Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải thể hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước

Thứ sáu - 02/10/2015 11:23
“Mùa xuân nho nhỏ” là bài thơ cuối cùng của Thanh Hải, được viết vào khoảng tháng 11/1980. Khi tác giả đang nằm trên giường bệnh ở tầng 4 khoa nội, bệnh viện Huế và sau đó một tháng ông qua đời vì căn bênh xơ gan trở nặng. Với hoàn cảnh ấy đáng lẽ tác giả sẽ có một tâm trạng khác ưu tư, lo lắng, … vì căn bệnh đang dày vò thân xác. Nhưng không, trái ngược với nỗi đau, nỗi ám ảnh là một tâm hồn tràn đầy niềm vui và hi vọng, thể hiện khát khao sống mãnh liệt, niềm tin yêu cuộc sống, cuộc đời vẫn đẹp sao. Có thể nói Thanh Hải yêu đất nước, yêu cuộc sống đến hơi thở cuối cùng.
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi 
Tôi đưa tay tôi hứng. ​


Bông hoa tím biếc và âm thanh rộn rã tả một thế giới tràn đầy nhựa sống. Cảnh mùa xuân mang nét riêng của xứ Huế, khác với hình ảnh mùa xuân trong thơ Nguyễn Du, một không gian thoáng rộng với nền cỏ xanh điểm hoa lê trắng hay khác với sắc xuân trong thơ Hàn Mặc Tử: “Làn nắng lửng khói mơ tan” . Mùa xuân trong thơ Thanh Hải là dòng sông xanh trong suốt từ bao giờ. Dòng sông xanh chính là dòng sông Hương thơ mộng với sắc hoa lục bình tím biếc. Một màu tím đặc trưng cho xứ Huế mộng mơ. Khiến cho mỗi người đọc liên tưởng đến mỗi vần thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân:

“Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
Hãy còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông”
(Trở về quê nội)


Cách đảo ngữ “mọc”, gây ấn tượng về sự vươn lên đầy sức sống cỏ cây – một sức sống tràn trề tươi trẻ, một sự vận động nội tại của thiên nhiên cỏ cây. Cả một không gian cao rộng, nghe tiếng chim hót nàng thơ thốt lên lời gọi của tiếng chim thật thật thiết tha, say đắm. Một từ “ơi” đặt ở đầu câu, một từ “chi” đứng sau động từ “hát” đã đưa cách nói ngọt ngào thân thương của xứ Huế vào nhạc điệu của thơ. Thế là mùa xuân tươi đẹp, rộn ràng đã đến với xứ Huế. Ông yêu cái xứ Huế đến nỗi nghĩ đến xứ Huế với bao tình cảm đẹp, thiết tha, da diết. Thế nên bức tranh thiên nhiên thấm đẫm tình cảm của con người, cảm thấy tình cảm của con người dành cho quê hương đất nước như thấm vào máu thịt. Tâm hồn nhà thơ lại mở rộng để đón nhận, nâng niu, trân trọng vẻ đẹp sức sống nhẹ nhàng đưa tay đón lấy, hứng lấy “Từng giọt long lanh rơi” … Giọt âm thanh hay giọt sương? Cũng có thể là giọt mưa xuân. Bài ca xứ Huế vào xuân nghe tiếng hót trong trẻo véo von, thánh thót của chim chiền chiện. Có lẽ âm thanh ấy sẽ kết đọng lại thành giọt long lanh, lấp lánh và nhà thơ muốn đưa tay nhận từng giọt âm thanh ấy! Rất sáng tạo và đầy gợi cảm!

Nếu như Xuân Diệu đã có lần say sưa trước vẻ đẹp tươi trẻ của mùa xuân “Tháng giêng ngon như một cập môi gần” để rồi hào hứng thốt lên “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” thì Thanh Hải cũng ngất ngây tưởng chừng như hứng được cả tiếng xuân, giọt xuân trong tay. Một từ hứng cũng đủ diễn tả sự trân trọng của nhà thơ đối với vẻ đẹp của trời, của sông, của chim muông hoa lá! Thanh Hải đã dùng nghệ thuật chuyển hoá cảm xúc của mình. Từ âm thanh của tiếng chim nhà thơ tưởng như thấy được bằng thính giác, đã có thể nhìn thấy nó bằng thị giác rồi hứng cả tiếng chim trong tay bằng xúc giác. Dường như nhà thơ căng hết các giác quan của mình để đón nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời vào xuân. Cảm xúc ấy chỉ có thể có được trong một con người bình yên, không có một chút vướng bận, lo lắng gì cả. Đó cũng là cảm xúc của một con người yêu cuộc đời, yêu cuộc sống biết bao!

Từ tình yêu thiên nhiên đất trời càng lắng đọng sâu sắc bao nhiêu thì bây giờ nhà thơ chuyển sang bộc lộ tình yêu quê hương đất nước sâu lắng:

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”


Tiếng súng chưa im nên người lính phải ra đi, anh ra đi với niềm tin vào mùa xuân và ra đi để giữ gìn mùa xuân. Hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng” biểu tượng cho hai nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc và lao động tăng gia để xây dựng đất nước. Nói đến “lộc” là nói đến sự đâm chồi của cây lá! Nhưng trong văn cảnh này lộc mang hàm ý là mùa xuân, là sự may mắn, là hạnh phúc, là niềm vui đến với người khác. Và “lộc” của người cầm súng đó là lá nguỵ trang. Và “lộc” của người ra đồng là nương mạ xanh tốt. Như vậy “lộc” đã theo họ ra chiến trường, ra đồng ruộng hay hình ảnh mùa xuân của đất trời đọng lại trong lộc non đã theo người cầm súng và người ra đồng và chính họ đã đem mùa xuân đến cho mọi miền của Tổ Quốc thân yêu!

Điệp từ “tất cả”, tính từ “hối hả”, “xôn xao”, nhịp thơ nhanh hối hả hình ảnh thơ giàu sức biểu cảm, thể hiện không khí xuân, sức xuân một cách tràn trề và khi thế đi lên mạnh mẽ của đất nước vào xuân. Từ hình ảnh con người tác giả đề cập đến hình ảnh đất nước:

“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”


Hình ảnh hoán dụ đất nước “bốn ngàn năm”  biểu hiện bề dày truyền thống vẻ vang của dân tộc. Một dân tộc cần cù chịu khó, anh dũng bất khuất chống giặc ngoại xâm. Hình ảnh thơ khiến cho ta liên tưởng đến đất nước vào 1980 đánh tan bọn bành trướng Trung Quốc, đất nước còn hoang tàn sau chiến tranh, lực lượng người cầm súng và người ra đồng là hai lực lượng quan trọng nhất. Hình ảnh thơ của Thanh Hải gợi lên hình ảnh thực tiễn của thời kỳ lúc bấy giờ. Sưc sống của “Mùa xuân đất nước” còn được cảm nhận và hình dung qua hình ảnh so sánh rất đẹp:

“Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”


Đất nước trải qua bốn ngàn năm, biết bao vất vả và gian lao để đi lên phía trước. Vẻ đẹp của đất luôn luôn rạng rỡ, luôn luôn toả sáng với những thành tựu và mãi khi mùa xuân về lại được tiếp thêm sức sống để bừng dậy. Hẳn là một con người rất tin tưởng vào sự vững chải ngày ngày đi lên của đất nước Việt Nam nên Thanh Hải mới việc được những vần thơ giàu chất suy tưởng của con người có tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng.

Từ cảm xúc về thiên nhiên, đất nước nhà thơ lại bày tỏ suy ngẫm và tâm niệm, khát khao cống hiến của mình:

“Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”


Chữ “tôi” ở khổ thơ đầu được thay thế bằng chữ “ta”  thể hiện sự nâng niu trân trọng với vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân. Đại từ “ta” tạo được sắc thái trang trọng, thiêng liêng của một lời nguyện ước – không chỉ riêng nhà thơ mà là của chung của nhiều người. Điệp ngữ “ta làm …” “ta nhập vào …” diễn tả một cách tha thiết tâm niệm của tác giả. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh thơ đẹp một cách giản dị “con chim hót”, “một cành hoa”. Tác giả sử dụng câu từ lặp với khổ thơ đầu mang ý nghĩa mới nói lên ước nguyện của mình: sống – dâng hiến như là một lẽ tự nhiên, như con chim dâng iếng hót, như đoá hoa toả hương cho đời. Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” là nhân đề cũng là hình ảnh ẩn dụ mới mẻ, sáng tạo, độc đáo có ý nghĩa sâu sắc. Mùa xuân là mùa đầu tiên của một năm mang biểu tượng sức sống của tuổi trẻ, của tuổi xuân là tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Hiến dâng “mùa xuân nho nhỏ”  là cống hiến sức trẻ, phần tinh tuý nhất, tất cả những gì tốt đẹp nhất, dù nhỏ bé của mỗi người một cách khiêm nhường của cuộc đời chung, cho đất nước. Đảo ngữ “lặng lẽ dâng cho đời” còn nhấn mạnh ý thơ về sự âm thầm cống hiến. Điệp ngữ “dù là”, hoán dụ “tuổi hai mươi”, “tóc bạc” mang ý nhấn mạnh thể hiện khát vọng không thôi bất chấp tất cả thử thách của thời gian tuổi già, bệnh tật, khẳng định quyết tâm cống hiến của mình. Ý thơ này còn xuất phát từ đáy tâm can của ông, ngay từ những ngày cuối đời như con tằm rút ruột nhả tơ. Ý thơ của một con người có tâm huyết, có nhân sinh. Đó cũng là lẽ sống đẹp của anh thanh niên “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Lòng. Với anh công việc là niềm vui “cất công việc đi thì cháu buồn chết mất” quả là một con người có ý chí cao cả, yêu công việc. Một mình hy sinh thầm lặng nơi Sa Pa khỉ ho cò gáy, anh sống vì quê hương, đất nước, vượt qua mọi khó khăn nơi Sa Pa để hoàn thành nhiệm vụ. Có ai đó đã từng nói rằng: “Cuộc đòi là tấm gương phản chiếu, chúng ta sống như thế nào thì phản chiếu như thế đó” Vâng! đúng thế, nếu con người biết yêu cuộc sống thì chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để sống tốt hơn, để cuộc đời này tràn ngập tình yêu cuộc sống. Hãy luôn sống lạc quan, sống biết yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước và có khát vọng cống hiến. Hãy nâng niu từng phút giây được sống trong cuộc đời để không còn sống hoài, sống phí. Và với Thanh Hải, cuộc sống rất tuyệt vời, ông trân trọng trong từng giấy phút sống để rồi có một tâm niệm bất diệt thể hiện tình yêu thiết tha đối với quê hương, đất nước, cuộc đời. Sâu xa hơn đó là ý thức trách nhiệm đối với xã hội, đối với con người.

Tình yêu cuộc sống cũng chính là tình yêu những giá trị bền vững của những câu hát Nam ai – Nam bình thân thương gần gũi của xứ huế:

“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế."


Khúc nam ai, nam bình là nhạc điệu buồn thương, dịu dàng trìu mến mà tự bao đời nay người dân xứ huế vẫn hát dể gợi nhắc lòng người nhớ về nghĩa tình thuỷ chung, nhớ về quê hương đất nước, non nước Việt Nam cũng như đất trời xứ huế tươi đẹp quá! Một câu hát truyền thống sẽ đi mãi cùng trái tim một người con đã suốt đời chiến đấu hy sinh vì tổ quốc, đến giấy phút cuối cùng cũng còn mong mỏi mãnh liệt hơn bao giờ hết khát vọng cống hiến vẹn toàn cho quê hương đất nước.

Bài thơ sử dụng thể thơ năm chữ, mang ấm hưởng dân ca nhẹ nhàng, giàu hình ảnh, nhạc điệu, cấu trúc thơ chặt chẽ. Giọng điệu lắng đọng tha thiết đã thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Bài thơ đề cập đến vấn đề lớn và quan trọng “nhân sinh”, vấn đề ý nghĩa cuộc sống của mỗi cá nhân được Thanh Hải thể hiện một cách chân thành, thiết tha, bằng giọng thơ nhỏ nhẹ như một lời tâm sự, gửi gắm của mình với cuộc đời.

“Mùa xuân nho nhỏ” – Món quà chi tay với cuộc đời của Thanh Hải vẫn mãi để lại dư vang trong lòng bao con người với tình yêu cuộc sống thiết tha, mãnh liệt. Và đâu đây nó đã ngân vang trong lòng bao thế hệ bạn đọc một tình cảm yêu đời, yêu cuộc sống. Để rồi mỗi chúng ta biết sống đẹp hơn, làm nhiều điều có ý nghĩa cho cuộc đời để còn lại một dấu ấn đẹp dù khi chỉ còn là cát bụi. “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”. Hãy sống có trách nhiệm với quê hương, với đất nước, đặt trách nhiệm cao hơn quyền lợi của bản thân nhé mọi người!

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây