành nên tâm lý muốn tìm kiếm cách thức đơn giản nhất để có thể có được tài sản, chẳng hạn như trộm cắp, cướp giật... Tự mình đánh mất đạo đức của bản thân và gây ấn tượng xấu tới những người xung quanh. 

Bên cạnh đó, đối với cộng đồng và xã hội, lối sống này của các cá nhân sẽ tạo gánh nặng cho xã hội và làm chậm đi quá trình phát triển của nền kinh tế, văn hóa của nhân loại. Lối sống này hình thành nên nhiều tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp, từ đó khiến cho trật tự an toàn xã hội bị ảnh hưởng. Nếu như vậy, tương lai của một đất nước, dân tộc sẽ không còn có thể tiến bộ, bởi con người không thể tự lập, lo cho chính mình, không thể đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng.

Những hậu quả trên sẽ có tác động vô cùng tiêu cực tới tất cả chúng ta, do đó lối sống ăn bám, thường xuyên dựa dẫm, ỷ lại vào người khác rất đáng lên án. Chính vì vậy, các bạn trẻ ngày nay cần xác lập cho mình lý tưởng sống đúng đắn, luôn tích cực, chủ động trong mọi suy nghĩ, hành động và việc làm. Là sinh viên, chúng ta cần nỗ lực trong học tập, lao động và hình thành lối sống độc lập, tự chủ. Để có thể cải thiện những điều này, mỗi chúng ta cần phải có tính tự giác, chủ động hỗ trợ, phụ giúp cha mẹ, tự mình học hỏi, tìm hiểu và khám phá những kiến thức mới. Bên cạnh đó, đối với gia đình, nhà trường và xã hội, việc thay đổi phương pháp giáo dục là biện pháp tốt nhất để thay đổi hành động không tốt này trong giới trẻ, trước khi chúng cắm rễ và hình thành thói quen gắn liền và tư tưởng lệch lạc đối với những bạn trẻ. Cha mẹ và thầy cô hãy tạo điều kiện để các bạn trẻ tham gia các hoạt động xã hội, khơi gợi sự tò mò, nhiệt huyết và mong muốn khám phá của các con nhằm giúp các con trở nên năng động hơn, tự chủ hơn và có khả năng tư duy tốt hơn. Thay vì e sợ các con gặp khó khăn không thể tự giải quyết mà không để cho các con có cơ hội trải nghiệm, cha mẹ chỉ nên hỗ trợ các con trong việc tư vấn tìm cách giải quyết vấn đề, định hướng tương lai cho các con thay vì thay mặt các con hoàn thành tất cả mọi thứ. Những điều này sẽ gây hại cho các bạn trẻ sau này.

Có thể nói, thói quen xấu ăn bám, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác là một thói quen đáng bị lên án và sửa đổi, loại bỏ khỏi xã hội ngày nay. Đây là vấn nạn cấp thiết cần xử lý ở nước ta, nhằm phòng ngừa sự tác động tiêu cực của vấn đề này tới sự phát triển kinh tế, văn hóa của quốc gia. Các bậc phụ huynh không nên vì tình cảm của mình mà quá bao bọc, bảo vệ con, tạo điều kiện để khiến các con hình thành tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào những người xung quanh. Còn về các bạn trẻ, tất cả chúng ta cần năng động và nhiệt huyết hơn nữa, cố gắng nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ, tạo nên những giá trị tốt đẹp cho đời sống, xã hội.
 

Nghị luận xã hội về hậu quả của lối sống ăn bám - Bài làm 2

Trong thời đại ngày nay, lối sống ăn bám đã trở thành một vấn đề đáng quan ngại. 'Ăn bám' mô tả một cách sống phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác và thiếu lòng tự lập. Lối sống này thường thể hiện qua sự thiếu nỗ lực, không rèn luyện mà luôn phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người khác. Hậu quả của lối sống ăn bám là sự trì trệ, thụ động trong mọi công việc và gây cản trở cho sự phát triển cá nhân. Thái độ ỷ lại và thiếu lòng tự lập dẫn đến việc con người không có động lực để học hỏi, rèn luyện kỹ năng, mất giá trị tồn tại của bản thân. Đồng thời, khi phụ thuộc vào thành quả của người khác, con người trở nên yếu đuối và dễ bỏ cuộc trước thách thức. Mặt khác, lối sống ăn bám cản trở sự phát triển xã hội và biến chúng ta thành gánh nặng cho người khác. Điều này xuất phát từ tâm lý hưởng thụ, thiếu lòng nỗ lực của con người. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng cho bản thân một lối sống đúng đắn, không phụ thuộc quá mức vào người khác. Đồng thời, tích cực và tự chủ trong tư duy, hành động và cuộc sống hàng ngày.
 

