Đến vùng Lãng Sương, Thanh Thủy bà gặp Lạc Long Quân, nòi Rồng, phong tư tuấn lệ, có phép thần thông biến hóa. Hai người kết nghĩa vợ chồng, sống tại cung điện Long Đài Nham. Một năm sau Âu Cơ đẻ ra một cái bọc, qua sáu, bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng; mỗi trứng nở ra một đứa con trai. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, đẹp đẽ, trí dũng song toàn, ai nấy đều kính trọng cho là triệu phi thường.
Lạc Long Quân, tuy lấy Âu Cơ nhưng thường xuyên ở dưới thủy phủ. Một hôm ,Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng:
- "Ta thuộc nòi rồng, nàng là giống tiên. Kẻ ở trên cạn, người ở dưới nước, khó là ăn ở với nhau lâu dài dược. Năm mươi con sẽ theo ta về thủy phủ; năm mươi con ở lại với mẹ, chia đất mà trị. Lên núi, xuống biển dù xa cách, nhưng khi hữu sự nhớ bảo cho nhau biết mà cứu giúp lẫn nhau".
Mẹ Âu Cơ chia các con ra các vùng lập nghiệp; người con cả được cai quản rừng núi Hùng, dựng thành nước Văn Lang. Âu Cơ dạy dân trồng trọt ngũ cốc, đốn gỗ làm nhà, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, lụa. Bà dạy dân dùng gạo nếp, nước mía, đỗ xanh làm thành nhiều loại bánh ăn rất ngon.
Bà gọi nước ghềnh Hạc tuôn về, uốn sông Cái, bảo con cháu khơi ngòi Vần, ... để có nước cày cấy, sinh sống. Bà dạy con cháu trồng cây ở gò Cam, gò Sổi,... để lấy quả, lấy gỗ, lấy thuốc. Chim chóc bay về, hươu nai kéo đến tụ hội. Núi Cổ Tích, vùng Hiền Lương,... trở nên sầm uất, giàu có. Vì thế, dân gian mới có câu ca:
"Thứ nhất Việt Trì, thứ nhì Hiền Lương"
Nhớ công đức Mẹ Âu Cơ, nhân dân đà lập đền thờ "Đức Mẹ".