Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

“Có thể nói thiên nhiên trong tả Truyện Kiều cũng là một nhân vật, một nhân vật thường lặng lẽ, kín đáo nhưng không mấy khi không xuất hiện và luôn thấm đượm tình người”

Thứ sáu - 04/11/2016 06:54
Em hãy giải thích ý kiến trên và chọn một số câu thơ, đoạn thơ tiêu biểu trong Truyện Kiều để minh họa cho ý kiến đó.

Đến với Truyện Kiều, đến với kiệt tác của thiên tài Nguyễn Du ấy, chúng ta không chỉ cảm nhận những vẻ đẹp tuyệt vời của con người ngời lên từ trong cuộc sống tối tăm đau khổ, từ những bi kịch oan trái của cuộc đời và những ước mơ, những khát vọng, những tình cảm đằm thắm thiết tha đầy ân tình của họ mà còn được chiêm ngưỡng những bức tranh tươi đẹp sống động của thiên nhiên, của tạo vật và “Có thể nói thiên nhiên trong “Truyện Kiều” cũng là một nhân vật, một nhân vật thường lặng lẽ, kín đảo nhưng không mấy khi không xuất hiện và luôn thấm đượm tình người”.
Thiên nhiên, đó là một thế giới tuyệt đẹp - một thế giới sống động với đủ màu sắc, đường nét và những âm thanh. Và cái đẹp của thiên nhiên là cái đẹp được tạo hóa ban phát, dinh dưỡng trong nguồn sữa ngọt ngào của trời đất. Thiên nhiên mở ra trước mắt ta một thế giới vô cùng phong phú và thi vị, gợi lên trong tâm hồn mỗi con người những tình cảm đắm say và tha thiết. Và với một tâm hồn nghệ sĩ giàu sức rung động trước tạo vật quyện hòa dưới ngòi bút trữ tình đằm thắm thiên tài Nguyễn Du đã để lại cho muôn đời những bóng dáng nên thơ của thiên nhiên trên những trang Kiều. Thi sĩ đã cảm nhận một cách sâu sắc và tinh tế những nét đẹp riêng biệt của từng cảnh vật, từng cảnh hoa, từng đám cỏ, từng tiếng chim hay một dòng sông nhỏ êm đềm. Mỗi chúng ta đều tìm thấy ở Truyện Kiều những nét đẹp đặc sắc mang cái “thần” của thiên nhiên. Đọc Truyện Kiều ta như được thả mình vào một thế giới tuyệt diệu, thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng tất cả những vẻ đẹp tinh túy của tạo vật. Nhưng thiên nhiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp tuyệt vời đó mà nó còn hàm ẩn một tầng ý nghĩa sâu sắc. Thiên nhiên trong Truyện Kiều trở thành một nhân vật bên cạnh con người và hài hòa với nội tâm con người. Những lúc buồn, hay những khi vui, những nhớ thương hay những khi sầu muộn, bóng hình của thiên nhiên xuất hiện giao hòa với tâm trạng của con người và thiên nhiên trở thành những bức tâm cảnh chan chứa tình cảm, trở thành những người bạn “lặng lẽ” và “kín đáo” sẻ chia những nỗi niềm, những suy tư trăn trở của mỗi con người. Bằng ngòi bút đầy tài hoa của mình, bằng sự tiếp thụ một cách sáng tạo bút pháp tả cảnh ngụ tình của người xưa, Nguyễn Du đã để lại trên những trang Kiều những bức tranh sống động chan chứa tình người:
 
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
 
Và mỗi lần vật đổi sao dời, mỗi lần cảnh vật có một sự biến đối là con người lại bước vào một chặng đường số phận khác, cảnh như báo trước cho con người những dự cảm về tương lai.
 
Những bức tranh thiên nhiên trong Truyện Kiều trở thành một bút pháp của Nguyễn Du - góp phần miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật làm cho thế giới nội tâm của nhân vật càng thêm phong phú và sâu sắc.
 
Mỗi chúng ta hãy gác lại những suy tư trăn trở để thả mình vào thế giới thiên nhiên tuyệt vời trong Truyện Kiều, thả mình vào những cảm xúc đằm thắm những tình cảm thiết tha của thiên tài Nguyễn Du:
 
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

 
Một bức tranh mùa xuân thật là tuyệt vời mà chỉ những tâm hồn nghệ sĩ mới có cảm nhận tinh tế và độc đáo như vậy. Không một ước lệ, không một điển cố mà chỉ là những cảnh vật rất chân thực của quê hương xứ sở. Một vạt cỏ xanh mơn mởn trải dài đến tận chân trời với một màu xanh mơn mởn căng đầy sức sống, một cành lê điểm vài bông hoa trắng muốt. Hai màu sắc tưởng chừng như đối lập ấy lại hòa quyện vào nhau thêu dệt nên một bức tranh tươi đẹp mang đầy đủ hương sắc của mùa xuân:
 
Cỏ non xanh rợn chân trời.

Và trong cái tươi đẹp của thiên nhiên ta vẫn thấy một dự cảm về số phận của con người. Cái từ “rợn” ấy gợi lên trong cảm giác chúng ta một nỗi sợ, “xanh rợn” - đúng là một màu xanh quá kì lạ. Thiên nhiên cũng trong cảnh chiều xuân ấy, thiên nhiên bỗng nhuộm một nỗi buồn khi chị em Thúy Kiều gặp mộ Đạm Tiên:
 
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
 
Một dòng nước trong xanh, một chiếc cầu nho nhỏ, cảnh vật thật nên thơ và mơ mộng nhưng lại thắm đượm một nỗi buồn. Cái nao nao của dòng nước ấy chính là cái “nao nao” là cái nồi buồn của chị em Thúy Kiều. Đứng trước nấm mồ của người con gái tài hoa bạc mệnh Đạm Tiên, trong lòng họ dâng lên một nỗi buồn, một niềm thương cảm và cảnh vật cũng bỗng nhiên trở nên buồn lặng. Và cũng chính trong cảnh chiều xuân ấy khi tà tà bóng ngả về tây, khi Thúy Kiều - người con gái thông minh, tài sắc đối diện với ý trung nhân của đời nàng - chàng Kim Trọng, và trong giây phút “chập chờn cơn tỉnh cơn mê” của tình yêu vừa chớm hé, thiên nhiên bỗng trở nên tha thiết quyến luyến. Chia tay với người yêu, cảnh vật cũng như thấu hiểu tâm trạng của hai người:
 
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thiết tha.
 
Nhịp cầu và dòng nước trong sáng như mối tình tuyệt đẹp của Thúy Kiều và Kim Trọng và hàng liễu với bóng chiều thướt tha như tâm trạng quyến luyến bịn rịn của Thúy Kiều - một mối tình tha thiết đắm say nẩy nở trong tâm hồn nồng nhiệt của nàng. Lúc nào cũng vậy, thiên nhiên luôn trở thành một nhân vật kín đáo, lặng lẽ hài hòa với nội tâm con người. Trong đêm buồn, thương nhớ Kim Trọng, tất cả cảnh vật đều nghiêng nghiêng như tình cảm Thúy Kiều cũng nghiêng nghiêng:
 
Gương Nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân...
 
Ánh sáng của mặt trăng loang loáng trải dài xuống mặt nước len lỏi vào các cành cây tạo nên một sắc màu lung .linh lấp lánh và ánh trăng “như có bầu trời”. Trong vẻ đẹp kì ảo của cảnh vật trong ánh trăng diệu kì ấy, ta đọc thấy tình cảm, nỗi tương tư của Thúy Kiều và hình như cảnh vật cũng thấu hiếu nỗi lòng của nàng. Cũng là ánh trăng nhưng mỗi một khi tâm trạng của con người biến đổi thì nó cũng trở nên khác lạ. Khi Thúy Kiều từ biệt Thúc Sinh, vầng trăng cũng vì thế mà:
 
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường...
 
Vầng trăng xẻ đôi ấy hay chính là sự chia lìa giữa Thúy Kiều, Thúc Sinh và hình như đó sẽ là sự chia lìa mãi mãi. Nàng Kiều và chàng Kì Tâm họ Thúc - mỗi người sẽ đi vào một cuộc đời khác nhau, một chặng đường khác nhau và cũng như vầng trăng lẻ kia “Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường...”.
 
Trước lầu Ngưng Bích, tất cả cảnh vật như nhòa đi trong nỗi đau của nàng - dần xa và xa mãi:
 
...Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi...
 
Thiên nhiên hiện hữu trước mắt ta, có chân mây mặt đất, có cánh buồm ngoài khơi xa, có tiếng sóng, có nội cỏ dàu dàu nhưng hình như tất cả đều là những ẩn dụ, phúng dụ cho số phận nàng Kiều. Chiếc buồm ngoài khơi xa và cánh hoa trôi nổi lênh đênh giữa dòng nước như số phận vô định của nàng Kiều, nội cỏ dầu dầu ấy hay chính là nỗi đau nỗi tủi nhục đang đè nặng trái tim nàng và tiếng sóng ầm ầm quanh ghế ngồi ấy phải chăng là nỗi sợ hãi trước một tương lai mù mịt đen tối? Và tất cả tạo dựng nên một bức tâm cảnh có ý nghĩa về cuộc đời và số phận bi kịch của nàng Kiều. Cuộc đời nàng từ đây sẽ trôi vào bể trầm luân khổ ải, vào những “bi kịch chua xót đớn đau”. Và khi gặp Sở Khanh - nỗi lo sợ tràn ngập người nàng:
 
...Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành...

 
Chiều đã buông xuống, bóng tối đã bao trùm lên cảnh vật và cánh chim hốt hoảng thoi thót về rừng ấy phải chăng là tâm trạng và nỗi sợ hãi của nàng, phó mặc số phận cho anh chàng Sở Khanh. “Chim hôm thoi thót về rừng” hay chính là bóng hình của Thúy Kiều cũng thoi thóp sợ hãi và khoảnh khắc thời gian của một ngay tàn kia khép lại trong bóng tối như cuộc đời của Thúy Kiều cũng sẽ khép mình sau cánh cửa ác độc của xã hội phong kiến. Thời gian cứ trôi, cánh chim cứ bay mãi và số phận của Thúy Kiều cũng lênh đênh chìm nổi. Nguyễn Du đã hòa mình vào cõi lòng sâu kín của Thúy Kiều, thâu hiểu nỗi lo lắng của người con gái ấy. Và khi Kim Trọng trở lại với Thúy, Nguyễn Du đã biểu hiện chiều sâu tâm trạng của chàng sau hai năm xa cách bằng một bức ảnh cũng tan hoang xơ xác, chỉ có:
 
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày...
 
Tất cả những vẻ đẹp ngày xưa giờ đây bỗng trở nên hoang tàn, xơ xác và còn đâu vườn Thúy đẹp đẽ của thuở ấy, còn đâu? Tất cả giờ đây bỗng thành “rêu phong dấu giày” nhưng chàng còn tìm thấy trong sự tan hoang đó một niềm hi vọng:
 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông...
 
Bông hoa đào năm xưa vẫn còn đó như mối tình của Kim Trọng mãi mãi dành cho Kiều vẫn tha thiết đắm say như ngày nào.
 
Và cứ thế, thiên nhiên xuất hiện trong Truyện Kiều như một nhân vật lặng lẽ kín đáo, và “luôn thấm đượm tình người”. Thiên nhiên trở thành một nhân vật văn học vô cùng phong phú và sinh động mà ở đó mỗi tâm hồn của con người sẽ tìm thấy những niềm rung cảm sâu sắc.
 
Với ngòi bút tài tình và tâm hồn nghệ sĩ giàu sức rung động trước tạo vật, Nguyễn Du đã để lại cho đời sau những bức tranh tuyệt diệu của thiên nhiên và mãi mãi cho đến muôn đời thiên nhiên trong truyện sẽ sống mãi trong tiềm thức của mỗi chúng ta, mang cái hồn của tâm trạng của lòng người và phải có một tình yêu thiên nhiên đến tha thiết đắm say thì thi sĩ Nguyễn Du mới đạt được những thành công như vậy. Thiên nhiên như ẩn chứa cả tâm hồn tư tưởng, cả sức sống diệu kì của thi sĩ Nguyễn Du.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây