Văn học cũng như những nguồn nước đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Và hằng ngày tiếng sóng thuỷ triều vẫn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường đến với trang thơ. Những sự chuyên chở ấy có bao giờ ngừng nghỉ, cũng như mảnh đất hiện thực có bao giờ vơi đi khi người nghệ sĩ đến đó để chở nắng gió cuộc đời tưới mát muôn cây. Thơ ca phải gắn mình vào nguồn mạch cuộc sống và nhịp nối giữa thơ với cuộc đời chính là tâm hồn, trí tuệ nhà thơ. Nhà phê bình người Nga Biêlinxky thế kỷ 19 khi bàn về thơ đã viết: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Người làm thơ, bình thơ xưa và nay đã bộc lộ rất nhiều quan niệm về thơ. Có người cho thơ là “thần hứng” (Platông), là “ngọn lửa thần”, “là cơn điên loạn thần thánh”, “thơ là sự tuôn trào bột phát những tình cảm mãnh liệt”. Riêng với Bêlinxki nhà phê bình không quan niệm thơ ca phải thuộc về một cõi huyền nhiệm, mông lung, diệu vợi; thơ ca lại càng không phải là “một thứ nghề chơi”, là trò đùa của cảm hứng. Thơ gần gũi mà thân thiết biết bao, thơ gắn với cuộc đời ta đang sống, thơ phản ánh cuộc đời theo quy luật văn chương. Cái trước hết của thơ chính là cuộc đời và để cho cuộc đời là cuộc đời trong trang sách, thơ còn phải dừng lại “sau đó là nghệ thuật”.
Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận của tâm hồn nghệ sĩ. Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung bao giờ cũng đi ra từ cuộc đời, cũng lớn lên từ hiện thực và rồi từ đó cánh diều nghệ thuật sẽ nhờ gió đời mà cất cánh bay cao. Sẽ chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép; sẽ chẳng có thơ khi người làm thơ không tìm được sợi dây giao nối với cuộc đời, không tìm đến những cánh đồng phì nhiêu để từ đấy hạt giống thơ ca được ươm trồng, nảy nở. Lục Du đời Tống người đã viết hàng trăm câu thơ lúc sắp mất đã tâm sự với con, lời tâm sự của một hồn thơ đi trọn cuộc đời mới hiểu cái lẽ “công phu của thơ là ở ngoài thơ”. Sức nặng của những trang thơ lại chính từ cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia. Nhà thơ phải đến đó để viết lên từ thứ mực được chưng cất từ chính cuộc sống. Gắn với cuộc sống, đấy là đặc trưng thẩm mỹ của văn học, của tác phẩm văn chương mà nhịp nối là nhà văn - chủ thể sáng tạo. Cuộc sống với những hiện tượng phong phú, phức tạp vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn mạch nuôi dưỡng văn học. Quay lưng lại với cuộc sống, mải mê với chuyện đúc chữ, luyện câu mọi giá trị văn chương chỉ còn là thứ kỹ xảo. Danh sĩ Lê Quý Đôn từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì vĩ thì không làm thơ được”. Có thể nói cuộc đời là mạch sữa ngọt ngào nuôi lớn thi ca, cuộc đời là nguồn nhựa sống dạt dào không bao giờ vơi cạn. Còn nhớ Xuân Diệu khi xưa đã “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”, niềm khát khao giao cảm với đời của thi nhân tưởng như đóng chặt:
“Ta là một là riêng là thứ nhất
Không có ai bè bạn nói cùng ta”
Thế nhưng cuộc sống mới chan hoà hơi thở ấm nóng của cách mạng đã như những đợt sóng đánh tan toà lâu đài nghệ thuật , đưa nhà thơ trở về với nhân dân, sung sướng đón nhận nguồn cảm hứng thi ca từ cuộc đời đem lại:
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao.”
Cuộc sống mênh mông vô tận sẽ là nơi cung cấp chất liệu cho thơ. Cuộc sống với hơi thở ấm nóng sẽ tô điểm cho những câu thơ, cho nghệ thuật: “Hãy nhặt lấy chữ ở đời mà viết nên trang” (Chế Lan Viên). Thơ ca khởi nguồn từ cuộc đời nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc sống, bóng dáng con người. Thơ mang trong mình những buồn vui, đau khổ, rạo rực đắm say. Thơ nói riêng và văn chương nói chung sẽ làm nên nhịp cầu nỗi trái tim trở về với trái tim, đưa tâm hồn đi tìm những điệu hồn đồng điệu.
Khi Platông cho rằng: “thơ là thần hứng” thì phải chăng đấy chính là sự thần bí hoá thơ ca? Bởi vì không thể có thi sĩ sống ngoài cuộc đời, sống ngoài những buồn vui đau khổ của hiện thực. Những xao động của nắng gió cuộc đời sẽ khơi nguồn cảm hứng và người thi sĩ chỉ ghi lại tiếng lòng của mình trong phút giây rung động, đắm say. Chế Lan Viên nhà thơ từng “đóng cửa phòng văn hì hục viết” đã tâm sự:
“ Bài thơ anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa để mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh nhưng nó là mùa”
Đó phải chăng là chiêm nghiệm, là ngẫm suy của một nhà thơ hơn ai hết hiểu cái lẽ:
“Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi
Hãy nhặt chữ của đời mà góp nên trang”
Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và “cái tôi” nhỏ bé của người nghệ sĩ, thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng vỏ bào (Sautopxki). Nhà thơ phải như chàng trai Samet đi nhặt những “hạt bụi” quý trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên một “bông hồng vàng” giá trị, bông hồng vàng đem lại niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc thơ, hiểu thơ và yêu thơ.
Tuy nhiên khi Bêlinxki nhận xét: “Thơ, trước hết là cuộc đời” thì liệu cuộc đời ấy có phải là toàn bộ cuộc sống bao la vô tận ngoài kia?. Thơ ca “là cuộc đời” nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn bóng hình cuộc sống. Nhà thơ cũng như con ong chỉ đi hút Lấy chất mật tinh tế để làm nên mật ngọt cho đời:
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật.
Một mật ngọt thành, đòi vạn chuyến ong bay”.
Có người suốt gần nửa đời làm thơ đã tâm sự: “Đừng cậy thời đại oai hùng nếu tâm hồn anh quá bé” (Chế Lan Viên). Không phải cứ miêu tả hiện thực vĩ đại là tác phẩm trở nên kì vĩ. Nguyễn Du trước ta hai thế kỷ từng viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Có lẽ phải có cái “tâm” của người cầm bút, phải có sự xúc động của nhà thơ trước cuộc đời thì thơ ca mới trở thành thơ ca, thơ ca mới không đơn thuần là hành động chép sử. Tâm hồn nhà thơ chính là “cửa ải” để từ đó hiện thực cuộc sống vào đến trang thơ. Bằng trải nghiệm của lòng mình, bằng sự nhập thân giữa nhà thơ với cuộc đời, chính hương phấn cuộc đời và tấm lòng nhà thơ sẽ giao thoa mà làm nên nghệ thuật. Trên đỉnh núi Odenzơ kì diệu, nơi có những vòm hoa thạch thảo tim tím nên thơ, Andecxen đã nhặt lấy những hạt giống trên luống đất người dân cày mà dệt lên những bài ca bất tận. Những phù sa của một dòng sông Mixixipi miền Tây nước Mỹ đã bồi đắp, bồi đắp mãi cho trang văn Mac Tuên. Để rồi đến bây giờ hơi ấm và chất mặn nồng của con người miền Tây vẫn ám ảnh ta, gợi cho ta nhớ về những chuyến phiêu lưu, những cuộc đời ưa mạo hiểm.
Cả Andecxen, cả Mac Tuên đều tìm đến với cuộc đời, một cuộc đời mà mình từng gắn bó, yêu thương. Và có lẽ chính tự gắn bó sâu nặng ấy đã đem đến thành công trong trang văn, trang nghệ thuật. Thơ ca phải gắn liền với cảm xúc của người làm thơ. Thi sĩ không chỉ viết bằng “những điều trông thấy” mà phải bằng chính “nỗi đau đớn lòng”. Cuộc sống trong xã hội phong kiến xưa đã được Nguyễn Du thể hiện qua truyện Kiều bằng sự đồng cảm chân thành.
Khi Bêlinxki nói “Thơ trước hết là cuộc đời” thì ẩn đằng sau đây điều mà ông không nói thành lời chính là yêu cầu: cuộc đời mang theo dấu ấn cuộc đời phải được ghi lại bằng trải nghiệm, bằng xúc động của nhà thơ.
Cuộc sống Kinh Bắc, miền quê yên bình với những con người chăm chỉ, hiền hoà đã bao ngày ngủ yên trong tâm can Hoàng cầm; để rồi chỉ đến khi nghe tin làng quê bị chiếm giữ, xúc cảm trào dâng và một “Bên kia sông Đuống”, mới thành hình:
“Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì”
Cấu trúc thơ, hay cấu trúc cảm xúc “bên kia” , “bên này”, quá khứ hay hiện tại cứ đan xen và nhập nhoè trong tiềm thức nhà thơ. Và một bờ sông của ngày xưa lung linh sắc trắng cứ dần hiện hữu.
Chế Lan Viên viết “Tiếng hát con tàu” khi chưa lên Tây Bắc nhưng chính tình yêu với mảnh đất, con người, chính tiếng lòng thiết tha, rạo rực khiến bài thơ mãi còn nguyên giá trị. Người ta vẫn thấy một ân tình Tây Bắc với những con người Tây Bắc là anh du kích, là em liên lạc, là mế “lửa hồng soi tóc bạc” nhắc nhở ta trong cuộc sống lao động và chiến đấu hôm nay.
“Thơ trước hết là cuộc đời” Bêlinxki đã nói đến gốc rễ, cội nguồn của thơ. Mỗi bài thơ như một cây non phải bám rễ vào cuộc đời và nhà thơ bằng xúc cảm, bằng rung động, bằng sự gắn bó với cuộc đời sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực cho thơ, nuôi lớn những vần thơ.
Nhận định của Bêlinxki nhấn mạnh yếu tố “trước hết” của thơ ca chính là cuộc đời. Nhưng bên cạnh cội nguồn sáng tạo là cuộc đời, thơ còn phải tuân theo những quy luật riêng của nó. Xuân Diệu từng biết “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. “Thơ còn là thơ nữa” phải chăng chính là nghệ thuật làm thơ. Phiến nghệ thật, thơ chỉ là những hạt ngọc chưa được mài dũa. Thơ ca cũng như những cánh diều, cuộc đời tạo cho cánh diều hình hài sức vóc và nghệ thuật sẽ làm gió nâng cánh diều mãi mãi bay cao.
Người đọc xưa và nay đã từng để lòng mình nương gửi theo những khúc hát ca dao:
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”
Người đọc chỉ nương theo hiện thực một cảnh tát nước để lơ lửng cùng với muôn sắc màu lấp lánh của hình ảnh, cùng với chất hữu tình của một cuộc tát nước đêm trăng.
“Sau đó mới là nghệ thuật”: nghệ thuật sẽ làm cho cuộc đời đẹp hơn và thơ chỉ đến với người đọc khi bên trong nó không chỉ có cái đẹp nội dung mà cần cả cái đẹp hình thức. Có không ít nhà thơ trong sáng tạo đã từng bỏ biết bao sức lực để lựa chọn ngôn từ, để lựa chọn bộ cánh cho thơ. Gia Đảo vì băn khoăn hai chữ “thôi”, “xao” mà chút nữa mất mạng. Còn Maiacôpxki từng nhận xét:
“ Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm Radium
Lấy một gam phải mất hàng ngàn năm
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ”
Nhà thơ phải “trả giá cắt cổ” cho ngôn ngữ thơ ca nếu muôn những vần thơ ấy trở nên bất tử, lao động nghệ thuật là hình thức lao động của trí óc con tim. Phải có những rung động mãnh liệt trước cuộc đời và những khám phá, sáng tạo độc đáo, ta mới có thơ ca chân chính. Người đọc truyện Kiều không chỉ yêu vì nó phản ánh một “đoạn trường tân thanh” xé ruột cắt lên từ quãng đời mười lăm năm lưu lạc. Người ta yêu truyện Kiều còn bởi là những ngôn ngữ gấm hoa giàu sức biểu cảm, vì giọng điệu mượt mà, vì tài nghệ nhà thơ trong những câu thơ vào loại tuyệt bút:
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”
Nếu chỉ cố gắng tìm hiện thực cuộc đời, tâm hồn dân tộc phản ánh trong những câu văn Nguyễn Tuân không phải không có lúc người đọc phải thất vọng, sở dĩ những trang văn Nguyễn Tuân mãi còn bất tử bởi vì ngòi bút tài hoa, uyên bác bởi tấm lòng nặng nợ với dân tộc đã thăng hoa trong những ngôn từ câu chữ. “Sau đó mới là nghệ thuật” nghệ thuật thơ trước hết nằm ở hình hài câu chữ, nằm ở ngôn từ sống động hay hình ảnh trong thơ.
Khác với ngành khoa học loại trừ cá biệt để tìm đến quy luật, bản chất; nghệ thuật là lĩnh vực của cái riêng, cái độc đáo. “Nghệ thuật là tài khoa học là chúng ta”. Để thơ trở thành thơ, để nghệ thuật trở thành nghệ thuật người làm thơ phải luôn ý thức: sáng tạo ra cái độc đáo. Không ai đòi hỏi một khuôn mẫu cho nghệ thuật, cũng không ai dạy nhà thơ phải phản ánh thế này, xúc động thế kia. Đấy là công việc của người làm thơ. “Sáng tác thơ là một việc do cá nhân thi sĩ làm, một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể”. Bởi vì mỗi tâm hồn là một “vương quốc riêng” mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần riêng của người nghệ sĩ nên thật khó tìm thấy sự trùng lặp trong sáng tạo. Khi nhà văn ý thức được sự thiêng liêng trong hai từ “nghệ sĩ” người làm thơ cũng phải ý thức được công việc của nhà thơ là phải đi tìm cho mình một cá tính sáng tạo. Bởi vì “tầm thường là cái chết của nghệ thuật”, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của thơ ca. Độc đáo luôn là yêu cầu muôn đời của văn chương, nghệ thuật. Thơ ca viết về mùa thu xưa và nay có rất nhiều. Một “rừng phong hạt móc sa” của Đỗ Phủ, một “Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm” của Lê Thánh Tông, một mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến, Tản Đà ... có cảm tưởng như biết bao vẻ đẹp về mùa thu đều được nói cả rồi. Vậy mà đến Xuân Diệu, nhà thơ vẫn tìm cho mình một cách nói riêng:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới ! Mùa thu tới !
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
Xuân Diệu không tả mùa thu mà ghi lại cảm nhận, ghi lại khoảnh khắc giao mùa kì diệu với bước đi của thời gian, trong bước chuyển đổi không gian huyền hồ, tinh tế: Đây - mùa - thu - tới. Hiện thực mùa thu khi đi qua tâm hồn Xuân Diệu đã in đậm dấu ấn của một tiếng lòng nồng nhiệt, khao khát. “Xuân và Thu” đều là hai bình minh ấm của lòng tôi? Và rồi từ điểm nhìn ấy, con chim hoạ mi Xuân Diệu đậu trong bóng tối để: “hót ra bằng tiếng hót ngọt ngào”.
Thơ phản ánh một cuộc đời, số phận nhưng cuộc đời ấy đã đi qua một tâm hồn một trí tuệ người làm thơ. Vì vậy mà “càng cá thể càng độc đáo càng hay”. Lại nghĩ về Hoàng Cầm trong những vần thơ Bên kia sông Đuống. Vẫn là một cảm hứng về quê hương đất nước tưởng đã quen trong thơ Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Giang Nam, ... thế mà người thơ vẫn tìm thấy cảm hứng riêng, cách thể hiện riêng độc đáo phải chăng hiện thực về miền quê đau thương trong kháng chiến đã đi qua tâm hồn người con xa xứ. Và chính nỗi đau ám ảnh nhà thơ, chính tiếng lòng khắc khoải: “khấn lạy mẹ, con trở về Kinh Bắc” đã đưa cuộc tuần du của Hoàng cầm đẩy chiếc xe thơ trở về Bên kia sông Đuống:
“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến
trường kì”
Bằng ẩn ức riêng, hiện thực nơi thơ Hoàng cầm đã cơ hồ dấy lên thành những miền lưu viễn tâm linh. Lại nhớ đến nước Nga, khi mói đến làng văn, Tsêkhôp đã tự coi mình là môn đệ trung thành của chủ nghĩa hiện thực LépTônxTôi . Để rồi sau đấy nhà văn tâm sự: Tônxtôi đã đi khỏi rồi không còn ngự trị trong tâm hồn tôi nữa. Trước khi đi ông nói với tôi rằng: từ nay tôi để lại ngôi nhà của anh trông rỗng, tôi đã thoát được khỏi sự ở trọ này. Nhà văn đã đi tìm mình đi tìm một cách thể hiện mới: chủ nghĩa hiện thực tâm lý. Và rồi chỉ đến khi đó những tác phẩm của Tsêkhôp mới còn sống mãi trong lòng bạn đọc mai sau.
Khi Biêlinxky nói: “Sau đó mới là nghệ thuật” thì có lẽ nhà phê bình muốn khẳng định, dù phản ánh cuộc sống thế nào thơ ca vẫn phải tuân theo quy luật sáng tạo của nó. Thơ vẫn là sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, vừa là sự độc đáo của cá tính sáng tạo riêng của người nghệ sĩ.
“Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Bêlinxki đã hoàn toàn đúng đắn khi định nghĩa về thơ. Có thể đây chưa phải là định nghĩa cuối cùng và duy nhất đúng cho thơ ca nhưng mãi mãi ý kiến đó sẽ con nguyên giá trị. Nhà thơ hãy đến với cuộc đời rộng lớn ngoài kia để bằng xúc cảm nhặt lấy những tinh chất cuộc đời. Và những tinh chất quý, bằng tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ sẽ làm cho cuộc đời ấy đi vào trong thơ trở nên bất tử, cho tác phẩm thơ và tên tuổi người nghệ sĩ còn sống mãi với thời gian.
Tôi còn nhớ trong “Lẵng quả thông” - nhà soạn nhạc Eduagiđơ đã tặng Đanhi một bản nhạc nhân cô 18 tuổi. Bản nhạc ấy khiến cô nghe thấy tiếng động của biển quê, tiếng tù và lưng núi, tiếng rừng thông vi vu gió thổi ... Tất cả đã làm cháy lên trong cô khát khao hạnh phúc: “hỡi cuộc sống ta yêu người”, nó giúp chú Ninxơn hiểu rằng: “cuộc đời cháu ông sẽ không trôi qua vô ích”.
Có lẽ tác phẩm nghệ thuật chân chính là như vậy chăng? Nó tưới mát tâm hồn ta, nó giúp ta thấy được cuộc đời ta đang sống. Bằng giai điệu dịu dàng, êm nhẹ nó sẽ còn đọng mãi trong ta những bài ca, những bản tình ca êm ái. Và nên chăng mọi sáng tác thơ ca hãy nên như một bản nhạc của Eduagidơ với sức hấp dẫn trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật. Đúng như ý kiến của nhà phê bình Bêlinxki: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.