Nhân vật chính của truyện là An-đrây Xô-cô-lốp. Anh vốn là một người lao động, có cuộc sống "bình thường như cuộc sống của bao người khác”. Nhưng anh lại là một người lính mang trên vai cả gánh nặng của chiến tranh, cả đau thương và chiến thắng, số phận của Xô-cô-lốp được nhà văn lí giải trong mối quan hệ chặt chẽ với số phận lịch sử của nhân dân Xô-viết. Đi qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến thắng của nhân dân Xô-viết đã phải đổi bằng rất nhiều hy sinh, mất mát. Hai mươi triệu người dân Xô-viết hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, chỉ có một trên một trăm thanh niên từ mặt trận trở về. Số phận của một con người, thời đại đã được tác giả triển khai với sức khái quát lớn câu chuyện bình thường của một người lính về cuộc đời của mình với những gian khổ, đau buồn trong chiến tranh đã biến thành những lời trần thuyết đau thương mang âm hưởng anh hùng về lòng dũng cảm, sức chịu đựng, sức mạnh tinh thẩn ghê gớm của người Nga. Qua cuộc đời Xô-cô-lốp, tác giả đặt ra vấn đề nóng bỏng bức thiết đối với con người là: Nhân loại có thể chiến thắng đau thương, chết chóc, sự tàn phá huỷ diệt do bọn Phát- xít gây ra không? có vượt qua thử thách tàn khốc của chiến tranh để phục hồi lại cuộc sống yên bình yên vui không? Từ đống tro tàn đổ nát đau thương của chiến tranh con người có đứng lên đi tiếp được không? Hình tượng Xô-cô-lốp trả lời tích cực cho vấn đề này và khẳng định âm hưởng lạc quan đầy sức mạnh bằng bản lĩnh và lòng nhân ái của con người.
Số phận con người có sức rung cảm vô hạn của chất trữ tình sâu lắng. Nhà văn đã sáng tạo ra hình thức tự sự độc đáo, sự xen kẽ nhịp nhàng giọng điệu của người kể chuyện (tác giả và nhân vật chính). Sự hoà quyện chặt chẽ chất trữ tình của tác giả và chất trữ tình của nhân vật đã mở rộng, tăng cường đến tối đa cảm xúc nghĩ suy và những liên tưởng phong phú cho người đọc.
Đoạn trích kể về việc sau chiến tranh Xô-cô-lốp hoàn toàn trơ trọi, như người mất hồn, anh không muốn về quê hương mà tìm đến ở nhà người bạn ở U-riu-xpin-xcơ. ở đây anh giúp bé Vi-ni-a chừng năm sáu tuổi, một nạn nhân của chiến tranh: cha hy sinh ngoài mặt trận, mẹ chết vì bom phát xít. Va-ni-a không biết mình từ đâu đến. Lòng yêu mến, xót thương đã khiến anh nhận bé Vi-ni-a làm con nuôi. Nhưng số phận vẫn tàn nhẫn với Xô-cô-lốp, kí ức ngay hôm qua thường xuyên vò xé trái tim anh. Nỗi bất công trong đời thường làm anh mất bằng lái xe, mất việc. Kí ức đứa bé cũng làm anh lo nghĩ. Chỉ có tình thương, trách nhiệm, công việc mới làm anh vơi nỗi đau buồn. Đoạn trích cũng nêu được số phận con người bị sự khắc nghiệt của chiến tranh, của cuộc sống nhấn xuống nhưng đã trụ lại được bằng tình yêu, bằng lòng dũng cảm. Đoạn trích gieo vào lòng người đọc một niềm tin yêu cuộc sống, một niềm lạc quan, nhưng không dễ dãi, tô hồng.
Nếu như ở phần đầu của truyện tác giả nói đến những mất mát trong chiến tranh đến với số phận Xô-cô-lôp bản thân anh bị bắt làm tù binh chịu đựng sự tra tấn hành hạ dã man. Khi thoát được trại tập trung trở về với Hồng quân chưa được bao lâu lại nhận được tin đau đớn: Một trái bom phát xít-đã chôn vùi ngôi nhà cùng vợ và 2 con gái. Anh chờ đợi người con trai, niềm hy vọng cuối cùng là một đại uý pháo binh. Nhưng anh được gọi đến nhìn mặt con lần cuối, con trai anh tử trận đúng vào ngày chiến thắng. Đau xót đến tột cùng của một con người bất hạnh.
Phần sau của truyện lại là những đau đớn sau chiến tranh - đau đớn trong tám hồn. Anh tồn tại sau chiến tranh như những con số không trống rỗng. Cái đau khổ nhất của con người sau chiến tranh không chỉ là những gì đã mất đi mãi mãi mà là những gì vẫn còn mãi trong kí ức như một gánh nặng hiện tại của tâm hồn. Xô-cô-lốp nhiều đêm không ngủ "Ban đêm tôi không hề chợp mắt, cứ nhìn vào bóng tối bằng hai con mắt trống rỗng và nghĩ:” ôi cuộc đời vì lẽ gì mà mày huỷ hoại tao, dày vò tâm hồn tao đến như thế?".
Có thể nói rằng cuộc sống giờ đây đối với anh gần như vô nghĩa, gần như sống để tồn tại chứ không phải để tìm niềm hạnh phúc. Trong tâm trí anh hình ảnh người thân cứ chập chờn: "Hầu như đêm nào tôi cũng chiêm bao thấy những người thân đã quá cố". "Ban ngày bao giờ tôi cũng trấn tĩnh được... nhưng ban đêm thức giấc thì gối ướt đẫm nước mắt". Kí ức không bao giờ mất đi mà trở thành một bộ phận nhức nhối trong hiện tại.
Không chỉ con người từng trải như Xô-cô-lốp mới trải qua cảm giác đau đớn ấy mà bé Va-ni-a thơ dại biết bố chết ngoài mặt trận nhưng em vẫn khắc khoải mong đợi ngày bố trở về! Nó đã mong đợi vào sự trống không như Xô-cô- lốp. Niềm khắc khoải ấy hiện ra trong câu thổ lộ ngây thơ đau thương của em "Bố thân yêu của con ơi!" con biết mà! Con biết thế nào bố cũng tìm thấy con mà! Con chờ mãi mong được gặp bố". Và những kí ức thơ dại của bé Vi-ni-a thỉnh thoảng loé lên làm đau đớn cuộc sống hiện tại "Bố ơi! Cái áo bành tô bằng da của bố đâu rồi?".
Sau chiến tranh, dẫu muôn vàn đau đớn anh vẫn phải sống. Có lúc bên bờ vực của men rượu. Nhưng lòng nhân ái đã giúp vượt lên số phận khi trông thấy bé Va-ni-a "Rách bươm xơ mướp mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm bẩn như ma lem, đầu tóc rối bù. Nhưng cặp mắt cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm!”, tình cảm người cha trong anh thức dậy. Anh quyết định "Không thể để cho mình và nó chìm nghỉm riêng rẽ được!". Quyết định nhân ái ấy đã cứu vớt Xô-cô-lốp "Ngay lúc ấy tâm hồn tôi bỗng nhẹ nhõm và bừng sáng lên". Tình thương đã sưởi ấm tâm hồn, lấn đầu tiên sau bao nhiêu năm anh được ngủ một giấc yên lành. "Tôi thức giấc thấy nó rúc vào nách tôi như con chim sẻ dưới mái rạ, ngáy khe khẽ. Tôi thấy lòng vui không lời nào tả xiết".
Nhận bé Va-ni-a làm con nuôi, anh có thêm trách nhiệm chăm sóc bé Vania và trách nhiệm với tương lai của bé. Anh gánh tất cả nỗi cực nhọc lên vai mình (xoay xở với cuộc sống), giành cho bé Va-ni-a những gì tốt đẹp nhất. Xô- cô-lốp vẫn khôn nguôi được nỗi buồn. Anh vẫn phải luôn thay đổi nơi ở cho khuây khoả "Cuốc bộ khắp nước Nga" cõng bé Va-ni-a trên vai. Trong tinh thần ấy anh coi việc bị tước bằng lái xe một cách oan uổng là rắc rối vặt chẳng có nghĩa lí gì. Anh vẫn phải tiếp tục vượt qua rất nhiều trở ngại cuộc sống bằng nghị lực và lòng nhân ái để sống có ý nghĩa :"Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ... cái gì đang chờ đón họ phía trước? Thiết nghĩ rằng con người Nga đó, con người có ý chí kiên cường sẽ đứng vững được! Và sống bèn cạnh bố, chú bé kia một khi đã lớn lên sẽ có thể đứng đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên đường, nếu như Tổ quốc kêu gọi".
Số phận con người của Sô-lô-khốp đã khiến ta suy nghĩ nhiều hơn đến số phận của từng con người cụ thể sau chiến tranh. Tác phẩm đã khẳng định một cách viết mới về chiến tranh: không né tránh mất mát, không say với chiến thắng mà biết cảm nhận chia sẻ những đau khổ tột cùng của con người sau chiến tranh. Từ đó mà tin yêu hơn đối với con người, số phận con người khẳng định sức mạnh của lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, nghị lực con người. Tất cả những điều đó sẽ nâng đỡ con người vượt lên số phận.