Ta hãy tìm hiểu nội dung ý nghĩa câu trên, qua đó chứng minh rằng tư tưởng nhân nghĩa được thể hiện trong suốt bài Bình Ngô đại cáo.
Trong cuộc đời thường, nhân và nghĩa thể hiện đạo lí làm người, một tôn chỉ trong xã hội ta ngày xưa, là đạo lí của con người đối với con người, đạo lí của con người đối với cuộc đời;
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời chị được ăn lộc trời.
(Gia huân ca)
Đạo lí nhân dân vẫn thường chê trách kẻ tham vàng bỏ ngãi như câu ca dao Nam Trung Bộ:
Sợ anh ham chốn tiền tài
Dứt đường nhân ngãi lâu dài bỏ em.
Ở Bình Ngô đại cáo, nhân sinh mang nội dung tư tưởng sâu rộng, tích cực hơn: Nhân thể hiện bằng hành động chăm lo đời sống người dân được an vui: Nghĩa thể hiện qua hành động diệt trừ lũ bạo ngược để an dân:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Nội dung câu trên có thể tóm tắt: xuất phát từ tư tưởng nhân nghĩa, ta nhắm mục đích yên dân, vì muốn yên dân ta phải ra tay hành động trừ bạo. Như vậy, thực hiện nhân nghĩa cốt nhằm mục đích duy nhất là đem lại hạnh phúc, an vui cho người dân. Cho nên vì thương dân (điếu) mà ta khởi binh đánh dẹp (phạt) để diệt (trừ) lũ giặc hung bạo (bạo). So với tư tưởng nhân nghĩa trong văn chương bình dân cũng như trong văn chương bác học nước ta, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo có ý nghĩa sâu sắc: Tất cả vì nhân dân, vì hạnh phúc ấm no, vì sự an cư lạc nghiệp của người dân. Tư tưởng nhân nghĩa này đã thể hiện suốt trong bài Bình Ngô đại cáo.
Thật vậy, Nguyễn Trãi đã tự hào giở lại từng trang lịch sử của dân tộc qua bài Cáo. Lịch sử từng ghi rằng những triều đại nhân nghĩa đều lấy việc yên dân làm gốc. Những kẻ tham bạo, hành động trái nhân nghĩa đều thất bại:
Lưu cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích phải tiêu vong.
Vậy mà hiện nay:
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây hoạ,
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.
Chúng đã gây ra quá nhiều tội ác trên đất nước ta, làm cho cuộc sống của nhân dân vô cùng cơ cực. Đó là những cảnh cực nhọc, hiểm nguy khi giặc bóc lột sức dân, vơ vét tài sản quý:
Người bị bắt xuống biển còng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng thiêng nước độc.
Ngoài ra còn những thuế má, phu phen nặng nề:
Nặng nề những nỗi phu phen…Nay xây nhà, mai đắp đất…Nặng thuế má sạch không đầm núi.
Như vậy, còn đâu đời sống an vui hạnh phúc xưa kia, những nếp nghề truyền thống cũng không tồn tại được: tan tác cả nghề canh cửi. Quả thật tội ác của giặc Minh đã làm cho:
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nếu nhân nghĩa không chỉ là nhân tâm mà còn là thiên lí, thì quả thật nhân nghĩa đã bị bọn cuồng Minh làm bại hoại tổn thương. Cho nên:
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần dân chịu được?
Ta giữ đại nghĩa chí nhân, chính nghĩa tất thắng, chí nhân tất thành:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Cho nên sau bao năm nếm mật nằm gai, khắc phục gian nan, nghĩa quân phản công với khí thế sĩ khí đã hăng, quân Thanh càng mạnh, còn giặc thì Nghe hơi mà mất vía, nín thở cầu thoát thân.
Đợt tiến công còn tỏ rõ thế tất thắng của nghĩa quân:
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
…..
Nổi gió to quét sạch lá khô,
Thông tổ kiến sụt toang đê vỡ.
Trái lại, bọn giặc đã hành động trái nhân nghĩa nên lúc này hoàn toàn bại vong: Chủ tướng thất thế, Cụt đầu tướng lãnh tử vong, tự vẫn lê gối tạ tội, trói tay xin hàng, quân lính sợ bóng mà vỡ mật, xéo lên nhau để chạy thoát thân, cởi giáp ra hàng như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng.
Như vậy, sau mười năm nằm gai nếm mật ta đã hoàn toàn chiến thắng. Tư tưởng nhân nghĩa được thể hiện qua lòng nhân đạo đưa đến chủ trương hoà bình, như lời của Bình Định Vương Lê Lợi:
"Phục thù báo oán, đó là thường tình của người ta, không thích giết người, đó là bán tâm của kẻ nhân giả. Và người ta đã hàng mà lại giết, thì không gì không lành hơn nữa . Để hả mối giận một sớm mà mang tiếng giết hàng muôn đời, thì sao bằng để sống ức vạn người mà hết mối chiến tranh cho hậu thế, khiến sử xanh ghi chép, nghìn thuở lưu thơm, như thế chẳng phải là lớn sao?"
(Lam Sơn thực lục)
Cho nên, ta theo đức hiếu sinh của trời: Thần vũ chăng giết hại, thể lòng trời ta mờ đường hiếu sinh.
Hơn nữa, đó cũng là nguyện vọng hoà bình của nhân dân hai nước. Bọn vua quan nhà Minh đã bắt dân lành vào lính, xua quân sang Đại Việt, quân lính đó là Những kẻ vô tội (….) đã bị các người (tướng lãnh) lừa dối. (Quân trung từ mệnh tập). Cho nên cuộc kháng chiến chống quân Minh đặt trên cơ sở nhân nghĩa để trừ bạo nhưng đồng thời cũng dựa trên cơ sở nhân nghĩa để chấm dứt chiến tranh, đặt mục đích hoà bình đó chính là tài năng, đức độ của nhà quân sự nhìn xa, trông rộng ; dập tắt chiến tranh, ngưng cuộc binh đao mới là võ (chữ võ gồm chữ chỉ là ngưng lại, ghép với chữ quan là cây giáo). Cho nên kết thúc hoàn toàn cuộc chiến, Nguyễn Trãi đã tự hào:
Chẳng những mưu kế kì diệu,
Cũng là chưa thấy xưa nay.
Bình Ngô đại cáo là một Thiên cổ hùng văn, tổng kết cả một cuộc kháng chiến thần thánh vô cùng gian lao nhưng tuyệt vời anh dũng của dân tộc ta suốt mười năm dài. Tác phẩm toát lên tư tưởng chỉ đạo làm nền gốc cho mọi chủ trương, đường lối, chiến thuật, ngoại giao, chính trị tài tình, đưa đến thắng lợi vinh quang xây dựng nền hoà bình bền vững. Đó chính là tư tưởng nhân nghĩa.