Một học sinh mới chuyển vào lớp tôi. Cậu ta tên là Tùng. Mới nhìn cậu, ai cũng thấy khó chịu với chiếc áo sờn cũ, đã dần chuyển sang màu cháo lòng, nhất là khi ở một trường có nền nếp như trường của tôi. Cậu ta trầm tính. Trong các tiết học, khi bạn bè đang bày ra đủ trò tinh quái, cậu chỉ cắm cúi ngồi chép bài. Vì vậy, chúng tôi càng ghét cậu ta hơn. Có vẻ thầy Toàn chú ý đến cậu thì phải.
Một lần, cậu ta ngủ gục ngay trong tiết thực hành máy tính. Lũ chúng tôi tranh nhau thưa với thầy. Thầy Toàn chẳng những không gắt mà bắt lũ chúng tôi phải im lặng để bạn chợp mắt một lát vì thầy cho rằng mấy phút đó giúp bạn lấy lại được thăng bằng khi tỉnh dậy và sẽ tiếp thu bài tốt hơn. Đã thế thầy còn bắt tôi ngồi cùng bàn để giúp đỡ Tùng. Tôi càng ghét nó tợn bởi sự thiên vị của thầy.
Vài tháng sau, trời trở rét, thế mà Tùng vẫn đến lớp với một chiếc áo mỏng manh và chiếc quần bạc màu sờn cũ. Hiện tượng đó khác với chúng tôi, đứa nào cũng ấm, cũng đẹp, đây chẳng là lớp chuyên mà. Nhìn Tùng môi thâm đi vì lạnh, hai hàm răng va vào nhau, nhất là nó ngồi cạnh ô cửa sổ bị vỡ kính, tôi mong nó sớm ốm lăn quay ra để biết sợ cái lạnh, biết nhận ra nó khác với chúng tôi biết bao. Nó nên đi lớp khác thì hơn!
Quả là cầu được, ước thấy, những hôm sau đó, Tùng vắng bóng ở lớp. Các bạn có hình dung nổi cái ác ý của tôi sung sướng, hả hê đến thế nào không? Một mình một bàn, tôi thích chí lắm. “Cái của” đầy khó chịu đó biến mất rồi.
Hôm sau sao thầy Toàn vào lớp muộn. Điều này chẳng thích hợp với tính cách của thầy tí nào. Thầy vốn chính xác như một chiếc đồng hồ báo thức loại xịn. Cứ trống đánh ngay tiếng đầu tiên là đã xuất hiện bóng thầy nghiêm chỉnh đứng bên cửa lớp.
Đôi khi muốn nói nốt, cười nốt, đùa nghịch nốt cũng khó. Vậy mà hôm đó, ngóng mãi mới thấy thầy vào lớp. Cả lớp nín lặng khi thầy Toàn xuất hiện trên bục giảng. Khuôn mặt thầy đanh lại, nước da tái hơn, đôi mắt nặng trĩu lo âu. Thầy báo cho chúng tôi biết Tùng bị viêm gan B, phải đi nằm viện và cũng nói rõ đây là bệnh dễ lây nên cả lớp chưa nên tới thăm. Chỉ có thầy qua lại với bạn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ đế tránh lây lan. Thầy phân công người chép hộ bài học cho bạn và khuyên chúng tôi nên qua lại thăm nom, giúp đỡ mẹ Tùng.
Ngay trưa hôm đó, với tư cách là bạn cùng bàn, tôi cùng mấy bạn cán bộ lớp tìm tới nhà Tùng. Ngôi nhà nằm sâu hút trong cái ngõ của những người lao động. Chúng tôi ngỡ ngàng khi bước chân vào nhà Tùng. Căn nhà bán mái chỉ hơn chục mét, đồ đạc không có gì đáng giá, nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Bên cạnh cửa sổ là chiếc bàn học xinh xắn đóng bằng gỗ thùng vì còn chữ ghi tên hàng, tên người, không có sơn hoặc véc ni phủ lên. Sách vở không nhiều nhưng ngăn nắp, như nói rõ chủ nhân của nó là người nghiêm túc học hành. Góc nhà có một chiếc giường nhỏ, một tủ nhỏ trên có chiếc ti vi đen trắng, một bộ bàn ghế đã bạc phếch theo thời gian dùng để tiếp khách. Nghe mẹ Tùng với lời nói yếu ớt và lo âu kể về gia cảnh, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều và tự oán ghét mình quá. Tôi thấy thương Tùng và ân hận vô cùng, học cùng bạn đã gần năm trời mà sao tôi không hiểu nhà Tùng quá nghèo. Sao không hiểu rằng đứa bạn của mình ngày đi học, chiều về đỡ đần việc nhà cho mẹ. Tối tôi, Tùng còn phục vụ cho hàng phở đầu ngõ để lấy tiền học.
Phải chăng đây là nguyên cớ của những giây phút mệt mỏi ngủ gục tại lớp.
Bố Tùng đã hi sinh ở biên giới phía Nam. Mẹ Tùng là công nhân cơ khí của nhà máy cơ khí Hà Nội, nhưng sức khỏe yếu, nhất là bệnh thấp khớp biến chứng khiến bà đau ốm liên miên phải về nghỉ mất sức. Thời gian đầu mẹ bán xổ số ở góc phố để có thêm đồng rau cháo. Sau yếu dần, mẹ không làm thêm nữa, hai mẹ con phải sống dựa vào đồng lương ít ỏi của mẹ và tiền trợ cấp liệt sĩ của bố. Mẹ thương Tùng mồ côi sớm, gia cảnh quá khó khăn và lo lắng cho bệnh tình của Tùng. Mẹ khen Tùng rất có chí trong học tập. Mẹ kể, thầy Toàn và các thầy, cô trong trường giúp đỡ mẹ con Tùng rất nhiều.
Thương bạn bao nhiêu tôi càng tự thấy thói ích kĩ, hẹp hòi của một con bé được cưng chiều như tôi thật đáng ghét bấy nhiêu. Bây giờ nhìn lại, tôi mới thây mình xấu xa. Tôi mong được sớm gặp Tùng để nói lời xin lỗi, để được giúp đỡ bạn. Hi vọng từ nay các bạn khác cũng sẽ chia sẻ sự thông cảm và thương yêu giúp đỡ Tùng được nhiều hơn.
Bầu không khí lớp tôi từ sau đó khác hẳn. Chúng tôi không còn chỉ biết học, biết nhòm ngó, so bì nhau về điểm nữa. Điều quan tâm của lớp là sức khỏe của Tùng. Chúng tôi cùng đập lợn tiết kiệm góp vào để thầy Toàn mua thuốc cho bạn. Cả lớp, chẳng ai bảo ai nghe lời thầy răm rắp, học chăm và giỏi hơn nhiều !
Tôi rất yêu và gắn bó với thầy giáo và bạn bè quá. Ước mong sao, trên con đường đi tới, tôi gặp được nhiều thầy, cô như thầy Toàn yêu quý của chúng tôi.