Rắn đinh như lời tổng kết chiến công được chạm khắc vào núi đá. Nhưng đây là lối tổng kết nghệ thuật nên hai câu thơ tạo một sức gợi thật lớn. Hai trận chiến thắng trở nên có thần, trở nên đặc sắc, trở nên mối quan hệ thúc đẩy nhân quả.
“Đoạt sáo” là giật lấy, giành lấy một cách dễ dàng chiếc giáo trong tay địch thủ. Câu thơ gợi về một cuộc hỗn chiến ác liệt trên bến Chương Dương. Ban đầu dường như cân sức nhưng sau những trận đòn chí mạng, kẻ thù đứng trân trối để quân ta quyết định. Hình ảnh từng chiếc giáo bị tước đoạt gợi cho ta một đám hàng binh đang nhẫn nhục bất động. Và cái đống gươm giáo, cờ xí, giáp trụ của kẻ thù đang chất đầy thành đống. Kẻ thù giờ là những bị thịt chờ “thần vũ thể long trời mở đường hiếu sinh” mà thôi!
“Đoạt sáo” là tư thế hết sức chủ động. Chủ động vì đã chế ngự và làm tê liệt kẻ thù. Chủ động nhưng có cái kiêu hãnh của nhân, cách người chính nghĩa, người anh hùng: “Đoạt sáo” là rất bình tĩnh đối mặt với kẻ thù, dùng cái tư thế, cái hành động ấy để cho thấy sức mạnh nội lực đủ sức trấn áp chúng.
Chữ “cướp” trong bản dịch gợi không khí căng thẳng trong xung trận hơn là cái không khí kết thúc một trận đánh. Chữ “giặc” trong bản dịch thơ không có trong nguyên tác. Có lẽ chữ Hổ trong câu hai đã định hướng cho ta cái chữ “giặc” mà người dịch muốn làm rõ nghĩa.
Nếu dịch:
Bến Chương Dương cướp giáo
Cửa Hàm Tử bắt thù.
thì có lẽ sát nguyên văn và vì thế mà rõ hơn cái dụng ý của Trần Quang Khải khi muốn đặt quan hệ kết quả của câu thơ thứ nhất liên quan đến câu thơ thứ hai.
Chiến thắng Chương Dương quân ta đã hoàn toàn chủ động đoạt vũ khí của giặc thì tất yếu ở Hàm Tử quân ta đã đầy đủ thế và lực để bắt sống giặc. Sức mạnh của quân ta đã đánh gục cả sức mạnh vật vật chất lẫn ý chí của kẻ xâm lược! Từ hàng binh đến việc bắt cầm tù kẻ thù là hai hành động kế cận rất logic.
Trần Quang Khải không nói gọn địa danh như bản dịch thơ mà xác định địa điểm rất cụ thể: “bến Chương Dương”, “cửa Hàm Tử”. Hình tượng văn học nào cũng yêu cầu rất cao tính cá thể. Tuy nhiên, hai tiếng “bến” và “cửa” gợi cho ta về hai trận đánh thủy, bộ, hai trận đánh đặc biệt. Quân ta có thể đưa kẻ địch “vào bẫy” của mình và hoàn toàn có thể tác chiến thành công ở mọi tình huống.
Khả năng thao lược của những vị tướng thời Trần rất đáng cho ta khâm phục. Chẳng thế mà lần đầu tiên trong lịch sử quân sự Việt Nam, thời Trần, Hưng Đạo đại vương đã soạn “Binh thư yếu lược”. Có lẽ do ảnh hưởng về quan niệm của ngôn ngữ phương Tây cho rằng danh từ riêng chỉ có ý nghĩa duy nhất là định danh nên chúng ta ít khi quan tâm tới bốn tiếng: Chương Dương và Hàm Tử. Có lẽ cắt nghĩa nó để bổ sung nghĩa cho hai câu thơ sẽ có nhiều điều thú vị. “Chương Dương” gợi về sự chói lọi, sáng sủa của một chiên công; “Hàm Tử” gợi về cái chết của một đội quân xâm lược.