Nghị luận xã hội về hậu quả của lối sống ăn bám - Bài làm 3

Xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều hiện tượng tiêu cực thu hút sự quan tâm của toàn dư luận. Một trong số đó chúng ta phải kể đến hiện tượng ăn bám. Ăn bám là động từ dùng để ám chỉ những người lười lao động, không muốn lao động mà dựa dẫm vào thành quả, công sức của người khác để lấy của cải, vật chất phục vụ cho cuộc sống của mình. Đây là một cách sống tiêu cực mà mỗi người cần bài trừ. Lối sống ăn bám mang đến nhiều tác hại cho con người, nó tạo nên sự trì trệ, thụ động trong mọi công việc và cản trở sự phát triển của con người. Đồng thời, khi trông chờ vào thành quả do người khác tạo ra, con người sẽ trở nên yếu đuối và dễ dàng từ bỏ, thất bại, gục ngã trước những khó khăn thử thách. Thái độ sống ăn bám sẽ tạo nên m tương lai mờ mịt, vô định, người ăn bám chưa bao giờ tự mình nỗ lực và thử bất cứ việc gì thì sẽ chẳng thể nào có kinh nghiệm và hành trang để bước vào cuộc đời. Việc sống ăn bám còn tạo nên gánh nặng cho người khác, họ sẽ phải gánh vác thêm trách nhiệm áp lực. Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều con người sống có lí tưởng, có ý chí, mục tiêu và cố gắng hết mình để đạt được những điều đó. Lại có những người tự lập, sớm đã có định hướng cho cuộc sống của mình và tự mình làm việc để đạt được cuộc sống mơ ước đó,… những người này xứng đáng được tuyên dương, nêu gương và học tập theo. Mỗi người trẻ chúng ta cần chủ động hơn nữa trong cuộc sống của mình, không dựa dẫm vào người khác, sống có ước mơ, lí tưởng và cố gắng vươn lên để có được một cuộc sống tốt đẹp như mình mong muốn. Để sống ăn bám thì rất dễ nhưng tự mình vươn lên lại là một chuyện hoàn toàn khác đòi hỏi sự nỗ lực của con người rất nhiều. Hãy tạo ra những giá trị tốt đẹp nhất cho bản thân mình và cho xã hội.
 

 Nghị luận xã hội về hậu quả của lối sống ăn bám - Bài làm 4

Ai đó đã nói: “Ở đời, đừng mượn hơi ai mà thở”, một câu nói ngắn gọn mà hàm súc đã nêu lên được thói quen xấu vốn đang là vấn đề nhức nhối trong giới trẻ Việt Nam hiện nay – thói quen ỷ lại.

Ỷ lại, một thói quen thường gặp hay cụ thể hơn là những bạn trẻ Việt. Ỷ lại, tức sống bám, sống dựa vào người khác, thiếu đi tính độc lập, tự chủ cần có của một người. Nếu bạn cảm thấy quen với việc có người luôn sẵn lòng giải quyết mọi vấn đề cho mình, thấy khó chịu khi thiếu sự chăm lo từng li từng tí của người thân hay thích thú trước những cái được bày sẵn trước mắt, điều đó có nghĩa là bạn đã mắc bệnh sống dựa, sống bám. Hay nói một cách tổng quát, ỷ lại là sống nhờ vả vào người khác, cảm thấy khó khăn, luôn né tránh việc “tự lực cánh sinh”.

Có một sự khác biệt ở thế hệ trẻ Việt Nam và thế hệ trẻ của các nước bạn, đó là khi ở tuổi 18, họ đã phải chuyển ra ngoài sống tự lập thì ở nước ta, thanh niên 23 - 24 tuổi vẫn ngồi ở nhà ngửa tay xin tiền bố mẹ là chuyện thường. Không khó để bắt gặp những cảnh tượng bố mẹ đưa con đi học, đến giờ về lại đón, mặc cho con mình đã là học sinh cấp ba hay sinh viên đại học. Ở nhà lại xuất hiện hình ảnh mẹ dọn dẹp phòng ốc cho con cái, giặt giũ, phơi phóng. Bố thì luôn miệng nhắc con học bài và đáp lại là đứa con “bảo bố” con đang bận chơi, hưởng thụ.

Lại nói đến ở trên trường, giáo viên đọc, học sinh chép, Toán thì làm theo bài mẫu, Văn thì không có dàn ý – mười bài giống như một, không có sáng tạo, không một chút tư duy… Tất cả những điều trên chính là bức tranh toàn cảnh về những mầm non tương lai của đất nước mà bức tranh trên chỉ là một mảnh ghép nhỏ. Vậy còn đâu một tương lai của một dân tộc khi con người không thể tự lập, tự lo cho chính bản thân mình? Sự ỷ lại tạo ra lớp thanh niên lười nhác, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống, luôn rụt rè, nhút nhát. Không những thế ỷ lại còn bào mòn cả trí thông minh, sáng tạo của những cá nhân vốn tràn đầy nhiệt huyết, sự mới mẻ của tuổi trẻ.

Vậy nguyên nhân của thói xấu ấy là ở đâu? Kỳ lạ thay nói lại xuất phát từ tình thương, niềm hy vọng. Cha mẹ quá yêu con, xót con nên “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, không dám cho con tiếp xúc với đời, sợ con vấp ngã mà bao bọc con thật kỹ dưới đôi cánh của mình. Nhưng một sai lầm mà bậc phụ huynh không nhận ra đó là họ đã vô tình ngăn cản sự trưởng thành, phát triển của con mình khiến chúng trở nên nhút nhát, hướng nội, hình thành tâm lý trông đợi ở người khác. Sau này khi ra đời chúng sẽ không tránh được sự bỡ ngỡ, hoảng sợ trước cuộc sống quá sức bấp bênh do chúng tựa như cây dương xỉ sống bám cây cổ thụ. Một khi cổ thụ già yếu như cha mẹ có lúc không trụ vững nữa thì dương xỉ cũng khó mà tồn tại.

Lại nói đến ở trường do chạy theo thành tích, điểm cao mà vô tình tạo ra phương pháp “học vẹt”, “học tủ”. Đây chính là sự giết chết tri thức, tạo ra vỏ ngoài hào nhoáng nhưng bên trong mục ruỗng. Đây cũng là một trong những lý do mà hiệu quả làm việc nhóm của người Việt luôn thấp. Người này ỷ lại người kia, người kia dựa kẻ nọ tạo ra phản ứng dây chuyền để tất cả đều sụp đổ. Cũng không thể hoàn toàn do bố mẹ và thầy cô mà còn ở chính những con người trẻ tuổi lười nhác, luôn lợi dụng sự quan tâm của mọi người để trốn tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần cầu tiến, thiếu đam mê và ước mơ.

Đó là tất cả những gì đang kìm hãm sự tiến bộ của thế hệ trẻ Việt hiện tại. Một minh chứng cụ thể là thay vì đứng xuống phụ mẹ để xe có thể đi nhanh hơn thì cậu thanh niên cao lớn lại để mẹ ốm yếu đẩy xe còn mình thì ung dung ngồi sau. Điều này vừa khiến bản thân mình bị người khác chê cười, xem thường vừa thể hiện một nhân cách dựa dẫm “bám váy mẹ”. Trong khi ở cái tuổi đó đáng lẽ phải chở mẹ đi chứ không phải ngồi co ro trú mưa như thế.

Để cải thiện liệu có còn kịp! Không có gì là không thể nhưng cần có quyết tâm. Trước hết là ở chính các bạn trẻ, phải có tính tự giác, tự phụ giúp cha mẹ, tự làm việc của chính mình. Thoát ra khỏi cuộc sống khuôn mẫu, sự áp đặt để thoát ra khỏi cuộc sống ăn bám, nhàm chán, tạo cho bản thân một hình tượng tự lập “Đầu đội trời, chân đạp đất”. Về cha mẹ thì nên nới vòng tay để con mình có thể thỏa sức vươn đôi cánh ra ngoài, để chúng bước đi, tự đứng lên khi ngã, dạy cho chúng kỹ năng sống, đẩy chúng ra đời, tự sống, tự sinh tồn.

Nhà trường thì nên bỏ việc giải đáp mọi thắc mắc của học sinh, thay vào đó nên để học sinh tự tìm hiểu, khám phá, khơi dậy trong trong chúng sự tò mò, đam mê để tự thấy hứng thú và có động lực để làm tốt. Theo phương châm: Không có người giúp thì sẽ chẳng có kẻ nhờ, khi chúng thiếu cần, chúng ta có thể cho họ mượn cần để tự câu một con cá.

Thay đổi phương pháp giáo dục là biện pháp tốt nhất để thay đổi các thói quen ỷ lại trước khi chúng cắm rễ vào giới trẻ. Đây là công cuộc cần sự hỗ trợ của tất cả mọi người, của toàn xã hội vì một tương lai tươi đẹp của toàn đất nước.

Tóm lại, thói xấu ăn bám vào gia đình, thầy cô là vấn nạn cấp thiết được xử lý ở nước ta. Nên cha mẹ đừng vì tình cảm của mình mà lỡ tay làm hại con cái. Đừng vì thành tích ảo mà phá vỡ trí tưởng tượng của mầm non đất nước. Và quan trọng nhất, đừng vì biếng nhác mà làm hỏng tương lai. Vì giúp Tổ quốc vươn lên, theo kịp các nước bạn, mỗi người dân cần có trách nhiệm đẩy lùi thói ỷ lại, phòng ngừa việc sống bám, đừng là cây dương xỉ mà hãy là một gốc cổ thụ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây