Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bình luận và chứng minh ý kiến: “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thực ra là lòng yêu nước thương dân”.

Thứ tư - 02/11/2016 05:16
Năm 1980, nhiều nước trên thế giới kỉ niệm ngày sinh của Nguyễn Trãi. Đó là một vinh dự vô cùng lớn lao của đất nước Việt Nam về con người vĩ đại ấy. Nguyễn Trãi vừa là anh hùng dân tộc vừa là nhà văn, nhà thơ ưu tú. Người luôn đề cao tư tưởng nhân nghĩa với lòng yêu nước thương dân. Do đó, có ý kiến nhận xét: “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thực ra là lòng yêu nước thương dân”.
Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi dựa trên khái niệm về đạo Nho, nghĩa là nói về tình thương của người quân tử trong xã hội. Theo triết lí Khổng Mạnh thì chỉ có quân tử mới có nhân nghĩa. Nhưng ở đây, tư tưởng của Nguyễn Trãi lớn lao, cao hơn một bậc so với thời đại bấy giờ, nó là một tư tương vô cùng lớn lao được thể hiện bởi nhà cải cách vĩ đại. Ông áp dụng triết lí nhân nghĩa cho toàn thể nhân dân chứ không gói gọn trong phạm vi nhỏ hẹp của người quân tử.
 
Đưa triết lí này đến nhân dân, Nguyễn Trãi đã bộc lộ nguyện vọng thiết tha của mình là các nhà cầm quyền phải lấy nhân nghĩa đối xử với nhân dân, tạo cho họ có cơ hội để sống hạnh phúc, ấm no. Hành động đó bộc lộ một điều chắc chắn trong tâm tư Nguyễn Trãi: đó là tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn. Có như thế, ông mới có thể dũng cảm đi ngược dòng lịch sử cất lên tiếng nói vì quyền lợi của người dân. Trong suốt cuộc đời ông và trong những áng thơ văn bất hủ luôn có bóng hình những người dân lầm than, cơ cực. Chính vì thế, lời nhận xét trên đã khẳng định thêm một lần nữa sự vĩ đại trong con người Nguyễn Trãi. Nói về nhân nghĩa, trước hết Nguyễn Trãi định nghĩa:
 
Việc nhân nghĩa cốt ở yến dân
Quân diếu phạt trước lo trừ bạo.
 
Nguyễn Trãi không nói “điều” hay “sự” mà là “Việc nhân nghĩa”. Đối với ông, nhân nghĩa phải được thực hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực nhằm cải biến và đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nguyễn Trãi đã đứng trên lập trường nhân dân để thấy rõ ước mơ, nguyện vọng của người lao động mong những chính sách của Nhà nước trở thành hiện thực. Làm như thế chỉ vì một mục đích đơn giản mà Nguyễn Trãi đã định nghĩa: “cốt ở yên dân”. Người dân không mơ ước gì hơn là cuộc sống trong cảnh thái bình, yên ả. Cho nên bổn phận, của kẻ chăn dân là phải làm cho dân được yên.. Để giữ lấy ước mơ tha thiết ấy, Nguyễn Trãi khẳng định: “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. “Quân” phải biết chiến đấu trừng phạt kẻ ác để bảo vệ nhân dân, đem lại “nhân nghĩa” cho muôn người.
 
Sở dĩ tác giả hiểu được điều đó là nhờ sống gần gũi, hòa hợp với nhân dân, đứng trên lập trường nhân dân. Nguyễn Trãi đã trở thành một nhà cải cách vĩ đại, ông đã đưa tư tưởng nhân nghĩa trở thành tư tưởng nhân dân. Gần gũi bên nhân dân, Nguyễn Trãi luôn trông thấy những cảnh đau lòng do bọn giặc độc ác gây ra:
 
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
 
Bao giờ, Nguyễn Trãi cũng nói về nhân dân, một điều mà hầu như không có một vị quan, nhất là quan cao cấp đề cập đến. Vì thế, Nguyễn Trãi vô cùng đau xót trước cảnh người dân bị tàn hại vô tội. Ông thương khóc cho “dân đen” bị nướng thui “trên ngọn lửa hung tàn”, đau lòng khi cả những “con đỏ” cũng bị chôn vùi dưới “hầm tai vạ”. Ông luôn luôn trông thấy nhân dân đang rên xiết dưới gót giày, quân giặc, cả những “kẻ góa bụa khốn cùng” cũng làm ông đau đớn. Tình thương yêu dân của ông thật vô cùng bao la. Họ là một phần xương máu, tâm can của người anh hùng vĩ đại.
 
Bên cạnh tình yêu dân tha thiết, ở Nguyễn Trãi còn nổi bật tình yêu nước sâu sắc. Đất nước có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, cao cả, được trời đất sắp đặt phân chia:
 
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyễn mỗi bên xưng đế một phương.
 
“Gây nền độc lập”, “xưng đế một phương”... là ý chí tự lập, tự cường của “Đại Việt”. Ông không phủ định quyền làm đế của các nước khác nhưng khẳng định nước Việt Nam cũng có để vương thay trời hành đạo. Ông tôn trọng nền độc lập của các quốc gia nhưng sẵn sàng đấu tranh bảo vệ tự do của đất nước mình. Ông mang niềm tự hào về đất nước bởi lòng yêu nước của ông thật bao la. Ông quý trọng từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc đã sản sinh nuôi dưỡng nên mình. Ông yêu nước và thương dân tha thiết. Tấm lòng ưu ái của ức Trai dào dạt, cuồn cuộn:
 
Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông.
(Quốc âm thi tập)
 
Mở đầu Bình Ngô đại cáo là hai chữ “yên dân”, và kết thúc áng thiên cổ hùng văn là câu: “Muôn thuở nền thái bình thịnh trị”.
 
Lời nhận xét trên là một ý kiến khái quát nhưng có giá trị rất cao về con người Nguyễn Trãi. Nó là thước đo tầm vĩ đại trong tư tưởng Nguyễn Trãi. Một mặt, ông luôn đứng trên lập trường nhân dân, lo lắng vì cuộc sống của người lao động. Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là một tư tưởng vô cùng vĩ đại, vằng vặc như sao Khuê trên bầu trời Đại Việt. Lời nhận xét làm ta tự hào về Nguyễn Trãi, càng lúc càng thêm kính phục ông và cả niềm tự hào về Tổ quốc, nơi đã sản sinh ra bao anh hùng kiệt xuất như ông.
 
Trải qua bao nhiêu năm đấu tranh, nước Việt Nam đang bước đi trên con đường xây dựng. Như Nguyễn Trãi đã nói: “Song hào kiệt đời nào cũng có”. Đất nước hôm nay không thiếu những nhân tài nhưng thiết nghĩ, tất cả đều phải học tập ở tấm gương đức độ của Nguyễn Trãi. Được như thế, nhân dân Việt Nam sẽ no ấm hơn và chắc chắn đất nước sẽ được xây dựng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây