Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam

Thứ sáu - 06/11/2015 11:11
“Có tìm hiểu dĩ vãng của chính minh thì mới quý nó được, và có quý trọng dĩ vãng thì mới tìm được hướng đi cho tương lai”. Đó là lời của cố học giả Nguyễn Hiến Lê mà người viết bài này muốn gửi đến các bạn trẻ và những ai quan tâm đến việc bảo vệ kho tàng văn hóa dân tộc.
Khi tìm đọc “văn học sử Việt Nam”, chiếc áo dài đã ghi lại rất nhiều nét đan thanh không những qua ca dao tục ngữ mà còn qua điêu khắc, hội họa, kịch nghệ, văn chương và âm nhạc.

Ngược dòng thời gian tìm về nguồn cội, chiếc áo dài Việt Nam đầu tiên với hai tà áo thướt tha bay lượn đã được tiền nhân ghi khắc trên cổ vật, như trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ... từ trên ba ngàn năm trước.

Áo đài Việt Nam quả đã có một quá trình đi sát với lịch sử dân tộc để lắm phen khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. Trải qua cả mười thế kỷ bị Trung Hoa đô hộ - một Trung Hoa vĩ đại về mọi phương diện - rồi ngót một thế kỷ dưới ách thống trị của Pháp - quốc gia đứng hàng đầu về thời trang quốc tế - tà áo dài Việt Nam vẫn uyển chuyển tung bay, biểu dương tinh thần bất khuất, đặc tính thích nghi với hoàn cảnh, và khiếu thẩm mỹ của người Việt.

Dưới thời kì bị Trung Hoa đô hộ, dân ta đã bao phen bị người Tàu ra lệnh đồng hóa: Đàn ông phải dóc tóc bím đuôi sam, đàn bà phải cắt tóc ngắn và mặc quần thay vì mặc váy, mọi người phải để răng trắng không được nhuộm,.. Nhưng những cổ vật tiền nhân để lại cho thấy người Việt xưa vẫn búi tóc, vẫn mặc áo dài và váy.

Chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng mầu buông thả. Xưa các bà, các cô búi tóc trên đỉnh đầu hoặc quấn quanh đầu, đội mũ lông chim dài, về sau bỏ mũ lông chim để đội khăn, vấn khăn, đội nón lá, nón thủng. Cố nhân xưa đi chân đất, về sau mang guốc gỗ, dép, giày.

Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán, chiếc áo giao lãnh được thay đổi và vạt con nằm dưới vạt trước là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Vạt con nối với hai vạt cả nhờ cổ áo có bâu đệm, và khép kín nhờ năm chiếc khuy tượng trưng cho đạo làm người theo quan niệm Nho giáo: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Áo ngũ thân không những tôn vinh giá trị cao quý của người nữ trong gia đình cùng như xã hội, mà còn gói ghém nhân sinh quan của dân tộc: Con người nhờ cha mẹ sinh dưỡng, khi thành nhân có cha mẹ người bạn đời cùng che chở bao bọc là tứ thân phụ mẫu, luôn tôn trọng đạo làm người và giừ lòng nhân ái, ăn ở có nhân nghĩa trên kính dưới nhường, biết nơi trọng chỗ khinh, biết suy luận tính toán và giữ vừng niềm tin nơi người.

Áo ngũ thân đi đôi với quần hai ống và khăn đội đầu cung là Quốc phục của phái nam.

Các bà, các cô dùng màu sắc óng ả dịu mát trong khi đàn ông con trai chỉ dùng màu đen, trắng, hoặc lam thẫm.
 
[...] chiếc áo dài cách tân được hoan nghênh nhiệt liệt trong Hội chợ Nữ công Đà Nẵng năm 1934 với gian hàng phụ nữ có các bà các cô đứng bán mứt bánh và đồ thêu, đan, đoan trang hiền thục dịu dàng với áo màu quần trắng, tóc búi lỏng hoặc vấn trần hay vấn khăn nhung. Tới nay, chiếc áo dài dung hòa được mới với cũ để tôn vinh những nét đẹp của người phụ nữ và tìm được nhân dáng chính xác, để đứng vững từ đó đến bây giờ.

Suốt cả ba thập niên sau đó, chiếc áo dài không có gì thay đổi lớn ngoại trừ cổ áo lúc thấp, khi vuông lúc tròn, khi kín lúc hở, chiều dài cũng lên xuống khi mini lúc maxi, gấu áo cũng khi lớn lúc nhỏ, vòng eo có khi rộng lúc thắt chặt. Chiếc quần thay đổi từ kiểu cẳng què qua đáy giữa, lưng từ to bản luồn giải rút đổi sang lưng nhỏ luồn dây thun rồi đổi già nút, và sau cùng là khóa kéo kiểu Tây phương, trong khi ống quần cũng theo thời khi chân voi lúc ông túm.

[...] Nữ sinh Việt Nam trước năm 1975 đến trường đều thường là “áo trắng học trò”, nhưng thứ hai chào cờ phải mặc đồng phục: Áo trắng nữ sinh Đồng Khánh Huế, áo lam Hà Nội, áo xanh da trời Trưng Vương, áo hồng Gia Long... những mầu áo thơ mộng đã một thời lên hương qua thơ, nhạc.

Một điều ghi nhận là sau khi không còn thể chế quân chủ, hầu hết các cô dâu đều mặc quốc phục áo dài có khoác một áo phụng rộng may theo kiểu mệnh phụ hoặc áo hoàng hậu, và đội khăn vành xanh hoặc vàng. Ý hẳn đó là ngày nàng trở thành một bậc mệnh phụ và bước lên ngôi hoàng hậu trong cuộc đời của chàng vậy.

[...] Những chiếc áo dài Việt Nam dù với màu sắc đậm chói hay dịu mát, may bằng vải thô sơ hay tơ gấm lụa là, vạt áo có ngắn cũn cũng chỉ tiếp nhận tinh hoa mà gạn lọc cặn bã, tô bồi thêm nét đẹp mà vẫn giữ cá tính độc lập. Áo dài Việt Nam là niềm kiêu hãnh của người Việt Nam. Chính vì vậy mà người Việt Nam vẫn yêu quý tà áo Việt.”

Trần Thị Lai Hồng

  Ý kiến bạn đọc

  • tuan
    cac ban nen viet chi tiet hon ve loai trang phuc truyen thong nay nhat la phai viet chi tiet cu the hon ve mat cau tao
      tuan   22/11/2018 06:20
  • thuong
    Hay va dai .lam sao co the tim hieu sau ve lich su cua ta ao dai nhu vay?
      thuong   30/11/2017 04:43
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây