Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận vẻ đẹp của câu thơ: Không ai chôn cất tiếng đàn, Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

Thứ ba - 21/04/2020 10:53
Cảm nhận vẻ đẹp của bốn câu thơ sau trong bài Bản ghita của Lorca - Thanh Thảo:
​​​​​​​“Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng”
Làm nên cảm hứng của bài tho “Đàn ghita của Lorca” là hình tượng thơ Ph.G. Lorca - một tên tuổi lớn của đất nước Tây Ban Cầm. Đó là người nghệ sĩ đa tài đã hi sinh cho dân tộc Tây Ban Nha trên hành trình tranh đấu chống lại chủ nghĩa phát xít và cách tân nền nghệ thuật đã già nua của đất nước này. Anh hi sinh khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, để lại trong lòng nhân dân Tây Ban Nha nói riêng và nhân dân thế giói nói chung niềm tiếc thương vô hạn.

Xuyên suốt chiều dài bài thơ “Đàn ghita của Lorca” - Thanh Thảo ở mỗi đoạn đã pha vào đó một làn điệu ghita phiêu bồng, lãng tử. Khi thì lăn tăn như bọt nước, lúc sôi nổi như trận đấu bò, lúc như chan hòa trong hương thơm hoa li la, khi lại mênh mang vầng trăng yên ngựa, lúc hóa màu nâu trầm tĩnh, xanh thiết tha hi vọng... nhưng có lúc lại kết lại lắng sâu chạm đến cả cỏi tâm linh của con người:

“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”.

Bốn câu trên thuộc khổ thơ thứ tư trong bài thơ, qua thật là một đoạn thơ đa nghĩa và cũng khó cắt nghĩa.

Trước hết cần đặt hai câu thơ: “không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang” trong mối liên hệ với câu đề từ: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Trong mối quan hệ ấy ta thấy có sự mâu thuẫn: lời đề từ giống như một di chúc viết sớm của Lorca, với di nguyện này, Lorca mong muốn người đời hãy lãng quên tên tuổi của anh, nghệ thuật của anh. Mai hậu phải biết vượt qua cái bóng của anh để tiếp tục con đường cách tân nghệ thuật đã già nua. Lorca không muốn mình là cái bóng để ngăn cản sự tiến bước của những tài năng trẻ... Tuy nhiên, người đời vì không nỡ lãng quên nghệ thuật của anh, càng lại muốn nghệ thuật của anh trở nên bất tử nên vô hình dung họ lại chôn vùi những khát vọng của Lorca khi không thực hiện di chúc của anh.

Vậy là rốt cuộc không ai hiểu hết được những di nguyện của người nghệ sĩ đã suốt đời dâng hiến cho nghệ thuật đất nước. Anh đã không tìm được tri kỷ, không tìm được sự đồng cảm với hậu thế của anh. Quá thật, điều mà người nghệ sĩ cần ở người đời đó là sự đồng cảm chứ không phải là sự tôn thờ. Còn nhớ hai thế kỷ trước, Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc, dù chỉ được nghe qua câu chuyện Tiểu Thanh và viếng nàng chỉ qua “nhất chỉ thư” (mảnh giấy tàn) nhưng đã đồng cảm với nỗi đau đoạn trường ấy. Rồi cụ Tiên Điền cũng tự hỏi với trời với đất:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khóc Tố Như
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng)

Chưa đến ba trăm năm sau, Nguyễn Du đã được Tố Hữu - một nhà thơ hiện đại đồng cảm ;

“Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày”
(Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Tiếc thay, Lorca lại chưa tìm được hậu sinh đồng cảm với mình. Và phải chăng đó cũng chính là nỗi băn khoăn không chỉ là của Lorca mà còn là cả nhà thơ Thanh Thảo (cũng là một nhà cách tân sau 1975 Việt Nam ở Việt Nam). Liệu rồi ai sẽ là người tiếp tục sự nghiệp của Lorca để đưa nghệ thuật Tây Ban Nha lên một tâm cao mới hay cánh đồng nghệ thuật Tây Ban Nha sẽ thành cánh đồng hoang phế bởi “cỏ mọc hoang” ?

Đọc lại hai câu thơ một lần nữa ta lại phát hiện một tầng nghĩa mới “không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang''. Phép điệp ngữ “tiếng đàn” được lặp lại cùng với phép so sánh “như cỏ mọc hoang” như sự kéo dài, trải rộng mênh mang. Âm thanh như loài thảo mộc cũng bất tận ngân vang, mãnh liệt. Tiếng đàn là tượng trưng cho tài năng và số phận của Lorca. Bọn phát xít đã vùi chôn Lorca nhưng chúng không thể nào dập tắt được nghệ thuật, tài năng và nhân phẩm của Lorca. Cách so sánh “như cỏ mọc hoang” cho thấy tiếng đàn hoang dại, bừng bừng một sức sống không có gì có thể dập tắt được. Vì có gì xanh hơn bằng cỏ ? có gì nhiều hơn cỏ ? Có gì có thể mạnh hơn cỏ ? Và vì thế nên nghệ thuật Lorca trở thành bất tử như loài thảo cỏ kia miên đi khắp đồng hoang.

Hai câu thơ cuối, hình ảnh thơ đẹp nhưng đượm buồn :

“giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”

Thế giới trăng trong thơ tượng trưng và siêu thực hiện lên bao đắm đuối:

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi

Hay:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có cho trăng về kịp tối nay
(Hàn Mặc Từ)

Nhưng “giọt nước mắt vầng trăng” có lẽ là lần đầu tiên bạn đọc được tiếp cận. Hệ thống thi ảnh này gắn với thế giới nghệ thuật siêu thực của Lorca. Nó vừa gàn gũi vừa lạ lùng. Hình ảnh “giọt nước mắt vầng trăng” có thể hiểu thành: “giọt nước mắt” là biểu tượng cho sụ cao quý của tâm hồn là tinh túy của tâm hồn; “vầng trăng” là biểu tượng cho sự vĩnh hằng, vĩnh cửu của tụ nhiên. Hai hình ảnh ấy kết hợp lại với nhau tạo nên vẻ đẹp lung linh “giọt nước mắt vầng trăng”. Phải chăng cái đẹp khó có thể cắt nghĩa từ hình ảnh thơ ấy là vẻ đẹp của nghệ thuật Lorca được chưng cất từ những khát khao, những ước mơ và cả nỗi đau mà suốt cuộc đời Lorca đeo đuôi ? Và có lẽ thế “Thác là thể phách còn là tinh anh”, thể phách tinh anh ấy chính là sự hiện hữu của Lorca mãi tỏa sáng như “vầng trăng” trong mênh mông của đất trời. Giọt nước mắt ấy cũng là giọt nước mắt mà người đời khóc thương cho Lorca còn mãi long lanh đến muôn đời.

Giọt nước mắt ấy lại “long lanh trong đáy giếng”. “Đáy giếng” là nơi lạnh lẽo, tối tăm, nơi sự sống tưởng chừng như chấm dứt lại rất đỗi “long lanh” một “giọt nước mắt vầng trăng” đẹp đến sững sờ. Hình ảnh thơ ấy khiến ta liên tưởng tới sự hi sinh của cô gái thanh niên xung phong trong bài thơ “Khoảng trời hố bom” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ:

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh.

Hố bom và đáy giếng (hay hố sâu) - nơi những người chiến sĩ ấy ngã xuống - là hiện thân của tội ác kẻ thù nhưng kỳ lạ thay, nơi mà kẻ thù ngỡ tưởng đã vùi lấp được những người anh hùng ấy lại là nơi trở thành “vì sao ngời chói lung linh”, nơi tâm hồn họ “long lanh” tỏa sáng thứ ánh sáng thiêng liêng diệu kỳ.

Thanh Thảo quả rất tài tình khi viết nên bốn câu thơ độc đáo như thế. Nó vừa thực lại vừa mộng như sự đứt nối chập chờn của vô thức của sáng tạo. Từ đó càng hình dung sụ sống của Lorca và nghệ thuật của anh mãi mãi bất tử sánh cùng thiên địa vĩnh hằng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây