Cuộc đời con người có muôn vàn đường đi, ngã rẻ, muôn vàn đích đến. Học tập, tiếp thu tri thức khoa học của nhân loại là một trong các con đường vinh quang nhất mà bất cứ ai cũng khao khát được đi trên đó và đi đến tận cùng. Năng lực, trình độ mà chúng ta đạt được trong hành trình lĩnh hội các tri thức khoa học đó được gọi là học vấn. Học vấn hình thành từ quá trình học tập, nghiên cứu lâu dài, được đánh giá bằng các tiêu chuẩn, định mức cụ thể theo các mức độ từ thấp đến cao. Chúng ta vẫn khen hoặc chê ai đó có học vấn cao hay thấp. Điều này phần lớn căn cứ trên trình độ học thức của người đó.
Người Hi Lạp coi học vấn như một loại cây - cây tri thức, cũng có rễ, có hoa quả. "Rễ đắng" và "quả ngọt" là hình ảnh ẩn dụ của công lao học hành và kết quả học tập. Gốc rễ sâu bén của cây tri thức, nền tảng của hiểu biết là sự dày công khổ luyện, học hỏi, là sự miệt mài trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Còn hoa quả là những thành tích, kết quả học tập mà chúng ta đạt được, "Dắng cay" “ngọt ngào" là các vị tượng trưng cho nỗi khó nhọc, thậm chí hi sinh mà người học bỏ ra và thành quả tốt đẹp, xứng đáng họ nhận về. Nền tảng cơ bản của học vấn cao siêu, uyên thâm phải là sự nỗ lực hết mình trong hoạt động học hỏi, luyện tập của người học.
Lãnh địa tri thức không bao giờ là bình nguyên thơ mộng. Nó là đỉnh núi cao vời vợi, dốc tiếp dốc, chông gai nối tiếp chông gai. Trong một bài hát, nhạc sĩ trẻ Trần Lập có viết: "Chẳng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân không thấm đau vì những mũi gai". Người chinh phục phải đương đầu với tất cả những sóng gió, cản trở trên lộ trình ấy thì mới mong chiếm lĩnh được đỉnh cao muôn trượng. Đó là quy luật tất yếu, không ai có thể phủ nhận được.
Nhưng “Có công mài sắt có ngày nên kim", rễ càng đắng bao nhiêu sẽ cho quả ngọt bấy nhiêu, Cây sẽ không phụ người chăm bón, sau bao gian khổ, vất vả, người học sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức hữu ích. Vụ mùa trí thức sẽ cho ta gặt hái những hạt chắc nịch, tròn căng. "Rễ đắng cay cho quả ngọt ngào" là quy luật tưởng như trái chiều, phi lí nhung là tất yếu. Logíc không chỉ trong quá trình sinh trưởng của các loài cây mà còn ở quá trình phát triển của loại cây đặc biệt - Cây tri thức.
Như vậy, qua câu ngạn ngữ, người Hi Lạp muốn khẳng định quy luật xác đáng: Học vấn cao, năng lực nhận thức sâu rộng là kết quả của quá trình nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao hiểu biết ở mỗi con người. Trong mọi hoạt động sống, đặc biệt là trong học tập, con người có “khổ luyện” mới “thành tài" được, có “dùi mài kinh sử” mới mong có ngày “vinh quy bái tổ”.
Nhưng tại sao học vấn lại có "chùm rể đắng cay", tại sao người học phải quá công phu, nhọc nhằn trên hành trình chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức như thế? Như chúng ta đều biết, tri thức nhân loại là không cùng, không tận. Không ai có tham vọng làm bá chủ nó. Tất cả những gì chúng ta hiểu được hôm nay, đến ngày mai chỉ như giọt nước giữa biển khơi mênh mông, như hạt cát trên sa mạc ngút ngàn tầm mắt. Cùng với thời gian, sự phát triển của kĩ thuật công nghệ hiện đại lại càng khiến cho khối lượng kiến thức khoa học không ngừng tăng theo cấp số nhân. Con người không cưỡng lại được sức hấp dẫn của bao điều mới lạ bổ ích nhưng cũng không dễ dàng chiếm lĩnh được chúng. Khả năng nhận thức ở mỗi người không phải là vô hạn. Hành trình đi từ chỗ chưa biết đến biết, từ biết ít cho đến hiểu rõ bản chất sự vật, sự việc không hề đơn giản mà hết sức phức tạp. Người học nếu chỉ dựa vào năng lực thiên bẩm mà không miệt mài tích luỹ kiến thức, không chịu khó học hỏi thì sẽ không thể hiểu kĩ, hiểu sâu được vấn đề. Quá trình tìm tòi, học hỏi chắc chăn sẽ gặp nhiều trở ngại, vướng mắc. Cái chưa biết trong nhận thức sẽ hạn chế, cản trở cái ta muốn biết. Sự phức tạp, hóc búa bao giờ cũng cần được lần giở, khai mở từng tí một và lượng thời gian, công sức, tiền bạc phải trang trải cho việc giải mã chúng sẽ là không nhỏ. Học sinh Việt Nam phải học qua mười hai lớp, tương ứng với mười hai năm ròng rã mới qua được bậc trung học phổ thông. Thêm bốn, năm, thậm chí sáu năm nữa, một sinh viên mới có thể tốt nghiệp đại học... Đó là chưa kể đến những người không được “thuận buồm xuôi gió" trong học hành, thi cử. Để vượt qua kì thi học sinh giỏi, kì thi đại học, học sinh phải ôn luyện say mê, vất vả, phải qua bao đêm thức trắng, bao nỗi âu lo để hoàn thành một đề tài khoa học có chất lượng, người nghiên cứu phải khổ công lao lực đến mức nào? Đừng ngạc nhiên khi có những mái đầu bạc trắng chỉ sau một đêm thao thức, trăn trở, nghĩ suy cho một vấn đề nào đó, đừng ngạc nhiên khi biết rằng công trình nghiên cứu "Nước ảo" của một nhà khoa học phương Tây kéo dài suốt hai mươi năm... Thời phong kiến, nhiều nho sĩ có tài cao nhưng vì nhiều lí do không thể tiến xa hơn trên con đường công danh của mình đã uất ức mà viết nên những vần thơ đầy bi phản:
"Hãy nghe ta hát khúc "đường cùng",
Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng
Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.
Anh đứng làm chi trên bãi cát? "
(Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Cao Bá Quát)
Khúc "đường cùng” Cao Bá Quát đã hát trong bài hành chẳng phải là lời ca đầy bi phẫn của người có khát vọng công danh nhưng luôn gặp sóng gió trên hành trình của mình hay sao? Chiếc cân nào sẽ đong chính xác bao giọt mồ hôi, bao trăn trở, âu lo, bao thời gian, tiền bạc mà người đi tìm tri thức đã bỏ lại trên chăng đường đang đi?’
Trở lực của học vấn, vị "đắng cay" của nó không chỉ ở sự “lao tâm khổ tứ”, không chỉ ở sư hao tổn về thời gian, vật chất mà còn ở nhiều điều khác. Không ít người vì mải miết theo đuổi sự nghiệp học hành, nghiên cứu của mình mà đã bỏ quên tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc cá nhân. Họ có rất ít hoặc không còn thời gian để quan tâm đến người thân, bạn bè của mình. Hạnh phúc với họ là sự nghiệp họ đang theo đuổi Trong hành trình chiếm lĩnh đỉnh cao học vấn, có những người được người thân, bạn bè hiểu, chia sẻ, động viên, nhưng cũng không ít người bị những người xung quanh cô lập, kì thị... Nhưng họ vẫn chấp nhận vượt qua mọi trở lực ấy để “học, học nửa, học mãi”.
Rễ càng đâm sâu vào lòng đất càng hút được nguồn dinh dưỡng, khoáng chất dồi dào để nuôi cây, tạo điều kiện cho cây đâm hoa, kết quả. Người học càng đào sâu suy nghĩ, càng tích cực tìm tòi, học hỏi càng có kiến thúc vững vàng. Cao Bá Quát và những người “tài cao phận thấp” như ông dẫu có không thành công trên bước đường công danh nhưng cũng “thành nhân” giữa cuộc đời. Tiếng thơm mà họ để lại sẽ mãi còn “lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ. Với các bạn học sinh, những điểm tốt là quả ngọt của quá trình học tập cần mẫn mà họ xứng đáng nhận được. Giấy báo trúng tuyển đại học, niềm vui, niềm tự hào của cha mẹ là quả ngọt cho những ai đã không ngừng học tập, ôn luyện. Sự nhuần nhuyễn, sáng tạo trong công việc là quả ngọt của quá trình thực hành, tích luỹ kinh nghiệm lao động. Vị ngọt của những trái quả tri thức được thu hoạch chất chứa trong đó cả niềm vui, cả sự tự tin, cả những khát vọng mới mẻ... Người gieo trồng, vun xới nào cũng vô cùng hạnh phúc khi công lao của mình được kết thành hoa trái mỡ màu, thơm thảo.
Sự khổ luyện nào cũng sẽ mang lại cho người công phu luyện tập những thành quả tốt đẹp. Và ngược lại, những kẻ lười biếng, những kẻ không chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức chắc chắn sẽ không bao giờ làm chủ được tri thức, không bao giờ biết đến hai chữ “thành công" trong sự nghiệp học tập, không bao giờ thành đạt trong cuộc sống, Thực tế cho thấy nhiều học sinh không chú tâm học hành, chỉ mải miết với các trò vô bổ như chơi điện tử, nghiện karaoke... phải lưu ban, thậm chí không tốt nghiệp được. Họ cũng tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc nhưng thứ trái mà họ hái được là trái đắng. Nhiều người đi học nhưng nắm kiến thức một cách hời hợt, không đến nơi, đến chốn nên không bao giờ hoàn thành tốt các bài kiểm tra của mình. Nói một cách hình ảnh thì chùm rễ của loại cây này không tự giác cắm sâu vào lòng đất để tích luỹ nhựa sống cho cây, không biết biến nguồn nhựa đắng thành quả ngọt dâng đời. Học vấn của những kẻ lười biếng, không ưa mày mò, học hỏi không thể giúp họ tiến xa hơn trong sự nghiệp nói riêng và trong cuộc sống nói chung.
Có người cũng đã ví rằng: Học có ích như trồng cây, mùa xuân được hoa, mùa thu được quả. Người trồng cây ban đầu sẽ thu hoạch còn ít, cùng với thời gian sẽ thu hoạch được nhiều hơn. Học hành cũng vậy, cùng với thời gian, người học sẽ vở vạc dần, tiến bộ dần – Quả ngọt không có ngay tức khắc khi cây mới được trồng. Con đường đi tới chân trời học thức sẽ làm mỗi người mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng không phải vì thế mà chúng ta dễ dàng buông xuôi, đầu hàng trước những chông gai, thử thách phía trước. Nhận thức được quy luật của quá trình chiếm lĩnh đỉnh cao học vấn, mỗi người nên chủ động xác định cho mình bản lĩnh và những phương hướng, kế hoạch cụ thể để có thể vượt qua những khó khăn, vướng mắc, sớm thu nhận được thanh quả mà chúng ta mong ước. Trước các vướng mắc trong bài học, trong hoạt động lĩnh nhận kiến thức chúng ta không nên nản chí, bởi nhất định sẽ có cách khai mở vấn đề hóc búa đó.
Thời đại ngày nay - thời đại của nền kinh tế tri thức, vị trí của mỗi người đựoc xác định bằng năng lực thực sự của anh ta trong học tập, công tác. Học vấn có vai trò quan trọng trong việc mang lại cho con người cuộc sống sung sướng hay khốn khổ, hiện đại hay lạc hậu. Niềm vui rạng ngời trên gương mặt các nhân tài đất Việt năm 2008 vừa qua là hình ảnh thật đẹp mà chúng ta đã chiêm ngưỡng và cảm phục. Ai cũng luôn mong ước mình chiếm lĩnh thật sâu, thật rộng tri thức nhân loại. Câu ngạn ngữ Hi Lạp chính là kim chỉ nam để mỗi người có thể biến ước mơ đó thành hiện thực. Chớ nên ngại ngần trước những sóng gió chúng ta sẽ phải đương đầu trong hành trình chiếm lĩnh đỉnh cao học vấn.