Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể về một việc tốt mà em đã làm

Thứ ba - 22/09/2020 22:38
Bài làm 1:
Buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều mùa đông, cơn mưa dài đã đem đến cho không gian một màu xám đục. Em đi học về trên con đường làng quen thuộc. Bỗng nhìn sang bên kia đường, em thấy một người phụ nữ trạc tuổi bốn mươi đang bế đứa bé chừng hai tuổi, vai cô lại khoác túi, một tay xách giỏ nặng đang lúng túng bên vệ đường, khuôn mặt cô thoáng vẻ lo âu.
Em đến gần cô, khẽ hỏi:
- Cô ơi! Cô về làng phải không?
Cô mỉm cười và bão:
- Ừ! Cô về làng ở cuối đường này đấy. Cháu đi học về đấy à?
Cô không nhờ em xách hộ giỏ nhưng nhìn ánh mắt đầy vẻ lo lắng của cô, em biết mình phải làm gì lúc ấy. Không ngần ngại, em đưa tay đỡ lấy giỏ đồ của cô và nói:
- Cháu xách giỏ đồ giúp cô nhé!
Cô đưa giỏ cho em nhưng có vẻ ái ngại. Có lẽ cô nghĩ em sẽ không xách được cái giỏ nặng ấy. Em xách giỏ và sánh bước bên cô, giỏ nặng thật, thảo nào cô mệt mỏi vậy. Đi được một quãng đường ngắn, cô bảo:
- Thôi cháu à! Giúp cô bấy nhiêu được rồi đấy. Cháu nhỏ thế mà xách giỏ nặng, cô không đành lòng.
Em quả quyết trả lời:
- Không sao đâu cô ạ! Cháu vẫn xách được đấy mà.
Thế là em tập trung vào việc xách cái giỏ nặng ấy để giúp cô. Đứa bé úp mặt vào vai mẹ mà ngủ, nó vừa nín khóc nên đôi vai thỉnh thoảng giật lên theo tiếng nấc hãy còn trong giấc ngủ.
Thấy thương hai mẹ con cô ấy, em đã quên đi sự nặng nề trên đôi tay bé nhỏ của mình, về đến làng, trời nhá nhem tối. Em trao lại giỏ xách cho cô rồi rảo bước về, vừa đi vừa thấy vui vì đã làm được một việc có ích: Biết giúp đỡ người khác đang gặp khó khăn. Em càng vui hơn nữa khi bắt gặp ánh mắt của cô nhìn em với cái nhìn trìu mến, đầy thiện cảm.
Cô vẫn đứng đấy dõi mắt nhìn theo em, cho đến khi em đã khuất bởi những căn nhà nhở lúp xúp bên đường.

Bài làm 2:
Một tối chủ nhật cuối tháng chạp, anh trai tôi gọi tôi lại bảo:
- Này Quang, tối nay anh có việc bận đột xuất lên sân bay đón chị Hai về phép. Vậy chú có thể giúp anh canh vườn một đêm không?
- Rất sẵn lòng, với điều kiện anh phải giải hộ em bài toán cô giáo vừa giao?
- Xong ngay! Nhưng nhớ tỉnh ngủ, cảnh giác cao độ. Cữ này là lắm trộm đạo tới thăm đấy. Chú ý mấy luống hoa hồng, nhất là khóm hồng bạch. Đã mất sáu bông đẹp nhất rồi, chỉ còn độc bông to nhất đấy thôi! Mất nữa, khéo dông cả năm chữ bỡn!
Chưa dứt câu, anh đã biến khỏi nhà. Tôi lẳng lặng ra góc vườn, giấu mình bên gốc hoàng lan.
Đêm đã khuya, rét ngọt, gió hiu hiu. Lạnh thấm qua khe cổ áo len, buốt nhoi nhói. Bỗng tôi giật nẩy mình vì phát hiện một chiếc bóng thấp, nhỏ vừa trèo qua dãy tường rào, lách qua mấy luống cải ngồng cao vóng rồi dừng lại trước khóm hồng bạch giữa vườn. Bông hoa trắng tròn xoe duy nhất khẽ đu đưa trên cành cao nhất. Hương thơm nhè nhẹ tỏa lan. Bóng nhỏ ấy hình như là một bé gái chừng hơn mười tuổi. Nó kiễng chân, nhìn trước, nhìn sau rồi thì thào khấn rất trang nghiêm:
- Trăm lạy Nữ thần Bông Bạch... Xin người...
