Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định ngày nay, vốn là Kinh thành Vijaya của người Chăm với 500 năm tồn tại, đã từng là nơi huyền bí vào bậc nhất trên vùng đất Đông Nam Á. Ánh hào quang của nền văn minh Chăm-pa sau mấy chục thế kỉ còn chiếu rọi bởi những đường nét chạm khắc trên tháp cổ, những pho tượng voi, đá, vũ nữ... li kì, làm cho du khách gần xa trầm trồ, kinh ngạc.
Có người thích thú đến chiêm ngưỡng tháp Chăm vào lúc “bóng xế tà”, theo họ thì mới cảm được một chút hùng vĩ, một chút hoang tàn, một chút cổ tích của một nền văn minh tráng lệ một đi không trở lại. Hãy đến thăm Tháp Đôi sừng sững như đôi cánh nữ thần bay lên. Hãy đến thăm Tháp Bánh Ít kì vĩ, trên ngọn tháp tầng tầng lâu đài thu nhỏ lại với hình tượng mặt trăng, mặt trời gợi cho du khách nhiều kì thú tưởng tượng. Những đêm trăng sao, đi vòng quanh chân tháp, du khách tương như mình đang lạc bước vào cõi thần tiên.
Và xa kia là Tháp Dương Long với ba ngọn vút lên như hút tầm mắt; khổng lồ, kì vĩ bởi chính hình khối và trầm mặc cô đơn. Giữa hoang vu cây cối lúp xúp, ba ngọn tháp sừng sững góc trời, đã và đang thi gan cùng tuế nguyệt.
Tháp Đôi, Tháp Bánh ít, Tháp Dương Long... là hiển hiện của nền văn minh Chăm-pa để người lữ khách nhẹ bước trong bóng chiều buông, say mê ngắm nhìn và thổn thức.