Năm 1939, Ngô Tất Tố cho ra đời cuốn tiểu thuyết tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực 1930-1945. Nỗi thống khổ của người nông dân Việt Nam dưới ách sưu thuế dã man của thực dân Pháp và nạn áp bức bóc lột vô cùng tàn nhẫn của bọn địa chủ cường hào đã được tác giả phản ánh một cách chân thực, cảm động.
Có nhà phê bình văn học đã nói một cách chí lí rằng: "Tắt đèn là chị Dậu, nhân vật chị Dậu bao trùm tác phẩm. Chị Dận là nhân vật tiêu biểu cho những khổ đau và bao phẩm chất tốt đẹp của người nữ nông dân trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc".
1. Chị Dậu là một người phụ nữ nghèo khổ, đau khổ. Một gia đình hai vợ chồng với ba đứa con thơ. Cày thuê cuốc mướn "đầu tắt mặt tối" quanh năm mà vẫn "cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc". Mấy gian nhà gianh như một túp lều, trống không. Sau hai cái tan mẹ chồng và đứa em chồng, gia đình chị Dậu trở thành "hạng cùng đinh". Tai họa đổ dập. Giữa ngày mùa mà trong nhà không có một hạt gạo, mấy đứa con thơ chỉ biết ăn khoai, nhá rễ khoai. Hai suất sưu của chồng và đứa em chồng đã chết, cái món nợ nhà nước ấy là tai họa khủng khiếp nhất giáng xuống đầu gia đình chị Dậu, bản thân chị Dậu. Vì cái tội thiếu sưu. "chết cũng không trốn được" mà anh Dậu đã bị trưởng làng Đông Xá "bắt trói như trói chó để giết thịt" .Chị Dậu là một tội đồ đáng thương.
Xin nới lỏng dây trói cho chồng, chị liền bị tên cai lệ "đánh đấm túi bụi". Xin khất sưu cho chồng thì bị tên cai lệ "tát đánh bốp" vào mặt và "bịch mấy bịch" vào ngực
Lúc thì bị bọn cường hào bắt trói giải huyện. Lúc thì bị vợ chồng Nghị Quế bắt bí, mua rẻ đứa con và ổ chó. Xin cái triện đóng vào tờ văn tự bán con mà chị Dậu phải cấy không công cho ông lí một mẫu ruộng ! Đau khổ nhất của chị Dậu là phái bán đứa con gái đầu lòng lên bảy tuổi cho vợ chồng Nghị Quế với giá một đồng bạc để nộp sưu cho chồng. Nhục nhã nhất là chị đã bị tri phủ Tư Ân và cụ cố Thượng xâm phạm đến phẩm giá, nhân phẩm, có điều kì lạ là người đàn bà nhà quê này, tuy phải đổ nhiều nước mắt, nhiều tiếng thở dài, nhưng đã đứng vũng trước bao thử thách, tai họa. Ngô Tất Tố bằng tấm lòng nhân đạo đã dành cho nhân vật chị Dậu bao tình thương xót và cảm thông chứa chan.
2. Chị Dậu là một người vợ, một người mẹ đảm đang, đôn hậu. Mấy lần chị nhẫn
nhục cất tiếng van xin cụ lí, tên cai lệ, tên hầu cận lí trưởng nới dây trói cho chồng, xin khất sưu cho chồng vì muốn cho chồng bớt đau bớt khổ. Mấy lần chị Dậu, mồ hôi và nước mắt thánh thót xin vợ chồng Nghị Quế "gión tay làm phúc" mua đứa con và ổ chó... Tất cả vì lòng thương chồng và thương con bao la. Hình ảnh chị Dậu bế con thơ, quạt cháo cho nguội, an ủi chồng: "Thầy em hãy cô ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột" là một cảnh tượng cảm động của người vợ hiền thảo trong cái gia đình Việt Nam xưa nay: “Tay bưng chén muối đĩa gừng - Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau".
Trước cảnh chồng bị bắt giam, bị đánh trói thập tử nhất sinh, chị Dậu chạy ngược chạy xuôi đi vay nợ, bòn mót bán gánh khoai, bán con, bán chó. Bán con dù đau đớn "đứt ruột", nhưng đó là một giải pháp tình thế để cứu chồng qua tai họa trước mắt. Tình thương chồng của chị Dậu gắn liền với tình thương con không thể nào kể xiết. Một củ khoai chị cũng nhịn để nhường lại cho con. Trước khi dẫn cái Tí sang nhà Nghị", lòng chị Dậu tan nát buồn "rũ rượi", nghe các con kêu khóc mà chị “thổn thức”. Như một linh hồn đau khổ, tội lỗi, chị Dậu "chùi nước mắt tự nói với lòng mình: phải tội với Trời, mẹ chịu !cảnh nhà đã thế, mẹ đành dứt tình với con. Chị Dậu vừa khóc vừa van xin đứa con gái ngây thơ bị mẹ bán đi... Mỗi tiếng kêu là một nhát dao cắt lòng! Mỗi tiếng kêu là một giọt lệ. Nghe thật não nùng ai oán: "U van con, U lạy con, con có thương thầy, thương u, thì con cứ đi với U, đừng khóc lóc nữa, đau ruột U lắm". Nỗi thương con, nỗi lo cho tính mạng của chồng là tâm trạng của chị Dậu, vì trong tai họa, chị tự biết hành động bán con của người mẹ là "phải tội với trời", nhưng đó là con đường cùng, vì không có tiền nộp sưu thì chồng chị, bố của đàn con thơ "sẽ chết chứ không sống được". Qua đó, ta càng thấy rõ, trong bi kịch gia đình, trái tim đôn hậu và đức hi sinh của chị Dậu, của người vợ, người mẹ đã bừng sáng lên.
3. Chị Dậu là một phụ nữ nông dân cứng cỏi, dám đấu tranh chống áp bức, lúc nào chị cũng cố "bươn ra, vùng vẫy" để thoát khỏi tai họa. Chị rất nhẫn nhục trong cách xưng hô với bọn cường hào. Chị tự xưng là: "cháu", gọi bọn cai lệ là "ông" , cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc ông tha cho!. Khi bị tát đánh bốp bị "bịch" vào ngực, khi tên cai lệ "giật phắt cái dây thừng" trong tay tên hầu cận lí trưởng, "chạy sầm sập" đến trói anh Dậu, khi anh còn thái độ chị Dậu trở nên
quyết liệt. Chị Dậu "xám mặt", "nghiến hàm cự lại: "Chồng tôi đau ốm không được phép hành hạ". Lũ thú dữ lồng lên, chị căm giận thách thức: "Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem !". "Cháu" đã trở thành "ông" đã biến thành "mày" !.
Uy thế bọn cường hào bị hạ bệ ! Tay thước, roi song, dãy thừng của lũ đầu trâu mặt ngựa rở nên vô nghĩa đối với chị. Chị Dậu đã dũng cảm đánh ngã nhào tên cai lệ và tên hầu cận lí trưởng. Chị đã dạy cho bọn chúng một bài học đích đáng! Chị Dậu đã phủ nhận tất cả. Hình ảnh chị Dậu sừng sững hiên ngang: "Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình, làm tội mãi thế, tôi không chịu được...".
Có người cho rằng hành động chị Dậu đánh lại bọn cai lệ là hành động phản kháng mang tính tự phát. Nhà văn Nguyễn Tuân đã bình luận thật hay: "Trên cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày xưa, hiện lên một cái chân dung lạc quan của Chị Dậu" . Chương "Tức nước vỡ bờ" thật hay. Giọng văn của Ngô Tất Tố tràn đầy niềm vui hả hê! Thái độ yêu ghét của Ngô Tất Tố rất rõ ràng. Ông lên án chính sách sưu thuế dã man, ông khinh bỉ bọn quan lại thì dâm ô, bọn cường hào thì tham lam bê tha, độc ác. Ông đã dành cho vợ chồng chị Dậu và đàn con thơ, nhất là cái Tí bao tình thương và lòng trắc ẩn.
Chị Dậu, chồng con chị cũng như hàng triệu nông dân là nạn nhân của chế độ thực dân nửa phong kiến. Sưu thuế dã man, ách áp bức của bọn cường hào địa chủ đã tước đoạt quyền sống làm người của họ. Nhân vật chị Dậu là hiện thân cho bao phẩm chất tốt đẹp của người nữ nông dân như đảm đang, đôn hậu, giàu tình thương chồng, thương con, dũng cảm chống áp bức.
Bức chân dung chị Dậu đã tô đậm giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo tiểu thuyết "Tắt đèn". Ta càng cảm thấy: "Bản chất của nhân vật Dậu rất khoẻ cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra", như Nguyễn Tuân đã nhận xét.