Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội cũ qua bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.

Thứ bảy - 14/09/2019 11:29
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu làm rõ hình ảnh người phụ nữ trong xã hội cũ qua bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.
- Lấy dẫn chứng từ bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Giới thiệu nữ sĩ Hồ Xuân Hương và bài thơ “Bánh trôi nước”.
+ Bài thơ đã thể hiện rõ hình ảnh người phụ nữ trong xà hội phong kiến xưa.
Thân bài:
Bài thơ sử dụng hình ảnh ẩn dụ khá độc đáo: qua hình ảnh viên bánh trôi để nói về phẩm chất, số phận cuộc đời người phụ nữ.
+ Cuộc đời, số phận của người phụ nữ:
• Đẹp đẽ, duyên dáng: “vừa trắng lại vừa tròn”.
• Gặp nhiều khó khăn trắc trở: “bảy nổi ba chìm với nước non”.
• Không được quyền tự định đoạt số phận: “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.
• Hai tiếng “Thân em” mượn từ chùm ca dao than thân ngay mở đầu bài đã hé lộ nỗi niềm hờn tủi về “phận đàn bà”.
+ Vẻ đẹp trong phẩm chất của người phụ nữ:
- Chịu thương chịu khó: “bảy nổi ba chìm” với những công việc lớn lao, sánh tầm non nước “với nước non”.
- Chung thủy sắt son: dù gặp nhiều khó khăn, trắc trở “mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
=> Người phụ nữ trong xã hội cũ gặp nhiều bất công, đau khổ nhưng họ vẫn giữ được những phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng.
+ Khái quát những giá trị nghệ thuật độc đáo.
Kết bài:
Cảm hứng nhân đạo trong bài thơ nói riêng và những sáng tác của Hồ Xuân Hương nói chung.

B. Bài văn mẫu
Người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa là một đề tài rất quen thuộc. Nó thể hiện cho chủ nghĩa nhân đạo trong văn học. Đặc biệt trong thơ Hồ Xuân Hương, thân phận người phụ nữ lại càng là nội dung quan trọng. Qua những bài thơ của mình, nữ sĩ làm sống lại đời sống tâm tư, tình cảm của người phụ nữ xưa thông qua lăng kính chủ quan của cái “tôi” đầy cá tính. Hay nói cách khác, bằng tiếng nói cá nhân, Hồ Xuân Hương đã lên tiếng ca ngợi, cảm thông cho những số phận éo le đồng thời khẳng định, đề cao cái đẹp và khát vọng của người phụ nữ nói chung, của bản thân mình nói riêng. Đề tài này được thể hiện trong rất nhiều bài của Hồ Xuân Hương như: “Tự tình I, II, III, “Mời trầu” và đặc biệt là bài “Bánh trôi nước”.

Xuân Diệu coi Hồ Xuân Hương là nhà thơ của hai lần “độc đáo” bởi trong thời đại bấy giờ, bà không chỉ là một trong số ít những nhà thơ nữ mà còn là nhà thơ nữ viết về phụ nữ rất hay, rất bản lĩnh. Với bài “Bánh trôi nước”, bà lên tiếng khẳng định vẻ đẹp, tài năng của người phụ nữ. Bà không chỉ nhấn mạnh vẻ đẹp hình thức mà còn ca ngợi cả vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp tâm hồn. Đó là vẻ đẹp trắng trong, tròn đầy, tinh khiết:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

Hoá thân vào viên bánh trôi bé nhỏ, người phụ nữ tự sự về mình. Họ ý thức được vẻ đẹp ngoại hình của chính họ:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”

Cách nói “thân em” tác giả sử dụng đã rất quen thuộc trong ca dao. Nó gợi đến những vẻ đẹp trong sáng, mỏng manh của người con gái:

“Thân em như dải lụa dào...”
“Thân em như giếng giữa đàng...”

Trong “Bánh trôi nước”, “thân em” được gắn với hình ảnh viên bánh trôi “vừa trắng”, “vừa tròn”. Đối với viên bánh trôi, có được dáng hình “vừa trắng lại vừa tròn” là hoàn mĩ lắm. Nó chứng tỏ sự xinh xắn, vừa vặn, đẹp đẽ của dáng hình “tròn” lại vừa khẳng định phẩm chất trong sạch của bột, có như vậy mới tạo nên sắc trắng cho bánh. Được ví như viên bánh trôi hoàn hảo như vậy, người phụ nữ được ca ngợi, khẳng định về vẻ đẹp ngoại hình.

Với vẻ đẹp hoàn hảo, trong trắng và thuần khiết như vậy, người phụ nữ xứng đáng được hưởng cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Nhưng với người phụ nữ xưa, chân lí ấy quá xa vời. Với họ “hồng nhan”“bạc mệnh”. Xã hội bất công, mục ruỗng đã đẩy họ vào những hoàn cảnh éo le, “ba chìm bảy nổi”, với rất nhiều oan trái, bất hạnh:

“Bảy nổi ba chìm với nước non”

Viên bánh trôi xinh xắn, đẹp đẽ như vậy mà phải phiêu dạt “bảy nổi ba chìm”... Người phụ nữ dẫu vẹn toàn là thế vẫn không thể tránh khỏi cái “đa truân” của “kiếp hồng nhan”. Hết “bảy nổi ba chìm” phiêu dạt với nước với non, số phận của mình người phụ nữ cũng không được tự quyết định lấy:

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”

Phải vậy thôi, không còn cách nào khác. Phải số “thập nữ viết vô”, là phải sống theo “tam tòng tứ đức”. Hôn nhân phải do cha mẹ sắp đặt. Chẳng bao giờ trong xã hội phong kiến, người phụ nữ được sống cho riêng mình. Cả cuộc đời họ chỉ lê gót theo chân kẻ khác....

Tuy phải trải qua nhiều long đong, lận đận, gian nan, chìm nổi hay bị giày xéo giập vùi, nhưng ở người phụ nữ vẫn sáng ngời vẻ đẹp trung trinh son sắt:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Từ đầu đến cuối bài thơ “Bánh trôi nước”, nữ sĩ vẫn mượn hình ảnh chiếc bánh trôi để viết về người phụ nữ. Viên đường đỏ thắm mà bánh trôi bao bọc, ôm ấp bên trong như tấm lòng son sắt thuỷ chung, là tâm hồn trung trinh với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Miêu tả chiếc bánh trôi và các công đoạn làm bánh, Hồ Xuân Hương không ngần ngại liên tưởng đến hình ảnh của người phụ nữ để từ đó khẳng định vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu của họ. Bài thơ ẩn chứa những ngậm ngùi về thân phận nhưng vượt lên trên tất cả là lời khẳng định phẩm giá đầy kiêu hãnh: dù số phận có lênh đênh vất vả nhưng tấm lòng trinh bạch, son sắt thì vẫn không bao giờ thay đổi.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây