Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bình giảng bài Tương tư của Nguyễn Bính (Bài 3)

Thứ hai - 27/06/2016 09:52
Hình như một chính trị gia đã phát biểu rằng: "Điều quan trọng nhất trong cuộc đời không phải ở những cột mốc mà ỏ những khoảnh khắc" Tình yêu và hôn nhân - đó là những gì ta khao khát vươn tói. Nhưng lưu lại sâu đậm nhất trong trái tim ta đâu cứ phải là ngày đầu tiên gặp gỡ, ngày nhận lời yêu, ngày đeo nhẫn cưới... Có khi cái vùng mênh mông luôn phập phồng trong lồng ngực lại để dành cho những khoảnh khắc khó phai mà thi sĩ Nguyễn Bính gọi đó là "bệnh của tôi yêu nàng" - căn bệnh mà cả nhân loại đều không tránh khỏi: "tương tư". Phải chăng vì thế mà ngay từ khi ra đời và in trong tập Lỡ bước sang ngang năm 1940, bài thơ Tương tư đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của những cặp tình nhân, của những trái tim đang nhen nhóm ngọn lửa tình.
Toàn bài thơ là sự tuôn chảy mãnh liệt các cảm xúc phức tạp trong những khoảnh khắc ngưng đọng hoặc trào dâng của tâm trạng. Khảo sát những mạch cảm xúc của chàng trai trẻ trong bài thơ cũng là khảo sát cảm xúc muôn thưở của những người đang gõ cửa vườn yêu: bắt đầu là sự thừa nhận, lí giải căn bệnh tương tư, sau đó là những trách cứ, hòn giận "một mình mình biết, một mình mình hay", những mong mỏi, chờ đợi và kết lại là khao khát dịu ngọt về một sự đồng vọng lấp lánh ánh sáng của một hôn nhân hạnh phúc.
 
Bốn câu thơ đầu có thể gọi là lời tự thú của nhân vật trữ tình:
 
"Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
 Một người chín nhớ mười mong một người,
Giỏ mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng".
 
Nếu ai đó bảo rằng tự thú là không khôn ngoan thì chàng trai ở đây lại hoàn toàn ngược lại. Có thể khẳng định rằng: lời tự thú này rất đáng yêu và rất thông minh. Chúng ta hãy xem cách lí giải và bào chữa của chàng. Ngay mở đầu bài thơ, tác giả đưa ra hai hình ảnh "thôn Đoài", "thôn Đông”. Đó thực ra chỉ là những địa danh phiếm chỉ giống như trong ca dao, cổ tích. Cách xếp đặt từ ngữ của Nguyễn Bính rất tinh tế: cụm từ "một người" được đặt ở hai vị trí đầu và cuối câu thơ, thành ngữ "chín nhớ mười mong" như một chiếc cầu nối chở đầy tình cảm của chàng trai, trải mãi về phía cô gái. Đặc biệt sự mong mỏi tình cảm đáp lại vô cùng to lớn nên cái cầu ấy hình như còn làm một nhiệm vụ nữa là chờ đợi bước chân nàng bước lên. Câu thơ của Nguyễn Bính sao cứ ngọt ngào ngân lên câu ca dao hôm nào:
 
"Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang"
 
Sư thông minh của chàng trai không dừng ở đấy. Chàng nâng nỗi nhớ mong ấy lên thành một căn bệnh, mà là căn bệnh hiển nhiên như một quy luật!. Bởi vì chàng trai khôn ngoan đã đặt tình cảm của mình đối ứng với chuyện gió mưa thường tình của trời đất. Mà lại đặt "đối" đôi với "giời" thì tức là cái tôi của chàng to lớn lắm và tình yêu của chàng cũng vĩ đại lắm. Phải chăng có chính là cái cựa mình của "Thơ mới” đang cọ sát với "con người nhà quê" trong Nguyễn Bính. Để rồi tâm trạng ấy được gọi tên một cách chính xác: 'Tương tư". Như vậy quá trình lí giải đó chàng trai đã toàn thắng.
 
Tám câu thơ tiếp theo là sự trách móc đầy mâu thuẫn của chàng:
 
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đò ngang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...
 
Có phải vì thông minh mà chàng trai cho phép mình giận hờn vô lí như vậy không? Đoạn thơ liên tiếp những từ nghi vấn: "cớ sao...?", "bảo rằng", "nhưng', "mà"... Chung quy lại cũng chỉ vì nhớ, vì không được gặp nàng đó thôi. Vì thế những giận hờn vô lí kia đều trở thành có lí. Nhà thơ tài hoa chỉ dùng một câu thơ đã cân bằng tất cả những phi lí ấy - một câu trả lời nằm ngay trong giả thiết:
 
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
 
Khi nhớ mong "ba thu dổn lại một ngày" là chuyện tất nhiên nhưng thòi gian dằng dặc ở đây là có thật. Câu lục nếu ta ngắt nhịp 2/2/2 thì thời gian chẳng khác nào con thoi cứ tuần hoàn, đều đều và buồn tẻ, nó gợi một cảm giác mòn mỏi. Nếu ta ngắt nhịp 3/3 thì cảm tưởng như có tiếng đêm, có bàn tay bóc lịch và đôi mắt buồn rười rượi. Căn bệnh "đứng đi trên lửa, nằm ngồi trên than" (Xuân Diệu) cứ dày vò mãi, vậy nên có trách cứ, giận hờn một chút thì cũng là điều dễ hiểu.
 
Thòi gian và nỗi nhớ mong bỏng cháy ấy được tác giả cụ thể hóa bằng bốn câu thơ:
 
"Tương tư thức thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau".
 
Giọng thơ kể lể là giọng điệu của kẻ đã bị mũi tên thần ái tình làm cho bị thương, cứ ôm lấy trái tim đang quặn thắt. Phương thuốc duy nhất để chữa trị là ước mong gặp mặt để thỏa lòng nhớ thương. Câu hỏi "bao giờ” cứ vấn vít mãi... Chàng trai mượn những ẩn dụ quen thuộc để bày tỏ nỗi niềm khát khao gặp gỡ. Biết rằng nàng là "hoa khuê các", ta là "bướm giang hồ" nhưng lại tình nguyện làm bến đợi chờ mong đò nàng đỗ bến. Sự phi lí và mâu thuẫn ấy chỉ có trong khoảnh khắc gọi là: "tương tư".
 
Đỉnh cao của "tương tư" là khát khao lứa đôi sum vầy:
 
"Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng,
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?".
 
Đến đây, ngôi nhân xưng có sự thay đổi quan trọng. Từ "một người", "tôi" - "nàng", "bên ấy" - "bên này , "ai"..., đến "anh” - "em". Giọng điệu thơ vì thế cũng biến đổi từ trịnh trọng "tôi yêu nàng" sang căng thẳng, u sầu để rồi ngọt ngào, nồng ấm. Sự phức tạp của tâm trạng liệu có phải là cây đàn muôn điệu ca ngợi tình yêu? Hình ảnh "giàn giầu", "hàng cau liên phòng,” xuất hiện chẳng khác nào cây cầu liên điệu rút gần khoảng cách của yêu tin.. Nó hé mở một đám cưới truyền thống như chàng trai nào đã ngỏ lời với người con gái yêu thương bằng cách trả ơn khâu áo: "Ciúp em quan tám tiền treo - Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau". Nhà thơ của chúng ta không cần một cái cớ nào để thể hiện tình cảm nhưng lại mượn "thôn Đoài", "thôn Đông", "cau liên phòng", "giầu không" để gửi gắm nỗi nhớ mong thầm kín. Câu hỏi cuối cùng buông ra tưởng chừng rất vu vơ mà lại gói cả tấm chân tình của chàng trai. "Cau thôn Đoài" tất nhiên là "nhớ giầu không thôn Đông" rồi, vậy mà vẫn cứ hỏi. Câu hỏi ấy là để dành cho cô gái, để thăm dò ý cô thôi. Và ta có quyền tin tưởng rằng chàng sẽ tìm được chìa khóa mở cửa trái tim cô. Những khoảnh khắc tương tư trong sáng, hồn hậu ấy sẽ mở đường cho cột mốc quan trọng khi tình yêu đến từ hai phía.
 
Tình yêu là cung bậc cảm xúc ngàn đời của con người. Thế nhưng nó không bao giờ cũ, mà lúc nào cũng tươi mới. Thơ ca viết về tình yêu mà mãi là dòng suối ngọt lành tưới mát tâm hồn con ngươi. Những vần thơ tương tư của Nguyễn Bính từ khi ra đời đã chiếm được một vị trí quan trọng trong những trái tim khao khát yêu thương. Một thứ thơ dịu nhẹ, hồn nhiên, trong sáng, Khi đã cất lên thì chẳng khác nào ngọn lửa một ngọn lửa đốt cháy và soi sáng" (L.Tônxtôi) để con người hướng tới hạnh phúc đích thực.
 
Đọc Tương tư của Nguyễn Bính ta cảm giác như được lạc bước vào bầu không khí chân quê của những hoa chanh, hoa bưởi, những đêm tát nước đầu đình, gàu sòng lấp lánh ánh trăng... Những vần thơ ấy đậm đà âm hưởng dân gian để rồi khi rời trang sách thì bất tử trong lòng quần chúng.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây