Trong Nhà văn hiện dại, nhà phê bình, nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đã viết: Với những nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía. Vội vàng là bài thơ độc đáo nhất, mới nhất của thi sĩ Xuân Diệu in trong tập Thơ thơ (1933-1938) - đóa hoa đầu mùa đầy hương sắc làm rạng danh một tài thơ thế kỉ - là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy có cả một quan niệm nhân sinh mới chưa thấy trong thơ ca truyền thống - giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh.
Mồi lần những dòng thơ trên, nhạc điệu Vội vàng cứ ngân vang, dào dạt mãi trong lòng ta, tình yêu đời, yêu cuộc sống như tát mãi không bao giờ cạn... Cảm thức về thời gian, về mùa xuân, về tuổi trẻ,... như những lớp sóng vỗ vào tâm hồn ta. Nhà thơ phát hiện có một thiên đường ngay trên mặt đất này, hơn nữa ngay trong tầm tay của mỗi người bình thường chúng ta. Này đây hoa thơm, trái ngọt của mùa xuân thắm tươi đang chào mời chúng ta đó, đúng là Thời trân thức thức sẵn bày:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si...
Ôi, sao người ta cứ đi tìm bồng lai ở tận đâu đâu, cứ đi kiếm niết bàn cực lạc ở mãi chôn mông lung, hão huyền nào! Nó ở ngay cuộc sống quanh ta đây, ngay trong giây phút hiện tại đây. Nó là cái hiện hữu, là cái nhỡn tiền. Hưởng ngay đi! Ngắm nhìn, ôm ấp ngay đi, còn chờ gì nữa! Thực ra thế giới tươi đẹp này, vườn xuân mơn mởn này, đâu phải bây giờ mới có. Nhưng có mà mắt ta không nhìn thấy thì cũng như là không có. Nhà thơ không tạo ra thế giới mới, nhưng có con mắt mới, Xuân Diệu gọi là cặp mắt xanh non. Thoát khỏi hệ thống ước lệ có tính phi ngã của văn chương cổ, cặp mắt xanh non “Thơ mới” - tiêu biểu hơn hết là Xuân Diệu - ngơ ngác, vui sướng như lần đầu tiên trông thấy trời xanh, hoa lá, bướm ong, cái gì cũng lạ, cũng đẹp, cũng non tươi, cái gì cũng mê, cũng say,...
Nhưng đối với Xuân Diệu, thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất vẫn là vì có con người, con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Thơ xưa lấy thiên nhiên làm chuẩn cái đẹp của con người: Phù dung như diện, liễu như mi - mặt như hoa phù dung, lông mày như lá liễu. Xuân Diệu đưa ra một tiêu chuẩn khác: con người hồng hào, mơn mởn giữa tuổi yêu đương là đẹp nhất. Ấy mới là chuẩn mực của mọi vẻ đẹp trên thế gian này. Con người là thước đo thẩm mĩ của vũ trụ. vẻ đẹp con người trần thế là tác phẩm kì diệu nhất của tạo hóa, đó là ý nghĩa nhân bản của mĩ học Xuân Diệu. Tư tưởng mĩ học ấy đã giúp nhà thơ sáng tạo nên những hình ảnh rất Xuân Diệu:
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Ánh sáng buổi sớm mai như phát ra từ cặp mắt đẹp vô cùng của nàng công chúa có tên là Bình Minh. Nàng vừa tỉnh giấc nồng suốt đêm qua, mắt chớp chớp hàng mi rồi bừng nở ra muôn vạn hào quang. Trong Trường ca sau này, Xuân Diệu sẽ còn sử dụng thành công hình ảnh đó một lần nữa: Mi của ánh sáng thật dài, tia của ánh sáng thật đượm (...). Con mắt điện quang thấu suốt muôn trùng. Nhưng Vội vàng còn có một hình ảnh độc đáo đáng gọi là một sáng tạo tuyệt vời:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Một hình ảnh táo bạo rất Xuân Diệu. Một vẻ đẹp rất trần gian nhưng chỉ có tạo hóa toàn năng mới làm được. Nó gần gũi, có tính nhục thể nữa, nhưng đồng thời lại rất đỗi xa vời, xa vời như một cái gì vô cùng tinh khôi, trong trắng. Nhưng tạo hóa có sinh ra con người để mãi mãi hưởng lạc thú ở chốn địa đàng trần gian này đâu! Đời người có hạn. Tuổi xuân ngắn ngủi. Ôi, thời gian khắc nghiệt! Thực ra từ xa xưa, văn chương đã than thở về sự ngắn ngủi của kiếp người. Người ta gọi là áng phù vân hoặc là bóng câu qua cửa sổ. Nhưng hồi ấy, người ta vẫn ung dung, bình tĩnh. Vì cá nhân chưa tách khỏi cộng đồng, con