Khi ở trên cạn, hễ gặp nguy hiểm, chỉ vài bước nhảy là ếch đã lặn xuống mặt nước, biến mất. Khi ở dưới nước mà gặp nguy hiểm, ếch nhanh chóng ra khỏi mặt nước để chui vào bụi cỏ ven bờ.
Ếch tuy ở dưới nước nhưng thở bằng phổi và bằng da, còn tim ếch lại có nhiều hơn tim động vật khác một tâm thất. Khi ở trên cạn ếch thở tự do, da tiết ra một chất nhờn giữ cho da ẩm ướt. Do đó dù trời hanh khô ếch vẫn thích nghi được.
Ếch “đi” bằng cách nhảy. Hai chi sau dài hơn hai chi trước, giữa các ngón có màng, bắp thịt nở nang. Khi nhảy, hai chân sau đạp một cái là cất mình bay lên, khi hạ xuống thì hai chân trước vươn ra đỡ mình như cái nhíp.
Ở dưới nước ếch bơi bằng hai chân sau, do giữa các ngón có màng ngăn, đạp chân ra sau một cái là thân ếch vươn tới như mũi tên rẽ nước, hai chi sau khép lại trông thật đẹp. Đầu ếch có hình tam giác lại dẹt, ít gây trở lực khi bơi, cho nên ếch bơi rất nhanh.
Lưỡi ếch là một công cụ đặc biệt để bắt mồi: lưỡi dài và cuống lưỡi gắn liền với cơ ở hàm răng trước. Lưỡi chia làm hai nhánh, cong về phía trong, tạo thành hình lưỡi câu. Mặt lưỡi thấm đầy chất dính. Các côn trùng nhỏ một khi bị lưỡi ếch kẹp chặt, dính vào chất keo thì không thể thoát được. Bên miệng ếch lại có một dãy răng, côn trùng không có cách gì thoát ra được.
Động tác bắt mồi của ếch thật là ngoạn mục. Khi có một côn trùng bay qua, ếch nhảy lên một chút, cái lưỡi vươn ra, kẹp đúng con mồi và cho vào mồm nuốt liền. Động tác ấy diễn ra chỉ trong một giây. Theo thống kê, một con ếch một ngày có thể ăn được một trăm côn trùng có hại. Do đó nông dân xưa nay rất yêu quý loài ếch. Giữ gìn loài ếch là giữ gìn đội vệ sĩ bảo vệ cho cây lúa.