Nó trịnh trọng nâng cái kéo nhỏ sát cánh hoa.
Bỗng:
- Đứng im!
Tôi quát lớn và lập tức nhảy tới. Tiếng quát vang trong đêm, giữa khu vườn vắng, chính tôi nghe cũng thấy rợn cả người.
Phụp! Chiếc kéo rời khỏi bàn tay bé nhỏ, rơi xuống đất. Cái bóng sụp xuống, run rẩy, ú ớ:
- Mẹ ơi! Ma!... Ma!...
Lát sau, bé mới từ từ đứng lên, dụi mắt. Tôi đã sừng sững trước mặt, tay lăm lăm cây gậy tre đực cứng như sắt. Tôi bắt đầu tra hỏi bằng giọng khá quyền uy:
- Tại sao dám ăn trộm hoa?
- Mẹ em … mẹ em... dạ.
Bé gái ngập ngừng, lúng túng.
- Trả lời cho đúng! Ai xui mày ăn trộm hoa hồng bạch, hả?
Bé gái vẫn run rẩy trước tôi - một cậu con trai cũng chỉ trạc tuổi nó - có lẽ vì bị bắt quả tang, vì sợ, vì rét. Trên người nó chỉ phong phanh một chiếc áo mỏng.
- Đã ăn…à… lấy mấy lần rồi?
- Sáu lần ạ!
- A! Thì ra kẻ trộm mấy lần trước cũng là mi? Nhưng lấy làm gì mà nhiều thế?
- Về lam... làm thuốc cho mẹ!
Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:
- Làm thuốc mà những sáu lần? Kể cụ thể xem nào? Đây không thèm đánh đâu mà sợ!
- Mẹ em sốt, ho bật máu tươi. Người rạc như mắm. Tiêm thuốc đủ loại đều không đỡ. Mà nhà em hết tiền rồi. Bố bỏ mẹ con em đi biệt từ lâu. Mẹ nghỉ mất sức từ năm, sáu năm nay.
Bé nấc nghẹn, kể tiếp:
- Em thương mẹ em lắm, nhưng chỉ biết nhìn mẹ mà khóc. Có người bảo: Đi lấy bảy bông hồng bạch về làm thuốc là có thể chữa khỏi bệnh cho mẹ. Thế là em liều.
Trong tôi đã giảm hẳn cơn bực, giận mà bắt đầu ái ngại cho nó:
- Sao ấy không hỏi xin đàng hoàng? Đây không biết, tưởng trộm thật, vụt cho một gậy thì có khổ không?
- Em ngại. Em sợ.
Tôi cúi nhặt chiếc kéo, tách nhẹ một nhát, cắt ngọt bông hồng bạch duy nhất còn lại trong vườn, trịnh trọng trao cho cô bé lạ:
- Mình tặng bạn bông hồng này. Chúc mẹ bạn mau lành bệnh!
Định đưa tay ra đỡ, bỗng hai tay cô bé lại buông thõng, như bất lực. Cô bé thút thít:
- Không! Không được đâu! Người mách thuốc dặn đi dặn lại rằng mong đuổi được cái ho, cái sốt, hoa hồng bạch phải nhất thiết là hoa đi ăn trộm. Thế là mẹ em không thể khỏi được nữa rồi! Hu! Hu!
Cô bé thổn thức, uể oải bỏ về. Tôi ngơ ngác nhìn theo, xoay xoay bông hồng, rồi thả xuống đất. Như chợt nhớ ra điều gì tôi gọi với:
- Này! Bạn ấy ơi!
Tôi bước nhanh vào nhà, nhưng tay lại ra hiệu về phía góc vườn. Tôi vừa ngáp vừa bước vào sau cửa:
- Chà! Ngủ tiếp thôi!
Nhẹ như một chú mèo, cô bé bước nhanh tới góc vườn, thoáng chốc lại bươn bả quay ra, trong tay đã cầm chặt bông hồng trắng.
- A! Trộm! Trộm!
Tôi quát khẽ, lách ra cửa, từ từ đuổi theo, vung gậy quật vun vút vào không khí. Cô bé vụt chạy, cuống quýt trèo qua tường, buông mình nhảy vội xuống đánh huỵch. Tôi đến sát tường, nghển cổ nhìn, thấy cô nhổm dậy, cà nhắc, tập tễnh cố chạy đi. Tiếng rên đứt đoạn, xa dần.
Tôi nhìn theo, mắt nhòa nhi. Một lúc sau, tôi lững thững vào nhà lên giường và nằm trằn trọc hồi lâu. Ngày mai mình sẽ đến thăm bạn ấy, tôi tự nhủ.
Nhưng chết rồi! Chưa kịp hỏi tên, hỏi nhà ở đâu thì biết làm sao?
Tôi chỉ còn biết thở dài trách mình vô ý.
Đêm đã khuya lắm.

Bài làm 3
Một buổi trưa tan học, tôi và mấy bạn cùng đi về. Vì là ngày thứ bảy nên chẳng vội vàng gì, cả nhóm cứ lững thững nói chuyện cho vui.
Bỗng chúng tôi thấy một cái gói chẳng biết của ai nằm sát bên lề đường. Định bỏ đi, nhưng có vài bạn tò mò dùng chân hất thử, thấy cái gói cưng cứng và nằng nặng. Các bạn mới mở ra: Ôi, tiền! Mấy xấp tiền màu xanh của tờ năm trăm ngàn dầy cộm còn ràng chặt lại, mới nguyên. Đứa nào cũng trố mắt tròn xoe nhìn gói tiền rồi nhìn chung quanh, nhìn đầu đường, cuối đường. Hoàn toàn chẳng thấy ai có vẻ là bị mất tiền và đang đi kiếm cả. Đường vắng hoe.
Các bạn tôi, người này nhìn người kia rồi toan tính: Thôi chia đều ra đi, mỗi đứa một phần. Với gói tiền to như vậy mà mỗi người một phần, phần tiền ấy cũng to lắm cơ. Đồng ý nghĩ với các bạn, tôi mừng thầm trong bụng. Ba má tôi đi làm suốt tháng, lương lãnh chắc cỡ đó là cùng. Bao dự tính chi xài thoáng qua trong óc tôi ngay. Tôi sẽ mua một cây bút máy loại tốt, một cái cặp mới thay cho cái cặp rách này. Còn lại bao nhiêu, tôi đưa hết cho ba má tôi. Mắt tôi đang mơ màng.
Nhưng tôi chợt nghĩ lại, không hiểu người mất tiền đó là ai? Giàu hay nghèo? Biết đâu giờ này người ấy đang vừa mếu máo, vừa đi kiếm. Nếu nghèo mà mất bao nhiêu đây tiền thì quả là tội vô cùng. Tôi cứ đắn đo. Một bạn định lột dây thun ra để chia, tôi mới đề nghị:
- Thôi các bạn. Đây đâu phải tiền của chúng ta mà chia. Nên trả lại cho người đánh rơi.
- Bồ dại, mình lượm chớ bộ ăn cắp sao!
- Biết đâu mà trả lại, mình cứ chia đi.
Tôi vẫn nhất quyết:
- Không được. Thầy cô có dạy, tham của người là xấu lắm các bạn ạ. Không biết của ai thì chúng ta đem nộp đồn công an. Lo gì.
Các bạn tôi trù trừ rồi có bạn cũng đồng ý. Lần lượt tất cả đều đồng ý.
Thế là chúng tôi ôm gói tiền đến đồn công an phường gần đó.
Tại đồn, các chú công an đón tiếp chúng tôi niềm nở và hết lời khen ngợi. Định từ giã các chú ra về thì chúng tôi thấy cô thủ quỹ của trường đang hớt hải bước vào, mắt đỏ hoe, hình như là cô đang buồn khóc chuyện gì đó.
Qua lời trình bày của cô với các chú công an, chúng tôi hiểu ngay cô là chủ nhân của gói tiền kia. Thì ra trên đường lãnh lương về cô đã vô ý đánh rơi nó lúc nào chẳng biết. Khi nhận lại bó tiền đã mất, cô thủ quỹ ôm lấy chúng tôi và cám ơn rối rít.
Buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, thầy Hiệu trưởng tuyên dương chúng tôi không ngớt lời. Mấy đứa tôi thỉnh thoảng nhìn nhau mà lòng lâng lâng sung sướng.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây