Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

“Giữa một chùm sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở thành những chùm hoa thật đẹp”, hãy nêu suy nghĩ của anh (chị) được gợi ra từ hiện tượng trên. (Bài 2)

Thứ tư - 01/06/2016 10:39
Cuộc sống không phải là một dòng chảy tẻ nhạt! Tất nhiên, đâu đó trong cõi trời đất này vẫn tồn tại những điều tưởng chừng là không thể có. Và chính những cái lạ lẫm đó làm cuộc sống đẹp hơn, cho ta thêm phần khát khao để sống hơn, có ích hơn. Tôi muốn nêu ra đây những cảm nghĩ riêng tư của mình về một cảnh tượng mà bạn hẳn đôi lần thấy đâu đó nhưng chưa chú tâm để ý cho nhiều!

Cảnh tượng ấy là hình ảnh những cây hoa dại vẫn hiên ngang mọc lên trên cát sỏi khô cằn, nở ra những chùm hoa thật đẹp. 

Bạn hẳn đang tự đặt ra trong đầu muôn vàn những câu hỏi. Cái tôi muốn nói đến là gì ư? Là nỗi thắc mắc mà chính tôi chẳng thể nào biện giải được: nguyên do nào cuốn những cây con lớn dần lên, trên mảnh đất khô cằn kia? Nguyên do nào? Đời tôi đã qua một chặng chưa được dài lắm. Những kiến thức e còn cạn nông, chưa kịp đập dập. Nhưng cái cảnh kia cũng ít nhiều gợi được trong lòng tôi nhiều mối nghĩ suy. Ngay cả giữa chốn hoang vu, nhiệt độ cao, độ ẩm thiếu, vậy mà cũng có những sinh vật chống chọi được. Không những thế, chúng còn đẹp! Có phải tạo hóa cố tình trong chuyện này? Tôi chợt hình dung những bông hoa kia như những con người thực sự. Là có tay, chân, mình mẩy, cảm xúc, lý trí. Nếu ta là cái cây kia liệu bản thân mình có đủ can đảm để sống trong một môi trường khắc nghiệt nhường kia không? Cuộc sống vây lấy chúng ta bằng lưới nhọc nhằn. Cả nước nhọc nhằn. Thập niên 80 thế kỉ trước, chúng ta sống thế nào? Kiến thiết rồi xây dựng, biết bao là khó khăn. Thập niên 90, chúng ta hội nhập, vẫn còn là một cây con! 

Tôi thường rẽ vào những con hẻm nhỏ. Không hẳn là một sự chạy trốn. Mà để tìm lại hình ảnh của những năm 80 ấy. Bây giờ cái xưa cũ đã không còn nữa! Đất nước đổi mới thật rồi. Những chuyến xe hối hả đưa hàng, những anh công nhân cười nụ cười lấm vôi. Và đúng là khi nhìn cảnh ấy, tôi lại nhớ hơn bao giờ về những cây non dại mọc giữa đá sỏi. Chúng ta đã không chịu đầu hàng nghịch cảnh. Và nghịch lý cuộc sống về một loài cây nay trở thành cảnh thực trong xã hội mới. Chính những loài cây kia thực sự dạy cho tôi một bài học. Tôi tin chúng ta không nên buông xuôi, đầu hàng bất kì khốn khó nào. Thơ Mãn Giác xưa còn ấm mực: "…Đêm qua sân trước một cành mai". Thúy Kiều vùi dập thân xác mười lăm năm vẫn cố giữ chút lòng son. Cô gái chèo thuyền sông Hương mà Tố Hữu có lần gợi nhắc cũng gặp gỡ Kiều bằng hai chữ cảnh ngộ. Đời tăm tối vẫn mở bừng ánh sáng cho những kẻ thiếu ý chí, nghị lực hay lầm lỗi vươn lên. Cũng bởi "chỉ sợ ta thiếu một mảnh buồm căng…". 

Loài cây vô thức cũng tiềm ẩn cái bản năng sinh tồn mãnh liệt thế kia, chúng ta chẳng thể kém thua. Nhưng làm sao để vươn dậy đây? Khó cho ta là tập cách thích nghi với hoàn cảnh. Nhớ rằng cái hoài bão trong mỗi người thường lớn lắm nhưng để thực hiện được thì chớ nên ngại ngùng cho hoàn cảnh mình. Dù nó có tồi tệ đến đâu. Sau đó hẵng dựa vào nỗ lực bản thân – quá trình của đào sâu, suy nghĩ, lăn lộn… 

Vậy đấy, chỉ là một cảnh trí bình thường nhưng dường như đó là một câu nói đầy hình ảnh mà tạo hóa đôi lần thì thầm vào tai chúng ta. Mọi điều đều có thể xảy ra trong cuộc sống, xảy ra ngoài cả những định liệu, những toan tính có phần hạn hẹp của loài người… 

Song, mối suy nghĩ của tôi không chi bó hẹp trong cái khả năng sinh tồn kia. Ý tôi muốn nói thêm rằng hình ảnh kia còn làm cho tôi nhớ Chí Phèo hơn bao giờ hết… Tôi tin rằng trong những con tim sỏi đá đâu đó vẫn mọc ra những chồi tươi tốt. Một kẻ tưởng đã mất hết nhân tính vẫn có thể làm ta ngạc nhiên vì những hành động "rất người" của hắn. Có lần, tôi nghĩ về Chí, sâu hơn những lần khác, thấy hắn rạch mặt khác xa khi hắn húp tô cháo hành! Thì ra chỉ là một cái cảnh nho nhỏ cũng khiến con người ta dễ liên tưởng đến nhiều thứ. Tôi lại những dòng trên đây để cho thấy bóng dáng của bông hoa dại không chỉ thấp thoáng ở lao động, ở kiến thiết, ở cuộc mưu sinh dài đằng đẵng mà còn ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Nhất thiết đừng nên để nó biến thành sỏi đá… 

Nhưng dòng suy nghĩ của tôi không dừng lại ở đây. Theo cái cách thông thường chúng ta vẫn chấm dấu chấm bé nhỏ cuối một câu đơn. Tôi nghĩ mãi rằng tại sao lại là hoa dại chứ không phải hoa hồng mới có cái năng lực lạ lùng kia? Rồi tôi cũng tìm được câu trả lời thỏa đáng. Hoa hồng kia kiêu sa. Hoa hồng kia mỏng manh. Làm sao có thể chôn vùi thân xác ở một nơi hoang vu? Người cũng vậy thôi. Anh sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp loại ưu được điều về một vùng cao lập tức tìm cách trốn tránh… Ngày tết, lễ lạc, người ta vẫn mua hoa hồng về cắm. Hoa hồng ơi, làm sao hoa hồng hiểu được nỗi khổ của những loài thực vật sống nơi cằn khô? Hoa hồng ra đấy chỉ héo mà chết thôi! Còn hoa dại kia thì nơi nào cũng có thể sống. Tôi hiểu con người hãy tập cách sống khổ một chút đặng khi đủ đầy không quên cái khổ, cái nhọc. Tôi kính trọng những cánh hoa dại ở điểm đấy. 
Chính tôi cũng cố gắng đuổi cho kịp thế giới này. Yêu những trang viết của mình vô hạn, vì trong đó có nhọc nhằn của cha, của mồ hôi của mẹ… Và tôi quyết định đi làm thêm, tự trang trải cho cuộc sống vốn dĩ không bình yên của gia đinh. Tôi chưa đủ già để cầm bút viết hồi kí nhưng thấy tạm bằng lòng với những suy nghĩ bây giờ. Tôi thấy mình hơn những đứa bạn xung quanh ở cách nghĩ suy, những đứa như tôi biết tối nào cũng đua xe ở ngã tư Lê Duẩn mà vở thì nhan nhản những lỗi chính tả không thể tưởng… 

Tất cả trên đây chỉ là những phân tích, suy ngẫm có phần chủ quan. Và sau tất thảy những sự kiện dù nhỏ nhặt hay trọng đại đến với chung ta trong cuộc sống, ta mới hiểu mình cần lắm một lòng tin vào chính mình. Ngay một bông hoa bên đường cũng hiểu cho điều ấy, chúng ta chẳng lẽ lại chịu thua? 

Chỉ sợ không đủ sức để đi tiếp con đường cuộc sống thênh thang phía trước!

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây