Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy bàn luận về bài ca dao : Công cha như núi Thái Sơn ....Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Thứ ba - 12/07/2016 03:37
Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên.
(Trời có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu
Người đời có trăm tánh tốt, hiếu là trước hơn hết).

Đủ thấy “hiếu” với cha mẹ vốn là nền tảng nhân cách của cá nhân, là cơ sở đạo đức của xã hội. Để khuyên răn về đạo làm con phải hiếu, từ xưa, ông cha ta đã có một bài ca dao ngắn rất nổi tiếng mà dường như bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
 
Ngày nay, Bác Hồ lại dạy quân đội ta: Trung với nước, hiếu với dân. Như vậy, quan niệm về chữ hiếu ngày xưa và ngày nay phải hiếu như thế nào cho đúng?
 
Bài ca dao mở đầu bằng hai hình ảnh so sánh thật đẹp và thật trang trọng để ca ngợi công ơn lớn lao của cha mẹ. Tác giả dân gian dùng lối nói ví quen thuộc của ca dao để biểu hiện, lấy những cái to lớn mênh mông vĩnh hằng của thiên nhiên làm hình ảnh so sánh, vì chỉ những hình ảnh to lớn không cùng và vĩnh hằng ấy mới diễn tả nổi.
 
Trước hết công cha được so sánh với chiều cao ngất trời của ngọn Thái Sơn sừng sững. Núi Thái Sơn là ngọn núi cao nổi tiếng của Trung Quốc. Xưa nay,  trong thơ văn người ta thường dùng hình ảnh này để so sánh nêu bật sự lớn lao của sự vật.
 
Tiếp đến, nghĩa mẹ được so sánh với nước trong nguồn chảy ra nghĩa là nguồn nước không bao giờ cạn, ý chỉ sự vô tận, vô cùng của nghĩa mẹ, của công mẹ.
 
Những hình ảnh so sánh ấy có cả bề cao, bề rộng, bề sâu nhưng không thể nào đo được cũng như công cha nghĩa mẹ đối với con cái.
 
Bài ca dao khẳng định công lao cha mẹ là vô cùng to lớn không gì hơn được. Ca ngợi như vậy, là nhằm nhắc nhở mọi người đạo làm con phải hiếu với cha mẹ nghĩa là phải thờ mẹ kính cha.
Bài Ca dao đã làm sáng đẹp thêm một nét son rực rỡ và thiêng liêng nhất trong tâm hồn con người Việt Nam. Lời khuyên của bài này hoàn toàn đúng, vì đây là một chân lí hiển nhiên đã bám rễ vào huyết mạch, tâm cảm của mọi ngừơi.
 
Vì sao làm con phải hiếu? Điều này dễ hiểu. Đó trước hết là vì cha mẹ là người sinh thành ra chúng ta. Không có cha mẹ nhất định là không có chúng ta. Do vậy, ơn cha nghĩa mẹ có từ khi bắt đầu của cuộc đời ta. Mẹ mang nặng đẻ đau, chín tháng cưu mang vất vả, đau đớn. Cha cũng hết lòng, hết sức nuôi nấng chăm sóc chúng ta khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Làm sao kể hết bao nỗi gian lao, khổ nhọc, bao sợi tóc bạc đầu, bao vết nhăn vầng trán cứ nhiều thêm, cứ sâu thêm của cha mẹ do vất vả, lo âu vì con cái:

Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.
 
Cha mẹ cũng là người uốn nắn, dạy dỗ chúng ta từ nhỏ bé đến lúc lớn khôn. Tí bước chập chững ban đầu, từ lời bi bô tập nói, con cái đã có cha mẹ cầm dắt, bảo ban. Ai tạo mọi điều kiện tốt nhất để chúng ta đến trường hàng ngày nghe lời thầy cô giảng dạy bao điều hay lẽ phải nếu không phải là cha mẹ của chúng ta. Đủ thấy công lao trời biển của hai đấng sinh thành!
 
Hơn nữa, làm con phải hiếu là đạo lí làm người, là nền tảng nhân cách của mỗi cá nhân, là cơ sở đạo đức của mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Do vậy, xã hội không còn là xã hội văn minh nữa khi đạo hiếu không được nâng niu, giữ gìn.
 
Thế nhưng, một người con hiếu thảo với cha mẹ là phải như thế nào? Trước hết, người con có hiếu là người biết yêu thương, kính trọng cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, biết tuân theo những lời dạy bảo đúng đắn của song thân. Người con có hiếu là phải làm cho cha mẹ vui lòng bằng những việc làm tốt đẹp của mình, nghĩa là biết chăm chỉ học tập, rèn luyện tâm trí, lúc nhỏ là con ngoan trò giỏi để sau này trở thành người công dân tốt giúp ích thiết thực bản thân cho gia đình và xã hội.
 
Bài ca dao khuyên dạy ta phải thờ mẹ kính cha nghĩa là không chỉ bằng lời nói suông mà phải bằng cả hành động cụ thể: khi cha mẹ còn khỏe mạnh, chúng ta phải phụ giúp đỡ đần, khi cha mẹ già yếu, chúng ta phải tận tình chăm sóc phụng dưỡng. Có như thế, chúng ta mới mong đền đáp được phần nào ơn nghĩa sinh thành. Nói đền đáp phần nào vì công đức cha mẹ vô cùng lớn lao dù chúng ta có đáp trả đến thế nào cũng không sao đủ được.
 
Xưa nay, trong xã hội, đôi khi có nhiều hiện tượng đau lòng về việc con cái bất hiếu đối xử phũ phàng và tệ bạc với cha mẹ. Các hiện tượng xấu này cần phải được xã hội phê phán đúng mức, thậm chí trừng phạt công minh để bảo vệ đạo lí làm người, phong hóa đạo đức của xã hội. Không gì sai lầm cho bằng có người cho rằng đạo hiếu chỉ là đạo đức phong kiến, tàn dư của chế độ cũ, một quan niệm lỗi thời, lạc hậu. Họ đã quên rằng đạo hiếu của chế độ phong kiến là tình cảm nghĩa vụ khô cứng, còn đạo hiếu của nhân dân ta là tình cảm rất tự nhiên. Xưa nay, đạo hiếu vốn là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.
 
Ngày nay, chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống quý báu đã có từ lâu đời đó. Phải coi đạo hiếu là một nét son của đạo đức, hơn thế nữa, là một trong các chuẩn mực của con người Việt Nam trong xã hội mới.
 
Ngày nay, chúng ta cũng cần hiểu nội dung chữ hiếu rộng lớn sáu sắc hơn. Hiếu đâu chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình mà cần được mở rộng ra. Đó là hiếu với dân, trung với nước như Bác Hồ của chúng ta đã dạy. Một người có hiếu trong gia đình còn phải là người công dân tốt của đất nước, người con trung thành với sự nghiệp của Tổ quốc. Khi Tổ quốc và nhân dân cần người con ấy sẵn sàng tạm gác công việc phụng dưỡng cha mẹ để hết lòng phục vụ cho nhân dân cho đất nước.
 
 Trong trường hợp này, hiếu với nhân dân cũng là hiếu với cha mẹ. Lâu nay, biết bao chiến sĩ cách mạng đã gác lại tình nhà lao vào cuộc đấu tranh sống chết với kẻ thù, lòng vẫn canh cánh một chữ hiếu chưa trọn. Tuy không được sớm thăm tối viếng phụng dưỡng cha mẹ nhưng họ vẫn là người con chí hiếu.
 
Tóm lại, bài ca dao trên nhắc nhở mọi người phải biết nhớ ơn, tôn kính và chăm sóc cha mẹ, phải xứng với đạo làm con. Lời khuyên này có tác dụng giáo dục đạo đức con người mọi thời đại. Ngày xưa, ngày nay va cả mai sau nữa. Có điều muốn trở thành con người đạo đức toàn diện chúng ta phải biết kết hợp nội dung hiếu với cha mẹ với nội dung hiếu với dân, trung với nước theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây