Thật vậy, với ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Du đã nhào nặn nên những thế giới tâm linh nhân vật cực kì sống động, đã chinh phục trái tim triệu triệu người đọc suốt gần 200 năm nay, Nói đến nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của Nguyễn Du, người ta tất sẽ nhớ ngay tới đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Đây là một trích đoạn thuộc vào hàng hay nhất trong Truyện Kiều, diễn tả tâm trạng của Kiều trong những tháng ngày ở lầu Ngưng Bích của mụ Tú Bà.
Quãng thời gian Kiều ở lầu Ngưng Bích là khoảng tĩnh lặng giữa hai cơn giông tố của đời nàng. Nhưng trong tâm hồn nàng lại không tĩnh lặng, lúc nào lòng nàng cũng đang diễn ra bão tố dữ dội, ngổn ngang trăm mối tơ vò không sao nguôi ngoai được.
Lầu Ngưng Bích - đúng như cái tên thơ mộng của nó - là một nơi phong cảnh tuyệt đẹp. Nếu nhìn bằng con mắt hội hoạ thì đây quả là một chốn thần tiên: Bốn bề thoáng đãng mênh mông, xa xa có núi non, có con đường đất đỏ uốn lượn, cồn cát vàng trải dưới nắng và màu xanh biếc đọng khắp nơi khi mùa xuân ngự trị. Nhất là những ngày nắng đẹp, những đêm trăng sáng thì phong cảnh càng thêm hữu tình. Thế nhưng cảnh đẹp với ai, chứ với Kều thì không. Bao cảnh đẹp của lầu Ngưng Bích đều vô nghĩa khi nó là chiếc lồng son khoá kín đời Kiều. Qua đôi mắt nặng trĩu tâm trạng buồn đau của Kiều, thiên nhiên cũng trở nên buồn thảm, đồng điệu với lòng nàng.
Bằng cái nhìn hờ hững chán chường, Kiều chỉ thấy dáng núi xa như một vết mờ tít tắp. Cái huyền diệu của đêm trăng chỉ làm nàng cảm thấy vũ trụ bao la quá mà mình sao nhỏ nhoi quá, để cho nỗi cô đơn lại tăng lên gấp bội:
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.
Đọc câu thơ này, tôi chạnh nhớ tới buổi hẹn hò của Kim - Kiều dưới trăng đêm nào:
Góp lời phong nguyện, nặng nguyền non sông.
Khi xưa hẹn núi thề sông, có vầng trăng làm chứng, Thế mà nay, non xa trăng gần, khoảng cách vời vợi khó mà hàn gắn được, cũng như lòng Kiều đang chia đôi vì bao nỗi đau thương.
Ban đêm với trăng và núi đã buồn như vậy, ban ngày nàng cũng chẳng vui gì hơn. Những cát vàng cồn nọ, những bụi hồng dặm kia với những từ để trỏ “nọ”, “kia” gợi lên nỗi tê tái của sự sẻ chia rời rã bao trùm lên phong cảnh bốn bề bát ngát. Vũ trụ thì vô hạn, mà đời người thì hữu hạn. Trong mắt Kiều, vũ trụ chỉ toàn là bụi bặm dơ bẩn muốn nhuốm đen chút lòng trinh bạch của nàng.
Bởi cảnh như thế nên tình càng “bẽ bàng”. Bẽ bàng là buồn, là chán, là thẹn, là nỗi buồn đè nặng hết ngày này qua ngày khác; để đến nỗi Kiều chỉ biết buồn với mây sớm những lúc tan giấc mơ, trở lại với hiện thực và khóc với đèn khuya trong những đêm dài không ngủ được, bởi vậy mà:
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng
Nàng tự đối thoại với lòng mình trong cô đơn vì thương nhớ. Trước hết, nàng nhớ tới Kim Trọng:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Tại sao Nguyễn Du lại để Kiều nghĩ đến người yêu trước cha mẹ mặc dù nàng là người con chí hiếu, xem hiếu nặng hơn tình? Điều này có lẽ là vì: Công lao cha mẹ Kiều đã đền đáp một phần rồi, nhưng còn nợ tình với chàng Kim là nàng không bao giờ trả được nữa! Nhớ lại những lời đã từng thề thốt:
Dẫu thay mái tóc, dám rời lòng tơ
- Đã nguyền hai chừ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai,
Nàng lại càng đau đớn nghĩ đến “Thề hoa chưa ráo chén vàng” thì đã phải “Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa”. Và nhất là đã phải phụ chàng để rồi thất thân với một gã con buôn đê tiện như Mã Giám Sinh thì sao khỏi xót xa, tủi hổ, sao không cảm thấy có lỗi nặng với người mình yêu?
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”.
“Tưởng” là mơ tưởng, là nhớ, là thương. Bao nhiêu nỗi xót xa gửi vào chữ “tưởng” ấy. Và bây giờ, sau khi đã lỗi thề với Kim Trọng, nàng chỉ còn dám nhớ tới Kim Trọng với một chữ “người”. “Người” chứ không phải là “Kim lang”, “tình quân” hay “chàng”. Bao thiên lí cách ngăn trong chữ “người” đó. Thương người yêu đã vậy, nàng lại thương mình:
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Với cha mẹ, mặc dầu đã bán mình chuộc cha, nàng vẫn chưa xem đó là đã làm tròn đạo con:
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.
Sân Lai cách mấy năng mưa,
Có khi gốc Tử đã vừa người ôm.
Chính trong hoàn cảnh lưu lạc quê người của nàng ta mới thấy hết tấm lòng chí hiếu của người con gái ấy. Nàng biết sẽ còn bao cơn “cát dập sóng vùi” nhưng vẫn chỉ canh cánh lo cho cha mẹ thiếu người đỡ đần phụng dưỡng vì hai em còn “sân hoè đôi chút thơ ngây". Bốn câu mà đóng tới bốn điển tích “người tựa cửa”, “quạt nồng ấp lạnh”, “sân Lai”, "gốc Tử", Nguyễn Du đã làm cho nỗi nhớ của Kiểu đậm phần trang trọng thiết tha và có chiều sâu nhưng cúng không kém phần chân thực. Tình đã là nửa mảnh lòng của Kiều, mà cảnh cũng là nửa mảnh lòng nữa. Nhìn vào đâu nàng cũng thấy nỗi buồn phủ dâng. Giữa cái mênh mông của biển trời hoàng hôn, nàng chỉ còn đủ sức để thấy một cánh buồm lẻ loi:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Như một con người bất hạnh đạt vào cô đảo, nàng cứ mỏi mòn chờ một con thuyền đến cứu vớt, mà thuyền chỉ thấp thoáng xa xa trên biển rồi mất hút ở đường chân trời chứ không bao giờ cập bến. Thà rằng không nhìn thấy gì còn hơn loé lên tia hi vọng rồi vụt tắt, thì sự dày vò của nỗi thất vọng thật khủng khiếp. Càng chờ càng lún sâu vào tuyệt vọng, lòng Kiều cứ dần dần chán chường nhàu nát theo ước mơ lụi tàn. Đổ rồi nàng chợt rùng mình:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Dòng đời như dòng nước cuốn xiết mà thân con gái như "hoa đã lìa cành" bị va đập vào bao con sóng cho đến tả tơi, rồi theo nước trôi đi vô định. Tim người đọc như nhói lên trước câu hỏi đau đáu của Kiều “ biết là về đâu”. Nước mênh mang buồn, cỏ cây cũng dầu dầu thảm:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
vẫn sắc xanh một màu trải tới chân trời nhưng bất động, ủ rũ chứ không rợn lốn như sóng chạy toả đến tận chân trời trong tiết thanh minh nữa. Giữa cảnh chết lặng của trời đất thì vẫn có một âm thanh gầm gào quanh đây. Nhưng đó tiếng của sóng ngoài kia hay tiếng gầm gào của nỗi sự dâng lên trong lòng nàng: Con sóng gầm của định mệnh lại sắp ập xuống thân phận lạc loài, mà cuộc đời là “một cung gió thảm mưa sầu".
Tám câu thơ chia làm bốn cặp, mỗi cặp diễn tả một nỗi buồn khác nhau, lặp đi lặp lại một kiểu cấu trúc cảnh - tình song song, với điệp ngữ “buồn trông” đằng đẵng như tiếng thở dài, cùng nhịp thơ chậm, gợi buồn rười rượi bởi thanh bằng chiếm ưu thế. Nghệ thuật của đoạn thơ đã thực sự đóng một vai trò quan trọng góp phần làm nổi bật lên bức tranh tâm trạng của Kiều. Quả như Nguyễn Du đã viết:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?.
Hiện thực khách quan luôn uốn lượn theo tình điệu, cảm xúc chú quan của con người, đồng điệu với tình người, nên qua đôi mắt tâm hồn tan nát của Kiều, cảnh vật tươi đẹp ở lầu Ngưng Bích nhuộm đẫm màu thảm sầu và không khí u uất. Ngược lại với cái tên “Ngưng Bích (xanh biếc), đọc xong đoạn thợ, tôi chỉ thấy toàn một màu xám đen phủ khắp chân mây mặt biển trước lầu.
Đào Nguyên Phổ từng khen Truyện Kiều: “Nói tình thì vẽ được hình trạng hợp, li, cam, khổ, mà tình không rời cảnh. Tả cảnh thi bày hết thi vị tuyết, nguyệt, phong, hoa mà cảnh tự vướng tình, mực muốn múa mà bút muốn bay”, quả nhiên không sai. “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một đoạn trích mượn cảnh ngụ tình hay vào bậc nhất của Truyện Kiều cũng như của văn học trung đại Việt Nam, chứng tỏ được "Tay tiên gió táp mưa sa" của cụ Nguyễn Tiên Điền. Truyện Kiều có tới hơn 3000 câu, mà “Kiều ở lầu Ngưng Bích” chỉ có 22 câu - chiếm một phần rất nhỏ trong tác phẩm lừng danh ấy. Nhưng đằng sau 22 câu thơ ít ỏi đó không chỉ có một tài năng lớn mà trước hết là một trái tim lớn của nhà thơ dành cho nhân vật; cho con người và cuộc đời. Chính trái tim ấy đã hoà tan máu mình cho 3254 câu Kiều để rồi “khiến người cười, khiến người khóc, khiến người vui, khiến người buồn, khiến người giở đi giở lại ngàn lần, càng đọc thuộc lại càng không biết chán” (Đào Nguyễn Phổ - tựa Loạn trường tân thanh). Và để mãi mãi người đọc còn khóc thương cho tấm lòng trinh bạch và tâm sự đau đớn của nàng Kiều.