Nhẫn làm một công việc bình thường là chăn bò. Từ suy nghĩ, lời nói và hành động của nhân vật này đều biểu hiện một tình cảm yêu quý hết mình đối với đàn bò của nông trường.
“Nhẫn đứng ngây người nhìn đàn bò” đang gặm cỏ. Niềm vui tràn ngập trong lòng anh làm cho anh “tưởng như nom thấy đàn bò đang từ từ béo ra, lớn lên và đang sinh sôi nẩy nở đàn đàn lũ lũ ở ngay trước mắt anh”.
Nhẫn có tức giận, thì cái tức giận ấy cũng là một biểu hiện tình cảm tận tụy với công việc. “Anh vừa đi vừa lầm rầm nguyền rủa con Ba Bớp. Nó là con ôn vật! Nó là con beo vồ! Bảo nó trăm nghìn lần cũng vậy. Nó phụ công lao của anh. Nó không thương anh một tí nào gọi là có. Nó phá hoại kế hoạch sản xuất của nông trường...”. Đoạn văn này nói về tâm trạng của Nhẫn. Nhẫn tức giận con Ba Bớp như tức giận một con người, một người bạn. Tình thương và trách nhiệm là động cơ đã thúc đẩy Nhẫn đi tìm bò trong đêm đông gió rét.
Trên đường đưa con Ba Bớp về. Nhẫn mắng nó “với tất cả sự tức giận và bầu nhiệt tình của mình”. Khi nó bị ngã, niềm tức giận của anh biến mất. “Anh cuống quýt quỳ cả hai đầu gối xuống đống sỏi đá, ghé vai vào bụng con Ba Bớp để đỡ nó dậy”. Không có tinh thần trách nhiệm hết mình, không có tình thương loài vật sâu sắc, không thể có hành động đẹp đẽ đó.
Điều rất đáng quý nữa ở Nhẫn là tinh thần ham học. Vừa đi chăn bò, Nhẫn vừa mang sách đi học. Có một chi tiết đã nói rõ điều đó. Khi Hộ Pháp hỏi có học được tí nào không, Nhẫn trả lời trong giấc ngủ đang dịu dàng kéo đến:
“Tương đối, tương đối”
Một nhân vật rất đáng chú ý nữa là ông lão bắt giữ bò giúp Nhẫn. Khi thấy bò của Chính phủ chạy rông, tuy tuổi đã cao nhưng ông lão không hề quản ngại đã bắt giữ lại rồi cầm đèn đi đón người tìm bò. Đấy cũng là một tấm gương về tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể.
Đọc xong truyện ngắn Cỏ non em thấy thấm thía hơn về tình thương yêu và trách nhiệm của thế hệ đi trước đối với công việc chung và mọi người. Đó là một tấm gương sáng về nhân cách và đạo đức cho thế hệ trẻ hôm nay.