Ô Mã Nhi từng mang quân đến đào mồ mả, đập phá Chiêu Lăng. Hành động ấy của giặc vô cùng dã man, đã xúc phạm quốc thể và danh dự thiêng liêng đối với Trần Nhân Tông và hoàng tộc.
Sau chiến thắng Bạch Đằng, giặc Mông cổ bị quét sạch ra khỏi bờ cõi. Trần Nhân Tông và triều đình đã trọng thể tổ chức lễ hiến tiệp (dâng tù binh lên tổ tiên, ăn mừng thắng trận). Trong đám lù binh Mông cổ có Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và nhiều tướng lĩnh cao cấp khác, bị trói và giải đến theo đúng nghi lẽ và phong tục.
Sử sách cũ cho biết, tại lễ hiến tiệp ở Chiêu Lăng năm ấy, chợt nhìn thấy chân ngựa đá (thạch mã) có vết bùn, vua Trần Nhân Tông đã ứng khẩu hai câu thơ tức cảnh bằng chữ Hán:
"Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu"
Hai câu thơ đối nhau. Ngôn từ trang trọng, trang nghiêm. Ý tưởng tráng lệ, sâu xa. Đúng là khẩu khí của một bậc đế vương anh hùng lưu danh sử sách. Câu thơ dịch cũng khá hay:
''Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng"
Xã tắc, sơn hà là những từ Hán Việt cùng nghĩa, gần nghĩa như giang sơn, sông núi, đất nước, Tổ quốc, cách nói của chúng ta ngày nay. "Lao" có nghĩa là gian lao, vất vả. "Điện " có nghĩa là vững yên, vững bền. Kim âu là âu vàng có chạm khắc rồng phượng và trang trí bằng ngọc rất đẹp; Kim âu là biểu tượng, vật tượng trưng tôn quý, linh thiêng của Vương triều, của quốc gia và dân tộc. Có vị giáo sư đã dịch thành "chậu vàng ", nghĩa đen thì đúng, nhưng rất thô!
Chữ "lao” trong câu thơ chữ Hán đã nhân hóa con ngựa đá ở Chiêu Lăng. Lưỡng hồi là hai phen, hai bận; chỉ cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288) của Đại Việt đánh thắng quân Mông cổ xâm lược. Để làm nên chiến thắng: “Chương Dương cướp giáo giặc - Hàm Tử bắt quân thù ” (thơ Trần Quang Khải), để Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng... mãi mãi sáng ngời sông núi, cả nước, cả dân tộc đã đứng lên với lời thề "quyết chiến " với ý chí "Sát Thát" ngùn ngụt đất trời.
Để làm nên chiến thắng là do sức mạnh đại đoàn kết dân tộc không kẻ thù nào lay chuyển nổi: "Vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước góp sức". Để chiến thắng quân xâm lược, vị thống soái quyết xả thân vì sơn hà, xã tắc, "dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng " (Hịch tướng sĩ). Để mãi mãi trong thời gian "mà nhục quân thù khôn rửa nổi" (Bạch Đằng Giang phú), có biết bao anh hùng quyết giương cao ngọn cờ "Phá cường địch, báo hoàng ân", có hàng ngàn hàng vạn tướng sĩ đã "Múa giáo non sông trải mấy thu - Ba quân hùng khí át sao Ngưu ” (Thuật hoài). Và để làm nên thắng trận, hình như ngựa đá ở Chiêu Lăng cũng xông pha gươm giáo cùng ba quân, nếm trải nhiều gian lao khó nhọc. Câu thơ “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã" là một tứ thơ sâu sắc tuyệt hay. Câu thơ còn mang hàm nghĩa: tổ tiên ông cha linh thiêng đã ngầm giúp cháu con làm nên chiến công ,"bình Nguyên" lừng lẫy, bảo toàn núi sông Đại Việt.
Câu thơ thứ hai biểu lộ niềm tự hào về sự bền vững đến muôn đời của kim âu, của sơn hà xã tắc. Đó là ý chí tự cường. Đó là niềm tin sáng chói về truyền thống anh hùng của dân tộc. Đó là khát vọng độc lập, hòa bình của nhân dân ta:
"Sơn hà thiên cổ điện kim âu"
Có thể nói hai câu thơ của vua Trần Nhân Tống đã góp phần tỏa sáng "Hào khí Đông A" Hơn 700 năm sau, vần thơ tráng lệ ấy vẫn còn làm xúc động lòng người.