Bốn câu thơ đầu, tác giả miêu tả mùa thu trong bối cảnh không bình thường:
"Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm".
Dịch thơ:
"Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt khí thu lòa,
Lưng trời sóng dợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa".
Với thi ca cổ, rừng phong lá đỏ từng là biểu tượng đẹp đẽ, hoành tráng của mùa thu. Ở đây thì không có gam màu ấy, chỉ có rừng phong ngập chìm trong sương thu. Hai chữ "điêu thương" đối nghịch với mùa thu lãng mạn. "Ngọc lộ" (sương móc) không phải tạo nên cái đẹp mà là nỗi "điêu thương" (tiêu điều) bao trùm lên rừng cây phong. Những câu thơ sau đó đã củng cố thêm cái dự cảm không yên ổn. Những địa danh như vúi Vu, kẽm Vu từng nổi tiếng vì sự hiểm trở được miêu tả rất sinh động. Hơi thu hiu hắt, có khí mù mịt, có sống nhảy tận trời, có mây gió tựa cõi âm. Không gian đầy bất trắc là hiện thực nơi cửa ải, vốn đã sẵn nỗi buồn cho người xa xứ.
Nửa sau của bài thơ đã mang theo những tâm sự của thi sĩ:
"Tùng cúc lưỡng khai the nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đạo xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm".
Dịch thơ:
"Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà
Lạnh lùng giục kẻ tay đạo thước
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà"
(Nguyễn Công Trứ dịch)
Nỗi buồn li biệt đã khiến hoa cúc hơn một lần rơi lệ. Những khóm cúc qua mùa thu những tưởng thêm hương thêm sắc, hóa ra chỉ thêm giọt lệ. Lệ của hoa và nước mắt của người. Và tấc lòng hướng về nơi quê cũ vườn xưa thanh bình như một mối dây ràng buộc, như neo lại con thuyền cô quạnh, con thuyền định mệnh từng lênh đênh theo nhà thơ, kể cả lúc trở về với cõi vĩnh hằng. Chủ đề của bài thơ, tâm sự của tác giả được gửi gắm nhiều trong hai câu thơ vào hàng tuyệt tác của bài này nói riêng cũng như của thơ Đường nói chung:
"Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà"...
Hai câu thơ là một tiểu đối hoàn chỉnh về âm, về ý, lại như những giọt nước mắt cô đọng sâu thẳm cảm xúc.
Đến hai câu thơ cuối, tác giả trở về với hiện thức mắt thấy tai nghe nhưng cũng rất gợi cảm:
"Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà".
Ở đây, câu chuyện chuẩn bị áo rét cho mùa đông sắp đến cũng rất xúc động. Cái lạnh lùng của thời tiết khiến nơi lo may cắt, giặt giũ, chuẩn bị áo ấm. Trong thơ cổ Trung Quốc, tiếng chày đập lụa giặt áo có sức gợi rất lớn. Nó là tập quán, là biểu tượng. Bạch Cư Dị từng có bài thơ "Nghe tiếng chày đêm". Tiếng chày có bâng khuâng về nỗi nhớ ấm lạnh, về sự từ giã lúc chuyển mùa, về tình cảm đôi lứa... Ở hai câu thơ này, những từ như "xứ xứ", "cấp" cùng các từ "thôi xích", "Bạch đế thành" còn gợi về khung cảnh binh đao, về thời buổi loạn lạc, nội chiến mà nơi nơi đang phải gánh chịu.
Thơ Đỗ Phủ rất có linh hồn nên không gò theo luật lệ Đường thi với bố cục: đề - thực - luận - kết. Hai phần rõ rệt của bài: bốn câu đầu có nhiều yếu tố ngoại cảnh, bốn câu sau nhiều tâm sự. Bài Cảm xúc màu thu gắn liền với thẩm mĩ thơ ca cổ, nhưng cũng rất mới mẻ. Do gắn liền với cảnh đời thực nên sức tả, sức gợi cũng rất lớn. Chính chất hiện thực đã làm nên sức sống mạnh mẽ cho bài thơ này.