Ở câu tục ngữ thứ nhất, người xưa đã dùng hình ảnh ẩn dụ (so sánh ngầm, lấy một bộ phận nói lên toàn thể) hình ảnh bàn tay tượng trưng cho con người. Tay dùng để lao động, để làm việc. “Tay làm” nói con người chăm chỉ, “tay quai” chỉ con người lười biếng, không chịu làm việc. Hàm và miệng giúp con người ăn uống. Hình ảnh hàm và miệng ở đây tượng trưng cho cuộc sống của con người. “Hàm nhai’ ý nói có ăn, có thu nhập để sống. “Tay quai miệng trễ” ý nói là nếu không chịu lao động, nếu lười biếng thì không có cái ăn, không có thu nhập để sống, cuộc sống sẽ khổ sở, thiếu thốn.
Câu tục ngữ khuyên chúng ta phải chăm chỉ lao động, cần cù chịu khó làm ra của cải vật chất, dùng bàn tay khối óc, không ngại gian khổ, sớm khuya, một nắng hai sương để cho cuộc đời chẳng những có ăn, no đủ mà ngày càng khá giả, tốt đẹp. Câu tục ngữ cũng phê phán thói chây lười, không chịu lao động, làm chăng hay chớ, tùy tiện nên đời sống khổ sở, đói rách, thiếu thốn. Người xưa quan niệm rất đứng đắn về lao động. Biết rằng lao động là vất vả, gian khổ nhưng cũng thật tốt đẹp, cao quý. Họ quan niệm:
Có làm thì mới có ăn,
Không dưng ai dễ đem phần đến cho.
Ở câu tục ngữ thứ hai, người xưa đã thẳng thắn phê phán thói lười biếng. Ngủ trưa (ngủ ngày), ngủ dậy muộn, không biết quý trọng thời gian, ngại khó, trốn tránh công việc, say sưa rượu chè tối ngày sẽ chịu hậu quả chẳng những không mong gì giàu sang, no đủ mà còn phải chịu chật vật, khốn khó do thói lười biếng tạo nên.
Hai câu tục ngữ nêu nên một chân lí giản đơn của đời sống con người: có làm thì mới có ăn, mới mong no đủ, mới có thể giàu có. Ngược lại, thói lười biếng sẽ dẫn đến hậu quả chẳng những miếng ăn, cuộc sống hàng ngày cũng không có, không đủ chứ đừng mong gì cuộc sống giàu sang, no đủ. Ý nghĩ giàu sang của những người lười biếng chỉ là một sự viễn vông. Người xưa khẳng định sự cần thiết phải lao động, mà phải lao động chằm chỉ nữa.
Thực tế muôn đời nay đã chứng minh chân lí đúng đắn đó, khẳng định sự cần thiết của kinh nghiệm đó.
Trên ruộng đồng, người nông dân cuốc bẫm cày sâu, thức dậy từ lúc "‘trời còn tang táng rạng đông, làm ngay cả lúc ban trưa và đến tối mịt mới về, quanh năm đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương mới mong có mùa thu hoạch tốt, có đời sống no đủ, khá giả. Bài ca lao động gian khó, bài ca tình yêu là một cặp song song trong giai điệu cuộc sống của họ, là nết đẹp, nét thơ mộng trong cuộc đời của họ. Một ngày lao động vất vả, “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” đã đem đến cho người nông dân buổi chiều khói bếp thơm nồng, buổi tối cả nhà quây quần quanh mâm cơm vui vẻ và hơn thế một cuộc sống no đủ, dài lâu, nhà ngói cây mít… Họ luôn luôn hiểu rằng:
Công lênh chẳng quan bao lâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Người công nhân phải chăm chỉ bám máy, bám xưởng, có tay nghề giỏi, có năng suất cao thì mới có lương cao, được thưởng nhiều và mới có cuộc sống sung túc. Người thợ thủ công từ chỗ suốt đời gắn bó, tận tụy với nghề, chăm chỉ, cần mẫn, kiên trì, khéo tay nên đã làm ra được nhiều sản phẩm, có thu nhập cao và cuộc sống đầy đủ. Ngược lại nếu người nông dân mà lười biếng lao động, không biết quý trọng thời gian thì sự thất bát mùa màng là chắc chắn. Lúa sẽ xấu, cỏ mọc sẽ nhiều, lúa không đủ phân, đủ nước sẽ cho ít nhánh, năng suất không cao. Đấy là chưa nói đến hậu quá tai hại do sâu bọ phá hoại. Kẻ làm thợ cũng vậy, lười biếng sẽ không thể có nhiều sản phẩm và chắc chắn là lương sẽ ít, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn. Bất cứ ai, bất cứ làm nghề gì, việc gì cũng thế, nếu chây lười thì sẽ chịu hậu quả là cuộc sống khốn khó mà thôi.
Lao động là cần thiết, là vẻ vang, là cao quý bởi nó đem lại đời sống tốt đẹp cho con người. Lao động vì thế là đạo đức, là phẩm chất của bất cứ mọi người trong xã hội, là thước đo tình cảm và năng lực của con người. Thái độ đối với lao động cũng chính là cách nhìn nhận đúng đắn về bản chất của con người. Chỉ có những người chăm chỉ lao động, yêu quý lao động mới có thể có tình cảm chân thành, đúng đắn trong các quan hệ của cuộc sống. Những kẻ lười biếng, ham mê chơi bời, rượu chè là kẻ xấu, cần tránh xa.
Những câu tục ngữ trên qua thời gian càng khẳng định sự đúng đắn của kinh nghiệm sống quý báu và cần thiết mà người xưa đã để lại, khuyên nhủ chúng ta. Ngày nay, khi con người đã tiến rất xa trong con đường giải phong sức lao động, sáng tạo ra nhiều của cải vật chất, sự chăm chỉ lao động, có thái độ đúng đắn với lao động, tránh thói lười biếng lao động vẫn thật là cần thiết, bởi ý nghĩa của nó không chỉ giúp con người theo kịp sự tiến bộ của khoa học, xây dựng cuộc sống mới trên nền tảng kinh tế xã hội còn khó khăn, mà cần thiết hơn là giáo dục đạo đức, phẩm chất của con người trước yêu cầu và thử thách lớn lao hơn của đời sống.