Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất

Thứ hai - 22/02/2021 09:18
Hướng dẫn lập dàn bài chi tiết và làm bài văn mẫu, đề bài: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất

I. Dàn ý

1. Mở bài
- Giới thiệu mối quan hệ của bản thân với người mà mình đã có được kỉ niệm giàu ấn tượng và sâu sắc (ông bà, cha mẹ, bạn bè, thầy cô…).
- Kể lại hoàn cảnh nảy sinh kỉ niệm ấy (trong một lần về thăm quê, trong một lần cùng cả lớp đi chơi, đi học nhóm hoặc trong một lần được điểm tốt, hay một lần mắc lỗi được thầy cô rộng lượng phân tích và tha thứ...).

2. Thân bài
* Giới thiệu chung về tình cảm của bản thân với người mà ta sắp xếp (tình cảm gắn bó lâu bền hay mới gặp, mới quen, mới được thầy (cô) dạy bộ môn hay chủ nhiệm…).
* Kể về kỉ niệm.
- Câu chuyện diễn ra vào khi nào?
- Kể lại nội dung sự việc.
+ Sự việc xảy ra thế nào?
+ Cách ứng xử của mọi người ra sao?
Ví dụ: Vào giờ kiểm tra, tôi không học thuộc bài nhưng không nói thật. Tôi tìm đủ lí do để chối quanh co (do mẹ tôi bị ốm…). Nhưng không ngờ hôm trước cô có gọi điện cho mẹ trao đổi về tình hình học tập của tôi. Nhưng ngay lúc ấy cô không trách phạt. Để giữ thể diện cho tôi, cô mời tôi cuối giờ ở lại để "hỏi thăm" sức khoẻ của mẹ tôi…
- Kỉ niệm ấy đã để lại trong bản thân điều gì? (Một bài học, thêm yêu quý ông bà, bạn bè, thầy cô hơn…).

3. Kết bài
- Nhấn mạnh lại ý nghĩa của kỉ niệm ấy.
- Tự hào và hạnh phúc vì có được người ông (bà, cha mẹ, bạn, thầy cô …) như thế.

II. Bài làm

Bài làm 1:
Tuổi thơ tôi gắn liền với con sông chảy dọc bồi đắp phù sa cho cánh đồng của làng. Nghe bà tôi kể lại, mọi nhà ở cái làng này ngày càng cơm no áo ấm, con cái ăn học nên người đều nhờ vào phù sa của con sông này. Cảm ơn thần sông đã ban phát chất màu cho đất. Nhưng với tôi, dòng sông quê lưu lại ấn tượng sâu đậm trong kí ức lại là những ngày cùng đám bạn đãi hến dưới bến sông.

Cứ độ cuối tháng tư âm lịch, nước sông quê tôi vơi đi rất nhiều. Như lệ thường, khi từ bến sông bước ra ba mét, mực nước xuống còn khoảng ngang hông thì bọn trẻ xóm tôi rủ nhau ra sông đãi hến.

Lần đầu tiên đi đãi hến, tôi theo các chị nhích hơn mình vài ba tuổi. Được mẹ cho đi với những chuẩn bị đầy đủ: cái giỏ tre luồn dây cột ngang thắt lưng, một cái rổ tre, đầu đội chiếc mũ lát rộng vành có dậy cột chặt dưới cằm. Nhìn tôi, mẹ mỉm cười: ra dáng một cô gái bắt hến chuyên nghiệp rồi đấy. Các chị chỉ cho lũ nhỏ bọn tôi cứ nhũi rổ tre xuống cát rồi lắc trong nước cho rứt cát, đưa lên khỏi mặt nước, đãi lấy hến... Tôi làm theo, nhưng vì buổi đầu chưa quen nên cứ xúc thật mạnh xuống cát rồi hì hục bưng lên cả rổ nặng, làm mỏi nhừ đôi tay và đau cả lưng. Thế mà buổi chiều hôm đó, tôi cũng đãi được một giỏ hến. Sung sướng trước thành quả lao động của mình, tôi quên cả mệt nhọc.

Từ hôm ấy, cứ chiều chiều, mỗi khi nghe các chị gọi nhau đi đãi hến, tôi lại vội vã cột giỏ, đội mũ rồi xách rổ chạy theo.

Đến mùa nước cạn năm sau, thấy mình lớn rồi, chúng tôi không theo các chị nữa mà rủ nhau năm đứa cùng lứa làm thành một tốp để ra sông vừa đãi hến vừa vui đùa theo ý thích. Những buổi đãi hến trên bến sông quê thật là thú vị. Chúng tôi không ganh đua giành giật nhau. Hễ mỗi lần đứa nào đãi được rổ hến đẹp thì hét tướng lên khoe với cả nhóm. Tay làm, miệng la hét cười đùa, có lúc hát nghêu ngao thật là vui. Vui nhất là một hôm, tôi xúc một lúc được năm, sáu con ngao tròn và bóng trông rất đẹp. Trong lúc cá nhóm xúm lại xem và trầm trồ thì các chị lớn ở bến bên kia chạy sang nói rằng: Mấy con ngao này nó tròn như trứng vịt, mai đi học thế     nào em cũng được thầy cô tặng “mấy quả trứng” cho mà xem. Dù không tin lời mấy chị nhưng về nhà tôi vẫn cứ lo lo. Do vậy, đêm hôm ấy, tôi gắng sức học bài. Thế rồi hôm sau, cô gọi lên làm bài tập và tôi đạt điểm chín.

Chúng tôi ngày càng một lớn lên, năm đứa lại còn gắn bó với nhau hơn. Và mùa nước cạn - mùa đãi hến bên sông là dịp để chúng tôi có chung nhau nhiều kỉ niệm đẹp. Lên học cấp ba, chúng tôi không còn ra sông đãi hến vào mỗi mùa nước cạn nữa. Phần vì việc học ngày càng nhiều, phần vì phải giúp bố mẹ làm những việc lớn hơn. Nhưng mùa vui của những ngày đãi hến ở bến sông quê sẽ theo mãi chúng tôi như một kỉ niệm không thể nào quên.

Ngày mai, ngày kia và cả những năm sau, khi trưởng thành có thể mỗi đứa mỗi nơi. Trong số chúng tôi, có thể có đứa giàu sang ở chốn thị thành nhưng tình bạn ở lứa tuổi ấu thơ ấy chắc sẽ còn mãi. Tổ hến - cái tên trìu mến mà bà con tặng chúng tôi ngày ấy sẽ mãi còn trong tâm hồn và tình cảm của mỗi đứa như con sông làng mãi bồi đắp phù sa cho cánh đồng. Và mùa nước cạn lại nhắc tôi - mùa vui của những ngày đãi hến bến sông quê. Và mỗi khi mùa nước lại về, nó như nhắc tôi nhớ về kỉ niệm của những ngày đãi hến trên bến sông quê...

Bài làm 2:
Mãi cho đến bây giờ, tôi mới thật sự hiểu một điều giản dị. Những bí ẩn của cuộc sống bắt đầu từ tình cảm. Trong kí ức của tôi, mẹ luôn là một người tuyệt vời nhất. Mẹ đã mang cho tôi nhiều niềm tin trong cuộc sống này.

Có khi cuộc sống không là gì cả, nhưng một khoảnh khắc lại là tất cả! Và những khoảnh khắc ấy là những mảnh ghép cho cuộc sống, dần dần chúng hiện lên theo năm tháng, tạo nên một bức tranh giữa tôi và mẹ. Bức tranh to hơn, rộng hơn mà khi càng không lớn, con người ta ai cũng muốn vẽ lên những gam màu tươi sáng nhất.
 
“Lần đầu tiên, khi còn rất nhỏ, con đã háo hức trèo lên bậc tam cấp khá cao một mình và bị ngã. Con ngồi khóc mãi, ấm ức mong có ai đến nâng con dậy, dỗ dành và dắt con đi tiếp…”
 
Mẹ kể vậy đầy âu yếm nhìn tôi!
 
Tôi không nhớ rõ chuyện mẹ kể là có thật hay không? Nhưng chắc đại loại là có thật. Nhưng tôi không còn như vậy nữa, tôi lớn hơn và đã hiểu chuyện hơn.
 
Đó là một trong những kí ức tuổi thơ mà tôi biết thông qua mẹ. Tôi và mẹ suốt ngày ở bên nhau như hình với bóng khi còn nhỏ. Nhưng bây giờ, vì nhiều lý do nên tôi không còn gần mẹ như trước. Tôi cũng không để ý rằng tóc mẹ đã bạc hay chưa? Hay mặt mẹ có nhiều nếp nhăn hơn trước không? Nhưng tôi vẫn yêu mẹ, yêu như tôi yêu bản thân mình. Và tôi tin, mẹ cũng giống hàng triệu người mẹ trên thế giới này cũng yêu tôi. Có khi còn hơn bản thân mình ấy chứ!
 
Khi tôi còn nhỏ, một hôm sau khi đi học về, một đứa bạn rủ tôi đi tắm sông. Tôi do dự, ngần ngại rồi cũng theo chúng bạn đi. Tôi tưởng về nhà sẽ bị một trận đòn tả tơi khi mẹ biết. Nhưng mẹ chỉ hỏi tôi có phải con vừa đi tắm sông về không? Tôi ngạc nhiên, vì sao mẹ lại biết và không hề la mắng tôi???. Rồi mẹ ôn tồn kể cho tôi nghe về chuyện “chiếc gương thần”. Mẹ nói có một bà tiên cho mẹ chiếc gương, có thể thấy việc làm của tất cả người thân mình. Từ đó, tôi không còn đi đâu chơi mà không xin phép mẹ cả hoặc là cũng chỉ quanh quẩn gần nhà. Và dù có đi xa thì tôi vẫn luôn ngó về phía sau, vì tôi tin, mẹ luôn dõi theo tôi ở đâu đó.
 
Nhưng chắc hẳn bạn đã hiểu, chẳng có cái gương thần nào hết. Chỉ là một ý nghĩ của người lớn để dọa trẻ con mà thôi. Cũng chỉ là niềm tin được xây dựng trên một tình cảm thiêng liêng mà mẹ đã tặng cho tôi. Nhờ vậy mà tôi có trách nhiệm với bản thân hơn.
 
Lên mười một tuổi, tôi vẫn gầy và ẻo lả như một cọng cỏ mảnh. Khi bảo tôi nhảy qua một cái xà bắt trên hai thanh sắt kia, thầy giáo thể dục gửi theo tôi ánh mắt ái ngại. Kết quả buổi tập thử hôm ấy, tôi không nhảy qua mức xà quy định.
 
Khi thấy tôi gần như bỏ cơm tối vì buồn, mẹ lại kể về những bậc tam cấp và cô bé là tôi ngày nhỏ, còn tôi thì nhớ lại cảnh mình bị té. Nhưng lúc đó tôi đã mười một tuổi, tôi không muốn ai phải nâng tôi đứng lên nữa cả. Tôi phải tự đi trên chính đôi chân của bản thân mình.
 
Lần kiểm tra môn thể dục nhảy xà sau đó hai tuần, tôi đạt điểm cao nhất - so với thành tích của bản thân tôi. Đích đến của tôi không còn là mức xà kia, mà là chính bản thân tôi. Tôi phải vượt qua tất cả để đến đích. Vậy là mười một tuổi, tôi đã hiểu thế nào là đích muốn và sự quyết tâm.
 
Năm học lớp 9, tôi được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi của trường. Tôi mừng không kể xiết, tôi về báo với mẹ, mẹ cũng mừng không kém. Từ đó, tôi lao mình vào học như chưa bao giờ học. Tôi học không kể ngày đêm. Có hôm đến lớp hai mắt tôi mở không ra.
 
Những đêm đông trời lạnh buốt. Khi cả nhà đã ngủ say thì mẹ vẫn còn ngồi ở đó. Mẹ sẽ không biết tôi không học gì đâu. Nhưng tôi biết rằng, mẹ sẽ vẫn bên tôi, dõi theo tôi trên bước đường đời.
 
Rồi ngày đi thi cũng cận kề, tôi hồi hộp đến mức không ngủ được. Mẹ lại đến bên tôi, kể tôi nghe những chuyện ngày xưa. Hai mắt tôi lim dim rồi ngủ thiếp dưới vòng tay ấm áp của mẹ.

Và rồi kết quả không như tôi mong đợi, tôi không đoạt được giải thưởng nào cả. Chỉ vì một sự lơ là mà bỏ qua cả một quá trình học tập. Dường như cả thế giới đang sụp đổ xung quanh tôi. Và suốt ngày, tôi chỉ vùi đầu vào gối mà khóc. Để nghĩ tại sao mình lại thất bại như thế này.
 
Nhưng rồi mẹ cũng lại đến bên tôi, động viên, an ủi tôi, cho tôi hơi ấm. Tình thương cũng là một chỗ dựa để tôi có thể vững bước sâu hơn nữa trên đường đời. Một khoảnh khắc sâu trong tim rằng cả cuộc đời đâu chỉ là niềm vui…
 
Khi phải chuyển trường từ cấp hai lên cấp ba. Gia đình tôi lo lắng cho tôi rất nhiều. Mẹ lo cho tôi, cuộc sống ở nơi thành thị, rời xa vòng tay của mẹ. Liệu con có làm được không? Mẹ yên tâm, con sẽ làm được, chim non sẽ cất cao đôi cánh bay khỏi tổ và đi đến những miền đất mới, phải không mẹ?
 
Cho đến bây giờ, tôi không bao giờ ngồi đếm những thất bại của bản thân (vì nó quá nhiều), mà chỉ ngồi nhớ lại lời mẹ dạy cho tôi – những bài học không thể so đo với triết lý thâm sâu của các nhà khoa học. Bởi vì đó là bài học làm người. Một bài học chỉ có thể xuất phát từ trái tim của người mẹ.
 
Mẹ là một người biết khơi gợi như lúc nào đây. Cảm ơn mẹ…Con sẽ bắt đầu lại bằng một trái tim đầy tự tin. Để rồi một ngày nào đó, con sẽ trở thành mẹ. Con sẽ kể cho con của con nghe câu chuyện về mẹ - người mẹ tuyệt vời nhất của con!​​

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây