Trong cuộc sống, con người luôn đặt ra rất nhiều mục tiêu phấn đấu. Về cơ bản, giá trị luôn khiến con người theo đuổi nhiều nhất là tiền tài và hạnh phúc.
Phải nhận diện về chúng như thế nào cho hợp lí, đó cũng là một điều đáng để chúng ta bàn luận.
Về bản chất, tiền tài và hạnh phúc là hai phạm trù được qui chiếu bởi những hệ giá trị khác nhau. Tiền tài là cách gọi chung cho của cải và danh lợi. Nó thuộc giá trị vật chất, là những thứ có thể cân đo, đong đếm, có thể ước lượng, định vị. Hạnh phúc là thứ vô hình, không thể cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan thông thường. Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc viên mãn nhất, đẹp đẽ nhất, tuyệt vời nhất mà con người cảm thấy ở những hoàn cảnh nhất định. Nói một cách hình ảnh và tương đối trừu tượng thì tiền tài gắn với cái cá nhân nhiều hơn trong khi hạnh phúc hướng tới phạm vi lớn hơn (gia đình).
Mỗi thời đại xã hội có quan niệm riêng về tài và xã hội phong kiến rất mực coi trọng tiền tài, danh vọng ở đấng nam nhi. Hạnh phúc là khi trang nam tử công thành danh toại, có ngày vinh qui bái tổ, làm rạng danh họ hàng. Xã hội tư bản coi trọng yếu tố tiền hơn, tài chỉ là phương tiện để giai cấp tư sản đi đến mục đích tiền. Vậy nên hạnh phúc được đo bằng những giá trị vật chất... Ở thời đại hiện đại, khi con người không ngừng hướng tới cuộc sống tốt đẹp toàn diện, và hạnh phúc là hai mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất, chúng không tách biệt nhau mà cùng hỗ trợ nhau tồn tại và phát triển. Con người sống hạnh phúc phải là con người khẳng định được vị thế của mình trong xã hội, đảm bảo cho mình được cuộc sống sung túc và ngược lại, những giá trị vật chất là phương tiện hỗ trợ đắc dụng để con người duy trì hạnh phúc của mình.
Vậy tiền tài và hạnh phúc là có quan hệ với nhau như thế nào? Đâu là nhân tố quyết định, đâu là nhân tố quan trọng? Làm gì để cân bằng, hài hoà giữa chúng? Trả lời những câu hỏi này, mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một ý kiến riêng. Dưới đây, chúng tôi cũng chỉ trình bày những suy nghĩ mang tính chất cá nhân.
Ở chiều tác động thứ nhất, tiền tài là một trong những điều kiện xây dựng, duy trì hạnh phúc. Điều này có cơ sở từ triết học duy vật biện chứng. Theo Mác - Lênin. "vật chất quyết định ý thức".Theo đó, không có của cải, không có chỗ đứng trong xã hội, rất khó có được hạnh phúc trọn vẹn. Một gia đình túng đói, quanh năm thiếu ăn, con cái thất học không phải là một gia đình hạnh phúc. Những câu chuyện của Nam Cao là những bức tranh chân thực nhất về cuộc sống nghèo khổ của ngưòi dân lao động Việt Nam trước Cách mạng. Ngay cả gia đình thầy giáo Thứ, thầy giáo San ( Sống mòn), cả gia đình bé Hồng (Bài học quét nhà) - những gia đình có người trí thức làm chủ cũng không có được phúc trọn vẹn. Nguyên do nằm ở sự thiếu thốn về vật chất (tiền).
Nhưng chúng ta lí giải thế nào khi vẫn có những gia đình hạnh phúc dù nghèo đói, cơ cực? Điển hình trong văn chương là gia đình chị Dậu (Tắt đèn Ngô Tất Tố). Còn trong đời sống thực, chắc chắn, bên cạnh chúng ta có không ít những gia đình như thế. Thực tế mà nói, mỗi người có thấy mình hạnh phúc hay không là do quan niệm. Có người con hiếu thảo thấy mình hạnh phúc nhất là khi đêm về không còn tiếng mẹ ho ("Hạnh phúc là đêm về không có tiếng mẹ ho”). Có người cho hạnh phúc nhất là khi được thấy các con mình ăn no (nhân vật người đàn bà miền biển trong truyện ngấn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu). Trong khó khăn, gian khổ khi con người vẫn tìm thấy chất thơ đời thì dù vất vả, cơ cực đến đâu, họ vẫn thấy hạnh phúc.
Lại có trường hợp khi tiền tài viên mãn cũng là lúc hạnh phúc “đội nón” ra đi. Điều này dễ xảy ra ở những người quá ham mê công danh, có quá nhiều tham vọng trong cuộc sống. Trong thâm tâm, chắc hẳn họ luôn nghi rằng, họ đã mang về bao nhiêu tiền bạc, danh tiếng. Họ lấy chúng thay cho những cử chỉ săn sóc ân cần với người thân của mình. Kết quả là những cụ già không thể sống được với các con trên thành phố, dù điều kiện sống của chúng gấp bội lần ở quê. Kết quả là những đứa con bê trễ học hành, sinh ra nghiện ngập, đua đòi theo bạn bè xấu, những người vợ phải tìm đến một bến nương tựa tinh thần khác vì có người cha, người chồng của mình quá vô tâm. Hạnh phúc sẽ không tròn đầy như lẽ ra nó đáng được thế.
Tuy nhiên, xét đến cùng có tiền tài, cơ hội đến với mọi người sẽ rộng mở hơn. Có tiền tài,hạnh phúc sẽ đầy đặn, tròn trịa hơn.
Ở chiều tác động ngược lại, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc là yếu tố kích thích để con người nhanh chóng đạt được tiền tài. Gia đình hạnh phúc là nền tảng vững chắc để mỗi thành viên yên tâm phấn đấu trong lĩnh vực sự nghiệp của mình. Đằng sau thành công của mỗi con người, thường là sự hậu thuẫn của một gia đình yên ấm. Người cha mẫu mực và người mẹ hết lòng yêu thương con là điểm tựa vững chắc để hồn thơ Tố Hữu chắp cánh bay vào cuộc đời rộng lớn:
Rồi bỗng hôm nào tôi thấy tôi …
Không ngẫu nhiên khi hàng năm trên thế giới vẫn chọn ra những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, cựu tống thống Mĩ Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton cách đây vài năm liên tục được bầu chọn là cặp vợ chồng hạnh phúc thứ ba. Và phải chăng, hạnh gia đình chính là bệ đỡ vững chãi nhất cho những thành công trên chính trường của hai nhân vật nổi tiếng này?
Cũng không ít trường hợp con người có hạnh phúc nhưng không có tiền. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những con người ít có tham vọng, ưa an phận. Họ tìm hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt xung quanh. Họ coi là thứ phù phiếm.
Họ xa lánh danh vọng, rời xa những bon chen trong cuộc sống dù có thể thực lực của họ rất đáng trọng. Tiêu biểu cho típ người này là những nhà ẩn dật, những người sống lánh mình. Những người này thường có tâm hồn thanh tao. Hạnh phúc với họ là có khi là thú điển viên, có khi là lúc được khề khà rượu, cuộc đời.
Vậy giữa tiền tài và hạnh phúc,đâu mới là hạt nhân của cuộc sống? Tôi cho rằng tiên tài là thứ quan trọng để chúng ta đi tới mục đích tối thượng của mỗi con người - đó là hạnh phúc. Hạnh phúc mới là điều quyết định ý nghĩa cuộc sống. Nhưng làm thế nào để luôn giữ được sự cân bằng hài hoà giữa tiền tài và hạnh phúc? Làm được điều đó, mỗi người nên tự đặt ra những mục tiêu nhất định trong sự nghiệp, nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Mặt khác, hãy cố gắng tìm cho mình những điểm tựa về tinh thần, càng nhiều càng tốt. Cuối cùng, dù kết quả có thế nào, chúng ta vẫn vui vẻ chấp nhận và nhanh chóng trở về với những hạnh phúc mình đang có.
Thời đại nào, tiền tài và hạnh phúc cũng là vấn đề nóng hổi. Có khi chúng mâu thuẫn với nhau và điều đó có thê dẫn tới bi kịch như tấm gương Nguyễn Trãi.
Nhưng cũng có khi chúng hài hoà, cân bằng nhau. Thế hệ trẻ Việt Nam ưa phiêu lưu và chiếm lĩnh cần tạo lập cho mình một bản lĩnh vững vàng để có thể tiến xa làm chủ tiền tài, hạnh phúc.