Thí dụ:
Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa.
là lời ca dao của bài dàn ca Lí con sáo với âm điệu thay đổi theo từng miền:
Thí dụ:
Ai i..i đem con sáo ...sáo sang sông
Cho sáo sổ lồng...
Cho sáo sổ lồng...
Sổ lồng bay xa con sáo... sáo bay xa...
Sổ lồng bay Xa con sáo... sáo bay xa...
Ca dao còn gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ dân ca.
Ngoài ra, khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian- thể ca dao. Đó là một thể thơ xen kẽ những câu sáu chữ với câu tám chữ, theo nhịp chẵn, chữ thứ sáu ở câu sáu vần với chữ thứ sáu của câu tám. Thí dụ:
Tay ôm bó mạ xuống đồng
Miệng ca tay cấy mà lòng nhớ ai
Ca dao diễn tả tình cảm, tâm trạng của một sổ kiểu nhân vật trữ tình: người mẹ, người vợ, người con, v..v... trong quan hệ gia đình; chàng trai, cô gái trong quan hệ tình bạn, tình yêu; người phụ nữ, người dân thường v..v... trong quan hệ xã hội. Nó không mang dấu ấn cá nhân tác giả như thơ trữ tình (của văn học viết). Trong ca dao, những tình cảm, tâm trạng của các kiểu nhân vật trữ tình và cách thể hiện thế giới nội tâm của các kiểu nhân vật này đều mang tính chất chung, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa phương... Trong cái chung đó, mỗi bài ca dao lại có nét riêng độc đáo, sáng tạo. Bất cứ ai trong nhân dân, nếu thấy bài ca phù hợp đều có thể sử dụng, xem đó là tiếng lòng mình. Vì thế, ca dao được coi là “thơ của vạn nhà”, là tấm gương soi của tâm hồn và đời sống dân tộc Việt Nam.
Ca dao có những đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Nó rất ngắn gọn. Hơn 90% số bài ca dao đã được sưu tầm đều sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Trong ca dao còn có các thể thơ khác như song thất lục bát (hai câu 7 tiếng kết hợp với câu thơ sáu tám), vãn bốn (câu thơ bốn tiếng) vãn năm (câu thơ năm tiếng).
Ca dao là thơ trữ tình - trò chuyện nên khi phân tích, cần tìm hiểu bài ca dao ấy là lời của ai tâm sự với ai, tâm sự ấy là gì và được thể hiện như thế nào.
Ca dao rất ngắn gọn, hàm súc, thể hiện đậm nét những yếu tố truyền thống. Khi tìm hiểu những vấn đề nói trên, cần đặt bài ca dao vào nhóm tác phẩm và các hệ thống (đề tài, nhân vật, hình ảnh, ngôn ngữ) của nó. Làm như vậy tức là dựa vào cái chung để hiểu cái riêng và từ cái riêng mà hiểu cái chung của kho tàng ca dao, từng bài ca dao cụ thể.