Cần lưu ý, về mặt lịch sử, trận Hàm Tử diễn ra tháng 4 năm Ất Dậu, trận Chương Dương lại là tháng 6 năm Ất Dậu. Thế nhưng đọc bài thơ ta có cảm giác nhờ có Chương Dương mới có Hàm Tử. Rõ ràng logic của cảm hứng đã lấn át lôgic thời gian. Có lẽ Chương Dương là chiến công vừa xảy ra. Nhờ nó mà Thăng Long được giải phóng. Nhờ nó mà hôm nay đây, Trần Quang Khải đã hộ tống Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và nhà vua Trần Nhân Tông về kinh đô trong niềm vui chiến thắng. Lịch sử trong tư duy thơ của Trần Quang Khải đã đi theo con đường nghệ thuật đầy ẩn dụ và “nghịch lí”.
Trong những lời văn ngắn gọn có vẻ lạnh lùng của hai câu thơ, ta thấy những cảm xúc rạo rực hân hoan và đầy niềm kiêu hãnh bị nén chặt lại. Dù rất cô đúc nhưng đằng sau hai dòng thơ đầu ta cảm nhận được không khí chiến thắng, thấy hào khí Đông A của quân dân Đại Việt, thấy hình ảnh hiên ngang của Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải sau những cuộc đọ sức đọ tài với quân thù.
Niềm vui chiến thắng không khải hoàn, bung nở thật trọn vẹn trong tấm và trí vị Thượng tướng thái sư. Với tư cách là một rường cột của quốc gia triều đình, Trần Quang Khải suy tưởng, dự cảm về hiện tại và tương lai dân tộc.
Thông thường trong ngày vui của cả một dân tộc ăn mừng chiến thắng, nếu có ai đó quá lãng mạn nghe được cả tiếng chim chóc nhảy nhót hót chơi trong tóc của mình; thấy được tim mình “bỗng hóa mặt trời” để rồi say giấc mơ thần thánh, để rồi:
... Ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man tiếng nhạc,
(Huế tháng tám - Tố Hữu)
là điều dễ hiểu.
Trần Quang Khải có quyền say mê như thế. Và có thể còn hơn như thế. Bởi vì ông là Tôn thất nhà Trần, là vị tưởng quyết định trận Chương Dương. Chỉ riêng được phò xa giá nhà vua về kinh cũng đủ thấy ông có uy tín và được đánh giá công sức lớn đến mức nào. Quả thật, đây là một “công thần” nhưng trong đầu óc chẳng công thần. Vâng, từ “công thần” là người ta muốn nói tới những kẻ cậy công, ỷ thế có chức tước mà tự tung tự tác vì quyền lợi ích kỉ của mình.
Câu thở cuối xác định một niềm tin chắc nịch về phía tương lai. Đây là niềm tin có cơ sở. Chính hai câu đầu là điều kiện, là nguyên nhân để cho Trần Quang Khải viết hai câu sau. Như vậy có ba cặp quan hệ nhân quả: 1 và 2; câu 2 và 3, rồi hai câu đầu và hai câu sau. Chính cấu trúc nghĩa này đã đông đặc bài thơ trong một niềm cảm hứng vừa mạnh mẽ, hào hứng vừa kết đọng suy tư; vừa nối hiện tại “Giang san này” với quá khứ gần của chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử; vừa nối “Giang san này” với “vạn cổ” xa xưa. Câu thơ cuối:
Giang sơn này như vạn năm xưa
Nối lịch sử hiện tại với quá khứ để cho ta thấy vững tin nhìn vào nền thái bình muôn đời, muôn thuở. Câu thơ ngoảnh về quá khứ mà nói với tương lai. Đúng là: “Cả quá khứ tương lai soi mình trong hiện tại” (Tố Hữu). Có điều, hiện tại ấy là thời điểm chúng ta tiếp quản Thăng Long, khi mà triều đình nhà Trần đang phấn chấn tiến về thủ đô. Và vua Trần Nhân Tông chuẩn bị hạ hai câu thơ lừng danh:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá .
Non sông nghìn thuở vững âu vàng
Trần Quang Khải đã nghĩ tới “giang sơn”, tới trăm họ trước khi nghĩ về xã tắc tông miếu!