Đoạn thơ có kết cấu theo trình tự thời gian, rất phù hợp với diễn biến tâm trạng của con người trong cuộc du xuân: bốn câu đầu tả khung cảnh ngày xuân, tám câu tiếp tả cảnh lễ hội trong tiết thanh minh, sáu câu cuối là cảnh chị em Kiều ra về.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã đem đến cho chúng ta một bức tranh về thiên nhiên thật sống động, tươi đẹp mà đầy sức xuân.
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Nhà thơ đã sử dụng rất thành công bút pháp nghệ thuật giữa gợi và tả. Hai câu đầu vừa nói thời gian, vừa gợi không gian mùa xuân. Ngày xuân thấm thoát trôi mau đã qua tháng giêng, tháng hai, bước sang tháng ba. Câu đầu bài thơ tả cảnh ngày xuân có những cánh chim én bay đi bay lại rộn ràng giữa bầu trời trong xanh như con thoi đưa. Nếu như trong bài thơ “Mùa xuân chín”, thi sĩ Hàn Mặc Tử nói:
“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”
Thì Nguyễn Du lại nói khác: “Cỏ non xanh tận chân trời”. Ở đây, nhà thơ muốn thể hiện sắc cỏ non xanh vừa mỡ màng, ngọt ngào trải rộng ra tới chân trời càng khẳng định sự ảnh hưởng sâu sắc của Nguyễn Du với thi sĩ Hàn Mặc Tử. Chỉ hai câu thơ:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Nguyễn Du đã hoạ lên trong tâm trí người đọc bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp, giàu sức gợi tả, Chỉ bằng một vài nét chấm phá mà ngòi bút của Nguyễn Du đã tạo nên cái hồn của cỏ cây, hoa lá. Trong cái không gian cỏ xanh đến ngút mắt như vô cùng vô tận, màu xanh của cỏ non và xanh biếc của trời mây. Màu xanh trong êm đềm dường như là tuyệt đối xuất hiện những điểm trắng. Đó chính là một loài hoa trắng - hoa lê kiêu hãnh nổi bật trên cái màu xanh bao la của cỏ. Gam màu xanh của cỏ non trải rộng tới chân trời làm nền tôn lên vẻ đẹp của cành hoa lê trắng, tinh khiết càng làm rạng rỡ hơn vẻ đẹp hoa trong trẻo, tinh khôi. Tạo nên bức tranh xuân có hồn mà không bị tan loãng bởi không gian rộng lớn. Chính chữ “điểm” khiến cảnh vật trở nên sinh động hơn. Màu xanh của cỏ non, màu trắng của hoa làm cho màu sắc hài hoà đến mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên sự thanh khiết, mới mẻ của bức tranh xuân tươi thắm.
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Bên cạnh vẻ đẹp của hoa, Nguyễn Du còn cảm nhận được sự mềm mại, uốn lượn, nhỏ nhắn của dòng nước. Dòng nước, cây cầu bị nhuốm bởi sắc vàng đỏ của ánh mặt trời buổi chiều tà. Nhưng chính nhờ cảnh người đi trẩy hội, tấp nập trong khói hương nghi ngút, đã tạo nên sự sinh động cho bức tranh. Nhịp thơ nhẹ nhàng, hình sắc thanh âm êm dịu, thanh thoát ngân vang của từng dòng thơ cũng làm cho chúng ta cảm nhận được vẻ trong lành, thanh khiết của mùa xuân.
Có thể nói đây là bức tranh xuân được dệt nên từ những màu sắc tinh tế, quí phái phối màu hài hoà giữa hai gam màu xanh và trắng; giữa màu vàng và màu đỏ tạo sự ấm áp mà không chói chang. Đường nét, hình khối mà nhà thơ chọn tả đều thanh mảnh ở mọi góc nhìn. Cánh én chao liệng, người đi trẩy hội khiến bức tranh trở nên ấm áp; làm cho cảnh vật “nửa như thực, như mơ”:
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Bốn câu thơ tiếp, Nguyễn Du tập trung miêu tả cảnh du xuân của chị em Kiều. Chị em Kiều hoà mình giữa dòng người tấp nập như chim yến anh để dự lễ tảo mộ ở vùng đồng quê. Chị em Kiều vừa đi, thong thả ngắm cảnh chốn đồng quê thanh bình rồi thả thoi tiền giấy bay trong gió. Sử dụng một loạt các từ ghép, từ láy là tính từ động từ như: gần xa, nô nức, tài tử, giai nhân, dập dìu, hình ảnh so sánh "ngựa xe như nước" "Áo quần như nêm" Nguyễn Du đã miêu tả cuộc du xuân của chị em Kiều trong không khí lễ hội thật rộn ràng, tấp nập. Thông qua cuộc du xuân của chị em Kiều, Nguyễn Du đã khắc hoạ một nét truyền thống văn hoá xa xưa. Dù xuân đã muộn nhưng ta vẫn thấy cảnh xuân rộn ràng, nhộn nhíp những âm thanh, nữ tử, tài tử, giai nhân những đoàn người đông vui như chim én, chim oanh ríu rít, tưng bừng.
Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một bức tranh xuân trong sáng và tươi đẹp, một bức tranh thi trung hữu hoạ”. Thiên nhiên trong thơ của Nguyễn Du thật đẹp được tạo nên từ hồn thơ nhạy cảm và ngòi bút tài hoa của nhà đại thi hào dân tộc.