Tất nhiên như vậy là đúng. Nhưng trong câu hỏi phụ này lại dường như có chứa đựng một ý nghĩa lớn. Người ta bao giờ cũng cần biết ý thích của những người thân, của đồng chí, của bạn bè quen thuộc. Chẳng có gì khiến ta vui thích bằng được người khác quan tâm, mà theo truyền thống lâu đời thì sự quan tâm đó thường thể hiện trong những bữa cơm khách, làm sao cho người nào cũng được hài lòng trong bữa ăn chung.
Muốn vậy phải biết được khẩu vị của từng người. Không phải là ngẫu nhiên mà vào những ngày vui dù lớn, dù nhỏ của gia đình, người nội trợ đảm đang bao giờ cũng cố làm những món ăn hợp ý thích của nhân vật chính trong ngày vui đó. Và cũng không phải là ngẫu nhiên mà người ta bao giờ cũng muôn mời khách ăn những món ăn mà khách yêu thích, chứ không phải bất kì món gì tiện mua ở cửa hàng. Điều đó vừa thể hiện sự lịch thiệp, vừa thể hiện lòng tôn trọng đối với khách.
Tôn trọng ý thích, thói quen của người khác là một trong những bổn phận đầu tiên của con người trong xã hội. Cho ý thích của mình là nhất - đấy là một biểu hiện thiếu văn hóa và bất lịch sự.
Plutác, nhà văn cổ Hy Lạp, kể lại rằng một hôm Xêda ăn cơm tại nhà người khác. Chủ nhà mời khách ăn măng tây nhưng không phải là trộn với dầu ôliu mà với một thứ gia vị khó ngửi. Chủ nhà chẳng có ác ý gì nhưng quen ăn như vậy và cho thế là ngon. Chỉ riêng các mùi thức ăn lạ kia đã đủ làm cho cả Xêda lẫn bạn bè của ông lợm giọng. Nhưng Xêda vẫn thản nhiên ăn món ấy và quay sang những người bạn đang tỏ ý phàn nàn, ông nói: “Nếu các bạn không thích món gì thì các bạn không ăn món đó, thế là đủ. Còn nếu ai chê trách người ta là ngu thì chính người đó là ngu”.
Chắc các bạn đã từng gặp những người khi thấy người khác đang ăn món gì đó một cách ngon lành chẳng nghĩ gì đã vội kêu lên: “Khiếp, thế mà cũng ăn được!”. Họ không thích món ăn ấy và nghĩ rằng người khác cũng phải không thích như họ. Hơn nữa họ còn oang oang nói lên điều ấy mà chẳng nghĩ đến chuyện mình dã xúc phạm đến người khác.
Nhưng nếu như có ai chê những món ăn mà họ thích thì họ lại phát khùng vì cho đây là những món ăn tuyệt diệu.
Trên đất nước ta có hàng chục dân tộc khác nhau và mỗi dân tộc lại có những món ăn riêng quen thuộc với họ. Thường thường, các dân tộc cố gắng trao đổi kinh nghiệm nấu nướng, vì mỗi dân tộc, trong quá trình lịch sử của mình, đều tích lũy được những kinh nghiệm quí báu cho tất cả mọi người trong lĩnh vực đời sống không phải là không quan trọng này. Và không phải tự nhiên mà trên báo chí người ta thường đãng cách nấu nướng món ăn của các dân tộc.
Ngày nay, người ta ưa đi lại nhiều và trong mỗi chuyến đi thế nào người ta cũng được làm quen với những món ăn địa phương. Phải chăng là không thú vị khi được nếm món chả nướng của Grudi, món cơm trộn thịt hoặc cá có gia vị của Udơbếch, món ăn cay của Mônđavi, v.v...?
Có lẽ cũng có những thứ không phải ai cũng thích ăn, thí dụ như thịt ngựa mà nhiều dân tộc ưa chuộng. Nếu hoàn cảnh cho phép, ta có thể lịch sự mà từ chối một món ăn nào đấy. Nhưng tất nhiên không nên chế nhạo, phỉ báng, chê rằng món này món kia không ăn được, vì đó là thói quen của cả một dân tộc!
Chê bai thô lỗ dù chỉ là một món ăn cũng có thể làm tổn thương đến tình cảm dân tộc, làm phật lòng những chủ nhân mến khách, vì họ không hiểu tại sao khách lại chê món mà họ vẫn cho là ngon.
Chúng ta đã thấy vấn đề món ăn yêu thích không phải là một chuyện nhỏ mọn, không có ý nghĩa gì. Nó gợi cho ta nghĩ đến sự lịch thiệp, tế nhị và sự quan tâm chú ý đến con người.