Tiểu Thanh là một người con gái tài sắc, nhưng phải làm lẽ mọn, bị hành hạ vì ghen tuông và đã chết khi còn trẻ. Tập thơ của Tiểu Thanh bị vợ cả đốt hết, chỉ còn lại một số bài gọi là “Phần dư”. Nguyễn Du đã đọc những bài thơ này, viếng nàng và khóc thương cho số phận của nàng.
Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí thể hiện tình thương cảm, xót xa trước số phận người phụ nữ tài hoa bị vùi dập và chết trong oan ức. Nguyễn Du cũng tự cảm nhận về thân phận bi thương của chính mình:
“Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiền hạ hà nhân khấp Tố Như?”
Dịch nghĩa:
“Vườn hoa bên Hồ Tây đã thành bãi hoang rồi
Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ
Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở.
Những mối hận kim cổ khó mà hỏi trời được
Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã
Không biết hơn ba trăm năm sau
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”
Dịch thơ:
“Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
(Vũ Tam Tập dịch)
Nhan sắc xưa chỉ còn là nấm mộ. Tài hoa xưa chỉ còn lại một “phần dư”. Nhưng cuộc đời ấy, những câu thơ ấy đã khiến Nguyễn Du xúc động.
Tác giả viết về địa danh Tây Hồ (ở Trung Quốc), nơi phồn hoa xưa kia, nhưng cảnh đẹp cũ không còn, tất cả đã là quá khứ lụi tàn. Tây Hồ là nơi khởi hứng. Cảm xúc của nhà thơ mang tâm trạng u hoài. Cái “dâu bể” của trời đất đã khiến cho Tây Hồ là nơi “hoa uyển” xưa kia, giờ trở nên hoang tàn (“thành khư”). Và giữa cái cảnh tượng gợi ra tâm trạng hoài cổ ấy, nhà thơ đã khóc Tiểu Thanh, viếng nàng qua một cuốn sách cũ để lại:
“Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”
(Vườn hoa Hồ Tây đã thành gò hoang rồi
Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ)
Trong hai câu thực, Nguyễn Du đã ca ngợi tài sắc của Tiểu Thanh:
“Chi phấn hữu thằn liên tử hậu
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư”
(Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở)
Nguyễn Du đánh giá rất cao Tiểu Thanh. Ông quá xúc động trước những số phận tài sắc bị vùi dập. Vẻ đẹp diệu kì, nét anh hoa đến mức “có thần” trở nên bất tử còn tiếp nối đến ngày sau (“liên tử hậu”). Và văn chương không có số mệnh nhưng vẫn còn làm liên luỵ đến muôn đời. Tác giả suy nghĩ về sự ra đi của sắc đẹp, của tài hoa, làm cho người đời nuối tiếc. Giai nhân sẽ sống mãi với thời gian cũng như văn chương sẽ mang mãi vẻ đẹp vĩnh hằng.
Trong hai câu luận, tác giả nâng cảm xúc lên thành một vấn đề lớn, có ý nghĩa sâu xa, vượt những giới hạn của không gian và thời gian:
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư”
(Mối hận cố kim khó mà hỏi trời được
Ta tự coi như người cùng hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng này)
Nỗi oan trái trong số phận Tiểu Thanh được nâng lên thành nỗi đau kim cổ. Với con mắt của Nguyễn Du, đó là một quy luật nghiệt ngã mà con người thật sự bất lực. Nhưng Nguyễn Du đã đồng cảm sâu sắc với những số phận tài hoa bạc mệnh như Tiểu Thanh.
“Tài mệnh tương đô” là quan niệm đã có từ xưa. Cái “sắc”, cái “tài” thường đi với tai ương, đó vừa là nghịch lí, vừa là hiện thực trớ trêu ở đời. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã từng viết:
“Thương thay cùng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi”
hay:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Ở đây, Nguyễn Du đã kí thác tâm sự của cuộc đời thi sĩ, nghĩ về người và cũng ngẫm về mình. Một nàng Tiểu Thanh có tài, có sắc vướng vào vòng oan nghiệt. Tiểu Thanh bị đầy đoạ, chết khi còn trẻ và những sáng tác của nàng cũng cùng chung số phận, bị lưu lạc, đốt bỏ. Tố Như đã khóc cho nàng và cũng khóc cho mình:
“Phong vận kì oan ngã tự cư”
(Ta tự coi như người cùng hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng này)
“Phong vận kì oan” là nỗi oan lạ lùng của những người hào hoa phong nhã. Những nét đẹp lẽ ra được cuộc đời tôn vinh, nhưng rốt cục lại phải chịu hậu quả nghiệt ngã. Một nàng Tiểu Thanh phải lìa đời lúc còn xuân sắc, một thi nhân có tài văn chương mà không có mệnh thành đạt như Nguyễn Du thì khác gì nhau? Đó là bất công ở đời. Một gia đình phong kiến hà khắc không dung nạp nổi con người tài sắc như Tiểu Thanh. Xã hội phong kiến hẹp hòi không dung nạp nổi Nguyễn Du.
Khi xã hội quay lưng với trí thức, với tài hoa, đoạn tuyệt với lòng nhân ái..., thì cũng là lúc những người như Nguyễn Du tự than thân trách phận cho mình và cho người. Tiểu Thanh bị đầy đoạ, bị ruồng bỏ cả về thân xác lẫn tâm hồn. Những trang thơ đa sầu và giàu mĩ cảm của nàng đã không được trân trọng. Cái đẹp trong văn chương cũng như cái đẹp ở đời đã không có đất sống. Cho nên Nguyễn Du khóc cho nàng, xót xa khi nghĩ đến hậu thế:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?”
(Không biết hơn ba trăm năm sau
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)
“Ba trăm năm” chắc chỉ là con số ước lệ, ý nói nhiều năm về sau. Nàng Tiểu Thanh phải mang nỗi “kì oan” và đã tìm thấy kẻ tri âm đồng cảm là Nguyễn Du. Còn Nguyễn Du, ba trăm năm nữa có ai nhỏ giọt nước mắt như thi nhân bây giờ khóc người “hồng nhan bạc mệnh” hay không? Tiếng thơ là tiếng lòng, đi tìm người tri âm nơi hậu thế. Nhưng sự cô đơn vô hạn vẫn là một cảm xúc bao trùm.
Những tâm hồn đồng cảm, đồng điệu đã tìm gặp nhau. Giữa sự sụp đổ, băng hoại; lụi tàn, còn những giọt nước mắt đồng cảm. Thật đáng trân trọng biết bao!
Nguyễn Du từng mơ ước một xã hội biết trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp, những tài hoa. Nhưng sinh thời, cụ Nguyễn đã không tìm được, cũng không hình dung được một xã hội như vậy. Cho nên nỗi đau của Nguyễn Du thật là sâu xa và tuyệt vọng.
Nhưng chưa đầy ba trăm năm sau, những thế hệ khác bắt đầu có những cảm nhận mới mẻ và lạc quan hơn. Đó là con người của thời đại chúng ta.
Cảm ơn nhà thơ Tố Hữu đã nói hộ nỗi lòng của tất cả chúng ta, những con người của thời đại Hồ Chí Minh đã không những đồng cảm sâu sắc với Nguyễn Du mà còn tìm ra được lời giải đáp cho những bất công, oan trái mà nhà thơ đã luôn canh cánh trong lòng. Tố Hữu viết:
“Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người”.
(Kính gửi cụ Nguyễn Du)