người còn gắn làm một với vũ trụ, cho nên người chết chưa hẳn là hư vô, vẫn có thể cùng trời đất và cộng đồng tuần hoàn. Nhưng niềm tin ấy còn đâu nữa ở thê hệ các nhà thơ mới đã thức tỉnh ý thức cá nhân! Thế giới luôn luôn vận động, thời gian luôn luôn chảy trôi, có cái gì bền vững đâu, nhất là tuổi xuân, ngày xuân:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Xuân Diệu viết bài thơ này khi mới ngoài hai mươi tuổi, nghĩa là còn rất trẻ. Người trai trẻ ấy nghĩ về mùa xuân như vậy, mới biết sức tàn phá của thời gian như thế nào và thi nhân sợ thời gian trôi qua nhanh như sao! ở cái tuổi ấy, có lẽ ít người nghĩ thế và nhất là viết như thế để giãi bày lòng mình trong thơ. Sự đối lập (đương tới/đương qua), (non/già) để đi đến một kết luận khẳng định về sự đồng nhất giữa mùa xuân và tác giả nói riêng hay con người nói chung. Mùa xuân trôi đi thì cuộc đời con người cũng chấm hết. Cảm thức về sự tàn phá của thời gian thật nhanh và sâu, được nâng lên như một triết lí nhân sinh của Xuân Diệu. Một con người bình thường không thể nghĩ về thời gian, không gian, sợ thời gian trôi nhanh đến mức như thế. Hẳn là trong ông có chứa chất bi kịch của nhà thơ lãng mạn trong thân phận một thi nhân mất nước lúc bấy giờ, hay chính vì ông quá yêu cuộc sống nồng nhiệt và say đắm mà sợ thời gian cướp mất mùa xuân của mình? Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu ở đây, thực ra, suy cho cùng, cũng chính là hệ quả tất yếu phải có của lòng yêu đời, yêu cuộc sống của ông.
Thời gian cướp đi mùa xuân cũng có nghĩa là cướp mất tuổi trẻ của thi nhân. Đây chính là nỗi buồn, nỗi xót đau và lo lắng nhất của Xuân Diệu. Bởi chính ông là con người yêu quý tuổi trẻ nhất và lo sợ thời gian trôi nhanh thì tuổi trẻ sẽ không còn nữa. Điều đó được ông bộc lộ thật chân thành, tha thiết:
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian...
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Làm sao cuộc đời con người lại có hai lần tuổi trẻ? Và khi thời gian đã trôi nhanh thì liệu tuổi trẻ có còn? Như vậy, xuân vẫn tuần hoàn thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì khi tuổi trẻ đã hết? Với Xuân Diệu, cái quý nhất của đời người là tuổi trẻ. Tuổi trẻ là đẹp nhất, cuộc sống thời tuổi trẻ là hạnh phúc nhất, đáng sống nhất. Và điều ông lo sợ nhất là mất đi cái thời quý giá ấy của cuộc sống con người. Nếu không có tuổi trẻ thì cuộc sống con người cũng chẳng còn:
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
Qua cảm nhận về thời gian - cũng là qua nỗi băn khoăn của Xuân Diệu trước cuộc đời - ta thấy hiện lên cái đẹp nhất, hấp dẫn nhất trên cõi đời mà nhà thơ khao khát. Đó là tình yêu mùa xuân, yêu tuổi trẻ, yêu cuộc đời tha thiết như muốn sống mãi trong tuổi trẻ, trong mùa xuân của cuộc đời. Vậy thì làm thế nào bây giờ? Phải cố níu giữ thời gian lại, giữ lấy hạnh phúc, giữ lại những vẻ đẹp của cuộc sống cho mình bằng những ý tưởng thật táo bạo:
Tôi muốn tắt nắng di
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Nhưng không thể được! Vậy chỉ còn một cách thôi: hãy mau lên, vội vàng lên để tận hưởng những giây phút được sống tuổi xuân của mình giữa mùa xuân của cuộc đời, của vũ trụ:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi:
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Vội vàng là một bài thơ rất Xuân Diệu. Xuân Diệu ở trái tim sôi sục, ở cặp mắt xanh non háo hức, ở sự khẳng định cái tôi trong quan hệ gắn bó với đời, ở nhịp thơ hăm hở, cuống quýt, ở hình ảnh rất bạo đầy rẫy cảm giác và có tính sắc dục, ở cú pháp rất Tây phương và lối qua hàng hết sức thoải mái. Tất cả đều trở thành thơ và mỗi câu, mỗi chữ đều mang hơi thơ nồng nàn say đắm của nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới