Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể cho bố mẹ em nghe một chuyện lí thú mà em đã gặp ở trường

Thứ tư - 23/09/2020 08:29
Bài làm 1:
Sau bữa cơm chiều như mọi ngày, một ấm trà nóng được mẹ pha cùng với khay, chén chu đáo đặt trên bàn. Cả nhà quây quần bên bàn nước. Tôi vui miệng kể cho bố mẹ và em tôi nghe một câu chuyện lí thú của lớp 7C chúng tôi: Chúng tôi diễn kịch.
Phải công nhận một câu chuyện hấp dẫn vì thấy bố tôi dừng đọc báo lắng nghe, mẹ mời bố chén trà nóng rồi cũng nhìn tôi chờ đợi, thằng Hưng em tôi thì cứ luôn miệng: kể chuyện anh diễn kịch đi, anh Hòa...

Trường con có tổ chức một hội thi diễn kịch. Các lớp đã chuẩn bị trong một số ngày vừa qua. Chiều nay, tất cả đã công diễn để chọn giải cho các vở diễn.

Lớp con quyết định chọn vở kịch về người anh hùng của nước ta thời nhà Trần chống quân Nguyên. Con được phân công đóng vai chính là Phạm Ngũ Lão vì người con to và khỏe nhất bọn. Bạn lớp trưởng tham gia đạo diễn, chỉ bảo các vai từng li từng tí một. Bạn Sơn có hoa tay, nên vẽ rất giỏi, được phân công làm voi bằng vải để hai người chui vào trong. Bạn Lan - tổ trưởng tổ con và bạn Tuấn đóng vai hai lính hầu của Hưng Đạo Vương. Bạn Lê Tùng làm Hưng Đạo Vương ra dáng lắm, chắp tay sau lưng, đi đi lại lại. Thỉnh thoảng lại đưa tay lên cằm như để vuốt râu, thực ra có lúc Tùng có động tác như sờ râu thì đúng hơn. Đùn đẩy mãi, không ai chịu chui vào làm voi. Cuối cùng, Sơn Tùng và Sơn Huy xung phong. Các vai sau khi phân công đã khẩn trương tập dượt cho ngày biểu diễn. Và chiều nay, hội thi đã được thực hiện tại hội trường của trường, ngay trên sân khấu sáng rực ánh đèn... chúng con, đứa nào cũng rộn ràng như những diễn viên thực thụ...

Vào buổi chiều, tất cả đã nhập vai. Con không còn vừa "đan sọt" vừa nói leo với các bạn nữa. Lê Tùng không còn khó khăn khi leo lên con voi giả nữa. Lan và Tuấn giờ đây như những tên lính hầu thực sự. Hải còn đi xin thầy Hiệu trưởng "vũ trang" cho các nhân vật trong vở.

Chiều hôm ấy, sau khi kịch biểu diễn, tất cả các khối lớp Bảy và Tám tập trung dưới sân. Chẳng hiểu các bạn 7C nói trêu Tuấn cái gì, mà trông vẻ mặt nó rất tức. Lúc đang biểu diễn, bạn Tuấn mang theo "cái tức" đó vào cuộc. Lên đến đoạn Phạm Ngũ Lão bị "tên lính Tuấn" - lính của Hưng Đạo Vương - cầm cây gậy nhựa chọc cho con một cái rõ mạnh, đau ơi là đau. Nhóm kịch của chúng con được giải Nhất và con được giải diễn viên xuất sắc. Lúc ra về thầy Hiệu trưởng thấy con đi khập khiễng, thầy hỏi vui: "Ơ hay, bạn Tuấn có đâm Phạm Ngũ Lão bằng kiếm thật đâu mà Phạm Ngũ Lão cứ đi tập tễnh thế". Nghe vậy, cả bọn cười thật thoải mái. Thằng Tuấn mặt cứ đỏ lựng. Bố mẹ thấy lớp con có vui không?

Cả nhà em đều cười. Mẹ bảo em "Các con đoàn kết, vui vẻ như thế, bố mẹ thấy rất mừng đấy". Nghe mẹ nói, em sung sướng vô cùng.

Bài 2:
Không giống như mọi ngày, hôm nay tôi trở về nhà với tâm trạng buồn và những suy nghĩ miên man khó tả. Câu chuyện ở lớp học buổi sáng nay thật sự đã ghi đậm trong trí óc tôi với hình ảnh của Thanh, một cậu bé với cặp mắt tinh anh trên khuôn mặt chưa đầy vẻ khắc khổ. Như để trải lòng mình, tôi kể câu chuyện trên lớp cho bố mẹ nghe sau bữa cơm tối của gia đình.

– Hôm nay con có chuyện gì buồn sao? Dường như đoán được sự thay đổi trên gương mặt tôi, mẹ tôi hỏi.

Nhìn mẹ tôi nhận ra sự đồng cảm sâu sắc. Tôi liền kể cho cả nhà cùng nghe về Thanh, cậu bạn mới nhập học vào lớp tôi năm nay, không chút rụt rè:

– Thanh là học sinh mới của lớp con mẹ ạ. Hôm nay, trong giờ toán, bạn ấy không làm bài tập về nhà và bị cô giáo phạt đứng góc lớp.

Mẹ nhìn tôi và cười:

– Bạn lười làm bài tập nên bị phạt là đúng rồi, làm sao con lại buồn vì chuyện đó được?

Tôi vội ngăn lại suy nghĩ của mẹ:

– Không mẹ ơi, Thanh không làm bài tập không phải vì bạn ấy lười học đâu mẹ ạ. Thanh có hoàn cảnh rất đáng thương. Vì bạn ấy mới chuyển về trường nên con và tất cả mọi người chưa có điều kiện hiểu nhiều về bạn ý. Chúng con vẫn thường thấy Thanh là cậu bé hiền lành và có chút nhút nhát. Bao giờ cũng vậy, cậu luôn đến trường muộn làm lớp con mất điểm thi đua và chỉ mới một tiếng trống tan thì cậu ấy đã ba chân bốn cẳng chạy về nhà, chẳng thèm chờ đợi hay trò chuyện cùng ai cả.  Thanh gần như sống tách biệt hoàn toàn với các bạn trong lớp con .Chúng con sẽ chẳng bao giờ hiểu biết rõ hơn về bạn ấy nếu như không có chuyện hôm nay.

Như thường lệ, đầu giờ học, bao giờ cô giáo con cũng đi kiểm tra một lượt cả lớp có làm bài tập về nhà hay không. Cô đi hết dãy một và tỏ ra khá hài lòng vì ai nấy đều làm bài rất chăm chỉ. Bỗng dưng cô dừng lại ở bàn cuối cùng dãy thứ hai, chỗ ngồi của Thanh, trên nét mặt cô lộ rõ vẻ nghiêm khắc : “Sao em không làm bài tập về nhà cô đã giao?”. Thanh đứng dậy lí nhí trả lời:  “Dạ, dạ thưa cô, nhà em bị mất điện ạ”. Cả lớp bắt đầu có những tiếng xì xầm vì các bạn đều biết rằng khu nhà ở của Hưng  tối hôm qua không bị cắt điện. Cô giáo nghiêm nét mặt: “Em lười làm bài tập về nhà, cô phạt em đứng góc lớp”. Dường như nỗi xấu hổ và sự tủi thân đã khiến Thanh khóc, Thanh trình bày lí do bạn ấy không kịp làm bài tập cho môn Anh văn ngày hôm nay. Như một cách để san sẻ nỗi lòng mình, Thanh kể cho cô và cả lớp nghe cuộc sống của em một cách tỉ mỉ khiến ai nghe thấy cũng không khỏi ngậm ngùi. Gia đình Thanh giờ chỉ có Thanh và mẹ đang đau ốm, bố Thanh ra đi do một vụ tai nạn lao động cách đây đã hai năm. Dù tuổi còn nhỏ nhưng bạn ấy đã sớm phải là lao động chính trong gia đình. Sáng nào cũng vậy, Thanh đều phải dậy từ bốn giờ sáng giúp mẹ các thứ công việc trong nhà và chuẩn bị bữa sáng, rồi lại đi giao báo để có tiền học và chăm lo thuốc thang cho mẹ xong việc cậu mới đến trường, chính vì thế mà chúng con luôn thấy bạn đi học muộn. Chiều về, cậu ấy cũng phải chạy thật nhanh để sớm về nhà tranh thủ đi bán vài tờ vé số và  nấu cơm nước cho hai mẹ con. Hôm qua, mẹ Thanh bị tụt huyết áp phải nhập viện, cả đêm cậu ấy ở bên mẹ chăm sóc vì thế mà không hoàn thành được bài tập cô giao.

Trong lớp đã bắt đầu có những tiếng thút thít, cả cô và trò đều không ngăn nổi dòng nước mắt của mình. Thanh trước giờ là một người ít nói, khó ai chia sẻ được với bạn đó, nhưng Thanh học giỏi và rất tốt bụng. Không ngờ hoàn cảnh của Thanh lại như thế này. Chúng con quá bất ngờ về nỗi bất hạnh mà Thanh phải gánh chịu. Cô giáo nhẹ nhàng bảo Thanh ngồi xuống và lặng lẽ tiến về phía bục giảng. Giọng cô dịu dàng và đầy xúc động: “Cô và tất cả các em đã sai khi không hiểu rõ hoàn cảnh của Thanh mà vội vàng khiển trách bạn. Cô xin lỗi. Thanh là học sinh mới, cả lớp ta phải yêu thương và giúp đỡ bạn nhiều hơn nữa.” Buổi học tiếp tục nhưng không khí như có phần nặng trĩu bởi câu chuyện của Thanh khiến ai nghe cũng phải ngậm ngùi, chua xót.

Kể xong tôi mới biết nước mắt mình đã chảy ra từ khi nào không biết, cả Bố Mẹ tôi cũng thế, đều xúc động và thương cho hoàn cảnh của Thanh. Qua đây, tôi cũng rút ra một bài học quý giá cho mình: trước khi nhìn nhận đánh giá về một người hãy tìm hiểu kĩ về họ, bởi biết đâu cái nhìn phiến diện của ta lại làm xấu một con người vốn rất tốt đẹp. Và hơn bao giờ hết, con người phải biết sống trong tình yêu thương và phải biết yêu thương, đùm bọc tất cả những người ở quanh ta..

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây