Người yêu hoa khế đã cất công về tận quê, chọn cây giống từ những cây sai hoa đem về Hà Nội trồng trong vườn, trong am, hoặc chậu cảnh, mỗi năm lại thấy màu tím thân thương lưu luyến bên mình.
Vào khoảng tháng ba, khế ra hoa. Thứ hoa nhỏ bé, tím ngắt, gợi nhớ gợi thương. Hoa khế không thắm sắc như hoa phượng, không rập rờn như bằng lăng, cũng không nồng nàn như hoa sữa. Từng bông hoa nhỏ li ti bám vào cành, kết thành từng chùm tưởng như bầy ong đang xây tổ. Có chùm tròn vo, xôm xốp như cục bông. Có chùm buông dài, lủng lẳng tựa chùm nho. Những khi nắng gắt gao, cái màu tím đằm thắm làm dịu mát màu nắng vàng. Còn sau mưa, hoa khế bỗng sáng bừng, long lanh như muôn hạt ngọc, càng nhìn càng ưa.
Hoa khế không chỉ đẹp sâu kín mà còn là thứ hoa cho quả. Tuy nhỏ , bé thế nhưng chỉ khoảng hai, ba tuần là hoa đậu quả. Mới đầu, quả màu xanh non, bé bằng quả trứng cá mà đã phân chia năm cánh mũi rõ ràng; thế rồi bằng quả nhãn, quả vải... và đến khi bằng quả xoài thì đã vào đầu tháng sáu, thảng bảy, là mùa thu hoạch chính của khế (có khi còn thu hoạch ra cả tháng giêng, tháng hai). Khế ngọt thì chỉ để ăn cho vui miệng, khế chua thường để nấu canh. Canh cá mà không có khế thì mất ngon. Vị chua dìu dịu của khế pha lẫn vị ngọt của thịt cá thì không chê vào đâu được. Tết đến, có người còn mang từ quê lên phố cả cành khế trĩu trịt treo trên tường, vừa tượng trưng cho lộc đầu năm, vừa để trang trí nhà cửa thêm sinh động. Ngoài ra khế còn được bày rất trang trọng trên mâm ngũ quả.
Người có tuổi yêu hoa khế bởi hoa khế dâng lên trong lòng họ cảm xúc bâng khuâng về quá khứ, có thể là quê cũ, tuổi thơ... Còn những người trẻ tuổi, hoa khế như thầm báo hiệu với họ một tương lai xanh non trĩu mọng. Chỉ là cây khế thôi, Hà Nội thu cả làng quê trong mình