Ba vị thần với ba cuộc thi tài: thần Lôki thi ăn, thần Thanpi thi chạy, thần Tho thi sức khỏe.
Thần Lôki tuy “ăn như mưa gió” nhưng phải chịu thua người khổng lồ “ăn như bão táp”. Thần Thanphi chạy “nhanh hơn ngựa, hơn thỏ, hơn cả chim cắt bay” đành chịu bỏ cuộc khi thấy người khổng lồ “vượt, núi như đi trên đồng bằng, phóng luôn một mạch tới đích” Thần Tho cậy mình bụng to vẫn không uống hết vũng nước “là là mặt đất”; cậy mình khoẻ vẫn phải chịu thua vú già E-li.
Họ là các vị thần. Quả là họ có tài lạ. Nhưng họ không biết rằng thi đấu với những đối thủ còn tài hơn. Theo giải thích của vua khổng lồ:
“Người khổng lồ ăn thi là thần Lửa. Lửa ăn thì nhanh lắm, và thứ gì cũng ăn được. Người chạy thi là thần Ý Nghĩ, làm sao mà đuổi kịp ý nghĩ... Còn vú già E-li vốn là thần Tuổi Già. Không ai chống được tuổi già...”
Câu chuyện thần thoại mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nó khuyên răn mọi người đừng quá cậy sức, đừng kiêu căng, tự phụ, phải biết mình, biết người. Nếu không sẽ thất bại như ba vị thần kia. Ngay như thần Tho, tuy là thần nhưng quá vội vã, không biết vũng nước mình uống thông với biển nên không thể uống cạn. Như vậy, nó cũng khuyên mọi người cần thận trọng, suy nghĩ chín chắn trước, khi làm việc, dù đó là việc nhỏ.
Trí tưởng tượng của người xưa quả là kì diệu khi sáng tạo ra các hình tượng lửa, ý nghĩ, tuổi già: ăn nhanh như lửa, nhanh như ý nghĩ và không ai chống lại được tuổi già. Do vậy, truyện mang màu sắc triết lí khá rõ.
Đọc xong câu chuyện, ai cũng có thể rút ra bài học cho riêng mình, đó là sự khiêm tốn trong cuộc sống, sự thận trọng, chín chắn trong công việc.