Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Đóng vai ông Hai kể lại đoạn truyện miêu tả diễn biển tâm trạng và hành động của ông Hai sau khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc

Thứ sáu - 08/04/2016 23:56
Vậy là đã hơn tháng trời, kể từ ngày Hai Thu, tôi rời làng Chợ Dầu yêu quý của mình đi tản cư. Thật đúng là khi xa quê rồi, người ta mới càng thấm thía câu nói của ông cha ta:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
 
Ở nơi tản cư, chẳng lúc nào tôi nguôi nỗi nhớ về làng của mình. Niềm vui duy nhất của tôi là đến phòng thông tin nghe, đọc báo để biết thêm tin tức kháng chiến. Những lúc ấy, ruột gan tôi cứ như múa cả lên, vui quá!
 
Hôm nay, chẳng hiểu sao, con lớn nhà tôi đi làm về muộn khiến tôi ở nhà cứ bứt rứt không yên. Vì thế khi vừa thấy bóng con bé thấp thoáng đằng xa, tôi đã lao ngay ra dặn con bé trông nhà và vội vàng đi xuống phòng thông tin nghe đọc báo như mọi lần.
 
Đên đó, chao ôi, tôi nghe được bao nhiêu tin tức hay. Đang hứng khởi, định về nhà sẽ kể cho bác Thứ nghe thì vô tình khi rẽ vào quán nước, tôi nghe mấy bà con dưới xuôi tản cư lên kháo với nhau làng Chợ Dầu bị Tây khủng bố. Tôi vô cùng lo lắng, quay phắt lại, lắp bắp hỏi chi tiết sự việc thì hỡi ôi, tôi không thể tin vào tai mình nữa, những người đó báo làng Chợ Dầu của tôi đã theo Tây.
 
Cái tin ấy như sét đánh ngang tai tôi. Cổ tôi nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Tôi lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu, tôi mới rặn è è, nuốt một cái gì đó vướng ở cổ, giọng lạc hẳn đi, tôi hỏi để khẳng định lại cái tin đó. Bà con tản cư lại càng chắc chắn một, hai. Quá xấu hổ, tôi vội trả tiền nước đứng dậy, chèm chẹp miệng, cười nhạt một tiếng, vươn vai nói to: “Hà, nắng gớm, về nào...”. Tôi không muốn ai biết tôi là dân làng Chợ Dầu.
 
Con đường về nhà hôm nay mà sao dài thế. Chân tôi nặng trĩu, đi như lê từng bước. Tôi không dám ngẩng mặt lên. Trong tôi dường như có cái gì đó đang sụp đổ.
 
Về đến nhà, tôi năm vật ra giường. Nhìn lũ con chơi đùa, tủi thân, nước mắt tôi cứ trào ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư, khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu... Tôi nắm chặt lấy hai tay mà rít, mà chửi, chửi cái lũ Việt gian bán nước. Dù đã cố tự thuyết phục mình không tin cái tin ấy nhưng không có lửa, làm sao có khói, ai người ta hơi đâu bịa ra cái chuyện ấy làm gì. Chao ôi, cực nhục chưa? Cả nước Việt Nam người ta khinh ghét cái giống Việt gian, tôi phải sống sao bây giờ?
 
Cả ngày hôm ấy, nhà tôi không ai nói với nhau một câu. Mãi khuya, vợ tôi nhắc lại chuyện người ta đồn. Bực mình quá, tôi gắt lên, thị mới thôi. Tôi trằn trọc, không ngủ được, cứ trở mình, thở dài suốt, chân tay tôi như nhũn ra. Có tiếng mụ chủ léo xéo, tôi nín thở, nghe ngóng, trống ngực đập thình thịch. Mụ vợ tôi lại hỏi, tôi gắt thị lần nữa và ngả mình, không nhúc nhích.
 
Đó quả là những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời tôi. Tôi không dám đi đâu, tự nhốt mình như một tù nhân. Lúc nào, tôi cũng nơm nớp lo sợ người ta chửi mình. Cuộc sống của tôi càng trở nên bế tắc hơn. Mụ chủ nhà đã đánh tiếng đuổi gia đình tôi đi. Trời ơi, tôi biết phải đi đâu, về đâu bây giờ khi mà trên cái đất Việt Nam này, đâu đâu có người Chợ Dầu, người ta cũng đuổi như hủi. Hay là quay về làng? Không, không được! về làm gì cái làng ấy nữa, chúng nó theo Tây cả rồi. Không thể được! Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Tôi sẽ không quay về chịu làm nô lệ cho thằng Tây.
 
Tôi giờ chỉ còn đứa con út để giãi bày tâm sự. Mỗi lần ôm nó vào lòng, nhắc cho nó nhớ đến làng Chợ Dầu là quê hương nó, tôi lại chạnh lòng. Dù tôi đã quyết định từ bỏ ngôi làng ấy thì tôi cũng không thể dứt bỏ được tình yêu mãnh liệt với làng của mình. Quyết định ấy như vết dao sắc lẹm cứa đứt trong tim tôi. Xót xa! Đau đớn! Nhưng, tôi ủng hộ kháng chiến. Nhìn thằng bé con giơ tay, mạnh bạo, rành rọt nói to: “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!”, nước mắt tôi lại giàn ra, thủ thỉ, khẳng định lại lời của con. Tôi nói như đế ngỏ lòng mình, như đê minh oan cho mình nữa.
 
Tôi trung thành với kháng chiến. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai. Mặc cho người ta nói tôi dân Chợ Dầu Việt gian, tôi vẫn ủng hộ Cụ Hồ dù trước mắt, cuộc đời tôi không biết sẽ ra sao.

Vũ Trà My

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây