Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nghị luận xã hội: Hãy nói không với các tệ nạn

Thứ ba - 01/03/2016 10:15
Có khi nào bạn thử thống kê xem trong tháng này có bao nhiêu người đã vướng vào ma tuý, trong năm này có bao nhiêu người chết vì dùng nó quá liều hay vì AIDS chưa? Có bao giờ bạn vào một trung tâm cai nghiện và thấy cảnh vật vã của bệnh nhân vì đói thuốc?... Đó là sự khắc nghiệt đến tàn nhẫn sau làn khói tưởng nhẹ nhàng mong manh, đó là sự khốn cùng của những linh hồn thiếu nghị lực muốn tìm đến chốn thần tiên êm ái. Vậy mà biết bao con người vẫn tìm đến ma tuý với đủ mọi lí do để biện hộ cho sự yếu đuối, dễ sa ngã của mình. Xã hội lên tiếng, nhân loại lên tiếng, nhưng có ích gì nếu mỗi con người không tự tạo tiếng nói cho chính mình? Tiếng nói “không” của mỗi chúng ta trước sự cám dỗ của ma tuý là thứ thuốc kháng sinh duy nhất mà xã hội cần để ma tuý không còn là nỗi ám ảnh của nhân loại, để hôm nay đẹp hơn hôm qua trên một thế giới vốn đã xảy ra quá nhiều thảm hoạ.
Ma tuý là những chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp mà khi ngấm vào cơ thể con người sẽ thay đổi trạng thái ý thức, trí tuệ, tâm trạng, kiến con người rơi vài vòng “cương toả” của thứ thuốc độc giết người này. Thế nhưng thực tế không phải ai cũng biết những hậu quả tai hại mà nó gây ra, để rồi lao đầu vào như điên dại. Kết cục là gì? Con người bị tổn thương, xã hội bị tổn thương, đời sống dần trở nên bế tắc. Tác hại mà ma tuý gây ra cho con người là vô tận. Hằng ngày trên sách báo, truyền hình hay từ bên ngoài cuộc sống, hình ảnh nhừng con nghiện nhan nhản hiện ra trước mắt ta, gầy yếu, xanh xao, bước những bước vật vờ, người khô đét, mặt quắt lại khiến đôi mắt càng trũng sâu hơn như một bóng ma. Ma tuý cướp lấy sự sống con người, khiến người chẳng ra hình người. Khi đã vướng vào ma tuý thì một người khoẻ mạnh cũng sớm trở nên vô dụng, không thể kiểm soát nổi bản thân thì còn nói gì đến lao động và học tập. Quá trình mà một người nghiện trải qua ban đầu là quen, rồi nhớ đến ghê người cái làn khói mong manh chết người ấy; nếu không có nghị lực tự vượt lên chính mình thì sẽ càng lún sâu vào con đường nghiện ngập, từ hút đến tiêm chích, từ bệnh nghiện đến bệnh AIDS chỉ là một ranh giới nhỏ nhoi. Để rồi kết thúc một số phận người, có khi tuổi đời còn rất trẻ. Đâu chỉ tàn phá về mặt thể xác, ma tuý còn mài mòn tinh thần con người. Nhân cách bị huỷ hoại, sĩ diện cũng tiêu tan sau những cơn vật vã. Thế thì còn chỗ đâu cho nghị lực ngự trị, cho lòng tốt và tình thương?

Con người trong đời sống này như một tiêu điểm, ở đó giao nhau chằng chịt những mối quan hệ phức tạp về chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học, tình cảm... Chính vì vậy, khi con người đã tê liệt mọi khả năng cống hiến của mình cho đời thì xã hội buộc phải gánh lấy hậu quả. Tệ nạn bắt đầu nảy sinh, từ cờ bạc, trộm cắp cho đến cả giết người... Con đường ấy có chừa một ai! Một anh nhà giàu khi lên cơn thì cũng tiêu pha hết. cả bạc tiền, một anh nhà nghèo khó cũng bán tống bán tháo tất cả mọi của cải trong nhà. Đến một đứa con vốn hiếu thảo với mẹ cha rồi cũng sẵn sàng lấy cắp tiền của cha mẹ thì còn nói chi một kẻ giang hồ sẽ dám làm những gì để không phải vật vã vì thiếu thuốc? Tương lai của họ là trong trại cai nghiện hoặc tù giam. Hạnh phúc của họ cũng tiêu tan như làn khói. Xã hội lại càng ngày thêm nặng nề với đầy những tệ nạn và sự cảnh giác. Trong số người nghiện ma tuý, nhiễm HIV/ AIDS có đủ các thành phần từ bác sĩ, kĩ sư, công chức nhà nước, công nhân, nhà giáo, học sinh... Thậm chí có người lao động không chỉ nghiện ma tuý mà còn tiếp tay vào việc buôn bán, vận chuyển, phát tán ma tuý. Sự nhân rộng của ma tuý trong cộng đồng đã trở thành nỗi ám ảnh cho biết bao gia đình, cho mọi quốc gia trên thế giới.
 
Đấu tranh phòng chống ma tuý là mặt trận nóng bỏng, bức xúc còn được cả xã hội quan tâm. Ngày toàn dân phòng chống ma tuý của Việt Nam được chọn đúng vào ngày thế giới phòng chống ma tuý: 26/6 hằng năm. Điều đó nói lên rằng, hiểm hoạ ma tuý không chỉ là thách thức đối với sự ổn định của xã hội và phát triển lành mạnh ở nước ta mà ma tuý là một nguy cơ đối với toàn thế giới. Vì thế, cuộc đâu tranh nói “không” với ma tuý từ lâu đả trở thành cuộc chiến toàn cầu. Tiếng nói này trước tiên phải xuất phát từ hoàn cảnh sống. Tạo một môi trường lành mạnh, chông tiêu cực là nhiệm vụ tiên quyết cần thực hiện từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Tương lai đất nước phụ thuộc không ít vào thế hệ học sinh. Ngày mai sẽ ra sao khi nạn nhân chủ yếu nhất, dễ bị lôi kéo nhất vào ma tuý lại thuộc thế hệ này? Mối quan tâm từ ba nhân tố gia đình, nhà trường và xã hội sẽ tạo ra không khí và môi trường trong sạch nhất cho những mầm cây non lớn lên xanh tốt trước nắng gió cuộc đời. Gia đình quản lí, nhà trường giáo dục, xã hội tuyên truyền để cốt làm sao cho bản thân mỗi chúng ta tự nhận thức được tác hại của ma tuý mà tránh xa. Không có rào cản nào an toàn bằng ý thức của mỗi con người. Chính ý thức ấy sẽ làm sống lại ý chí, nghị lực đối với những ai lỡ vướng vào con đường nghiện ngập. Không ít tấm gương đã vùng thoát khỏi bàn tay tử thần bằng cách tự cai nghiện ở nhà hay tại các trung tâm cai nghiện. Không ít cá nhân đã làm lại cuộc đời, làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng trước vốn quen tiêu pha, hút chích. Tuy nhiên, nói thế nào thì hai nhân tố con người và môi trường cũng phải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Một người bản lĩnh nhất vẫn có thể tái nghiện như thường nếu môi trường anh ta sống không trong sạch và thường xuyên bị lôi kéo. Gia đình cần quan tâm, xã hội cần giúp đỡ. Ta kiên quyết nói “không” với tệ nạn ma tuý không có nghĩa là nói “không” với những ai đã lỡ nghiện ma tuý, thậm chí lỡ mắc phải căn bệnh thế kỉ. Đưa họ về đời sống bình thường, quan tâm, chăm sóc họ là tạo cơ hội cho họ và cũng tạo cơ hội cho chính bản thân ta. Riêng đối với xã hội, việc xây dựng các trung tâm cai nghiện, xoá bỏ cơ bản các diện tích trồng thuốc phiện kết hợp công tác tuyên truyền sâu sát theo cách “vào từng ngõ, gõ từng nhà” đã mang lại hiệu quả nhất định, ngăn ngừa tối đa sự lan tràn của tệ nạn ma tuý. Việt Nam đang hoà cùng với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống ma tuý, để ma tuý không còn là gánh nặng của xã hội, không còn là nỗi ám ảnh của con người.

Có lẽ không ai muốn thống kê xem tỉ lệ người nghiện ma tuý hằng năm tăng lên bao nhiêu lần, có lẽ chẳng ai thích ngồi trước ti vi mà cảm thương lẫn trách thầm những số phận bị cướp đi một cách nghiệt ngã vì ma tuý... Mỗi cá nhân hãy tự gióng lên cho mình tiếng chuông cảnh tỉnh để xã hội không phải tuyên truyền, để những bậc làm cha, làm mẹ không phải hao mòn nước mắt và công sức vì con, để tương lai chính mình không phải tự vùi trên giường bệnh hay huyệt mộ u tối. Nói “không” với ma tuý là cách tốt nhất loại bỏ cái mầm độc chất trên thân thể xã hội, trong bản thân mỗi con người để nhân loại ngày một tốt đẹp hơn, để tình thương thay cho những hận thù. 

Nguyễn Thị Hồng Anh (Học sinh giỏi thành phố)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây