Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Chứng minh nhân đạo là một trong hai cảm hứng chủ đạo xuyên suốt nền văn học Việt Nam qua hai truyện ngắn Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ

Thứ năm - 23/04/2020 11:20
Nhân đạo là một trong hai cảm hứng chủ đạo xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Cảm hứng nhân đạo đó ở văn học từ 1930 đến 1945 có gì giống và khác ở văn học từ 1945 đến 1975 ?
Hãy phân tích và chứng minh qua hai truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (theo Ngữ văn 11, tập 1) và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (theo Ngữ văn 12, tập hai).
BÀI LÀM:
“Giá trị nhân đạo là giá trị căn bản của một tác phẩm văn học chân chính” và hạt nhân cơ bản của giá trị ấy là lòng yêu thương con người. Nhân đạo là một trong hai cảm hứng chủ đạo xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Tùy theo mỗi giai đoạn văn học mà giá trị ấy có cách thể hiện khác nhau. Hai tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao và “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là hai tác phẩm tiêu biểu cho những giá trị ấy.


Theo từ điển tiếng Việt thì giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản của một tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với nỗi đau của con người, sự nâng niu, trân trọng của nhà văn trước những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin vào khả năng vươn dậy của con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Văn học viết Việt Nam từ những thế kỷ trung đại đến nay luôn coi trọng nội dung nhân đạo, xem đó là nguyên tắc sáng tác văn học. Nhìn chung từ năm 1930 cho đến năm 1975 văn học nước nhà đứng trước cơn bão táp của lịch sử. Những cuộc chiến tranh, sự thay đổi của xã hội nên mỗi giai đoạn, cảm hứng nhân đạo cũng có nhiều điểm giống và khác nhau. Nhất là giai đoạn 1930 – 1945 và từ 1945 đến 1975. Trong vấn đề mà ta đang đề cập tới là hai tác phẩm tiêu biểu cho hai giai đoạn văn học khác nhau. “Chí Phèo” là tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn văn học trước 1945 và “Vợ chồng A Phủ” là tiêu biểu cho giai đoạn sau 1945.

Về những điểm giống nhau giữa hai tác phẩm, trước hết ta thấy, cả hai nhà văn Tô Hoài và Nam Cao đều chung nhau một điểm nhìn. Đó là họ đã nhìn thấy nỗi khổ đau của con người bị áp bức, bị bóc lột, bị chà đạp, bị lăng nhục. Đó là những người nông dân nghèo khổ dưới chế độ cũ. Từ đó, nhà văn đồng cảm với những số phận bất hạnh. Nhà văn đứng về phía họ, bênh vực cho nhân vật của mình.

Nam Cao là nhà văn của trào lưu hiện thực phê phán. Ông luôn tâm niệm “đứng trong lao khổ để nhìn về lao khổ” cho nên những nhân vật của ông đều hiện lên từ những cảm thông, đồng cảm. Ở “Chí Phèo”, Nam Cao miêu tả Chí như là nạn nhân của xã hội “người ăn thịt người”. Chí hiền lành, lương thiện nhưng giai cấp thực dân, phong kiến đã đẩy Chí vào con đường bần cùng hóa dẫn đến lưu manh hóa, tha hoá. Bá Kiến – hiện thân của chế độ phong kiến thối nát đã tiếp tay cho nhà tù thực dân biến Chí Phèo từ một anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành thành một anh Chí lưu manh. Hắn bị cái nhà tù ấy vằm cho nát bộ mặt người thành con quỷ dữ với khuôn mặt của “một con vật lạ”. Không những thế, nhân cách, phẩm giá của hắn cũng bị biến chất. Chí trở thành quỷ dữ, khát máu: “đạp đổ biết bao cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người dân lương thiện”. Nỗi đau đớn đó của nhân vật cũng là nỗi đớn đau của nhà nhân đạo Nam Cao.

Nhưng sự xuất hiện của Thị Nở và tấm lòng yêu thương, trân trọng của nhà văn, nhất là sau cái đêm gặp Thị Nở khiến Chí khao khát hoàn lương, khao khát “được làm hòa với mọi người”. Nhưng ngay cả cái khao khát được sống với Thị Nở để thực hiện ước mơ thời tuổi trẻ cũng không được. Để rồi cuối cùng Chí phải chết đau khổ trên ngưỡng cửa trở về chính mình . Câu hỏi cuối tác phẩm “Ai cho tao lương thiện” mãi mãi là nỗi niềm day dứt của Chí, của Nam Cao, của tất cả chúng ta về nỗi đau thân phận con người.

Có thể là không nhiều tình cảm bằng khi miêu tả Chí Phèo nhưng khi miêu tả thị Nở với tất cả sự thiệt thòi nhất của hoá công: Xấu, nghèo, dở hơi, dòng giống mả hủi. Nhà văn đã bày tỏ nỗi niềm đồng cảm của mình đối với thân phận con người. Sự đồng cảm còn thể hiện ở việc thấu hiểu khát khao tình yêu, hạnh phúc của thị, rất muộn mằn, khiêm tốn, chỉ là một người đàn ông như Chí Phèo nhưng cũng không có được.

“Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài lại đồng cảm sâu sắc với số phận người lao động ở miền núi như Mị và A Phủ. Họ là những người lao động nghèo, nạn nhân của chính sách cho vay nặng lãi để nô lệ hóa con người. Mị - cô gái Mèo trẻ đẹp, mơn mởn như bông hoa ban ngát hương của núi rừng nhưng lại héo úa trong cái ô cửa sổ nhỏ như lòng bàn tay “trông ra ngoài không biết sương hay là nắng”. Món nợ của mẹ cha khiến cô gái ấy trở thành thân phận súc nô trong nhà thống lý. Tô Hoài đã đau đớn cho kiếp người bị chà đạp cả về thể xác lẫn nhân phẩm. Mị bị bóc lột sức lao động một cách đầy khổ nhục “hơn trâu ngựa”. Rất nhiều lần trong tác phẩm nhà văn đã so sánh Mị với con ngựa, con trâu, còn rùa nuôi trong xó cửa. Không chỉ vậy, Mị còn bị cướp đoạt tình yêu, hạnh phúc, tuổi trẻ. Bị thần quyền áp chế, cả Mị, A Phủ và những người đàn bà khác đều tin rằng mình đã bị cúng trình ma nhà thống lí Pá Tra cho nên chỉ còn biết “đợi ngày rũ xương ở đây thôi”.

Nhà văn cũng đau đớn trước tình trạng A Phủ bị đánh đập trong một buổi xử kiện bất công mà người đâm đơn đi kiện cũng chính lại là những kẻ ngồi ghế quan tòa. A Phủ bị tước đoạt tự do bằng cảnh chịu trói, bị đánh cho đến khi “đầu đuôi mắt bị dập chảy máu... đầu gối sưng bạnh như mặt hổ phù”. Rồi đến cả cái cảnh phải chịu trói vào cột nhà chờ chết vì tội để hổ bắt mất một con bò. Nhà văn đã lên tiếng trước cảnh con người bị xem rẻ còn hơn con vật.

“Vì chưng hay ghét bởi vì hay thương”, vì yêu thương nhân dân nghèo khổ lại phải chịu bao tầng áp bức. Tô Hoài và Nam Cao đã cùng nhau cất lên tiếng nói tố cáo, lên án những thế lực bạo tàn gây đau khổ cho con người:

Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao tố cáo các thế lực: Thực dân Pháp - gián tiếp qua hình ảnh nhà tù. Phong kiến cấu kết với thực dân, phát xít bóc lột người nông dân đến tận xương tuỷ và đẩy họ vào con đường lưu manh tha hoá, tiêu biểu cho giai cấp đó là bá Kiến. Nhà văn cũng lên án những thành kiến nghiệt ngã của xã hội (lời bà cô thị Nở) đã đẩy những khát vọng của con người rơi vào tuyệt vọng.

Trong “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài lên án giai cấp thống trị miền núi, tiêu biểu là cha con thống lí Pá Tra. Bóc lột người lao động bằng cách cho vay nặng lãi và lợi dụng sức lao động của con người : Mị phải làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, món nợ truyền kiếp, thực chất là một thứ người ở không công. A Phủ vay tiền của Pá Tra để nộp vạ và trở thành người ở trừ nợ, người ở không công. Mị, trước khi về nhà Pá Tra là một cô gái rất yêu đời, yêu cuộc sống. Sau khi về nhà Pá Tra chỉ còn là con trâu, con ngựa, con rùa, lầm lũi cả ngày không nói, chỉ biết vùi vào việc làm cả đêm cả ngày như một cỗ máy. A Phủ, trước khi về nhà Pá Tra là một thanh niên với tính cách tự do, mạnh mẽ, không sợ cường quyền, bạo lực. Sau khi về nhà Pá Tra trở thành một nô lệ, làm lợi cho nhà thống lí. (Thầy Phan Danh Hiếu)

Bằng tấm lòng nhân đạo cao cả, bằng tình yêu thương dành cho những con người lao động. Tô Hoài và Nam Cao đã khám phá, trân trọng nâng niu những vẻ đẹp của các nhân vật. Đồng thời cả hai nhà văn cũng đồng tình với ước mơ, nguyện vọng chính đáng của con người, khát khao đổi thay số phận cho họ. “Ở Chí” Phèo, Nam Cao phát hiện bên trong sâu thẳm con quỷ dữ ấy Chí là con người hiền lành, lương thiện. Hắn hiền như đất, biết yêu, biết ghét và cũng biết khinh, có lòng tự trọng trước những nhục dục đê hèn của bà Ba, biết “nhục hơn là thích” khi bị bà Ba bắt bóp chân “mà cứ bóp lên trên”. Không những thế, nhiều lần nhà văn khẳng định bản chất hiền lành, lương thiện của Chí, ngay cả khi Chí là con quỹ dữ của làng Vũ Đại. Phải chăng, sau cái đêm trăng bên bờ sông với Thị Nở, Chí đã được sống với phần đời còn lại với phẩm chất “Người” nhất. Nhà văn cảm động khi thấy Chí lặng im nghe “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài đuổi cá, tiếng của mấy bà đi chợ về”. Để rồi sau đó, bát cháo hành đã làm Chí khao khát được trở về cuộc đời, khao khát làm hòa với mọi người và khao khát được trở lại với ước mơ thời trai trẻ với mái ấm gia đình có “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà dệt vải”. Nước mắt của quỷ dữ cũng đã bắt đầu “hình như ươn ướt”. Đó là phút giây người nhất của Chí Phèo mà chỉ có tấm lòng nhân đạo cao cả như Nam Cao mới thấu hiểu được. Cũng như thế, khi viết về Thị Nở, tấm lòng của Nam Cao cũng đã nhìn thấy, tận trong sâu thẳm của người đàn bà dở hơi và có dòng giống mả hủi ấy lại là một con người – một người phụ nữ nhân hậu, hiền lành.

“Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã ngợi ca vẻ đẹp người lao động miền núi Tây Bắc mà điển hình là nhân vật Mị và A Phủ. Mị là cô gái đẹp người lại đẹp nết. Nhà văn gián tiếp miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của Mị qua chi tiết “những đêm tình mùa xuân trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Mị lại biết thổi sáo hay mà “thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Cô gái trẻ ấy lại giàu lòng tự trọng, giàu lòng hiếu thảo với mẹ cha. Cô sẵn sàng ném nắm lá ngón xuống đất để quay trở về làm kiếp ngựa trâu để báo hiếu cho cha già. A Phủ là chàng trai có sức vóc có thể “chạy nhanh như ngựa”. Tính lại ham làm, yêu lao động “săn bò tót bạo… biết đục cuốc, đúc lưỡi cày, lại cày giỏi”. Với những phẩm chất ấy, họ đáng lẽ ra phải được hưởng một cuộc sống tự do nếu không có bàn tay độc ác của bọn chủ nô phong kiến miền núi.

Những con người lao động ấy còn ẩn chứa trong tâm hồn sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Dù bị vùi dập phũ phàng, sức sống ấy vẫn trỗi dậy mỗi khi có dịp lại bùng cháy lên như lửa. Mị bị áp bức bóc lột, bị thần quyền áp chế, bị tước đoạt hạnh phúc, tuổi trẻ. Cuộc đời của cô gái trẻ ấy tưởng như chỉ biết “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Tâm hồn ấy tưởng như đã sạn chai vì khổ đau thì bỗng một đêm mùa xuân cháy bùng lên niềm khao khát được vượt ngục. Cô đã sống lại những phút giây đẹp nhất của tuổi trẻ. Điệu sáo của ai gọi bạn tình đã đánh thức cô Mị ngày trước. Đánh thức cả cái ký ức tươi đẹp một thời. Và rượu cùng chất men say của nó đã làm Mị như được phục sinh. Mị thấy lòng “phơi phới trở lại”, thấy “vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Khao khát tự do được trỗi dậy, cô gái ấy đã nhận ra chính mình: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Và ngay cả lúc bị A Sử trói đứng vào cột bằng một thúng sợi đay. Mị vẫn không hay, không biết. Có lúc “Mị vùng bước đi”. Thế mới biết sức sống tiềm tàng trong Mị đã lớn hơn tất cả thế lực của cường quyền. Sức sống ấy lại thêm một lần trỗi dậy trong đêm cởi trói cho A Phủ. Đó là cái đêm mà Tô Hoài dường như cũng nín thở dõi theo hành động Mị. Ở đó, một con người vô cảm bỗng dưng được đánh thức bởi giọt nước mắt của A Phủ “bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Giọt nước mắt ấy đã rơi xuống trái tim đầy giá băng của Mị, thức dậy lòng thương người vốn bị vùi lấp trong Mị. Lòng thương người, niềm đồng cảm với thân phận nô lệ đã thúc dục Mị cởi trói cho A Phủ. Và tiếng gọi của tự do đã đưa họ đến với ánh sáng của tự do.

Nhà văn cũng đã nhìn thấy trong chàng trai mồ côi A Phủ là tất cả những điều tốt đẹp nhất. Vốn là con người của tự do, không cam chịu ở dưới cánh đồng thấp, mới mười tuổi A Phủ đã ngang bướng trốn lên vùng núi cao. Lúc bị đánh trong vụ xử kiện quái gở, anh chỉ quỳ và “im như tượng đá”. Lúc được cởi trói, A Phủ quật sức vùng lên chạy. Đó là vẻ đẹp của con người yêu mến tự do, khao khát tự do. Cuối cùng, tình yêu tự do đã đưa A Phủ và Mị đến với miền đất hứa Phiềng Sa – nơi họ nên nghĩa vợ chồng và cùng với du kích bảo vệ quê hương.

Bên cạnh những điểm giống nhau trong tư tưởng nhân đạo, ta thấy ở “Chí Phèo”“Vợ chồng A Phủ” còn nhiều điểm khác biệt. Trong tác phẩm “Chí Phèo”- Nam Cao nhìn những người nông dân như Chí Phèo, thị Nở là những nạn nhân, sản phẩm của hoàn cảnh xã hội thực dân phong kiến. Mặc dù đồng tình và khao khát đổi thay số phận cho những người nông dân cùng hơn cả dân cùng, những con người dưới đáy xã hội, bị xa lánh, hắt hủi nhưng tác giả cũng đành bất lực: Kết thúc tác phẩm là sự chấm dứt đột ngột của mối tình Chí Phèo thị Nở, là cái chết bi phẫn của Chí trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện, thể hiện cái nhìn bi quan về tương lai của người nông dân. Còn trong “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài nhìn người lao động miền núi Tây Bắc không phải là nạn nhân của hoàn cảnh mà là những người có khả năng cải tạo hoàn cảnh. Đồng tình với khát vọng đổi thay số phận của họ, quan trọng hơn, ông đã chỉ ra con đường tất yếu họ cần phải đi và khẳng định khả năng đi tới cách mạng của họ, đấu tranh tự giải phóng chính mình: Mị, A Phủ đã giải thoát cho nhau, cùng nhau tới Phiềng Sa trở thành du kích.

Như vậy, qua việc phân tích tư tưởng nhân đạo của hai tác phẩm “Chí Phèo”“Vợ chồng A Phủ” ta thấy được giá trị nhân đạo trước và sau năm 1945 vừa có điểm chung thống nhất vừa có sự riêng biệt. Về điểm chung ta thấy: cả hai tác phẩm đều ca ngợi vẻ đẹp của con người, nhất là tầng lớp nhân dân cực khổ lầm than. Tố cáo, lên án những thế lực bạo tàn gây đau khổ cho con người. Đồng cảm với những số phận bất hạnh. Đồng tình với ước mơ, nguyện vọng chính đáng của con người và khát khao đổi thay số phận cho họ.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh xã hội cho nên nội dung nhân đạo có sự khác nhau: Văn học từ 1930 đến 1945 coi con người là nạn nhân bất lực của hoàn cảnh. Nhà văn khao khát đổi thay số phận cho con người nhưng bế tắc, bất lực. Chí Phèo mở đầu xuất hiện bên chiếc lò gạch, cuối cùng lại hiện lên với cái lò gạch, Chí Phèo con lại ra đời. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn, không lối thoát. Sở dĩ như vậy là vì các nhà văn giai đoạn 1930 - 1945 (chủ yếu là các nhà văn hiện thực phê phán): Mang ý thức hệ tư sản, tiểu tư sản, hầu hết chưa tham gia cách mạng nên mới chỉ thấy tác động một chiều của hoàn cảnh đối với con người, nhìn con người và hiện thực xã hội có phần bi quan.

Văn học từ 1945 đến 1975, lại quan niệm con người không phải là nạn nhân của hoàn cảnh mà có khả năng cải tạo hoàn cảnh. Bằng chứng là Mị và A Phủ có thể thay đổi số phận của mình bằng chính sự đấu tranh bản thân. Nhà văn khẳng định và tin tưởng khả năng cách mạng của con người dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp họ nhanh chóng đổi thay số phận. Điều này là rõ rồi vì các nhà văn 1945-1975, họ đồng thời là những chiến sĩ cách mạng, trực tiếp tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản nên có tinh thần lạc quan cách mạng, thấu suốt tương lai.

Tóm lại, cảm hứng nhân đạo cùng với cảm hứng yêu nước là hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nền văn học Việt Nam. Về cơ bản có những biểu hiện chung song ở mỗi thời kì, giai đoạn, do hoàn cảnh lịch sử xã hội, do ý thức hệ tư tưởng của các nhà văn khác nhau, lại có những biểu hiện riêng. Sự giống và khác của cảm hứng nhân đạo ở hai giai đoạn văn học tạo nên sự phong phú, đa dạng trong thành tựu của nền văn học nước nhà về mặt nội dung tư tưởng. Và hai tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao và “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là hai tác phẩm minh chứng rõ ràng nhất cho sự nhất quán và riêng biệt của hai giai đoạn văn học ấy.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây